Đang xử lý.....

Giới thiệu tổng quan về các mô hình tham chiếu Kiến trúc chính phủ điện tử của Úc phiên bản 3.0  

Kiến trúc chính phủ điện tử của Úc (AGA - Australian Government Architecture) bao gồm một loạt các mô hình tham chiếu liên quan đến nhau nhằm hỗ trợ cho việc phân tích và xác định khoảng cách, các khoản đầu tư trùng lặp liên cơ quan, tạo cơ hội hợp tác trong và giữa các cơ quan...
Thứ Ba, 21/11/2017 1780
|

Giới thiệu chung

Kiến trúc chính phủ điện tử của Úc (AGA - Australian Government Architecture) bao gồm một loạt các mô hình tham chiếu liên quan đến nhau nhằm hỗ trợ cho việc phân tích và xác định khoảng cách, các khoản đầu tư trùng lặp liên cơ quan, tạo cơ hội hợp tác trong và giữa các cơ quan. Nhìn chung, các mô hình tham chiếu bao gồm khung để mô tả các yếu tố quan trọng của AGA theo một cách chung và nhất quán.

Thông qua việc sử dụng khung kiến trúc và từ vựng thống nhất này, các danh mục đầu tư Công nghệ thông tin và truyền thông (Information and Communications Technology - ICT) được quản lý và sử dụng tốt hơn trên toàn nước Úc. Ở bài viết này, tác giả sẽ tóm tắt mục đích và nội dung cơ bản của năm mô hình tham chiếu AGA, cụ thể bao gồm:

Mô hình tham chiếu hiệu năng (Performance Reference Model - PRM).

Mô hình tham chiếu nghiệp vụ (Business Reference Model - BRM).

Mô hình tham chiếu dịch vụ (Service Reference Model - SRM).

Mô hình tham chiếu dữ liệu (Data Reference Model - DRM).

Mô hình tham chiếu kỹ thuật (Technical Reference Model - TRM).

Các mô hình tham chiếu Kiến trúc chính phủ điện tử của ÚC phiên bản 3.0

  1. Mô hình tham chiếu hiệu năng - PRM

PRM là một khung đo lường tập trung vào kết quả, hỗ trợ các cơ quan chính phủ trong việc thiết kế và triển khai các hệ thống đo lường nghiệp vụ và các kiến ​​trúc hiệu năng hiệu quả. Nó được tạo thành từ mô hình đặc tả (meta-model) phân cấp giúp xác định nhu cầu đo lường; một khung phân loại mô tả các loại đo lường hỗ trợ các nhu cầu đã được xác định; và một khung chỉ số đo lường giúp xác định các chỉ số đo hiệu quả. Khi được kết hợp, những yếu tố này tạo thành một PRM nhằm mục đích:

  • Thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ giữa các sáng kiến ​​nghiệp vụ, các chiến lược của các cơ quan chính phủ với các kết quả đầu ra.
  • Hỗ trợ hoạt động nghiệp vụ hiệu quả
  • Tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong chính phủ.

PRM có tính linh hoạt và có thể được áp dụng trong bất kỳ cơ quan chính phủ nào, ở bất kỳ cấp nào của chính phủ để hỗ trợ các hoạt động lập kế hoạch, quản lý và đánh giá. Nó củng cố, sắp xếp và mở rộng các hệ thống và các khung quy trình đo lường hiện tại, chẳng hạn như Thư viện cơ sở hạ tầng Công nghệ thông tin (Information Technology Infrastructure Library - ITIL) và Mô hình trưởng thành các chương trình, danh mục và quản lý dự án (Portfolio, Programme and Project Management Maturity Model - P3M3) và giảm gánh nặng triển khai, vận hành cho các cơ quan.

PRM phù hợp với Mô hình quy trình kết quả (Outcome Process Model), hỗ trợ các hoạt động lập kế hoạch và quản lý (thực hiện) trong một tổ chức. Nó hỗ trợ liên kết, hợp nhất các khung đo lường hiện tại và định nghĩa các chỉ số đo lường mới như:

  • Tính hiệu quả và sự sắp xếp các nguồn lực được phân bổ cho các chương trình của chính phủ.
  • Tính hiệu quả và sự liên kết các quy trình, các hoạt động liên quan đến việc cung cấp các chương trình của chính phủ.
  • Chất lượng và giá trị của các sản phẩm đầu ra của các chương trình chính phủ, bao gồm cả dịch vụ.
  • Mức độ các kết quả của chương trình (sản phẩm và dịch vụ) đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và chính phủ.
  • Mức độ hiệu quả của chương trình được thực hiện để đạt được kết quả đầu ra.
  • Các mối quan hệ nguyên nhân – kết quả tồn tại giữa các đo lường trên khi gắn với việc triển khai kiến trúc của một cơ quan.

Khi thực hiện trong một cơ quan, khung đo lường tạo ra tầm nhìn cho các nhà quản lý về các nguồn lực đầu vào được phân bổ cho: chương trình, dự án, bộ phận, chi nhánh hoặc phòng ban và kết quả dự kiến. Từ đó, ghi lại hiệu năng và hiệu quả của các quy trình làm việc liên quan, chất lượng sản phẩm và các tác động đầu ra ở mức sử dụng bởi các khách hàng mục tiêu.

Có năm lĩnh vực đo lường trong AGM PRM: Đầu vào; Các quy trình và hoạt động; Đầu ra (Outputs); Sử dụng; và Kết quả (Outcomes). Các lĩnh vực này tương ứng với năm lĩnh vực hoạt động riêng biệt trong mô hình hoạt động của Chính phủ và Tổ chức.

Các kết quả của chương trình đưa ra chủ đề phù hợp với các lĩnh vực nghiệp vụ theo các dịch vụ BRM dành cho công dân. Trong năm lĩnh vực đo lường, có 14 loại chỉ số đo lường phụ:

1. Miền đầu vào (Inputs domain) bao gồm tài sản cố định, công nghệ, con người, thông tin dữ liệu và tài chính - các loại đầu vào.

2. Miền công việc (Work domain) bao gồm các nhiệm vụ, dự án, quy trình và hoạt động (thông thường là nghiệp vụ) – các loại công việc.

3. Miền đầu ra (Outputs domain) bao gồm các sản phẩm và dịch vụ - các loại đầu ra.

4. Miền sử dụng (Usage domain) bao gồm việc sử dụng và cung cấp sản phẩm, dịch vụ - các loại sử dụng.

5. Miền kết quả (Outcomes domain) bao gồm các kết quả của chương trình và các kết quả nghiệp vụ - các loại kết quả.

  1. Mô hình tham chiếu nghiệp vụ BRM

Mô hình tham chiếu nghiệp vụ (BRM) cung cấp một khung làm đơn giản hóa góc nhìn chức năng về Dòng nghiệp vụ (Lines of Business – LoBs) cho toàn bộ chính phủ Úc, độc lập với các cơ quan thực hiện chúng. BRM mở rộng khái niệm "đường ngắm (line of sight)" được mô tả trong mô hình tham chiếu hiệu năng, bằng cách kết nối các hoạt động nghiệp vụ của chính phủ để đạt được kết quả mong muốn, mục tiêu nghiệp vụ và liên kết hoạt động nghiệp vụ của chính phủ thông qua các quy trình nghiệp vụ được hỗ trợ bởi các thành phần dịch vụ mô tả trong Mô hình tham chiếu dịch vụ.

Cách tiếp cận chức năng được thúc đẩy bởi BRM để giúp hoàn thành các mục tiêu chiến lược Chính phủ điện tử khi nó được kết hợp vào kiến ​​trúc tổ chức tập trung vào nghiệp vụ và quy trình quản lý của các cơ quan. BRM cấu trúc thành một hệ thống phân cấp theo từng cấp đại diện cho các chức năng nghiệp vụ của Chính phủ Úc.

Ở cấp độ cơ quan, các khả năng nghiệp vụ được thể hiện bởi các dịch vụ nghiệp vụ, các dịch vụ này được ban hành thông qua quy trình nghiệp vụ do các cơ quan tạo ra. Các quy trình nghiệp vụ lần lượt được cung cấp và hỗ trợ bởi các thành phần dịch vụ được mô tả trong Mô hình Tham chiếu Dịch vụ.

  1. Mô hình tham chiếu dịch vụ SRM

Mô hình tham chiếu dịch vụ (SRM) là một khung phân loại các dịch vụ theo cách thức mà chúng hỗ trợ các mục tiêu nghiệp vụ và các mục tiêu hiệu năng. Nó phục vụ việc xác định và phân loại các thành phần dịch vụ theo chiều ngang và chiều dọc, hỗ trợ các cơ quan đầu tư, mua sắm tài sản CNTT.

SRM được tổ chức thành các lĩnh vực dịch vụ theo chiều ngang, độc lập với các chức năng nghiệp vụ, cung cấp nền tảng cho việc chia sẻ và tái sử dụng các dịch vụ nghiệp vụ, ứng dụng, các khả năng và các thành phần ứng dụng.

  1. Mô hình tham chiếu dữ liệu DRM

Mô hình tham chiếu dữ liệu (DRM) là một khung dựa trên các tiêu chuẩn và có tính linh hoạt, cho phép chia sẻ và sử dụng lại thông tin thông qua việc mô tả, khai phá các dữ liệu dùng chung và khuyến khích các biện pháp quản lý dữ liệu thống nhất. DRM cung cấp một cách thức tiêu chuẩn để mô tả, phân loại và chia sẻ dữ liệu, cụ thể:

  • Mô tả dữ liệu: cung cấp một phương thức để thống nhất mô tả dữ liệu, qua đó, hỗ trợ phát hiện và chia sẻ dữ liệu.
  • Bối cảnh dữ liệu: tạo điều kiện tìm kiếm dữ liệu thông qua cách tiếp cận dữ liệu theo phân loại.
  • Chia sẻ dữ liệu: hỗ trợ truy cập và trao đổi dữ liệu bao gồm các yêu cầu đặc biệt (chẳng hạn như truy vấn dữ liệu) và trao đổi dữ liệu như các giao dịch cố định, lặp đi lặp lại giữa các bên.

DRM cung cấp một khung tham chiếu để:

  • Tạo điều kiện trong việc thiết lập ngôn ngữ chung.
  • Cho phép các cuộc đàm thoại cần thiết để đạt được thỏa thuận giữa các cơ quan đáng tin cậy về quản trị, kiến ​​trúc dữ liệu và kiến ​​trúc chia sẻ thông tin.

DRM hướng dẫn cho các kiến ​​trúc sư trưởng và kiến ​​trúc sư thiết kế dữ liệu của tổ chức triển khai các quy trình lặp lại để chia sẻ dữ liệu phù hợp với các thỏa thuận của chính phủ, bao gồm các thỏa thuận cho chính quyền tiểu bang, lãnh thổ và địa phương cũng như các tổ chức phi chính phủ và tư nhân khác. Mục đích hướng tới sự trưởng thành, tiến bộ và duy trì các thỏa thuận dữ liệu theo cách lặp đi lặp lại.

DRM cung cấp phương thức để mô tả kiến ​​trúc dữ liệu một cách nhất quán. Cách tiếp cận của DRM đối với Mô tả dữ liệu, Bối cảnh dữ liệu và Chia sẻ dữ liệu cho phép các sáng kiến ​​kiến ​​trúc dữ liệu mô tả các sản phẩm dữ liệu một cách thống nhất, kết quả là tăng cơ hội tương tác giữa các cơ quan.

Là một mô hình tham chiếu, DRM được trình bày dưới dạng một khung trừu tượng, từ đó có thể bắt nguồn cho triển khai cụ thể. Tính chất trừu tượng sẽ cho phép các cơ quan sử dụng nhiều phương pháp tiếp cận, phương pháp luận và các công nghệ triển khai, đồng thời vẫn phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của DRM.

Mô hình DRM có thể được triển khai sử dụng kết hợp các tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau. Ví dụ, khái niệm Gói tin trao đổi (Exchange Package) trong tiêu chuẩn hóa Chia sẻ dữ liệu có thể được thể hiện thông qua các tiêu chuẩn truyền tin khác nhau (ví dụ lược đồ XML, XML, lược đồ giao dịch dữ liệu điện tử EDI) trong cấu trúc hệ thống cụ thể. Bằng cách kết hợp các yếu tố của kiến ​​trúc với mô hình DRM, giúp tăng cường khả năng tương tác giữa các kiến ​​trúc/triển khai của các cơ quan chính phủ.

  1. Mô hình tham chiếu kỹ thuật - TRM

Mô hình tham chiếu kỹ thuật (TRM) là một khung kỹ thuật dựa trên thành phần, phân loại các tiêu chuẩn và công nghệ hỗ trợ và cho phép cung cấp các khả năng, các dịch vụ. Nó hợp nhất các TRM hiện tại của cơ quan và hướng dẫn toàn bộ chính phủ bằng cách cung cấp một nền tảng để thúc đẩy việc tái sử dụng và tiêu chuẩn hóa các công nghệ, các thành phần dịch vụ từ góc nhìn của chính phủ. Điều chỉnh các khoản đầu tư vốn của cơ quan vào TRM thúc đẩy bộ từ vựng chung, chuẩn hóa, cho phép phát hiện, hợp tác và tương tác giữa các bên. Các cơ quan và chính phủ Úc sẽ được hưởng lợi bằng cách xác định và tái sử dụng các giải pháp và công nghệ tốt nhất để hỗ trợ chức năng, nhiệm vụ và mục tiêu kiến trúc.

Kết luận

Các mô hình tham chiếu của Kiến trúc chính phủ điện tử Úc hướng tới hỗ trợ các kiến trúc sư của tất cả các cơ quan chính phủ, từ những cơ quan chưa có kiến thức về kiến trúc nghiệp vụ hoặc mới chỉ bắt đầu với Kiến trúc tổng thể trong cơ quan của họ, các thành phần tham gia quản lý dự án (ví dụ như quản lý chương trình/dự án, các nhà phân tích và đầu tư, các kỹ sư hệ thống, các kiến trúc sư ứng dụng, các nhà phát triển hệ thống,...) có thể tham khảo.

Mặc dù Chính phủ Úc không bắt buộc các cơ quan phải thay thế các khung kiến trúc hiện tại đáp ứng theo AGA, nhưng cũng có thể phân loại kiến trúc của họ bằng các mô hình tham chiếu của AGA. Đối với những cơ quan chưa có kiến trúc hoặc đang trong quá trình phát triển kiến trúc, nên tham khảo và áp dụng AGA.

Tài liệu tham khảo:

  1. Australian Government Architecture Reference Models Version 3.0
  1. Cross-Agency Services Architecture Principles

 

Nguyễn Thị Thu Trang.