Đang xử lý.....

Kinh nghiệm xây dựng Kiến trúc tổng thể: Siêu mô hình Kiến trúc Chính phủ điện tử Hàn Quốc  

Chủ Nhật, 27/11/2016 991
|

 Giới thiệu chung

Thời gian gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới đều khuyến khích, thúc đẩy các cơ quan chính phủ và các chính quyền địa phương xây dựng và triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử của cơ quan mình bằng cách phát triển các nguyên tắc tiêu chuẩn, các khung và các mô hình tham chiếu. Trong khi đó, một số nước phát triển trên thế giới đã và đang cố gắng nỗ lực trong việc phát triển một kiến trúc Chính phủ điện tử của quốc gia hướng đến cung cấp một kiến trúc tổng thể tích hợp góc nhìn của nhiều cơ quan nhà nước. Trong bối cảnh này, Kiến trúc Chính phủ điện tử Hàn Quốc (KGEA) hướng đến mục tiêu tương hợp, tránh trùng lặp đầu tư và cho phép việc sử dụng các thành phần kiến trúc bằng cách tích hợp kiến trúc của các cơ quan vào một kho kiến trúc tập trung. Tuy nhiên, điều này cũng gặp phải những thách thức nhất định liên quan đến việc tích hợp và tương hợp nội bộ và giữa các cơ quan với nhau. Một số báo cáo nghiên cứu đánh giá đã chỉ ra các thách thức này rất khó để có thể vượt qua được. Trong đó có nhấn mạnh rằng kiến trúc tổng thể trong lĩnh vực hành chính công vẫn chưa thể chuyển đổi được từ việc tập trung vào công nghệ thông tin sang tập trung vào nghiệp vụ và một hệ thống quản trị ở tầm nhìn quốc gia cần rất nhiều thời gian để có thể thiết lập được. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung vào việc phân tích, dánh giá các phương pháp và các ứng dụng của kiến trúc tích hợp thông tin được mô hình hóa ở câp quốc gia mà được gọi là Siêu mô hình Kiến trúc chính phủ điện tử Hàn Quốc.

Các nguyên tắc và tiêu chuẩn

Các nguyên tắc hướng dẫn triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử Hàn Quốc (KGEA) đặc trưng bởi sự phù hợp, khả năng tích hợp và khả năng chuyển đổi. Sự phù hợp hướng đến việc định nghĩa và quản lý chiến lược công nghệ thông tin chính phủ và sự phân phối đầu tư công nghệ thông tin cho các cơ quan chính phủ phù hợp với nhau dựa trên KGEA. Sự tích hợp hướng đến việc kết nối và tích hợp các nghiệp vụ, dịch vụ và dữ liệu của các cơ quan chính phủ để cải thiện hiệu quả làm việc và cung cấp dịch vụ đến người dân, tổ chức được tốt hơn. Khả năng chuyển đổi hướng đến việc tiếp tục nâng cao, cải tiến quy trình nghiệp vụ và công nghệ thông tin dựa trên KGEA.

Để áp dụng triệt để các nguyên tắc nêu trên, Bộ Nội vụ Hàn Quốc (MOPAS) cung cấp các tiêu chuẩn tương ứng như các mô hình tham chiếu GEA, siêu mô hình (meta-model) và mô hình trưởng thành để các cơ quan chính phủ căn cứ vào đó để xây dựng và quản lý kiến trúc của cơ quan mình.

Mô hình tham chiếu GEA bao gồm có Mô hình tham chiếu hiệu năng (PRM), Mô hình tham chiếu nghiệp vụ (BRM), Mô hình tham chiếu các thành phần dịch vụ (SRM), Mô hình tham chiếu dữ liệu (DRM) và Mô hình tham chiếu công nghệ (TRM). PRM định nghĩa một khung để hỗ trợ giám sát đầu tư công nghệ thông tin hiệu quả và đưa ra các chỉ số hiệu năng đối với mỗi dự án công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc ra quyết định đối với việc lập kế hoạch công nghệ thông tin chiến lược và quản lý công nghệ thông tin hàng ngày. Bằng cách cung cấp một cái nhìn rõ ràng từ kết quả của các dự án công nghệ thông tin tới các kết quả hoạt động nghiệp vụ, PRM giúp dự đoán và quản lý các kết quả đầu ra của việc đầu tư công nghệ thông tin. BRM là một mô hình để phân loại và định nghĩa các chức năng nghiệp vụ và các thông tin có liên quan. BRM cung cấp các tiêu chuẩn hướng dẫn cho chính phủ và các cơ quan trong việc xác định các quy trình dư thừa trong việc thực hiện các chức năng nghiệp vụ. SRM là một mô hình bao gồm các danh sách các thành phần dịch vụ nghiệp vụ (không phụ thuộc vào cơ quan), cung cấp một cách thức phân loại thành phần tổng thể và thống nhất đối với các dịch vụ chính phủ cung cấp cho người dân. Trong trường hợp của KGEA, SRM kết hợp với BRM đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tích hợp và sử dụng lại dịch vụ bằng cách xác định các dịch vụ dư thừa hoặc có liên quan giữa các cơ quan nhà nước. Cụ thể, thành phần dịch vụ chia sẻ trong SRM tạo ra một tập hợp các thành phần dịch vụ để các cơ quan chính phủ phát triển, lưu trữ và phân phối các thành phần ứng dụng có khả năng dùng lại. DRM là một mô hình để phân loại dữ liệu và định nghĩa các cấu trúc dữ liệu tiêu chuẩn để hỗ trợ phát triển các kiến trúc dữ liệu và thúc đẩy việc tiêu chuẩn hóa dữ liệu và sử dụng lại và quản lý dữ liệu một cách hiệu quả. TRM là một mô hình dùng để phân loại và định nghĩa các công nghệ và các tiêu chuẩn/mô tả kĩ thuật nhằm cung cấp một danh sách toàn diện các công nghệ đơn vị, các tiêu chuẩn kĩ thuật và cac sản phẩm thương mại. Nó cũng cung cấp một phân loại nguồn lực công nghệ thông tin để hỗ trợ việc quản lý nguồn lực công nghệ thông tin của cơ quan một cách có hệ thống.

Cuối cùng, siêu mô hình trong KGEA là tập hợp các sản phẩm chuyển giao Kiến trúc chuẩn yêu cầu bởi các cơ quan chính phủ để tạo và báo cáo nhằm đảm bảo sự thành công của GEA. Nó là một mô hình xương sống dùng để xây dựng nên Kiến trúc tổng thể của một cơ quan bằng cách định nghĩa các thông tin kiến trúc yêu cầu và mối quan hệ giữa chúng. Các cơ quan chính phủ có thể phát triển Kiến trúc riêng bằng cách định nghĩa mô hình kiến trúc hoặc siêu mô hình phù hợp với các mục tiêu kiến trúc của cơ quan đó, tuy nhiên mô hình của các cơ quan phải bao gồm các thông tin yêu cầu trong siêu mô hình của KGEA.

Từ góc nhìn của người triển khai GEA, siêu mô hình KGEA đóng vai trò là sợi dây liên kết giữa các tiêu chuẩn GEA và các sản phẩm kiến trúc của các cơ quan. Mô hình giúp hướng dẫn cách thức cán bộ quản lý kiến trúc của cơ quan xử lý thông tin kiến trúc của cơ quan mình và tạo mối liên kết với các tiêu chuẩn GEA: PRM, SRM, DRM và TRM cùng các thuộc tính được định nghĩa trước trong mô hình.

Siêu mô hình của KGEA

Như được chỉ ra trong hình vẽ, siêu mô hình hiện tại là tổng hợp các thuộc tính tiêu chuẩn của GEA và các thông tin về kiến trúc của các cơ quan chính phủ, không phải là các sản phẩm kiến trúc cụ thể như trong các mô hình khởi đầu. Mỗi cơ quan có thể linh hoạt trong việc phát triển khung và mô hình kiến trúc của mình miễn là thỏa mãn các yêu cầu về siêu mô hình của GEA. Thêm vào đó, mô hình cung cấp một cái nhìn tổng thể về GEA trong một bức tranh bao gồm các mô hình tham chiếu, kiến trúc hiện tại và tương lai, các thành phần kiến trúc toàn Chính phủ và các thành phần kiến trúc mức cơ quan và do đó tạo điều kiện dễ dàng cho các bên liên quan có thể hiểu được.

 

 

Hình 1: Siêu mô hình Kiến trúc Chính phủ điện tử Hàn Quốc

Về mặt chức năng, kiến trúc giải thích cách thức tất cả các thành phần công nghệ thông tin của một cơ quan có thể đặt cạnh nhau và hoạt động như một khối thống nhất. Khi kiến trúc cần tổng hợp toàn bộ các khía cạnh khác nhau và thể hiện các cách nhìn khác nhau của các bên liên quan bên trong một tổ chức thì một cách tiếp cận hệ thống của hệ thống (SOS) là cần thiết. Siêu mô hình KGEA phiên bản 2.0 được xây dựng dựa trên khái niệm vừa nêu bằng cách sử dụng cách phân tích trường hợp sử dụng hướng đối tượng.

Siêu mô hình KGEA không chỉ là một tiêu chuẩn và hướng dẫn cho kiến trúc toàn chính phủ, mà còn là nội dung thực tế được phổ biến trong các hoạt động kiến trúc của chính phủ và của từng cơ quan. Do đó, hệ thống quản lý KGEA cần phải được xây dựng để lưu trữ tất cả thông tin và dữ liệu chi tiết về các mặt của GEA.

Kết quả là hệ thống quản lý KGEA có thể giải quyết được sự phức tạp trong việc triển khai các dự án, các nguồn lực và các tài sản công nghệ thông tin quốc gia bằng cách phối hợp các mức độ kiến trúc theo thứ tự. Như được định nghĩa trong siêu mô hình KGEA phiên bản 2.0, hệ thống quản lý này có một cấu trúc hai lớp gồm các kiến trúc của cơ quan và kiến trúc toàn chính phủ - được rút ra từ các thành phần kiến trúc cơ quan. Một cấu trúc như vậy yêu cầu kiến trúc toàn chính phủ không chỉ thể hiện các thông tin tổng quát và một tập hợp các mô hình tham chiếu mà còn có quy định pháp lý yêu cầu các cơ quan hình thành và quản lý thông tin kiến trúc để chứng minh mô hình.  

Các thành phần của Siêu mô hình

Cơ quan chính phủ: Là các cơ quan đăng ký thông tin EA toàn chính phủ, bao gồm các cơ quan hành chính ở trung ương, các tổ chức hành pháp/lập pháp/tư pháp, tổ chức giáo dục công, các cơ quan hành chính, chính quyền địa phương, chính quyền địa phương cơ bản, công ty đặc biệt và các tổ chức đào tạo....

- Đơn vị sử dụng: Là các bên có lợi ích khi sử dụng dịch vụ.

- Mô hình tham chiếu hiệu năng: Một hệ thống phân loại và định nghĩa các yếu tố hiệu năng cho việc tin học hóa và cải tiến chất lượng, bao gồm lĩnh vực, yếu tố và chỉ số hiệu năng.

- Mô hình tham chiếu nghiệp vụ: Định nghĩa các chức năng nghiệp vụ của mỗi cơ quan, bao gồm các cơ quan hành chính, tổ chức công và chính phủ địa phương tương ứng với các lĩnh vực chính sách, khu vực chính sách và các chức năng chính của mô hình tham chiếu nghiệp vụ toàn chính phủ. 

- Mô hình tham chiếu dịch vụ:

+ Một hệ thống phân loại cho các dịch vụ công và các dịch vụ hỗ trợ bên trong từ góc nhìn của đơn vị sử dụng mà không có sự phân chia thành các phòng, ban và các tiêu chuẩn lĩnh vực chính dùng cho tích hợp và kết nối các nguồn lực thông tin từ điểm nhìn toàn chính phủ.

+ Các tiêu chuẩn phân loại cho các dịch vụ kĩ thuật và các thành phần yêu cầu để triển khai các nguồn lực thông tin phù hợp với các dịch vụ công và các dịch vụ hỗ trợ bên trong.

+ Các dịch vụ cung cấp nguồn lực thông tin (dữ liệu, phần mềm, phần cứng, mạng, v.v.) theo mẫu tiêu chuẩn hóa để tạo điều kiện chia sẻ sử dụng giữa các tổ chức khác nhau.

+ Thành phần phần mềm phát triển tập trung vào các mặt chức năng để cho phép sử dụng lại các hệ thống thông tin để chúng có thể được chia sẻ bởi nhiều cơ quan.

- Mô hình tham chiếu dữ liệu: Một hệ thống các cách thức phân loại dữ liệu và định nghĩa các cấu trúc dữ liệu tiêu chuẩn để hỗ trợ việc tiêu chuẩn hóa, sử dụng lại và quản lý dữ liệu. Các phân loại bao gồm các phần loại đa số, phân loại trung bình, phân loại thiểu số và phân loại phụ.

- Mô hình tham chiếu kĩ thuật: Một hệ thống để phân loại, xác định và định nghĩa các công nghệ thông tin, bao gồm các lĩnh vực dịch vụ kĩ thuật, lĩnh vực kĩ thuật và lĩnh vực kĩ thuật chi tiết.

- Hồ sơ tiêu chuẩn: Một nhóm các tiêu chuẩn thể hiện phù hợp với các lĩnh vực kĩ thuật chi tiết để phát triển các hệ thống đã được tiêu chuẩn hóa.

- Các dự án chính phủ: 140 dự án chính phủ quan trọng theo 04 nguyên tắc chủ chốt của chính phủ Park Geun-Hye.

- Kế hoạch cơ bản tin học hóa quốc gia: Kế hoạch này bao gồm tâm nhìn tin học hóa quốc gia và các dự án chiến lược, bao gồm các dự án tin học hóa, các dự án chi tiết và kế hoạch thúc đẩy Kế hoạch cơ bản tin học hóa quốc gia của Chính phủ Lee Myung-Back và Chính phủ của Park Geun-Hye.

- Các dự án triển khai EA toàn chính phủ: Triển khai các dự án dựa trên kế hoạch triển khai toàn chính phủ từ kiến trúc hiện tại của EA toàn chính phủ đến kiến trúc tương lai (được chia thành các dự án triển khai EA toàn chính phủ và các dự án triển khai cụ thể).

- Mã ngân sách:

+ (Các cơ quan hành chính ở trung ương) Mã ngân sách được sử dụng khi nộp dự toán ngân sách cho Bộ Chiến lược và tài chính.

+ (Các chính quyền địa phương) Mã dự án đăng ký vào hệ thống tài chính địa phương.

+ (Các tổ chức công) Mã dự án được quản lý bởi mỗi cơ quan.

Hệ thống thông dụng: Hệ thống thông tin hỗ trợ các nhiệm vụ thông dụng hoặc tương tự cho nhiều tổ chức. Nó có thể là một hệ thống thông tin đơn trong mỗi tổ chức mà được sử dụng cùng nhau hoặc một hệ thống thông tin mà được phân phối bởi một cơ quan có trách nhiệm và được sử dụng bởi các cơ quan khác.

Các chức năng ứng dụng thông dụng: Các chức năng chi tiết cung cấp bởi một hệ thống thông dụng.

Dữ liệu chia sẻ: Dữ liệu tiêu chuẩn hoặc không tiêu chuẩn (nội dung và kiến thức) được sở hữu và chia sẻ bởi chính phủ

Kế hoạch tin học hóa từ ngắn đến dài hạn: Các dự án tin học hóa mà mỗi cơ quan thúc đẩy triển khai trong giai đoạn từ 3 – 5 năm.

Hệ thống thông tin tương lai: Đơn vị cao nhất của các hệ thống ứng dụng được định nghĩa trong kiến trúc tương lai của mỗi EA của cơ quan (trang thiết bị như máy chủ không được tính trong các hệ thống thông tin)

Kế hoạch hành động tin học hóa quốc gia: Kế hoạch hành động tin học hóa quốc gia hàng năm của mỗi cơ quan.

Dự án tin học hóa: Các đơn vị dự án được sắp xếp theo thứ tự và hợp đồng, giữa các dự án để lập kế hoạch hệ thống thông tin, phát triển, vận hành và duy trì, hoặc các dự án để hỗ trợ tin học hóa khối tư nhân hoặc công và ngăn chặn những ảnh hưởng có hại cho việc tin học hóa. Tên dự án có trong yêu cầu đề xuất trong các bản mời thầu ở giai đoạn sắp xếp thứ tự hoặc tên dự án tin học hóa trên hợp đồng. Tên dự án chi tiết trong các yêu cầu đề xuất không phải là đầu vào.

Hệ thống thông tin hiện tại: Các hệ thống mà mỗi cơ quan đang cung cấp hiện thời, trong đó có các chức năng bao gồm các dịch vụ mà qua đó dữ liệu đầu vào, việc xử lý, đầu ra, lưu trữ, kiểm soát và phản hồi. Các máy chủ, giải pháp, chuyển mạch, v.v. không phải đăng ký như là hệ thống thông tin; chúng phải được quản lý các thành phần chung (phần cứng, phần mềm, các hệ thống truyền thông, v.v.).

Các chức năng ứng dụng: Các chức năng chi tiết cung cấp bởi các hệ thống thông tin hiện thời. (bao gồm từ hai mức trở lên).

Các hệ thống thông tin liên kết: Các hệ thống thông tin khác có liên kết với các hệ thống thông tin hiện thời (dựa trên thông tin đầu vào).

Phần cứng: Các thành phần phần cứng bao gồm các hệ thống thông tin như là máy chủ, lưu trữ, v.v.

Phần mềm: Các ứng dụng phần mềm nguồn mở và thương mại nhúng trong phần cứng bao gồm các hệ thống thông tin.

Các hệ thống giao tiếp: Các hệ thống giao tiếp bao gồm các mạng lưới cơ quan như là router, chuyển mạch....

CSDL: CSDL sử dụng bởi các hệ thống thông tin

Dữ liệu: Các thực thể lô-gic và thông tin hành chính của CSDL sử dụng bởi các hệ thống thông tin.

Các kênh cung cấp dịch vụ: Các hệ thống cung cấp các kênh cung cấp dịch vụ riêng biệt trong các hệ thống thông tin hiện thời.

Các chỉ số hiệu năng: Các chỉ số hiệu năng về các hệ thống thông tin/dự án tin học hóa.

- Đánh giá kết quả: Đánh giá kết quả về các dự án tin học hóa của mỗi cơ quan.

Nguồn: Báo cáo Kiến trúc Chính phủ điện tử Hàn Quốc.

Trần Kiên