Đang xử lý.....

Làm thế nào để khai thác tối đa hiệu quả của công nghệ thông tin và truyền thông  

Đại dịch Covid-19 đã gây ra vô vàn tác động trên toàn cầu, nhưng một trong những tác động sâu rộng và phổ biến nhất là thế giới đang ngày càng hoài nghi về tương lai phía trước. Nhiều quốc gia đang trải qua làn sóng Covid-19 lần thứ hai và nó đang lấn át làn sóng đầu tiên vào đầu năm 2020; Những làn sóng mới này liên quan đến một số chủng vi rút đột biến, bao gồm các chủng ở Anh, Nam Phi và Brazil. Mặc dù nhiều loại vắc xin đã được phát triển trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng những vấn đề bất cập liên quan tới khả năng sản xuất và phân phối vắc xin đang xảy ra một cách rõ ràng.
Chủ Nhật, 28/11/2021 951
|

Đại dịch cũng đã chứng kiến quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số với tốc độ rất nhanh. Mức độ làm việc tại nhà vốn được dự đoán trước đó là sẽ chỉ xảy ra trong vài thập kỷ tới thì nay đã đạt được trong vài tuần. Liệu rằng tiêm chủng rộng rãi có đủ an toàn để các tổ chức và người lao động cân nhắc trở lại làm việc tại  các văn phòng tập trung và các mô hình làm việc truyền thống? Liệu các doanh nghiệp và nhân viên có thể đi đến một kết luận rằng những lợi thế của làm việc tại nhà đã đủ để biến hoạt động đó trở thành một ưu điểm lớn hơn trong công việc ở tương lai? Tất cả những câu hỏi chưa được trả lời này nhấn mạnh mức độ không chắc chắn xung quanh vấn đề đại dịch.

Và rõ ràng ứng dụng các công nghệ (ví dụ như các cuộc họp trực tuyến và hội thảo trên web) đã trở thành một sự thay thế trong thời gian giãn cách xã hội. Công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) có một vai trò to lớn trong việc giúp xã hội thích ứng với sự thay đổi của đại dịch. Điều này tác động đến chính phủ các quốc gia, các tổ chức hợp tác khu vực và các tổ chức phi chính phủ phải hợp tác với các bên liên quan trong ngành để bảo đảm rằng các công nghệ số được sử dụng hiệu quả nhất có thể để giảm bớt gánh nặng kinh tế và giảm bớt khoảng cách số trong xã hội. Bài viết này trình bày về những vấn đề cần được các quốc gia, chính phủ quan tâm và có những chính sách cụ thể để từ đó khai thác được toàn bộ tiềm năng và sức mạnh của CNTT-TT.

1. Giải quyết khoảng cách số

Khoảng cách số vốn là một vấn đề xã hội và kinh tế lớn trước thời điểm đại dịch Covid-19, nhưng sau Covid-19, nó đã trở thành một vấn đề lớn hơn nữa. Nỗ lực của các chính phủ, các nhà vận hành dịch vụ, các nhóm viện trợ và các tổ chức phi chính phủ hiện đang bị cản trở bởi áp lực bổ sung đối với các nhà khai thác và dịch vụ viễn thông do Covid-19 gây ra. Giải quyết các vấn đề về khoảng cách số đòi hỏi phải tập trung vào phạm vi địa lý và dân số của các khu vực không được cung cấp dịch vụ hoặc dịch vụ không đầy đủ. Trong khi đại dịch tạo ra thêm áp lực và thách thức, nó cũng hối thúc nhu cầu đẩy nhanh các thay đổi, chẳng hạn như phân bổ dải tần để sử dụng khẩn cấp ở các khu vực chưa được cung cấp dịch vụ.

2. Đào sâu kỹ thuật số

Khái niệm “đào sâu kỹ thuật số” được thúc đẩy chủ yếu bởi các suy tính về mặt  kinh tế, mục đích là tăng hiệu quả, năng suất và khả năng cạnh tranh của các vùng kinh tế trọng điểm, chủ yếu là các khu vực thành thị và ngoại ô, vốn là động lực tăng trưởng và phát triển kinh tế của hầu hết các quốc gia.

Liên quan đến các dịch vụ di động, như Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tổng hợp Mỹ (GSA) đã lưu ý gần đây, 5G tiếp tục là một trong những công nghệ di động được áp dụng nhanh nhất từ trước đến nay. Vào tháng 12 năm 2020, 135 nhà khai thác tại 58 quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai một hoặc nhiều dịch vụ 5G tuân thủ 3GPP. Đối mặt với đại dịch Covid-19 toàn cầu và gián đoạn kinh tế mà nó gây ra, nhiều dải tần đã được  cung cấp cho nền tảng 5G, nhiều mạng 5G đã được các nhà khai thác di động triển khai và nhiều thiết bị đáp ứng hỗ trợ công nghệ 5G đã được phát hành. Động lực này được phản ánh bởi sự tăng trưởng về đăng ký 5G trên phạm vi toàn cầu.

Ít được nhắc tới nhưng có vai trò hết sức quan trọng trên phạm vi toàn cầu là 806 nhà khai thác đang triển khai mạng 4G/LTE và cung cấp dịch vụ truy cập không dây di động/hoặc cố định tại 237 quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Chính các mạng 4G/LTE này đã tạo điều kiện cho cho các tương tác xã hội và kết nối trực tuyến an toàn trên toàn cầu. Hoạt động khai thác và vận hành các dịch vụ 4G/LTE tốc độ cao chất lượng bảo đảm việc học tập và làm việc có thể diễn ra tại nhà và guồng quay thương mại có thể tiếp tục vận hành vào năm 2020.

Để cung cấp thêm dải tần cho các dịch vụ không dây, một số quốc gia đã thông qua toàn bộ hoặc một phần quyết định của Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ vào tháng 4 năm 2020 về việc mở băng tần 6Ghz để áp dụng cho công Wi-Fi 6 sử dụng mà chưa cần phải xin cấp giấy phép. Kể từ tháng 1 năm 2021, phân bổ dải tần cho Wi-Fi 6E đã được phê duyệt ở Brazil, Chile, Hàn Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Hoa Kỳ và  một phần của Vương quốc Anh.

3. Chuyển đổi số một cách hiệu quả

3.1. ID số

Phát triển một nền kinh tế số và xã hội số không chỉ đơn giản là công nghệ, khả năng tiếp cận và kiến thức số. Chuyển đổi số toàn diện đòi hỏi những thay đổi về luật pháp, quy định, bản chất của hoạt động cung cấp dịch vụ và một loạt các quy trình kinh doanh và tổ chức. Tất cả các lĩnh vực này đều cần phải có sự thích nghi để các lợi ích của số hóa có thể được thể hiện một cách đầy đủ.

Công nghệ ID số có thể được triển khai nhanh chóng với giá rẻ ngay cả ở các nền kinh tế mới nổi. Ngoài các dịch vụ ID và thanh toán, chúng có thể được sử dụng để xác nhận tiêm chủng vắc xin. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là không chỉ ID số cung cấp khả năng tiếp cận nâng cao đối với một loạt các dịch vụ của Chính phủ mà còn có thể cải thiện đáng kể sự tham gia của nền kinh tế thông qua việc tiếp cận các dịch vụ tài chính số.

Ấn Độ

Aadhaar, một số duy nhất gồm 12 chữ số do Cơ quan Nhận dạng duy nhất của Ấn Độ cấp, là hệ thống ID sinh trắc học lớn nhất thế giới. Nó đã được sử dụng để trả trợ cấp và hỗ trợ thất nghiệp. Số tiền được chuyển trực tiếp vào tài khoản ngân hàng được liên kết với Aadhaar. Nhờ Aadhaar, hàng triệu lao động nhập cư đã được chính phủ trả lương khi Ấn Độ lâm vào tình trạng đóng cửa đột ngột. Aadhaar cũng đã bảo đảm quyền của người dân về yêu cầu thực phẩm trợ cấp được bảo vệ, bởi các yêu cầu và danh tính của họ được xác thực thông qua Aadhaar, thay vì để cho các cấp quản lý địa phương quyết định.

Indonesia

Indonesia đã sử dụng danh tính số kể từ khi Luật Giao dịch và Thông tin Điện tử được thông qua vào năm 2008. Lợi ích của chữ ký điện tử ở Indonesia, một quần đảo gồm hơn 17.000 hòn đảo, nơi mà mọi người khó tiếp cận với nhau, là rất đáng kể. Từ khi ra mắt vào năm 2016, PrivyID đã cung cấp ID số cho 4,5 triệu người dùng bằng cách kết nối ID Chính phủ với ảnh tự chụp sinh trắc học thông qua cơ sở dữ liệu của Tổng cục Dân số và Đăng ký Hộ tịch và Bộ Nội vụ Indonesia; điều này cho phép xác thực điện tử nhanh chóng và an toàn về danh tính của người dùng.

Giấy chứng nhận vắc xin coronavirus kỹ thuật số cho du lịch quốc tế

Trong những diễn biến khác, các thành viên ASEAN hiện đang xem xét chứng nhận vắc xin coronavirus số để tăng tốc độ mở cửa ngành du lịch, chứng nhận tiêm chủng sẽ được lưu trữ trên điện thoại thông minh. Đại diện từ tất cả 10 quốc gia thành viên, có tổng dân số hơn 660 triệu người, đã thảo luận về ý tưởng của chứng chỉ trong Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN vào đầu tháng 3 năm 2021.

Du lịch là ngành cốt lõi của phần lớn các nước trong khu vực ASEAN và ngành đã bị tổn hại nghiêm trọng do việc đóng cửa biên giới kéo dài, kéo nền kinh tế khu vực đi xuống. Theo dữ liệu từ Ban Thư ký ASEAN, 51 triệu lượt khách nội khối được ghi nhận vào năm 2019, chiếm 36% tổng số khách du lịch của khối. Bên cạnh du lịch, mối quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa các quốc gia đồng nghĩa với việc các công ty có nhiều văn phòng trên khắp khu vực, tạo ra nhu cầu đi công tác. Mở cửa du lịch cho những người đã được tiêm chủng vắc xin phòng ngừa Covid-19 có thể giúp hồi sinh thị trường trong khu này.

Các quốc gia và khu vực khác đã đưa ra hoặc đang xem xét cân nhắc các chứng nhận như vậy, thường được gọi là "Hộ chiếu vắc xin". Lý tưởng nhất là các chứng nhận số này sẽ cho phép các cơ quan chức năng nhanh chóng kiểm tra xem liệu những du khách tương lai đã được tiêm phòng hay chưa và có những định hướng thúc đẩy nền kinh tế du lịch.

Liên minh Châu Âu

EU đang đề xuất Thẻ xanh kỹ thuật số, chứng nhận rằng một cá nhân đã được tiêm chủng và hiển thị kết quả xét nghiệm cho những người chưa được tiêm chủng. Theo Ủy ban Châu  Âu, Thẻ xanh kỹ thuật số sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của người châu Âu, dần dần cho phép họ di chuyển an toàn trong EU hoặc ra nước ngoài để làm việc hoặc du lịch.

Trung Quốc

Trung Quốc đã đưa ra chứng nhận tiêm chủng kỹ thuật số Covid-19 cho những công dân có kế hoạch đi du lịch quốc tế. Theo Cục Lãnh sự quốc gia, chứng chỉ sẽ cung cấp thông tin về tình trạng tiêm chủng Covid -19 và kết quả xét nghiệm. "Hộ chiếu vắc xin" có hiệu lực ngay lập tức thông qua nền tảng mạng xã hội WeChat của Trung Quốc. Những chứng chỉ này có mục đích xác minh thông tin về xét nghiệm và tiêm chủng, đồng thời giúp mọi người trên thế giới tương tác an toàn và có trật tự.

3.2. Chuyển đổi số của các quy trình pháp lý, hành chính và y tế kế thừa

Kể từ sau đại dịch Covid-19, xu hướng toàn cầu là chuyển dịch mọi hoạt động lên trực tuyến từ lĩnh vực ngân hàng, chăm sóc sức khỏe đến giáo dục, phiên tòa xử án, thủ tục hành chính, quản lý và điều hành doanh nghiệp.v.v. Do đó mỗi quốc gia, các doanh nghiệp tư nhân cần tập trung phát triển đa dạng các nền tảng số bảo đảm chất lượng, tiện ích và phục vụ các nhu cầu thiết yếu trong xã hội hiện nay.

4. Xây dựng khả năng phục hồi số

Xây dựng khả năng phục hồi số bao gồm ý tưởng xây dựng các hệ thống và quy trình số được thiết kế để thích ứng với mức độ không chắc chắn cao hơn sẽ diễn ra trong tương lai. Về mặt công nghệ và hệ thống viễn thông, các mô hình và hành vi nhu cầu của người dùng cuối trong tương lai có thể được dự đoán với độ tin cậy thấp hơn vì chúng vốn dĩ đã trở nên ít dự đoán hơn. Do đó, việc xây dựng dư thừa năng lực  hoặc “khoảng không” vào các hệ thống số là điều hợp lý khi chúng được mở rộng và phát triển.

Cụ thể, cần có thiết bị dự phòng và các thiết bị định tuyến mạng trung tâm, các  mạng điều hành và cơ sở hạ tầng dữ liệu trung tâm. Cũng cần chủ động giám sát các trang mạng và có quyền truy cập quản lý các thiết bị từ bên ngoài để nhân viên có thể truy cập từ xa. Các vấn đề và nhu cầu truy cập này phải được tính đến khi triển khai cơ sở hạ tầng mạng.

5. Cần nâng cao an toàn an ninh mạng

Thực tế việc phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ trong đại dịch Covid-19 đã làm nảy sinh các lỗ hổng và rủi ro an ninh mạng mới, làm việc tại nhà (Work from Home - WFH) đã làm gia tăng các lỗ hổng đối với các cuộc tấn công mạng. Các quy tắc bảo vệ dữ liệu, quyền riêng tư và bảo mật do Liên minh Châu Âu ban hành trong Quy định chung về bảo vệ dữ liệu năm 2018 đã phát huy tác dụng trên phạm vi toàn cầu. Do đó các vấn đề an toàn, an ninh mạng cần phải được tập trung giải quyết, có các chính sách, quy định bảo đảm cho các hoạt động, thông tin của mỗi công dân được an toàn, tin cậy, tạo lập được niềm tin số khi tham gia vào các hoạt động trên không gian mạng, từ đó thúc đẩy kinh tế số, xã hội số phát triển.

6. Cần cải cách lĩnh vực liên tục

Điều quan trọng là đại dịch Covid-19 không cản trở cải cách của các ngành trên toàn cầu, khu vực hoặc quốc gia. Bất chấp những thách thức to lớn của năm 2020, các tiến bộ liên tục đã đạt được liên quan đến Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) ở châu Á, sẽ định hình khu vực sau đại dịch, trong đó liên quan đến viễn thông và thương mại điện tử.

Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)

Được ASEAN khởi xướng vào năm 2012, quan hệ đối tác là một hiệp định thương mại đa phương giữa 15 quốc gia châu Á và Thái Bình Dương: Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và 10 quốc gia ASEAN. Các cuộc đàm phán dựa trên văn bản đã được kết thúc vào tháng 11 năm 2019, các điều khoản tiếp cận thị trường đã được thống nhất vào năm 2020 và quan hệ đối tác được ký kết vào ngày 15 tháng 11 năm 2020. Hiện hiệp định sẽ trải qua các quy trình phê chuẩn của các bên. Sự hợp tác này sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do chiếm khoảng 30% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu, biến nó trở thành khối thương mại lớn nhất thế giới. Mặc dù Ấn Độ có thể tham gia bất cứ lúc nào nếu họ thay đổi quyết định, bất kỳ Quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có tiếp giáp lãnh hải nào khác có thể tham gia sau 18 tháng kể từ khi quan hệ đối tác có hiệu lực.

Kết luận

Trên toàn cầu, ngành CNTT-TT đã được chứng minh có vai trò không thể thiếu trong chiến dịch đối phó với đại dịch Covid-19. Một loạt các hoạt động kinh tế và xã hội đã chuyển dịch từ hoạt động trực tiếp sang trực tuyến trong khoảng thời gian rất ngắn. Thật không may, thay đổi mang tính cách mạng này chỉ dành cho một số ít những người có khả năng kết nối với Internet, vấn đề này đã nêu bật yêu cầu cấp thiết phải giải quyết tình trạng kết nối số trên phạm vi toàn cầu. Với mục tiêu cung cấp những kết nối dễ tiếp cận và giá cả phải chăng cho tất cả mọi người dân. Đồng thời các giải pháp mang tính toàn cầu được nêu trên cũng cần được các Chính phủ bắt tay phối hợp với nhau, cũng như các chính phủ mỗi nước phối hợp với khu vực kinh tế tư nhân để đưa ra những chính sách, thể chế tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế, xã hội trong trạng thái bình thường mới hậu Covid-19.

 Nguyễn Phương Nhung

 

Tài liệu tham khảo

[1] Pandemic in the Internet age: From second wave to new normal, recovery, adaptation and resilience (ITU Publications)