Đang xử lý.....

Một số định hướng về liên thông trong chính phủ điện tử Việt Nam được rút ra từ kinh nghiệm của một số nước trên thế giới  

Việc kết nối các hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước với các đơn vị khác tùy theo yêu cầu cụ thể mà sẽ có những hình thức phù hợp theo quy mô, cấp kết nối. Các kết nối này gồm hình thức trực tiếp, kết nối qua nền tảng chia sẻ, tích hợp của Bộ/Tỉnh hoặc kết nối qua hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương. Nhằm mục đích tuyên truyền nền tảng kết nối, tích hợp chia sẻ địa phương LGSP, tạo ra một môi trường công nghệ thông tin thống nhất, thì một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của Chính phủ điện tử là yếu tố liên thông. Liên thông là nền tảng để xây dựng Chính phủ điện tử theo Khung kiến trúc chuẩn được ban hành tại văn bản số 1178/BTTTT-THH ngày 21/4/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thứ Tư, 05/10/2016 834
|
  1. Từ những năm đầu của thế kỷ XX, một số quốc gia có trình độ ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông và phát triển chính phủ điện tử cao trên thế giới đã xem liên thông là một trong những cách tiếp cận để thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử.

    Liên thông sẽ nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ, tiếp cận dịch vụ, sự tích hợp giữa các dịch vụ và nâng cao khả năng quản lý và bảo trì công nghệ. Từ góc nhìn của các nhà hoạch định chính sách, khả năng liên thông trong chính phủ điện tử sẽ cải thiện việc thu thập và phân tích dữ liệu, dẫn đến việc ra quyết định hiệu quả hơn dựa trên những thông tin chính xác hơn. Cải thiện khả năng liên thông cũng làm tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm công, tạo ra nhiều kết quả hơn trong việc điều hành tổng thể.

    Ủy ban nghị viện Châu Âu đã xác định “Liên thông là khả năng của các hệ thống công nghệ thông tin - truyền thông và của quy trình nghiệp vụ hỗ trợ cho trao đổi dữ liệu và cho phép chia sẻ thông tin và tri thức”.

    Chính phủ Vương quốc Anh định nghĩa “Liên thông là sự trao đổi chính xác các thông tin và dịch vụ giữa các hệ thống, cho phép thay thế bất kỳ thành phần hay sản phẩm nào được sử dụng trong các điểm kết nối, bằng những đặc tả tương tự nhưng không phá vỡ các chức năng của hệ thống”.

    Chính phủ Úc đưa ra khái niệm “Liên thông là khả năng chuyển và sử dụng thông tin theo một phương thức hiệu quả và thống nhất giữa các hệ thống công nghệ thông tin và các tổ chức”.

    Chính phủ New Zealand cũng nhận định rằng “Liên thông là việc Chính phủ có thể làm việc với nhau và sử dụng các tiêu chuẩn phổ biến để đảm bảo các cơ quan và các đối tác có thể làm việc với nhau và người sử dụng có thể truy cập đến thông tin và dịch vụ của Chính phủ”.

    Chính phủ Vương quốc Anh là quốc gia tiên phong xây dựng và ban hành Khung liên thông chính phủ điện tử chính thức từ tháng 10/2000 (được sửa đổi lần đầu vào tháng 4/2001) và hiện nay dừng lại ở phiên bản 6.1 được công bố vào tháng 3/2005.

    Chính phủ New Zealand là quốc gia tiếp theo công bố Khung liên thông chính phủ điện tử từ tháng 02/2002, phiên bản mới nhất được công bố là phiên bản 3.3 vào tháng 02/2008.

    Chính phủ Hồng Kông công bố Khung liên thông Chính phủ bắt đầu vào tháng 11/2002, từ đó đến nay, hàng năm, Chính phủ Hồng Kông đều cập nhật và công bố phiên bản kế tiếp, phiên bản mới nhất là phiên bản 11 được công bố vào tháng 12/2012.

    Từ tháng 12/2004 đến nay, hàng năm, Chính phủ Braxin đều công bố các phiên bản được cập nhật bổ sung, phiên bản 2013 được công bố vào tháng 12/2012.

    Các phiên bản Khung liên thông Chính phủ của các quốc gia thường được cập nhật, bổ sung hoặc loại bỏ các tiêu chuẩn cho phù hợp với tình hình thực tế.

    Khung liên thông Chính phủ đầy đủ xác định 3 định hướng liên thông, đó là:

    1. Liên thông về mặt tổ chức/quy trình nghiệp vụ (organizational interoperability/business process interoperability): xác định các mục tiêu nghiệp vụ, mô hình hóa các nghiệp vụ nhằm mang lại sự cộng tác giữa các cơ quan quản lý.

    2. Liên thông về mặt ngữ nghĩa/thông tin (semantic interoperability/information interoperability): bảo đảm ý nghĩa chính xác và ứng dụng có thể hiểu được thông tin được trao đổi.

    3. Liên thông về mặt kỹ thuật (technical interoperability): bao gồm danh sách các tiêu chuẩn kỹ thuật, đồng thời là các nguyên tắc, hướng dẫn tuân thủ, áp dụng nhằm mục đích trao đổi thông tin, dữ liệu thông suốt, tạo ra sự kết nối liên tục giữa các cơ quan nhà nước.

    Hiện nay ở Việt Nam, khái niệm chính thức về liên thông, khung liên thông cũng như các tiêu chí đánh giá mức độ liên thông giữa các hệ thống thông tin chưa được quy định trong văn bản pháp lý nào. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện những hoạt động thúc đẩy tính liên thông giữa các cơ quan nhà nước bằng việc triển khai nghiên cứu các giải pháp và ban hành các tiêu chuẩn ứng dụng công nghệ thông tin và một số văn bản hướng dẫn liên quan. Chẳng hạn như:

    Ngày 09/4/2008 Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký Quyết định số 19/2008/QĐ-BTTTT ban hành Quy định áp dụng tiêu chuẩn về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước; và Quyết định số 20/2008/QĐ-BTTTT ban hành Danh mục tiêu chuẩn về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước: nhằm đảm bảo kết nối thông suốt, đồng bộ và thúc đẩy khả năng chia sẻ, trao đổi thông tin an toàn, thuận tiện giữa các cơ quan nhà nước và giữa các cơ quan với tổ chức, cá nhân.

    Để đảm bảo sự ổn định và an toàn của các hệ thống thông tin trong cơ quan nhà nước và cập nhật sự phát triển của công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 01/2011/TT-BTTTT ngày 09/4/2008 công bố Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước thay thế Quyết định số 20/2008/QĐ-BTTTT.

    Tiếp đó, ngày 06/02/2012 Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Công văn số 269/BTTTT-ƯDCNTT về việc giải thích việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật chính sử dụng cho hệ thống cổng thông tin điện tử và hệ thống thư điện tử.

    Nhằm tăng cường khả năng đăng tải, trao đổi, lưu trữ thông tin số của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 19/2011/TT-BTTTT ngày 01/7/2011 quy định về áp dụng tiêu chuẩn định dạng tài liệu mở trong cơ quan nhà nước.

    Để xây dựng được chính phủ điện tử liên thông, Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử đã nêu ra 3 nhiệm vụ chính cần thực hiện là:

    Liên thông các văn bản điện tử từ xã, huyện, tỉnh cho tới trung ương;

    Thu hút người dân và các doanh nghiệp tới các dịch vụ công được tích hợp lên cổng quốc gia; và

    Tìm nguồn vốn có cơ chế thích hợp để xây dựng hệ thống phục vụ nội bộ chính phủ cũng như hệ thống phục vụ người dân và doanh nghiệp.

    Từ những nhận định về liên thông của Ủy ban Châu Âu, Vương quốc Anh, Úc, New Zealand, chúng ta rút ra được định hướng về liên thông trong chính phủ điện tử Việt Nam chính là:

    Liên thông cho phép các cơ quan nhà nước phối hợp tốt hơn trong các kế hoạch và cung cấp dịch vụ công, cải thiện chất lượng dịch vụ, truy cập dịch vụ, tăng cường khả năng cộng tác giữa các dịch vụ sẵn có, giữa các cơ quan nhà nước.

    Liên thông giúp quá trình ra quyết định hiệu quả và điều hành tốt hơn do liên thông cho phép dữ liệu được nhiều cơ quan khác nhau xử lý cùng sử dụng, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của cá nhân.

    Liên thông là cơ sở của dịch vụ một cửa, người dân là trung tâm thông qua các kênh truy cập khác nhau.

    Liên thông cũng thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong giải quyết các vấn đề xuyên biên giới như xử lý tội phạm, các vấn đề về môi trường...

    Đạt được liên thông sẽ giúp giảm và tiết kiệm chi phí, tận dụng hệ thống sẵn có cũng như giảm sự phụ thuộc vào nhà cung cấp và giúp cải thiện việc thu thập dữ liệu và mua sắm công nghệ.

    Để đạt được liên thông trong chính phủ điện tử hiệu quả, nhất thiết cần phải giải quyết các bài toán liên thông giữa các cơ quan, đơn vị, Bộ, ngành, địa phương để việc tin học hóa các quy trình hành chính được đảm bảo thông suốt, an toàn, hiệu quả. Bài viết này đã đưa ra được một số định hướng về liên thông để từ đó đưa ra những khuyến nghị giúp cho các cơ quan, đơn vị có thể làm căn cứ xây dựng mô hình kết nối, liên thông tại địa phương hướng tới một Chính phủ điện tử hiệu quả.

    Tài liệu tham khảo

    1. Towards interoperability for European public services.

    2. Interoperability in the e-Gov Context.

    Lê Thị Thùy Trang