Ấn Độ triển khai Hệ thống Aadhaar cấp số định danh duy nhất cho tất cả người dân Ấn Độ dựa trên dữ liệu về sinh trắc học và nhân khẩu đã làm nền tảng cho nhiều cơ quan chính phủ và các bang của Ấn Độ triển khai kết nối, bảo đảm cho các hệ thống thông tin của mình hoạt động. Nhiều cơ quan chính phủ và các bang của Ấn Độ đã sử dụng số Aadhaar như: Các cơ quan chính phủ sử dụng hệ thống chấm công sinh trắc học dựa trên Aadhaar; Bộ Ngoại giao Ấn Độ đề xuất dựa vào số Aadhaar để xác thực người đề nghị cấp hộ chiếu; Cục Viễn thông Ấn Độ triển khai dự án thí điểm thẻ SIM liên kết Aadhaar; Tổ chức Quỹ tiết kiệm cho người lao động của Ấn Độ bắt đầu liên kết các tài khoản quỹ tiết kiệm với số Aadhaar; Chương trình xác thực và lọc danh sách cử tri quốc gia (NERPAP) của Ủy ban bầu cử được triển khai nhằm mục đích liên kết thẻ định danh ảnh của cử tri với số Aadhaar được đăng ký của cử tri để xác thực; các bang Telangana và Andhra Pradesh sử dụng số Aadhaar liên kết với các thẻ phân phối để loại bỏ các thẻ giống nhau.
Bài viết này sẽ giới thiệu về việc kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu Aadhaar làm nền tảng cho hệ thống chấm công sinh trắc học hoạt động.
Số định danh duy nhất (Aadhaar)
Aadhaar, có nghĩa là “nền tảng”, là một số ngẫu nhiên gồm 12 số được Cơ quan cấp số định danh duy nhất của Ấn Độ (UIDAI) cấp cho người dân sau khi đáp ứng quy trình xác thực. Bất kỳ cá nhân nào là công dân Ấn Độ, không phân biệt tuổi tác hay giới tính đều có thể tự nguyện đăng ký để cấp số Aadhaar. Người đăng ký phải cung cấp thông tin tối thiếu về nhân khẩu và sinh trắc học trong quá trình đăng ký và quá trình đăng ký là hoàn toàn miễn phí. Các thông tin nhân khẩu gồm có: tên, ngày sinh (được xác minh) hoặc tuổi (được khai báo), giới tính, địa chỉ, số điện thoại di động (tùy chọn) và định danh thư điện tử (tùy chọn). Các thông tin sinh trắc học gồm có: 10 dấu vân tay, bản quét 02 mống mắt và ảnh chân dung. Người dân chỉ cần đăng ký duy nhất một lần và sau khi khử trùng lặp thì chỉ duy nhất một số Aadhaar được tạo ra.
Aadhaar đã đạt được một số mốc quan trọng và là hệ thống định danh sinh trắc học lớn nhất trên thế giới [3]. Nền tảng định danh Aadhaar cho phép Chính phủ Ấn Độ tiếp cận trực tiếp với người dân trong việc cung cấp các khoản trợ cấp, lợi ích và dịch vụ bằng cách sử dụng duy nhất số Aadhaar của người dân.
UIDAI cấp số Aadhaar cho người dân chỉ sau khi khử trùng lặp các thuộc tính nhân khẩu và sinh trắc học của họ đối với toàn bộ cơ sở dữ liệu. Việc xác thực Aadhaar cho phép loại bỏ sự trùng lặp theo nhiều chương trình khác nhau và được kỳ vọng tạo ra một khoản tiết kiệm đáng kể cho chính phủ.
Hệ thống Aadhaar cung cấp dịch vụ xác thực định danh trực tuyến đơn giản cho người dân cả nước. Người dân có thể sử dụng số Aadhaar để xác thực và thiết lập định danh của mình nhiều lần bằng các phương tiện điện tử.
Theo dữ liệu được lấy từ báo cáo trên Cổng thông tin điện tử của UIDAI (https://uidai.gov.in), tính đến ngày 15/10/2017, hơn 1,319 tỷ số Aadhaar đã được cấp và ước tính 87,8% người dân Ấn Độ có một số Aadhaar được cấp (Hình 1).
Hình 1. Số lượng số Aadhaar được cấp tính đến ngày 15/10/2017
Giới thiệu Hệ thống chấm công sinh trắc học dựa trên Aadhaar
Chính phủ Ấn Độ tuyển dụng hàng ngàn nhân viên làm việc trong các bộ, phòng, ban và tổ chức khác nhau. Quản lý chấm công của nhân viên là một việc phức tạp nhưng cần thiết vì sự có mặt của nhân viên ở cơ quan tác động trực tiếp đến năng suất và hiệu quả công việc. Việc đến muộn và về sớm của nhân viên thường xuyên xảy ra ở các cơ quan. Điều này làm cho các nhân viên đi đúng giờ cảm thấy chán nản và không khuyến khích được họ. Một vài cơ quan đã triển khai hệ thống chấm công điện tử, việc nhập thủ công dữ liệu đăng ký chấm công đã được thay bằng thẻ thông minh hay hệ thống sinh trắc học. Tuy nhiên, các hệ thống như vậy thường là hệ thống độc lập không cho phép dễ dàng chia sẻ dữ liệu chấm công giữa các mức khác nhau trong hệ thống. Các hệ thống như vậy cũng thường được triển khai độc lập bởi các cơ quan khác nhau dẫn tới tăng chi phí và công sức. Vì vậy, sẽ phù hợp hơn khi phát triển và triển khai một hệ thống tập trung để giám sát việc chấm công trong các cơ quan chính phủ khác nhau. Hệ thống như vậy nên tận dụng cơ sở hạ tầng định danh hiện có của Aadhaar để bảo đảm hiệu quả về chi phí và lợi thế về khả năng mở rộng.
Là một phần trong chương trình “Ấn Độ số” của Chính phủ Ấn Độ, tháng 7 năm 2014, hệ thống chấm công sinh trắc học dựa trên Aadhaar (Aadhaar Enabled Biometric Attendance System - AEBAS) được đưa vào sử dụng trong các cơ quan chính phủ của Ấn Độ có trụ sở đặt tại thủ đô New Delhi. Mục đích chính của hệ thống là kiểm tra sự vắng mặt, đo thời gian một nhân viên sử dụng ở cơ quan và số lần chấm vào và chấm ra của họ trong thời gian làm việc. Người dân có thể quan sát việc đến và về hằng ngày của các nhân viên chính phủ trên trang web http://attendance.gov.in với thông tin thời gian thực (Hình 2).
Hình 2. Màn hình Dashboard của Hệ thống AEBAS
Chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu cài đặt hệ thống trong tất cả các cơ quan chính phủ ở thủ đô New Delhi và yêu cầu tất cả các bộ thu thập thông tin nhân viên của mình (định danh thư điện tử, địa chỉ cư trú, số điện thoại cố định và số điện thoại di động cá nhân).
Để triển khai hệ thống, tất cả các cơ quan sẽ phải lắp đặt máy quét vân tay có kết nối Internet. Ngoài việc sử dụng các ngón tay, nhân viên phải sử dụng 6 số đầu hoặc 6 số cuối trong số Aadhaar tương ứng của mình như là số định danh cá nhân (Personal Identity Number - PIN) để xác thực. Hệ thống cho phép nhân viên đăng ký sự có mặt của mình bằng sinh trắc học (vân tay hoặc mống mắt). Sự kiện này sẽ được xác thực trực tuyến sau khi đối chiếu “một - một” với thuộc tính sinh trắc học được lưu trong cơ sở dữ liệu UIDAI cùng với số Aadhaar của nhân viên.
Trong giai đoạn đầu triển khai, xấp xỉ 150 cơ quan chính phủ Trung ương đã đưa khoảng 50.000 nhân viên trên cổng thông tin chấm công sinh trắc học chung; 1000 thiết bị chấm công sinh trắc học được lắp đặt, 5000 thiết bị quét vân tay và 200 thiết bị quét mống mắt đã được mua. Các thiết bị này được cài đặt ở khoảng 100 tòa nhà chính phủ.
Trong suốt giai đoạn 2 của chương trình này, các cơ quan chính phủ Trung ương sẽ sử dụng cổng thông tin chấm công sinh trắc học chung được đặt tại trung tâm dữ liệu của Trung tâm Tin học quốc gia (NIC) và sẽ mua sắm hoặc bảo trì các thiết bị chấm công sinh trắc học, thiết bị quét vân tay hoặc mống mắt theo hình thức phân quyền. Các cơ quan chính phủ Trung ương cũng sẽ được yêu cầu mua các thiết bị truy cập mạng không dây (Wi-Fi Access point) cho phép các thiết bị chấm công sinh trắc học kết nối mạng.
Các đặc trưng nổi bật của hệ thống AEBAS:
Hệ thống chấm công sinh trắc học dựa trên xác thực Aadhaar (xác thực dựa trên vân tay và mống mắt);
Là một hệ thống chấm công giám sát thời gian thực;
Không yêu cầu bất cứ phần cứng hay giải thuật đặc biệt;
Tương thích với nhiều nền tảng (Windows, Android...) và thiết bị (Laptop, Desktop, Tablets ...);
Hệ thống được tích hợp chặt chẽ với kênh truyền thông SMS. Người sử dụng nhận SMS từ hệ thống ở các mức khác nhau chẳng hạn như sau khi đăng ký;
Việc bảo trì hệ thống phần lớn là tự động.
Giải pháp triển khai Hệ thống AEBAS
Hệ thống AEBAS được đề xuất triển khai tại các cơ quan chính phủ ở New Delhi như sau:
Phần mềm chấm công trên nền tảng đám mây được cài đặt và vận hành từ Trung tâm dữ liệu quốc gia đặt tại NIC;
NIC cung cấp kết nối an toàn riêng giữa Trung tâm dữ liệu quốc gia NIC và Trung tâm dữ liệu UIDAI phục vụ việc xác thực;
Tất cả các bộ, ban và tổ chức trực thuộc có thể truy cập hệ thống sử dụng mạng do NIC cung cấp;
Các cơ quan sử dụng hệ thống sẽ lắp đặt các thiết bị đầu cuối có khả năng sinh trắc học hoặc các thiết bị chấm công; số lượng và vị trí của các thiết bị được yêu cầu do các cơ quan đánh giá; các cơ quan liên quan sẽ chịu trách nhiệm bảo trì các thiết bị hằng ngày;
Kết nối của các thiết bị sẽ được thiết lập qua Wi-Fi hoặc GPRS;
Định dạng báo cáo được tùy chỉnh cho các cấp nhân viên khác nhau sẽ do UIDAI hoặc NIC phát triển;
Dữ liệu chấm công sẽ được cung cấp theo yêu cầu.
Kiến trúc Hệ thống AEBAS
Ở mức cao, toàn bộ giải pháp có 2 phần chính:
a) Hệ thống Front End: Hệ thống Front End hay hệ thống chấm công là thiết bị có phần cứng và ứng dụng chấm công máy khách. Phân hệ chấm công trong trạng thái chờ người sử dụng nhập định danh của mình bằng việc chạm vào màn hình nếu sử dụng máy tính bảng hoặc nhập từ bàn phím nếu sử dụng máy tính bàn. Định danh chấm công này thường sẽ là 6 số đầu hoặc 6 số cuối trong số Aadhaar của nhân viên. Khi định danh chấm công được nhận, ứng dụng sẽ nhắc người sử dụng cung cấp dữ liệu sinh trắc học được yêu cầu cho việc xác thực Aadhaar trực tuyến. Sau đó, hệ thống tạo yêu cầu theo hàm API xác thực Aadhaar và gửi yêu cầu tới ứng dụng Back End tại Kho dữ liệu định danh trung tâm UIDAI (Central Identity Data Repository - CIDR).
b) Hệ thống Back End: Hệ thống Back End hay máy chủ chấm công sẽ tạo yêu cầu xác thực Aadhaar, gửi yêu cầu và nhận đáp ứng theo yêu cầu hàm API xác thực Aadhaar. Hệ thống sẽ ghi nhận việc chấm công vào, ra; hệ thống chấm công kích hoạt hay không kích hoạt và tạo ra báo cáo.
Sử dụng Hệ thống AEBAS
Các cơ quan sử dụng Hệ thống AEBAS như sau:
a) Đăng ký của cơ quan: các cơ quan đăng ký sử dụng trực tuyến trên cổng attendance.gov.in bằng việc cung cấp số lượng nhân viên và tên trang web của mình. Khi việc đăng ký của cơ quan hoàn thành, cơ quan sẽ được đưa vào danh sách trên cổng attendance.gov.in dùng cho việc đăng ký của nhân viên và tạo ra các loại báo cáo khác nhau liên quan tới cơ quan.
b) Đăng ký của nhân viên: Khi cơ quan được đăng ký trên cổng attendance.gov.in, nhân viên của cơ quan thực hiện đăng ký trực tuyến để có thể chấm công. Nhân viên cần điền thông tin vào một mẫu trực tuyến trên cổng. Sau khi thông tin chi tiết được điền, dữ liệu của nhân viên được xác thực bởi UIDAI. Sau khi được chấp nhận, nhân viên được kích hoạt trên cổng attendance.gov.in và có thể chấm công qua thiết bị được lắp đặt. Một trong những yêu cầu bắt buộc của việc đăng ký là số Aadhaar hợp lệ của nhân viên.
Kết luận
Hiện nay, ở Việt Nam, nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia đã và đang được triển khai xây dựng. Hệ thống chấm công sinh trắc học dựa trên Aadhaar của Ấn Độ là một kinh nghiệm cho các cơ quan nhà nước Việt Nam có kế hoạch xây dựng hệ thống thông tin nhằm kết nối, khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ hoạt động của mình. Đồng thời, đây là cũng là kinh nghiệm trong việc sử dụng thông tin nhân khẩu kết hợp với thông tin sinh trắc học của người dân để xác thực. Ở Việt Nam hiện nay, thông tin nhân khẩu của người dân được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn thông tin sinh trắc học của người dân được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu về căn cước công dân. Để kết hợp các thông tin này phục vụ cho việc quản lý được tốt hơn, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu về căn cước công dân cần phải được xem xét.
Tài liệu tham khảo
[1] National Informatics Centre - Department of Electronics and Information Technology - Government of India, On-boarding Manual for Organizations to Install Aadhaar-enabled Biometric Attendance System, 2014
[2] https://en.wikipedia.org/wiki/Aadhaar
[3] http://attendance.gov.in
[4] https://uidai.gov.in
Phạm Văn Thịnh