Bối cảnh chung
Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương chính sách, biện pháp thích hợp về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, xác định CNTT là một trong các động lực quan trọng góp phần bảo đảm sự tăng trưởng và phát triển bền vững của đất nước, nâng cao tính minh bạch trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Việc đảm bảo cho các tổ chức, cá nhân truy cập và khai thác hiệu quả thông tin trên cổng thông tin điện tử (Cổng TTĐT) của cơ quan nhà nước đã được thể hiện trong các quy định tại Điều 27, 28 của Luật Công nghệ thông tin và Điều 20 của Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ. Để đảm bảo việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước được dễ dàng và nhanh chóng, ngày 13/6/2011 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước. Đây được xem là những động thái tích cực nhằm đưa người dân và doanh nghiệp đến gần hơn với Chính phủ thông qua qua môi trường điện tử. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế trong việc truy cập, tìm kiếm thông tin, đặc biệt là chưa đa dạng hóa việc cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến trên môi trường điện tử để thu hút người dân và doanh nghiệp tham gia sử dụng.
Theo số liệu thống kê, tính đến đầu năm 2017, dân số của Việt Nam vào khoảng ~ 96 triệu người, tỷ lệ tuổi trung bình dân số là 31 tuổi, trong đó có gần 50 triệu người sử dụng Internet và phần lớn trong số đó sử dụng điện thoại thông minh. Việc sử dụng các thiết bị di động thông minh đang trở nên phổ biến trong mọi tầng lớp xã hội ngày nay. Theo kết quả nghiên cứu thị trường năm 2016 của công ty Warc – chuyên nghiên cứu hiệu quả quảng cáo và truyền thông có trụ sở tại Anh, 93% người Việt đang sở hữu thiết bị di động, 44 % trong số đó là điện thoại thông minh. Theo báo cáo gần đây nhất của Jay Hartwell, giảng viên chuyên tư vấn truyền thông của đại học Hawaii và Tạp chí văn học Hawaii Review thì con số người Việt sử dụng điện thoại di động thông minh đã tăng lên hơn 55% dân số. Tuy nhiên hầu hết Cổng TTĐT của các cơ quan nhà nước hiện nay chưa có giao diện dùng riêng cho các thiết bị di động thông minh. Kết quả khảo sát trực tiếp Cổng TTĐT tại 63 tỉnh, thành phố năm 2016 của Cục Tin hóa – Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, 59 tỉnh, thành phố Cổng TTĐT chưa có giao diện dùng riêng cho các thiết bị di động. Một số Cổng TTĐT của các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Bình Dương, ... đã có giao diện dùng riêng cho các thiết bị di động thông minh, nhưng giao diện này mới chỉ ở dạng tối thiểu là cung cấp thông tin mà chưa có khả năng cho phép người sử dụng tương tác trên giao diện để truy cập dịch vụ công trực tuyến thông qua các thiết bị di động thông minh.
Dựa trên hiện trạng và các số liệu thống kê nêu trên, tác giả bài viết sẽ giới thiệu nội dung của thiết bị di động trong Hướng dẫn truy cập nội dung Web (Web Content Accessibility Guidelines 2.0 gọi tắt là WCAG 2.0) và hai trong bốn nguyên tắc chủ yếu về thiết kế dành cho thiết bị di động của tổ chức W3C để các cơ quan nhà nước có thể tham khảo và áp dụng thực tế cho Cổng TTĐT của cơ quan mình, cụ thể nội dung như sau:
Ý nghĩa, nội dung của trong WCAG 2.0 dành cho thiết bị di động
“Di động” là thuật ngữ chung cho một loạt các thiết bị và ứng dụng không dây dễ dàng mang theo và sử dụng trong một loạt các cài đặt, bao gồm cả ngoài trời. Các thiết bị di động bao gồm từ các thiết bị nhỏ cầm tay (ví dụ như điện thoại tính năng, điện thoại thông minh ) đến các thiết bị máy tính bảng lớn hơn. Thuật ngữ này cũng được áp dụng cho các thiết bị “có thể đeo được” như kính “thông minh”, đồng hồ "thông minh ", và có liên quan đến các thiết bị điện toán nhỏ khác như các thiết bị được gắn vào bảng điều khiển ô tô, lưng ghế máy bay, và các thiết bị dùng trong gia đình. Do vậy cần có hướng dẫn truy cập mới khác, trong thực tế không có sự phân biệt tuyệt đối giữa các nhóm thiết bị , ví dụ như:
- Hiện nay nhiều thiết bị máy tính để bàn/ máy tính xách tay có kiểm soát cử chỉ màn hình cảm ứng,
- Nhiều thiết bị di động có thể kết nối với bàn phím và chuột ngoài,
- Các trang web sử dụng thiết kế đáp ứng có thể chuyển đổi để phù hợp với các kích thước màn hình khác nhau thậm chí trên một máy tính để bàn/ máy tính xách tay khi khung nhìn trình duyệt thay đổi kích thước hoặc được phóng to lên.
- Hệ thống hoạt động di động đã được sử dụng cho các thiết bị máy tính xách tay.
- Hơn nữa, phần lớn các mẫu giao diện người dùng từ hệ thống máy tính để bàn/ máy tính xách tay (ví dụ văn bản, siêu liên kết, các bảng biểu, các nút, menu pop -up, …) tương đối tương thích với các thiết bị di động. Vì vậy, không có gì là ngạc nhiên khi nhiều công nghệ của WCAG 2.0 có thể ứng dụng với các ứng dụng và nội dung di động. Nhìn chung, WCAG 2.0 rất phù hợp với cả các ứng dụng và nội dung di động dành cho web và phi web.
Điều đó cho thấy rằng, các thiết bị di động trình bày một sự kết hợp của các vấn đề liên quan đến truy cập khác với máy tính để bàn/ máy tính xách tay điển hình. Nguyên tắc sau đây giải thích những vấn đề có thể được giải quyết trong bối cảnh của WCAG 2.0 để có thể có thêm những thực tiễn tốt nhất. Tất cả những chỉ dẫn trong tài liệu này có thể được áp dụng cho các website dành cho các thiết bị di động, các ứng dụng web dành cho thiết bị di động và các ứng dụng lai gốc web, cụ thể hai trong bốn nguyên tắc chính mà W3C đã hướng dẫn thiết kế website dành cho thiết bị di động sẽ được tác giả bài viết giới thiệu trong phần tiếp theo.
Tài liệu tham khảo
- Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước;
- Thông tư 32/2017/TT-BTTTT ngày 15/11/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước;
- W3C, Web Content Accessibility Guidelines (WCAG) 2.0, https://www.w3.org/TR/2008/REC-WCAG20-20081211/;
- W3C, Mobil Web Best Practices, https://www.w3.org/TR/mobile-bp/;
Lê Tiến Dũng
(còn tiếp)