I. Phần mở đầu
Điều 19 của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người quy định: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến, kể cả tự do bảo lưu quan điểm mà không bị can thiệp, cũng như tự do tìm kiếm, tiếp nhận, truyền bá các ý tưởng và thông tin bằng bất cứ phương tiện truyền thông nào và không có giới hạn về biên giới”.
Đạo luật Tiếp cận thông tin của Canada có hiệu lực từ năm 1983 quy định cho công dân Canada: “Mọi người có quyền được tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến thông tin, quan điểm một cách tự do. Mọi người có cơ hội bình đẳng để tiếp nhận, tìm kiếm và phổ biến thông tin bằng mọi hình thức tuyên truyền mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào vì lý do chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, địa vị kinh tế, nơi sinh hay bất kỳ điều kiện xã hội nào khác”.
Sau hơn 30 năm thực hiện Đạo luật Tiếp cận thông tin, từ các báo cáo đề xuất năm 2005 cho đến nay các cơ quan Chính phủ liên bang Canada đã nghiên cứu các kế hoạch đề xuất cải cách Đạo luật này trở thành sáng kiến chính phủ mở, dữ liệu mở.
II. Đạo luật Tiếp cận thông tin trong Chính phủ liên bang Canada
Chính phủ Canada công nhận quyền tiếp cận thông tin công trong hồ sơ dưới sự kiểm soát của các cơ quan chính phủ như là một yếu tố thiết yếu của hệ thống dân chủ nước Canada. Chính phủ Canada cam kết tạo dữ liệu mở và minh bạch thông tin bằng cách tôn trọng quyền và các yêu cầu của Đạo luật Tiếp cận thông tin. Quy chế và các chính sách có liên quan đến Luật Tự do thông tin của Canada.
Đạo luật Tiếp cận thông tin của Canada quy định các cơ quan Chính phủ liên bang Canada có trách nhiệm cung cấp thông tin cho công chúng bao gồm các thông tin được tạo ra trong quá trình điều hành, quản lý nhà nước, chẳng hạn như: thông tin về pháp lý, các văn bản hành chính công... Các thông tin này không phải là tài sản riêng của cơ quan Chính phủ liên bang mà nó là một tài sản công được tạo ra bởi rất nhiều thiết chế trong xã hội mà cơ quan Chính phủ liên bang chỉ là một bộ phần trong thiết chế đó.
Các loại thông tin mà Chính phủ Canada cần phải cung cấp rộng rãi cho công chúng là: thông tin về chức năng, nhiệm vụ, hoạt động, cơ cấu tổ chức của cơ quan; thông tin về mục tiêu ngân sách, thông tin kiểm toán, kết quả đạt được trong hoạt động của cơ quan Chính phủ liên bang; thông tin hướng dẫn thủ tục, quy trình mà công chúng có thể áp dụng để sử dụng dịch vụ công do cơ quan chính phủ cung cấp hay để tham gia vào quá trình xây dựng chính sách hoặc đề xuất xây dựng luật pháp; các thông tin khác do các cơ quan Chính phủ liên bang nắm giữ; thông tin về các cuộc họp của cơ quan Chính phủ liên bang...
Cách tiếp cận thông tin của công dân Canada không những bảo đảm cho người dân Canada được chủ động tiếp cận với các thông tin cần thiết mà còn mang lại những lợi ích nhất định cho các cơ quan Chính phủ liên bang Canada như: làm giảm gánh nặng hành chính khi phải trả lời trực tiếp những câu hỏi và yêu cầu cung cấp thông tin thông dụng. Việc công bố thông tin khi không có yêu cầu có thể trực tiếp cải thiện tính hiệu quả của các cơ quan Chính phủ liên bang bởi vì các tài liệu mà công chúng có thể tiếp cận trực tiếp càng tăng lên thì số lượng các yêu cầu tiếp cận tài liệu sẽ càng giảm đi. Và việc công khai thông tin thông qua việc đăng công khai các tài liệu mà công dân quan tâm trên trang thông tin điện tử của Chính phủ. Biện pháp này cho phép việc tiếp cận thông tin được thực hiện nhanh chóng và đỡ tốn kém cả về phía người dân lẫn cơ quan Chính phủ liên bang nắm giữ thông tin.
Quan điểm của Canada khi xây dựng Đạo luật Tiếp cận thông tin dựa trên các nguyên tắc cơ bản như sau:
1. Các quy định về quyền tiếp cận thông tin và thực thi các quyền này phải được xây dựng trên khái niệm mở trên cơ sở cân đối giữa nhu cầu quản lý nhà nước với nhu cầu thông tin của công chúng. Về mặt pháp luật, các cơ quan Chính phủ liên bang nhất thiết phải có hành vi tích cực, chủ động cung cấp thông tin cho công chúng. Công chúng phải được tiếp cận với chính phủ mở và các thông tin mà Chính phủ, các cơ quan hành chính nhà nước, tòa án hay nghị viện đang nắm giữ.
2. Quyền tiếp cận thông tin là yếu tố gắn liền với quyền được biết thông tin và không thể tách rời quyền tự do ngôn luận, công dân được quyền yêu cầu các cơ quan Chính phủ liên bang cung cấp thông tin là nền tảng căn bản để hình thành và xây dựng niềm tin của công dân với cơ quan nhà nước và Chính phủ.
3. Để bảo đảm việc thực hiện cung cấp thông tin cho công chúng một cách hiệu quả và nghiêm túc thì cần có một cơ quan giám sát độc lập nằm ngoài hệ thống tổ chức của các cơ quan nắm giữ thông tin, có trách nhiệm kiểm tra, giám sát quá trình cung cấp thông tin cho công chúng.
Đạo luật Tiếp cận thông tin của Canada cho phép người dân Canada có quyền thông tin rộng rãi. Thông tin này được ghi lại dưới bất kỳ hình thức nào và do các cơ quan chính phủ liên bang kiểm soát. Các cá nhân có thể nộp đơn đề nghị tiếp cận một số thông tin nhất định, trừ khi thông tin đó thuộc trường hợp ngoại lệ và được kiểm soát. Các trường hợp miễn trừ được quy định trong danh mục miễn trừ của Đạo luật Tiếp cận thông tin thường liên quan đến: an ninh quốc gia, quốc phòng và quan hệ quốc tế; thông tin về việc phòng, ngừa, điều tra và khởi tố hành vi phạm tội và hình sự; thông tin về bí mật thương mại, lợi ích kinh tế; thông tin liên quan đến chính sách kinh tế, tiền tệ, tỷ giá là những thông tin để bảo đảm sự an toàn cho công dân. Các hồ sơ lưu trữ thông tin về nội các của Chính phủ được loại trừ khỏi hoạt động của Đạo luật Tiếp cận thông tin trong 20 năm kể từ ngày Chính phủ ra quyết định (Theo wikipedia.org, nội các là một hội đồng gồm các bộ trưởng của Vương quốc chịu trách nhiệm trước nghị viện, do Thủ tướng Canada lựa chọn và đứng đầu, Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ).
Nếu cá nhân yêu cầu truy nhập thông tin bị từ chối, cá nhân có thể nộp đơn khiếu nại lên Văn phòng của Ủy viên thông tin hoặc có thể khiếu nại nếu bị yêu cầu phải trả quá nhiều tiền cho các thông tin của mình được sao chép hoặc có thể khiếu nại nếu thông tin được cung cấp không theo ngôn ngữ lựa chọn của cá nhân. Các nhân viên của Ủy ban điều tra khiếu nại có thể là một Thanh tra viên, Ủy viên giải quyết tranh chấp. Sau cuộc điều tra và báo cáo của Ủy viên, người khiếu nại có quyền nộp đơn lên Tòa án Liên bang Canada để xem xét quyết định từ chối của tổ chức ghi lại hồ sơ theo quy định của Đạo luật Tiếp cận thông tin. Ủy viên không có quyền yêu cầu người khiếu nại tiết lộ thông tin nhưng họ có thể hỗ trợ người khiếu nại trong việc nộp đơn yêu cầu Tòa án liên bang ra lệnh tiết lộ hồ sơ.
III. Đề xuất cải cách Đạo luật Tiếp cận thông tin trong Chính phủ liên bang của Canada
Đánh giá về những đề xuất cải cách chính Đạo luật Tiếp cận thông tin của Chính phủ Canada được đưa ra trong 34 năm hoạt động cho thấy một số đặc điểm chính dường như có sự nhất trí và một số đánh giá khác nhau nhưng vẫn giữ được một số ý kiến quan trọng khác biệt.
Nói chung hầu hết các đề xuất đều đồng ý về sự cần thiết mở rộng phạm vi của Đạo luật Tiếp cận thông tin, hạn chế việc loại trừ và miễn trừ khỏi phạm vi bảo hiểm của Đạo luật và giảm hoặc loại bỏ các miễn trừ theo luật định bắt buộc được cung cấp tại Phần 24 và Mục II. Tuy nhiên, trong phạm vi rộng hơn, một số ý kiến quan trọng vẫn còn, được tóm tắt như sau:
1. Tiêu đề của Đạo luật
Nhiều đề xuất lập pháp đề nghị thay đổi tên Đạo luật Tiếp cận thông tin cá nhân sang “Đạo luật Chính phủ mở” để nhấn mạnh mục đích của Chính phủ. Cùng với tinh thần đó, nhiều ý kiến đề xuất mở rộng mục đích của Đạo luật là đề cập đến nghĩa vụ của Chính phủ trong việc cung cấp một số thông tin cần thiết cho người dân Canada.
2. Phạm vi của Đạo luật
Về đề xuất mở rộng phạm vi của Đạo luật, hầu như tất cả các đề xuất khuyến nghị rằng Đạo luật nên cung cấp truy cập hồ sơ cá nhân, không ai được từ chối việc mở rộng quyền truy cập cho tất cả mọi người, bất kể họ ở đâu. Theo đa số các đề xuất, hầu hết các thành viên của Quốc hội sẽ chịu sự điều chỉnh của Đạo luật như chính bản thân Nghị viện, ngoại trừ Văn phòng của từng thành viên Quốc hội và Thượng Nghị sĩ. Năm 2006, Đạo luật Trách nhiệm giải trình liên bang đã giải quyết một phần vấn đề này bằng cách mở rộng phạm vi của đạo luật bao gồm các tổ chức Crown (Tổ chức Crown là người đứng đầu các công ty quốc doanh) cũng như các quan chức của Quốc hội. Tất cả đều có sự đồng thuận chung rằng các cơ quan tư pháp không phải là đối tượng thuộc Quyền tiếp cận công dân.
3. Hồ sơ nội các
Hầu hết các đề xuất đều đề nghị chuyển đổi việc loại trừ các hồ sơ nội các và đưa ra các quyết định từ chối tiết lộ thông tin do Ủy ban thông tin hoặc Tòa án liên bang xem xét. Năm 2005, Khung toàn diện về cải cách thông tin của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Canada đã đề xuất giữ lại sự riêng tư của Chính phủ trong việc thực hiện Đạo luật trong khi xác định sự tin tưởng của hồ sơ nội các và cho phép Tòa án liên bang xem xét các quyết định có liên quan.
Năm 2006, báo cáo của Bộ Tư pháp về cải cách Đạo luật Truy cập thông tin Canada đã đưa ra một cách tiếp cận khác: cách tiếp cận này bảo đảm loại trừ sự tin tưởng nội các sẽ được duy trì nhưng phải được xem xét bởi Ủy viên thông tin. Hầu hết các đề xuất khác đã tạo ra sự miễn trừ bắt buộc đối với Hồ sơ nội các.
4. Phần 24 và Mục II của Đạo luật
Hầu hết các đề xuất đề nghị bãi bỏ phần 24 và Mục II của Đạo luật. Báo cáo của Ủy ban thường vụ năm 2001 và báo cáo của Ủy ban thường vụ của Hạ viện về Truy cập thông tin năm 2009 đều liên quan đến những đề xuất này. Chỉ có báo cáo năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và văn bản thảo luận của Bộ Tư pháp năm 2006 đề nghị giữ lại các điều khoản. Khung đề xuất này đưa ra các tiêu chí nhằm giảm số lượng các điều khoản được quy định trong Mục II. Tài liệu thảo luận cũng đưa ra tiêu chí và quy trình xem xét để điều chỉnh các bổ sung có thể có của các điều khoản trong Mục II.
5. “Ghi đè” lợi ích chung
Khái niệm về “ghi đè” lợi ích chung đã được thông qua lần đầu tiên bởi Ủy viên thông tin John Reid trong “Đạo luật Chính phủ mở” mà ông đã đề xuất năm 2005. Trong báo cáo thảo luận năm 2006, Bộ Tư pháp đã đưa ra đề xuất rằng việc “ghi đè” lợi ích công không nên làm suy yếu các ngoại lệ bắt buộc được quy định tại phần 16 (3), phần 19 và phần 24 của Đạo luật Tiếp cận thông tin và các miễn trừ bắt buộc được cung cấp cho thành viên của quốc hội trong Đạo luật trách nhiệm giải trình liên bang.
6. Về đề xuất nghĩa vụ, trách nhiệm
Nội dung này đòi hỏi các cơ quan chính phủ phải chép lại các quyết định, hành động, lời khuyên và khuyến nghị của họ đã được Ủy ban thông tin thông qua và đưa vào dự thảo năm 2005. Khuyến nghị này được Ủy viên Ủy ban đánh giá là một trong những vấn đề quan trọng nhất của các Ủy viên. Vì họ đang dự định đảo ngược động thái hướng tới một nền văn hóa truyền miệng trong quá trình ra quyết định của chính phủ và các Ủy viên đã tranh luận về mục tiêu thúc đẩy sự cởi mở là nền tảng của Luật Tiếp cận thông tin. Văn bản thảo luận năm 2006 đã đề cập đến vấn đề này. Công chức, cơ quan liên bang của Chính phủ phải hiểu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Ở cấp độ hành chính, một Chỉ thị mới về lưu trữ hồ sơ đã được Ban thư ký ban hành vào tháng 6/2009.
7. Vai trò của Ủy viên thông tin
Nhận thức về vai trò của Ủy viên thông tin và vai trò của việc tiếp cận thông tin đã được Ủy viên Ban Tư pháp hạ viện đề xuất trong báo cáo năm 1987 của Nhóm Công tác về đánh giá truy cập thông tin trong báo cáo năm 2002 và Luật Chính phủ mở của Ủy viên thông tin được đề xuất năm 2005. Các nhà phê bình cũng khuyến cáo rằng các quy định mới sẽ quy định việc loại bỏ hoặc miễn một số khoản phí và quyền từ chối các yêu cầu phù phiếm hoặc phỉ báng. Trong 12 văn bản sửa nhanh được trình trước Ủy ban Thường vụ hạ viện về truy cập và bảo mật thông tin năm 2009, Ủy viên thông tin đề nghị sửa đổi Đạo luật để xác định xem có nên điều tra khiếu nại hay không. Ủy ban ủng hộ khuyến nghị này nhưng nhấn mạnh rằng tùy theo Quyết định của Ủy viên thì khuyến nghị này sẽ được giới hạn trong trường hợp khiếu nại hoặc phỉ báng đã được xác lập bởi cuộc điều tra trước đó.
Đề xuất Đạo luật Chính phủ mở năm 2005 nhấn mạnh rằng Ủy viên thông tin có quyền được ra lệnh cho việc công bố thông tin. Nhóm công tác rà soát truy cập thông tin đã nghiên cứu và thảo luận về việc thay đổi mô hình cán bộ thanh tra của Ủy viên thông tin trong báo cáo tháng 6/2002 và sau đó là đến báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
8. Đánh giá 5 năm của Nghị viện
Năm 2005, Ủy ban thường vụ và Ủy viên thông tin đã đề xuất sửa đổi Đạo luật Tiếp cận thông tin thành “Đạo luật Chính phủ mở” để xem xét lại hoạt động của Nghị viện 5 năm 1 lần. Khuyến nghị này cũng được Ủy ban thường vụ về truy cập và bảo mật thông tin đề xuất trong báo cáo năm 2009.
IV. Kết luận
Mặc dù đã có những đề xuất cập nhật Đạo luật Tiếp cận thông tin nhưng cho đến nay vẫn chưa có cải cách lớn về luật pháp tại Canada. Trên thực tế, sự bắt đầu của Nghị viện 41 đã cho thấy Chính phủ Canada có các cách tiếp cận khác nhau để cải thiện việc tiếp cận thông tin của Chính phủ Canada thông qua các sáng kiến “Chính phủ mở” và “Dữ liệu mở”. Những nỗ lực của Chính phủ Canada khi tham gia vào Chính phủ mở và dữ liệu mở được bắt đầu vào cuối Quốc hội lần thứ 40 khi Chính phủ khởi xướng một sáng kiến Chính phủ mở tại website open.gc.ca vào tháng 3/2011. Lúc đó, Ủy ban Thường vụ của hạ viện truy cập thông tin đang tiến hành nghiên cứu chủ đề về Chính phủ mở. Trong suốt thời gian xuất hiện trước khi kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội lần thứ 40, Tony Clement - Chủ tịch Hội đồng Tài chính đã khẳng định rằng: “Chính phủ mở là một cách tiếp cận mới để cung cấp thông tin giống như một số chính phủ khác đã làm, chúng tôi đã tạo ra một chính phủ mở ở một số cơ quan, một số bộ phận ở một mức độ nào đó, và bây giờ chúng tôi sẽ tập hợp tất cả vào một địa điểm”.
Trong kỳ họp thứ nhất của Quốc hội lần thứ 41 ngày 17/4/2012, Tony Clement tuyên bố Canada là thành viên trong Hợp tác Chính phủ mở quốc tế. Tại đại hội thường niên quan hệ đối tác được tổ chức tại Brazil, Clement đã trình bày Kế hoạch hành động Chính phủ mở của Canada và thông qua tuyên bố về nguyên tắc của cộng đồng như là các bước cuối cùng đối với thành viên đối tác.
Kế hoạch hành động về Chính phủ mở không đề xuất sửa đổi Đạo luật Tiếp cận thông tin nhưng Chính phủ cam kết cải thiện việc quản lý tiếp cận thông tin. Để cải thiện chất lượng dịch vụ và tiếp cận thông tin công dân một cách dễ dàng hơn, giảm chi phí xử lý hành chính. Chính phủ Canada bắt đầu hiện đại hóa và tập trung các nền tảng hỗ trợ quản lý Truy cập thông tin (Access to Information - ATI). Trong năm thứ nhất, Chính phủ Canada yêu cầu thực hiện các dịch vụ thanh toán trực tuyến, cho phép người dân Canada nộp đơn và thanh toán các yêu cầu ATI trực tuyến. Năm thứ 2 và thứ 3, Chính phủ Canada sẽ hoàn thành bản tóm tắt yêu cầu của ATI có thể tìm kiếm trực tuyến và tập trung vào việc thiết kế và triển khai một giải pháp ATI chuẩn, hiện đại được sử dụng bởi tất cả các cơ quan liên bang.
Các Ủy viên thông tin của Canada đã đồng ý với đề xuất Kế hoạch hành động về Chính phủ mở là cơ hội cải cách toàn diện Đạo luật Tiếp cận thông tin. Năm 2012, ông Suzanne Legault thay mặt cho các Ủy viên thông tin của Canada có thư gửi Clement đề nghị trợ giúp chính phủ trong việc xây dựng Kế hoạch hành động này. Lá thư đề nghị Chính phủ Canada thừa nhận và hỗ trợ mối quan hệ giữa Chính phủ mở và Đạo luật Tiếp cập thông tin. Vào năm 2013, Đạo luật Tiếp cận thông tin liên bang vừa tròn 30 tuổi, kể từ năm 1977 đã có nhiều nỗ lực cải cách Kế hoạch hành động theo hướng hiện đại hóa nhưng đều không có kết quả. Hơn nữa, trong một bài phát biểu tại Hiệp hội thông tin diễn ra vào ngày 25/8/2012, Ủy viên thông tin đã đưa ra những nhận xét về mối quan hệ giữa Chính phủ mở và Đạo luật Tiếp cận thông tin như sau:
“Các cuộc điều tra của chúng tôi trong những năm gần đây đã chứng tỏ không chỉ Đạo luật Tiếp cận thông tin đã lỗi thời mà Đạo luật này còn là một thiếu sót có thể cản trở sự phát triển của Chính phủ mở, trong khi Chính phủ mở là một sáng kiến dễ dàng đáp ứng các nhu cầu của công dân và nền kinh tế đang từng bước phát triển hiện nay”.
Trong thời đại phát triển công nghệ như hiện nay, thông tin, dữ liệu là nền tảng cơ bản cho việc phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin. Ngoài Canada, nếu chính phủ các nước xem xét công bố thông tin, dữ liệu mở sẽ tạo điều kiện cho việc thúc đẩy sự tham gia của các cá nhân, tổ chức triển khai các sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho xã hội, cộng đồng trên nền tảng khai thác dữ liệu từ các chính phủ được công bố. Tại Việt Nam, các cơ quan nhà nước có thể xem xét công bố một số dữ liệu không ảnh hưởng đến bí mật nhà nước, không vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân.
V. Tài liệu tham khảo
1. Access to Information Act Canada:
http://laws-lois.justice.gc.ca/eng/acts/a-1/
2. The Access to Information Act: A Canadian Experience:
http://www.humanrightsinitiative.org/programs/ai/rti/implementation/general/canada_ai_act_may05.pdf
2. The Access to Informatinon Act and Proposals for Reform: https://bdp.parl.ca/Content/LOP/ResearchPublications/2005-55-e.pdf
Lê Thị Thùy Trang