Trong thời đại ngày nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, hướng tới phát triển Chính phủ điện tử là xu thế tất yếu, là mô hình phổ biến của nhiều quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của bất cứ Chính phủ nào. Chính phủ điện tử cho phép người dân tương tác, nhận được các dịch vụ từ Chính phủ 24 giờ một ngày, 07 ngày một tuần, làm giảm tham nhũng, tăng tính minh bạch, giảm chi phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính phủ, góp phần cải cách hành chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Theo Ngân hàng thế giới (WorldBank), Chính phủ điện tử là việc các cơ quan Chính phủ sử dụng CNTT (như các mạng diện rộng, Internet, công nghệ di động) để thay đổi các quan hệ của Chính phủ với người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khác, hướng tới cung cấp các dịch vụ tốt hơn đến người dân, doanh nghiệp, tăng cường sự tương tác của người dân, doanh nghiệp với Chính phủ, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước. Các dịch vụ của Chính phủ điện tử thông thường chia làm các nhóm: G2C (Government to Citizens) - Chính phủ cung cấp thông tin và dịch vụ cho người dân; G2B (Government to Bussiness) - Chính phủ cung cấp thông tin và dịch vụ cho doanh nghiệp; G2G (Government to Government) - cung cấp thông tin và các dịch vụ liên quan giữa các cơ quan Chính phủ với nhau; G2E (Government to Employees) - Chính phủ cung cấp các thông tin và dịch vụ cho cán bộ, công chức.
Quá trình thát triển Chính phủ điện tử của Thái Lan
Trong năm 2000, các nước ASEAN thông qua sáng kiến e-ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) nhằm thúc đẩy tiềm năng của công nghệ thông tin để tăng cường khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế thế giới. Vào tháng 7/2000, Thái Lan đã xem xét, đưa ra thảo luận và thực hiện những vấn đề liên quan được nêu ra trong sáng kiến e-ASEAN. Trước hết, Thái Lan bắt đầu triển khai các công việc để phát triển Thái Lan điện tử (e-Thailand) như là một ưu tiên để sẵn sàng chuẩn bị cải thiện các dịch vụ công quốc gia do Chính phủ cung cấp và bảo đảm rằng tất cả người dân Thái Lan có thể truy cập vào các dịch vụ công bất cứ lúc nào trên toàn quốc. Bộ Công nghệ thông tin và Truyền thông của Thái Lan đã ban hành kế hoạch thực hiện “Lộ trình chính phủ điện tử” như một khung công việc để số hóa chính phủ, giai đoạn thực hiện giữa năm 2010 đến 2014. Dự án được dự toán chi phí 5.61 triệu USD. Lộ trình bao gồm 4 giai đoạn: Chính phủ Kết nối (Connected Government hay c-Government), Chính phủ Di động và Nhiều kênh (Multi-Channel Government hay m- Government), Chính phủ phát triển rộng khắp (Ubiquitous Government hay u- Government) và Chính phủ chuyển đổi (Transformed Government hay t- Government).
Giai đoạn đầu c-Government – bắt đầu vào năm 2009, mục tiêu nhằm thiết lập sự công tác giữa tất cả các cơ quan chính phủ trong việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến.Trong giai đoạn này, lộ trình dự kiến thành lập ít nhất một dịch vụ công trực tuyến trao đổi giữa các cơ quan chính phủ và một dịch vụ trực tuyến tích hợp giữa các bộ, cũng như thí điểm việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của chính phủ qua điện thoại di động.
Giai đoạn thứ hai m-Government – được dự kiến cho năm 2010 và 2011, trong đó CPĐT sẽ được mở rộng và người dân có thể truy cập được qua điện thoại di động. Mục tiêu là đạt được một nửa chặng đường trong việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trao đổi giữa các cơ quan chính phủ vào năm 2010, và đạt 70% vào năm 2011. Số lượng các dịch vụ chính phủ điện tử truy cập được qua các thiết bị di động sẽ được mở rộng và những dịch vụ này cũng sẽ được sẵn dùng thông qua các kênh khác nhau.
Giai đoạn u-Government, bắt đầu vào năm 2012, nhằm cung cấp các dịch vụ công trực tuyến của chính phủ cho công chúng mọi lúc, thông qua đủ loại kênh bao gồm websites, thiết bị di động và công nghệ tương lai.
Giai đoạn t – Government là giai đoạn cuối cùng nhằm chuyển đổi đầy đủ, cung cấp dịch vụ điện tử 24 giờ mỗi ngày, bảy ngày một tuần, thông qua nhiều kênh, cùng với các dịch vụ điện tử được trao đổi giữa các cơ quan chính phủ.
Để thực hiện việc phát triển chính phủ điện tử hiệu quả, đồng bộ, Chính phủ Thái Lan đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng và ban hành nhiều chính sách khác nhau, trong đó có việc xây dựng, ban hành Kiến trúc chính phủ điện tử. Kiến trúc Chính phủ điện tử là một tài liệu dùng cho việc định hướng sự phát triển của tổ chức một cách chủ động và toàn diện đáp ứng lại những áp lực tác động vào tổ chức bằng cách xác định và phân tích việc thực hiện các thay dổi so với mục tiêu và tầm nhìn nghiệp vụ của tổ chức.
Sự phát triển Kiến trúc chính phủ điện tử của Thái Lan
Theo tổ chức Liên hợp quốc, để chuyển sang chính phủ kết nối đòi hỏi có một khung (frame work) chặt chẽ, đồng bộ, nó không thể được tạo ra bằng các cơ chế, giải pháp lẻ tẻ. Thực tế, các cơ quan chính phủ thường là các tổ chức lớn, có đặc trưng cấu trúc phân cấp, phân tách phức tạp thành các đơn vị thành viên nhỏ hơn và các đơn vị này làm việc trong "lô cốt" (silos) của mình. Điều này dẫn đến sự phân mảnh các quy trình nghiệp vụ, các hệ thống, tạo rào cản trong việc kết nối, liên thông các đơn vị. Để giải quyết vấn đề kết nối, liên thông trong Chính phủ điện tử, có hai giải pháp chính đó là thông qua việc ban hành, áp dụng các chuẩn và việc ban hành, tuân thủ Kiến trúc Chính phủ điện tử.
Thông qua Kiến trúc chính phủ điện tử có thể cải thiện tính linh hoạt của nghiệp vụ, đạt được hiệu quả đầu tư tốt hơn, giảm thiểu thời gian cung cấp, giảm chi phí đầu tư công nghệ thông tin, cải thiện việc truy cập đến các dữ liệu dùng chung và giảm nguy cơ xảy ra rủi ro đối với các hệ thống thông tin quan trọng. Kiến trúc chính phủ điện tử giống như là một chiến lược có nghĩa là phải giải quyết được 02 thách thức chủ yếu sau: (1) Khả năng tích hợp và (2) tiêu chuẩn hóa trong toàn tổ chức. Sau đây là 06 bước được đề xuất để xây dựng và thực hiện một Kiến trúc chính phủ điện tử hiệu quả:
Phân tích hiện trạng cơ sở để thực hiện;
Xác định mô hình hoạt động;
Thiết kế Kiến trúc chính phủ điện tử;
Thiết dặt các thứ tự ưu tiên;
Thiết kế và thực hiện một mô hình công nghệ thông tin phù hợp;
Triển khai nền tảng để thực hiện tạo sự phát triển.
Trong giai đoạn đầu, Thái Lan thực hiện Dự án e-GIF là để tạo điều kiện chia sẻ dữ liệu và tích hợp giữa các cơ quan công. Dự án này hy vọng làm cầu nối các nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông khác nhau giữa các cơ quan công để tiến tới chính phủ được kết nối (connected government) theo nghĩa tích hợp và chia sẻ dữ liệu như hình sau:
Hình 1: e-GIF để phát triển tính tương tác liên thông
e-GIF được chia thành 5 tầng kiến trúc sau đây:
Tầng 1: Chuẩn kỹ thuật và đặc tả;
Tầng 2: Sổ đăng ký các dịch vụ quốc gia;
Tầng 3: Sổ đăng ký/kho chứa Lược đồ XML quốc gia
Tầng 4: Thư viện cấu phần lõi quốc gia
Tầng 5: Quy trình nghiệp vụ chính thức hóa sử dụng UML/UMM
Các đặc điểm nổi bật Kiến trúc này:
Tính tổng quát: Thể hiện được bức tranh tổng thể các thành phần chính phủ điện tử trên quy mô quốc gia, trong đó xác định vị trí, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương đối với các thành phần tổng thể phát triển chính phủ điện tử quốc gia, giúp cho sự phát triển chính phủ điện tử được đồng bộ, toàn diện;
Tính kết nối: Thể hiện được các nguyên tắc, thành phần kết nối các hệ thống thông tin các cấp nhằm tăng cường khả năng kết nối, chia sẻ hạ tầng, thông tin giữa các CQNN;
Tính mở: Các thành phần mô tả trong Kiến trúc là các thành phần cốt lõi, cơ bản, vì vậy có thể tùy biến về số lượng, chức năng các thành phần để phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế; các thành phần Kiến trúc độc lập về công nghệ, nên có thể được dễ dàng hiện thực hóa bằng các công nghệ tiên tiến đương đại phù hợp;
Tính khả thi: Từ những tính năng trên, việc áp dụng, triển khai Kiến trúc bảo đảm tính khả thi, hiệu quả. Mặt khác, nội dung Kiến trúc cũng được mô tả ngắn gọn, cốt lõi nhất để các cơ quan, đối tượng sử dụng dễ tiếp cận và đưa vào thực tiễn.
Kế hoạch cho tương lai
Hiện tại, Thái Lan đang trong giai đoạn triển khai thí điểm và mở rộng Kiến trúc ở một số cơ quan Chính phủ, tập trung vào một số nhiệm vụ sau:
Tuyên truyền, giáo dục cho nhân viên Chính phủ về Kiến trúc, các hướng dẫn cụ thể để triển khai và quản lý sự thay đổi của tổ chức;
Thiết lập cơ cấu tổ chức quản lý và triển khai Kiến trúc cấp Chính phủ và tại cơ quan nhà nước các cấp; xây dựng các chính sách nhằm quản lý và đánh giá sự trưởng thành Kiến trúc.
Triển khai thí điểm Kiến trúc tại một số cơ quan được lựa chọn và sau đó tổng kết, rút kinh nghiệm và mở rộng triển khai cho toàn bộ các cơ quan trên toàn quốc.
Những bài học kinh nghiệm
Trong giai đoạn vừa qua, Thái Lan đã có những dự án thí điểm thành công này, trong những sáng kiến về chính phủ điện tử của đất nước bao gồm: Ngân khố điện tử (e-Revenue) (Cục Ngân khố), Đầu tư điện tử (e-Invesment) (Ban đầu tư), Thống kê điện tử (e-Statistics) (Văn phòng Thống kê Quốc gia), Kinh tế điện tử (e-Economics) (NES-DB), Đăng ký Thương mại điện tử (e-Commercial Registration) (Sở Phát triển Kinh doanh) và Quốc hội điện tử (e-Parliament). Mặt khác, triển khai kiến trúc đối với các cơ quan Chính phủ đã tạo được kết nối giữa các bên liên quan với các Kiến trúc chính phủ điện tử của mỗi cơ quan. Đối với mỗi Kiến trúc chính phủ điện tử của từng cơ quan, kiến trúc nghiệp vụ giúp định nghĩa đầu ra nghiệp vụ, các chức năng, khả năng và các quy trình nghiệp vụ của cơ quan và mối quan hệ với các thực thể bên ngoài một cách rõ ràng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các chiến lược nghiệp vụ. Kiến trúc thông tin/dữ liệu đã giải quyết được việc cấu trúc và sử dụng các thông tin theo ngành dọc trong một tổ chức và phù hợp với các nhu cầu về mặt chiến lược, thực hiện và hoạt động; Kiến trúc ứng dụng đã chỉ rõ được cấu trúc của các hệ thống độc lập dựa trên các công nghệ được định nghĩa sắn và cuối cùng, Kiến trúc công nghệ đã giúp định nghĩa được môi trường công nghệ và cơ sở hạ tầng mà cac hệ thống công nghệ thông tin hoạt động dựa trên đó. Việc xây dựng và tuân thủ Kiến trúc chính phủ điện tử Thái Lan giúp các cơ quan chính phủ:
Tăng khả năng kết nối, liên thông các hệ thống thông tin trên quy mô rộng, góp phần phục vụ người dân, doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, một cửa;
Tăng khả năng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp dựa trên nền tảng dữ liệu, thông tin tin cậy được chia sẻ trên diện rộng giữa các cơ quan nhà nước;
Giảm đầu tư trùng lặp, vì xác định được rõ các thành phần, hệ thống thông tin trong chính phủ điện tử và trách nhiệm, lộ trình triển khai của các cơ quan.
Nguồn tham khảo:
- Thailand e-Government interoperability framework
- Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Thái Lan.
Phan Thúy Trinh