1. Giới thiệu chung
Kế hoạch hành động và chiến lược phát triển CNTT-TT dến năm 2017 của Chính phủ New Zeeland được phê duyệt vào tháng 6/2013 và sửa đổi vào năm 2015 để bảo đảm rằng, trong môi trường công nghệ phát triển năng động chính phủ có thể đạt được mục tiêu là chuyển đổi các dịch vụ công nhờ sự hỗ trợ của CNTT –TT để phục vụ người dân New Zealand ngày càng tốt hơn.
Qua quá trình triển khai từ năm 2013, Chiến lược CNTT-TT của Chính phủ đã đặt nền móng cho sự phát triển của các dịch vụ của chính phủ và chuyển đổi hoạt động của các cơ quan hành chính. Giờ đây, các kế hoạch đầu tư của các cơ quan chính phủ đều phải phù hợp với lợi ích toàn chính phủ và được tích lũy dần từ các đầu tư về CNTT-TT. Các sản phẩm và dịch vụ mang tính tổng thể cho toàn chính phủ đã được áp dụng rộng rãi và đạt được mức tiết kiệm chi phí đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan hợp tác cung cấp dịch vụ công liên cơ quan. Với sự quan tâm mạnh mẽ của Giám đốc phụ trách về quyền riêng tư của Chính phủ và Chính sách về các Yêu cầu bảo mật bảo vệ đã giúp cải thiện khả năng bảo mật và quyền riêng tư của công dân và đã xây dựng được niềm tin và sự tự tin khi công chúng khi mà họ ngày càng quan tâm tới cách mà chính phủ quản lý và sử dụng thông tin của bản thân.
Các kết quả đạt được từ Chiến lược CNTT-TT 2015 của giai đoạn trước đã tạo cơ hội để xây dựng được một nền tảng và tận dụng một số xu hướng thay đổi mới nổi, mang lại cơ hội mới để hỗ trợ các dịch vụ công và các chương trình chuyển đổi của các cơ quan ngày càng tốt hơn bằng cách lấy công dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phát triển các dịch vụ số.
Năm 2015, Giám đốc Thông tin của Chính phủ đã thiết lập Khung Đối tác hợp tác, trong đó thể hiện mối quan hệ giữa các bên liên quan chính của chính phủ, nhằm hỗ trợ mục tiêu tạo lập một hệ sinh thái CNTT-TT tường minh để thực hiện việc chuyển đổi các dịch vụ công. Được lãnh đạo bởi một nhóm các giám đốc điều hành (Nhóm lãnh đạo chiến lược CNTT-TT), Khung đối tác hợp tác tập trung vào đổi mới dịch vụ, thực hiện các đầu tư chiến lược, thông tin và công nghệ.
Khung đối tác hợp tác đã sửa đổi Chiến lược CNTT-TT bao quát của Chính phủ vào năm 2017 và đã phát triển một chương trình làm việc để thực hiện nó, thay thế Kế hoạch hành động về CNTT-TT 2015.
Nội dung cơ bản của Chiến lược CNTT-TT năm 2017 tập trung vào các vấn đề sau:
2. Tập trung vào các cơ hội tiềm năng
Chiến lược CNTT-TT 2017 xác định bốn cơ hội chiến lược sau:
- Khai thác các công nghệ mới: Các chuyển đổi mang tính đột phá với tốc độ nhanh được tạo ra bởi các dịch vụ điện toán đám mây cho thấy cơ hội thay đổi cách thức hoạt động của khu vực công, tiết kiệm chi phí và cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
- Khai thác các giá trị của thông tin: Gia tăng tính sẵn sàng của các thông tin do chính phủ nắm giữ, phân tích dữ liệu và mô hình dự đoán có khả năng tạo ra giá trị của thông tin để giúp giải quyết các vấn đề phức tạp và tạo ra các ý tưởng sáng tạo.
- Tận dụng cơ hội để chuyển đổi tổ chức: Các chương trình chuyển đổi tổ chức tổng thể có vai trò quan trọng trong việc cung cấp các thành phần chính của hệ sinh thái CNTT-TT cho khu vực công, cho phép tích hợp các dịch vụ giữa nhiều cơ quan và các tổ chức khác có liên quan trong việc cung cấp dịch vụ công.
- Liên kết với các đối tác thuộc khu vực tư nhân: Quan hệ đối tác với khu vực tư nhân đang ngày càng được sử dụng để thúc đẩy sự đổi mới và khuyến khích chấp nhận rủi ro lớn hơn.
3. Chuyển đổi dịch vụ công
Người dân đang sử dụng các thiết bị số cá nhân theo những cách ngày càng hiện đại và phổ biến. Trong các hoạt động hàng ngày như giao dịch ngân hàng và mua sắm, khách hàng mong đợi hàng hóa và dịch vụ được tích hợp, dễ dàng truy cập thông qua bất kỳ thiết bị kỹ thuật số nào và nhanh chóng có sẵn. Yêu cầu tương tự cũng áp dụng cho các dịch vụ công do chính phủ cung cấp. Càng ngày, mọi người càng mong đợi được sử dụng các dịch vụ công theo cùng một cách và theo cùng một tiêu chuẩn, như khi giao dịch với ngân hàng hoặc nhà bán lẻ trực tuyến trên mạng Internet.
Trong quá khứ, cơ quan chính phủ độc lập đã hoạt động như một phương tiện giao hàng mà hàng hóa ở đây chính là các dịch vụ công. Cơ sở hạ tầng thông tin và công nghệ phản ánh cách tiếp cận đơn lẻ này, các cơ quan vận hành các hệ thống thông tin độc lập của riêng họ và cung cấp dịch vụ của riêng họ. Khi cần có sự kết nối các hệ thống này với các hệ thống khác thì cần thiết phải có một tư duy và cách tiếp cận thông tin và công nghệ mới.
Các cơ quan và bên thứ ba phải đồng ý về cách cung cấp dịch vụ tích hợp và hợp lý hóa các kênh cung cấp dịch vụ. Ví dụ, điều này có thể liên quan đến việc xác định mô hình và kiến trúc hoạt động mục tiêu chung cho các dịch vụ được liên kết, và do đó sẽ cho phép phát triển hệ thống mà không cản trở lợi ích đã đạt được trong các chương trình chuyển đổi và cải tiến của tổ chức. Bên cạnh đó, các rào cản hệ thống đối với việc tích hợp dịch vụ công liên cơ quan, chẳng hạn như luật pháp, ủy thác, quy trình ra quyết định đầu tư và ưu tiên cơ quan/phiếu bầu, cũng cần được điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp.
Các lĩnh vực tập trung:
Các cơ quan và bên thứ ba thống nhất cách thức cung cấp dịch vụ tích hợp;
Các kênh cung cấp dịch vụ được hợp lý hóa;
Các thành phần dịch vụ phổ biến được sử dụng lại bởi các cơ quan;
Các dịch vụ tích hợp được thí điểm bằng cách sử dụng "sự kiện cuộc sống" (là việc cung cấp dịch vụ cho công dân, tổ chức theo các sự kiện quan trọng gắn với cá nhân, tổ chức như khai sinh, đăng ký học, đăng ký bảo hiểm y tế, đăng ký nghiệp vụ...)
4. Gia tăng giá trị thông tin hành chính
Những hiểu biết dựa trên thông tin đang định hình lại các dịch vụ, chính sách và làm gia tăng giá trị công và tư nhân. Khả năng nắm bắt nhu cầu khách hàng của khu vực công (sở thích, hành vi và nhu cầu của người dùng) và rút ra những hiểu biết sâu sắc về các vấn đề phức tạp bằng cách phân tích dữ liệu lớn đang dần phát triển. Nhưng đa phần thông tin có giá trị vẫn bị cô lập trong kho dữ liệu của các cơ quan và không thể dễ dàng truy cập, tích hợp, phân tích và sử dụng.
Chiến lược CNTT-TT 2017 nhấn mạnh việc thiết lập các quy tắc, tiêu chuẩn, kiến trúc và pháp luật để tạo điều kiện cho việc chia sẻ dữ liệu, thông tin giữa các cơ quan chính phủ. Các kiến trúc nên hỗ trợ và không cản trở các luồng thông tin trao đổi giữa các dịch vụ. Khuyến khích các cơ quan kết nối cơ sở hạ tầng thông tin và công nghệ hiện có để chia sẻ thông tin và phân tích dữ liệu ở mức cao. Điều này dẫn tới việc cần phải kiểm tra khả năng của hệ thống để nắm được các khả năng hiện có, thay vì tìm cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng mới tốn kém.
Đầu tư và xây dựng năng lực về các kỹ năng mới rất quan trọng, cũng như sự thay đổi trong cách tiếp cận quản lý, sử dụng và tái sử dụng thông tin và dữ liệu. Việc sử dụng an toàn, đảm bảo tính riêng tư và sử dụng lại dữ liệu phải là mặc định, bao gồm (với các biện pháp bảo vệ phù hợp) bên thứ ba có thể truy cập dữ liệu, thông tin và sử dụng dữ liệu đó để tạo dịch vụ mới.
Các lĩnh vực tập trung:
- Kỹ năng thông tin thúc đẩy những hiểu biết mới và ra quyết định tốt hơn;
- Mặc định việc mở dữ liệu và chia sẻ được hỗ trợ bởi các thiết lập cài đặt bảo mật và quyền riêng tư;
- Sự tin tưởng của công chúng cho phép việc chia sẻ và tái sử dụng thông tin;
- Khung và cơ sở hạ tầng tạo điều kiện cho trao đổi và tái sử dụng thông tin.
5. Hiện đại hóa công nghệ
Đẩy mạnh việc áp dụng đổi mới thông tin và công nghệ để tạo ra các giá trị mới. Trong các giai đoạn trước, các cơ quan chính phủ New Zeeland đã thiết kế, xây dựng và vận hành các giải pháp công nghệ và lưu trữ thông tin của riêng họ. Cách tiếp cận như vậy không còn phù hợp trong hiện tại vì các khả năng CNTT-TT không cốt lõi có thể được gia công ngoài bởi khu vực tư nhân, điều này cho phép các tổ chức CNTT-TT hợp tác với các đơn vị nghiệp vụ để mang lại sự đổi mới và tạo ra các giá trị mới. Chiến lược CNTT-TT 2017 nhấn mạnh việc áp dụng các khả năng chung và các dịch vụ chia sẻ, cũng như chia sẻ và tái sử dụng các chính sách, tiêu chuẩn và mô hình nghiệp vụ. Các cơ chế chính sách sẽ được thành lập để cho phép các cơ quan mua sắm các dịch vụ CNTT-TT sáng tạo một cách dễ dàng, hiệu quả và an toàn.
Nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và nhân sự của các đơn vị CNTT-TT và bộ phận cung cấp dịch vụ công cần phải thay đổi. Giống như chính phủ cần quản lý các thành quả kinh tế và xã hội có được từ sự thay đổi công nghệ đột phá, ví dụ, tự động hóa lực lượng lao động, các nhà lãnh đạo khu vực công phải lập kế hoạch và quản lý hiệu quả quá trình chuyển đổi sang cách thức mới để tích hợp và tương tác với công nghệ tốt hơn.
Cách các cơ quan phát triển dịch vụ cũng sẽ cần phải thay đổi. Điều này sẽ yêu cầu các cơ quan áp dụng các cách tiếp cận sáng tạo để phát triển dịch vụ, chẳng hạn như tập trung vào các sản phẩm khả thi.
Các lĩnh vực tập trung:
- Năng lực tập thể và các dịch vụ chia toàn chính phủ;
- Các cơ quan có thể dễ dàng tiếp cận với những đổi mới CNTT-TT;
- Các tổ chức CNTT-TT hợp tác với các đơn vị nghiệp vụ của họ để thúc đẩy sự đổi mới;
- Chính sách, tiêu chuẩn, mô hình nghiệp vụ được chia sẻ trên toàn hệ thống.
6. Tối đa hóa lợi ích đầu tư công
Đầu tư vào các dịch vụ kỹ thuật số sáng tạo đang được ưu tiên và thực tế các lợi ích đang dần được hiện thực hóa. Khi quản lý đầu tư công, chính phủ New Zeeland mong muốn có được các kết quả tốt hơn, đồng thời đầu tư phù hợp vào các dịch vụ mới sẽ tạo ra sự khác biệt.Trong bối cảnh đầu tư vào CNTT-TT có yêu cầu bắt buộc phải tối đa hóa tác động của các khoản đầu tư hiện có, chẳng hạn như các sáng kiến hiện đại hóa tổ chức, vì lợi ích của toàn bộ hệ thống chính phủ. Đề xuất đầu tư mới cần phải chứng minh sự cần thiết và chi phí phải chăng. Các đề xuất phải phù hợp với các mục tiêu phát triern CNTT-TT của chính phủ (như được nêu trong chiến lược) và các tác động có thể có theo các ưu tiên của chính phủ.
Các lĩnh vực tập trung:
Đầu tư CNTT-TT tập trung vào các sáng kiến có nhiều tác động hơn;
Tối đa hóa giá trị từ đầu tư CNTT-TT;
Chi phí và hiện thực hóa lợi ích từ đầu tư vào dịch vụ kỹ thuật số;
Các sáng kiến chuyển đổi tổ chức mang lại lợi ích cho toàn hệ thống.
7. Nâng cao sự lãnh đạo trong thời đại công nghệ
Các vấn đề phức tạp đang từng bước được giải quyết và các giải pháp sáng tạo cũng đang được áp dụng. Tốc độ thay đổi và đổi mới do công nghệ mang lại đang ngày càng tăng, đặc biệt là sự phát triển của công nghệ điện toán đám mây, và khả năng có thể phân tích một lượng lớn dữ liệu và đưa ra được những hiểu biết sâu sắc về các vấn đề phức tạp và hành vi, sở thích của người dùng. Đối với khu vực công, áp dụng sự đổi mới và phát triển các kỹ năng, tư duy và cấu trúc bổ sung là điều cần thiết để đưa ra chương trình thực hiện chuyển đổi của chính phủ . Nhưng các nhà lãnh đạo cấp cao của khu vực công thì có sự hạn chế trong tầm nhìn về tiềm năng của thông tin và công nghệ, và về các loại đổi mới đang hoặc sẽ sớm xuất hiện. Chiến lược này sẽ cho phép các nhà lãnh đạo hiểu và khai thác các khả năng sáng tạo để xây dựng sự hiểu biết của tổ chức về các xu hướng và sự phát triển mới nổi. Rộng hơn, Chiến lược sẽ cho phép các nhà lãnh đạo khu vực công hợp tác với bên thứ ba để vượt qua các rào cản hệ thống. Một nền văn hóa lao động khuyến khích sự đổi mới, và sẵn sàng thử nghiệm, tiến tới nhanh chóng áp dụng các công nghệ mới phải được thúc đẩy. Các nhà lãnh đạo cần tìm đến các cơ quan và tổ chức công khác ở New Zealand và nước ngoài, tổ chức công nghiệp và các tổ chức phi chính phủ (NGO) như là nguồn sáng tạo trong cung cấp dịch vụ và CNTT-TT.
Các lĩnh vực tập trung:
Lãnh đạo khu vực công tái cân bằng tổ chức và các ưu tiên hệ thống;
Các nhà lãnh đạo khu vực công dẫn dắt các thay đổi để vượt qua các rào cản hệ thống;
Xây dựng năng lực lao động khuyến khích đổi mới, sáng tạo;
Các cơ quan tìm đến các tổ chức công nghiệp và bên thứ ba để tìm nguồn sáng tạo.
8. Kết luận
Từ thực tiễn chiễn lược phát triển CNTT-TT của New Zeeland có thể rút ra được một số bài học quan trong để áp dụng trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Đó là cần xác định các cơ hội tiềm năng để đầu tứ ứng dụng CNTT thay vì đầu tư dàn trải, nhiều nội dung trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế; cần xác định giá trị cốt lõi của thông tin hành chính do Chính phủ thu thập và lưu trữ, từ đó có biện pháp khai thác phù hợp; luôn đề cao vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc triển khai ứng dụng CNTT, phát triển chính phủ điện tử./.
Trần Kiên
Tài liệu tham khảo:
- Chiến lược phát triển CNTT-TT của Chính phủ New Zeeland (https://www.ict.govt.nz/strategy-and-action-plan/government-ict-strategy-implementation/ )
- Thông tin khác tại trang thông tin https://www.digital.govt.nz/standards-and-guidance/strategy-and-planning/developing-an-ict-strategy/