Đang xử lý.....

Giới thiệu Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử của Qatar  

Chiến lược Chính phủ số của Qatar 2020 (Qatar Digital Government - QĐG) xác định sự phát triển của Kiến trúc Chính phủ điện tử (Government Enterprise Architecture - GEA) là nền tảng cho toàn bộ các dịch vụ của Chính phủ...
Thứ Ba, 22/10/2019 748
|

1. Mở đầu

Chiến lược Chính phủ số của Qatar 2020 (Qatar Digital Government - QĐG) xác định sự phát triển của Kiến trúc Chính phủ điện tử (Government Enterprise Architecture - GEA) là nền tảng cho toàn bộ các dịch vụ của Chính phủ. Khung kiến trúc Chính phủ điện tử (Government Enterprise Architecture Framework - GEAF) phiên bản 1.0 của Qatar đã được phê duyệt bởi Ban chỉ đạo Chiến lược Chính phủ số của Qatar vào tháng 1 năm 2018, để áp dụng cho tất cả các cơ quan chính phủ, cung cấp hướng dẫn đầy đủ để chuyển đổi số bằng cách giải quyết tất cả các giai đoạn của vòng đời phát triển dịch vụ số - từ định nghĩa dịch vụ cho đến việc mô hình hóa dịch vụ thông qua thông tin và thiết kế ứng dụng, kiến ​​trúc cơ sở cơ sở hạ tầng và vận hành an toàn. Khung này dựa trên các thực tiễn tốt nhất được nêu trong Khung Kiến trúc tổng thể Liên bang (Federal Enterprise Architecture Framework - FEAF) của Hoa Kỳ. GEAF của Qatar bao gồm 8 tài liệu như sau:

- Tổng quan về Khung kiến trúc Chính phủ điện tử (Overview Government Enterprise Architecture Framework): cung cấp tổng quan về các tài liệu kiến trúc và tiêu chuẩn cũng như hướng dẫn các cơ quan về cách thức áp dụng các tài liệu này.

- Mô hình tham chiếu nghiệp vụ (Business Reference Model): xác định khung Kiến trúc nghiệp vụ và các tiêu chuẩn liên quan cung cấp hướng dẫn về cách thức mô hình hóa, định nghĩa, phát triển, giám sát và cải tiến liên tục các dịch vụ nghiệp vụ trong suốt vòng đời của nó.

- Mô hình tham chiếu thông tin (Information Reference Model): mô tả phương pháp kiến trúc trao đổi thông tin và các tiêu chuẩn phục vụ việc chia sẻ các tập dữ liệu giữa các cơ quan chính phủ.

- Mô hình tham chiếu ứng dụng (Application Reference Model): mô tả kiến trúc tham chiếu ứng dụng và các tiêu chuẩn được sử dụng để tạo ra các ứng dụng hỗ trợ các dịch vụ của chính phủ.

- Mô hình tham chiếu cơ sở hạ tầng (Infrastructure Reference Model): mô tả kiến trúc tham chiếu cơ sở hạ tầng và các tiêu chuẩn là nền tảng cho việc xây dựng các thành phần ứng dụng và các dịch vụ nghiệp vụ.

- Quản lý an toàn thông tin (Security Management): đưa ra các yêu cầu về bảo mật và riêng tư có liên quan cho các cơ quan chính phủ.

- Quản lý dịch vụ (Service Management): xác định khung để quản lý các dịch vụ công nghệ thông tin hỗ trợ việc cung cấp các dịch vụ.

- Mô hình quản trị (Governance Model): xác định khung quản trị kiến trúc để đảm bảo áp dụng và phát triển các mô hình kiến trúc tham chiếu hiệu quả đối với tất cả các cơ quan chính phủ.

2. Các nội dung chính

Mục đích

Mục đích của Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Qatar là hỗ trợ việc cung cấp các dịch vụ phù hợp và liền mạch hơn cho công dân, hỗ trợ cung cấp hiệu quả các dịch vụ số cho chính phủ, cụ thể:

- Cung cấp một ngôn ngữ chung cho các cơ quan liên quan đến việc cung cấp dịch vụ liên thông;

- Tăng cường khả năng cộng tác, hỗ trợ xác định các dịch vụ và ứng dụng có thể chia sẻ và sử dụng lại;

- Hỗ trợ mô tả và phân tích các khoản đầu tư công nghệ thông tin (CNTT), cung cấp cơ sở cho việc đánh giá khách quan về các khoản đầu tư của chính phủ;

- Hỗ trợ chuyển đổi Chính phủ, cho phép cung cấp các dịch vụ điện tử hiệu quả và kịp thời hơn thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn, nguyên tắc và mẫu hỗ trợ thiết kế và cung cấp khả năng CNTT, tiếp đến là các dịch vụ nghiệp vụ cho công dân.

Nguyên tắc

Các nguyên tắc dưới đây được áp dụng khi tạo ra các mô hình tham chiếu và các sản phẩm (artefacts) khác trong Kiến trúc Chính phủ điện tử của Qatar:

- Lấy người dân làm trung tâm;

- Thúc đẩy tái sử dụng;

- Tăng cường chia sẻ các thông tin;

- Cho phép đồng sáng tạo thông qua môi trường cộng tác;

- Đảm bảo tính tin cậy và bảo mật;

- Tăng cường khả năng tương tác;

- Thiết kế hướng đến các công nghệ và xu hướng mới nổi.

Cấu trúc

Cấu trúc tổng thể của Kiến trúc Chính phủ điện tử của Qatar được tổ chức thành 2 phạm vi: toàn chính phủ và trong một cơ quan. Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử gồm bảy thứ nguyên (dimension) như trong Hình 1, cụ thể:

- Bốn thứ nguyên ngang (hay lớp) là Nghiệp vụ (Business), Thông tin (Information), Ứng dụng (Application) và Cơ sở hạ tầng (Infrastructure);

- Ba thứ nguyên cắt ngang (hay khía cạnh) được áp dụng cho cả 2 phạm vi (toàn chính phủ và trong một cơ quan) là Quản trị (Governence), Quản lý an toàn thông tin (Security Management); Quản lý dịch vụ (Service Management).

Các lớp trong GEAF đại diện cho bốn thứ nguyên là Nghiệp vụ, Thông tin, Ứng dụng và Cơ sở hạ tầng, tạo thành nội dung cốt lõi của khung GEA và mỗi lớp này đều có ba yếu tố chính:

1. Kiến trúc: cung cấp góc nhìn khái niệm về các thành phần và khả năng kiến ​​trúc đối với từng thứ nguyên thể hiện mối quan hệ giữa các thành phần kiến ​​trúc.

2. Tiêu chuẩn: cung cấp các tiêu chuẩn có liên quan cho từng lớp với phân loại cho mục đích áp dụng là bắt buộc, khuyến nghị hay tùy chọn.

3. Phân loại: cung cấp các phân loại tham chiếu cho từng lớp để nhóm thành phần kiến trúc theo danh mục phù hợp và mô tả mối quan hệ của chúng. Mục đích là để đảm bảo sử dụng ngôn ngữ kiến ​​trúc chung và xác định các cơ hội để tái sử dụng.

Các cơ quan phải đảm bảo tuân thủ từng yếu tố trên theo 4 lớp (nghiệp vụ, thông tin, ứng dụng, cơ sở hạ tầng); cũng như áp dụng các chính sách và quy trình được quy định trong 3 khía cạnh cắt ngang còn lại (Quản trị, Quản lý an toàn thông tin và Quản lý dịch vụ).

Hình 1: Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử của Qatar

Cách thức áp dụng

Các cơ quan chính phủ Qatar sẽ áp dụng GEA theo các cách sau:

- Mức độ cơ quan

+ Kiến trúc Chính phủ điện tử hoặc chiến lược CNTT của cơ quan: việc thiết kế kiến trúc hay chiến lược CNTT của cơ quan phải tham chiếu và tuân thủ GEA.

+ Lập kế hoạch CNTT hàng năm: các cơ quan chính phủ phải đảm bảo rằng việc lập kế hoạch cho các sáng kiến ​​CNTT mới đều phải có sự liên kết với GEA nhằm mục đích tái sử dụng thông tin, ứng dụng và các thành phần cơ sở hạ tầng trong phạm vi toàn chính phủ.

+ Phân loại: các cơ quan phải duy trì các nguyên tắc phân loại kiến ​​trúc như trong GEA để đảm bảo sử dụng ngôn ngữ chung trong toàn chính phủ cũng như để xác định các cơ hội cho việc tái sử dụng trên toàn chính phủ.

+ Đánh giá việc tuân thủ GEA: các cơ quan sẽ thực hiện tự đánh giá để đo lường mức độ tuân thủ GEA dựa trên mẫu đánh giá được cung cấp trong tài liệu Mô hình Quản trị theo từng năm hoặc theo yêu cầu của Bộ Giao thông và Truyền thông (Ministry of Transport and Communications – MOTC). Các cơ quan phải báo cáo sự sai lệch hoặc không tuân thủ với MOTC cũng như cung cấp báo cáo đánh giá theo yêu cầu của MOTC.

- Mức Sáng kiến hay Dự án

+ Bắt đầu dự án: các cơ quan phải tuyên bố trong mỗi đấu thầu về CNTT yêu cầu các nhà cung cấp tuân thủ các mô hình tham chiếu và các tiêu chuẩn của GEA.

+ Thực hiện dự án: người quản lý dự án hoặc kiến trúc sư giải pháp phải đảm bảo dự án tuân thủ GEA. Vai trò của họ gồm cả việc thiết kế giải pháp phải luôn luôn tuân thủ các mô hình và tiêu chuẩn của GEA. Vai trò này cũng có thể được thực hiện bởi người quản lý dự án/kiến trúc sư giải pháp của nhà cung cấp và do đó, mọi tuyên bố được đưa ra trong tài liệu Mô hình quản trị đều phải được đưa vào mỗi gói thầu CNTT của các cơ quan chính phủ.

Các mô hình tham chiếu

GEA có 7 thứ nguyên đại diện cho các lĩnh vực trọng tâm của các cơ quan Chính phủ và cho phép các sản phẩm cụ thể và mối quan hệ được nắm bắt một cách nhất quán.

Người dân và doanh nghiệp Qatar sẽ tương tác với chính phủ thông qua các dịch vụ do chính phủ cung cấp. Các dịch vụ này được xây dựng dựa trên khả năng nghiệp vụ sử dụng thông tin và được phân loại thành các lĩnh vực dịch vụ nghiệp vụ và miền dịch vụ. Các khả năng nghiệp vụ hướng dẫn chính phủ và các cơ quan thông qua các hoạt động chuyển đổi, thiết kế và phân tích. Lớp thông tin cung cấp một khung cho các cơ quan chính phủ và các tổ chức để tái sử dụng và trao đổi thông tin. Các tài sản công nghệ (ứng dụng và cơ sở hạ tầng) sẽ được sử dụng theo cách để tăng cường hiệu quả thông qua việc giảm dư thừa và loại bỏ trùng lặp. Toàn bộ quá trình này được bảo vệ thông qua các tiêu chuẩn bảo mật và riêng tư. Các mô hình tham chiếu được mô tả chi tiết dưới đây:

Mô hình tham chiếu

Mô tả

Mô hình tham chiếu nghiệp vụ

Mô hình tham chiếu nghiệp vụ cho phép các cơ quan phân loại các chức năng của chính phủ theo một cấu trúc xác định. Mô hình tham chiếu nghiệp vụ phục vụ xây dựng kiến trúc nghiệp vụ bằng cách cung cấp:

- Hướng dẫn về kiến trúc và các tiêu chuẩn trong việc thiết kế và phát triển các dịch vụ của chính phủ.

- Thúc đẩy sự gắn kết giữa các sáng kiến, chiến lược nghiệp vụ với các kết quả đầu ra.

- Hỗ trợ lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động nghiệp vụ.

- Hỗ trợ đánh giá danh mục đầu tư, chương trình và dự án.

- Góc nhìn chức năng về các nghiệp vụ của cơ quan bằng việc sử dụng cách phân loại tiêu chuẩn.

Mô hình tham chiếu thông tin

Mục tiêu của Mô hình tham chiếu thông tin là tạo điều kiện cho việc khai phá, mô tả, quản lý và chia sẻ thông tin trong nội bộ và giữa các cơ quan chính phủ với nhau. Mô hình tham chiếu thông tin bao gồm một phân loại tham chiếu thông tin, các định dạng mô tả dữ liệu và các định dạng trao đổi dữ liệu. Mô hình tham chiếu thông tin có mối quan hệ với các mô hình tham chiếu khác như sau:

- Với mô hình tham chiếu nghiệp vụ: cung cấp các cấu trúc thông tin hỗ trợ các dịch vụ nghiệp vụ, cải tiến các quy trình nghiệp vụ và ra quyết định thông qua việc chia sẻ dữ liệu.

- Với mô hình tham chiếu ứng dụng: cung cấp các cấu trúc thực thể thông tin có giá trị được sử dụng bởi các ứng dụng và các dịch vụ CNTT.

- Với mô hình tham chiếu cơ sở hạ tầng: đưa ra các yêu cầu thông tin cụ thể về về công nghệ và dịch vụ hạ tầng.

Mô hình tham chiếu ứng dụng

Mô hình tham chiếu ứng dụng mô tả các ứng dụng hỗ trợ các dịch vụ nghiệp vụ được cung cấp bởi các cơ quan chính phủ. Nó bao gồm: Ứng dụng nghiệp vụ cốt lõi; Ứng dụng thương mại có sẵn; Ứng dụng chuyên ngành; Các thành phần cơ sở hạ tầng và phần mềm nền tảng; Ứng dụng người dùng cuối. Mô hình tham chiếu ứng dụng có mối quan hệ với các mô hình tham chiếu khác như sau:

- Với mô hình tham chiếu nghiệp vụ: cung cấp ứng dụng và các dịch vụ CNTT hỗ trợ các dịch vụ, quy trình và khả năng nghiệp vụ.

- Với mô hình tham chiếu thông tin: cung cấp các yêu cầu và các công cụ để quản lý, mô hình hóa, cấu trúc hóa, chia sẻ và trao đổi dữ liệu và thông tin.

- Với mô hình tham chiếu cơ sở hạ tầng: đưa ra các yêu cầu về công nghệ, dịch vụ cơ sở hạ tầng đối với các ứng dụng, dịch vụ CNTT và hỗ trợ các ứng dụng quản lý hạ tầng.

Mô hình tham chiếu cơ sở hạ tầng

Mô hình cơ sở hạ tầng cung cấp mô tả về hạ tầng công nghệ hỗ trợ dịch vụ nghiệp vụ, các ứng dụng và kho lưu trữ thông tin của các cơ quan chính phủ. Mô hình tham chiếu cơ sở hạ tầng có mối quan hệ với các mô hình tham chiếu khác như sau:

- Với mô hình tham chiếu nghiệp vụ: cung cấp hạ tầng hỗ trợ các dịch vụ, quy trình, khả năng nghiệp vụ, chia sẻ và sử dụng lại thông tin.

- Với mô hình tham chiếu thông tin: cung cấp hạ tầng hỗ trợ việc lưu trữ và trao đổi dữ liệu.

- Với mô hình tham chiếu ứng dụng: cung cấp hạ tầng bên trong và bên ngoài cho việc lưu trữ các ứng dụng và các dịch vụ CNTT.

Quản lý an toàn thông tin

Quản lý an toàn thông tin cung cấp các yêu cầu liên quan đến bảo mật và tính riêng tư của các cơ quan chính phủ

Quản lý dịch vụ

Quản lý dịch vụ xác định khung để quản lý các dịch vụ CNTT cần thiết để hỗ trợ các dịch vụ được cung cấp.

Mô hình Quản trị

Khung Quản trị đảm bảo việc áp dụng hiệu quả và sự phát triển của các mô hình kiến trúc tham chiếu giữa tất cả các cơ quan chính phủ. Nó đặt ra việc tuân thủ các tiêu chuẩn và kiểm soát, các hướng dẫn để đảm bảo trách nhiệm cho các giải pháp kiến trúc trong và giữa các cơ quan.

3. Kết luận

Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Qatar được xây dựng dựa trên Khung Kiến trúc tổng thể Liên bang của Hoa Kỳ, bao gồm Mô hình tham chiếu nghiệp vụ, Mô hình tham chiếu thông tin, Mô hình tham chiếu ứng dụng, Mô hình tham chiếu cơ sở hạ tầng, Quản lý an toàn thông tin, Quản lý dịch vụ, Mô hình quản trị. Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử sẽ cho phép chính phủ Qatar giảm chi phí phát triển và vận hành, đồng thời, cải thiện chất lượng tổng thể bằng cách thúc đẩy khả năng tương tác và tái sử dụng các thành phần tiêu chuẩn.

Thời gian vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã dự thảo và xin ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về Dự thảo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0. Theo đó, Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 của Việt Nam bao gồm Phương pháp tiếp cận Kiến trúc, Mô hình tham chiếu nghiệp vụ, Mô hình tham chiếu dữ liệu, Mô hình tham chiếu ứng dụng, Mô hình tham chiếu kỹ thuật, Mô hình tham chiếu an toàn thông tin, Kiến trúc tham chiếu tương hợp CPĐT. Về cơ bản, dự thảo Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam phiên bản 2.0 có sự tương đồng về nội dung so với Khung Kiến trúc CPĐT Qatar phiên bản 1.0, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số.

Đặng Thị Thu Hương.

Tài liệu tham khảo

[1] Overview Government Enterprise Architecture Framework, Ministry of Transport and Communications.

[2] Dự thảo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0.