Liên hợp quốc xác định quyền tiếp cận thông tin, bao gồm thông tin kỹ thuật số và Internet, như một quyền cơ bản của con người cần được mở rộng cho tất cả công dân trên thế giới, mục tiêu chính về hòa nhập kỹ thuật số phải thực hiện đầy đủ theo Công ước Quốc tế về Quyền của Người Khuyết tật (Convention on the Rights of Persons with Disabilities - CRPD). Công ước đó chỉ định CNTT-TT là một thành phần không thể thiếu của quyền tiếp cận, ngang hàng với giao thông vận tải và môi trường vật lý. Việc thực hiện CRPD cũng phản ánh và tác động đến Các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (Convention on the Rights of Persons with Disabilities - SDGs) và cam kết toàn cầu thông qua nguyên tắc nền tảng của Liên Hợp Quốc “không ai bị bỏ lại phía sau”. Người khuyết tật đã được công nhận quyền tham gia một cách rõ ràng và đầy ý nghĩa.
Tuy nhiên, “không ai bị bỏ lại phía sau” sẽ chỉ có thể thực hiện được nếu CNTT sẵn sàng, dễ tiếp cận và phù hợp với khả năng tài chính của tất cả mọi người, đặc biệt là đối với các nhóm yếu thế của xã hội - người khuyết tật, những người có nhu cầu cụ thể, bao gồm cả người dân tộc thiểu số và những người sống ở các vùng nông thôn, phụ nữ và trẻ em gái, thanh thiếu niên, cũng như người lớn tuổi.
Do đó, việc triển khai kịp thời các môi trường tạo điều kiện phù hợp (các chính sách, chiến lược và khuôn khổ pháp luật) là chìa khóa để bảo đảm sự đóng góp của CNTT-TT vào quá trình phát triển bền vững là tích cực và bảo đảm không để “ai bị bỏ lại phía sau”, không ai bị hạn chế sử dụng Internet, điện thoại di động, truyền hình, máy tính và các ứng dụng, dịch vụ về giáo dục, đời sống và kinh tế xã hội, hoạt động văn hóa, Chính phủ điện tử hoặc y tế điện tử. Hơn thế nữa, đại dịch COVID-19 là minh chứng rõ ràng cần phải tăng cường tất cả các hoạt động liên quan đến khả năng tiếp cận kỹ thuật số/CNTT-TT để bảo đảm sự hòa nhập kỹ thuật số cho tất cả mọi người. Để hiện thực hóa vấn đề này, các chính sách và chiến lược về khả năng tiếp cận CNTT-TT phải được quan tâm trong chương trình nghị sự của các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới, đồng thời ngành công nghiệp cũng như khu vực tư nhân cần phát triển các ứng dụng CNTT-TT dễ dàng tiếp cận.
Khung chính sách hỗ trợ tiếp cận thông tin di động
Theo ước tính của Liên minh Viễn thông Quốc tế (International Telecommunication Union – ITU), trên thế giới hiện nay có 7 tỷ điện thoại di động đang được sử dụng, từ thiết bị cầm tay đơn giản nhận, thực hiện cuộc gọi và nhắn tin, đến điện thoại thông minh hỗ trợ truy cập Internet, các ứng dụng, hỗ trợ và phục vụ các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống và công việc.
Báo cáo Chính sách Tiếp cận mô hình CNTT-TT của ITU gồm các hướng dẫn thực tế về cách các cơ quan quản lý và các chủ thể có liên quan đến chính sách khác, có thể thực hiện các chính sách giúp bảo đảm các điều kiện đã được đưa ra để cải thiện tính khả dụng của các dịch vụ viễn thông. Nó cũng bao gồm Quy tắc ứng xử tiêu chuẩn cho ngành công nghiệp di động và một bộ Quy định tiêu chuẩn cho các cơ quan quản lý. Các nguyên tắc chính sách bao gồm:
• Các chính sách cần được xây dựng bởi sự tham vấn với người khuyết tật.
• Các cơ quan quản lý nên làm việc với các dịch vụ khẩn cấp thích hợp và các nhà khai thác dịch vụ điện thoại di động để bảo đảm người khuyết tật được tiếp cận công bằng với các dịch vụ khẩn cấp.
• Các nhà khai thác điện thoại di động phải bảo đảm cung cấp các loại điện thoại di động có giá cả phải chăng và dễ tiếp cận cho người khuyết tật.
• Các nhà khai thác điện thoại di động nên cung cấp thông tin về các điện thoại di động này, bao gồm khả năng tương thích của chúng với các công nghệ hỗ trợ như máy trợ thính.
• Các nhà khai thác điện thoại di động nên cung cấp các gói chỉ có dữ liệu hoặc SMS cho người khiếm thính, những người không thể sử dụng dịch vụ thoại theo cách khác.
Một số ví dụ điển hình cho việc tham khảo và áp dụng Khung chính sách tiếp cận thông tin di động như Diễn đàn Di động & Không dây (Mobile & Wireless Forum - MWF) tại Bỉ đã thành lập Báo cáo Sáng kiến Khả năng Tiếp cận Toàn cầu (Global Accessibility Reporting Initiative - GARI) nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận di động ở cấp quốc gia. Với mục tiêu nâng cao nhận thức về các tính năng, trợ năng hiện có và giúp người tiêu dùng tìm thấy thiết bị phù hợp nhất với nhu cầu của mình. Ngày nay, GARI đã phát triển thành một cơ sở dữ liệu trực tuyến chứa thông tin về các tính năng hỗ trợ tiếp cận trên 1.500 thiết bị. Dữ liệu được cung cấp miễn phí cho các quốc gia thành viên sử dụng trên trang web của họ nhằm nâng cao nhận thức về các tính năng, trợ năng hiện có trong thiết bị không dây và giúp người dùng tìm thấy thiết bị phù hợp nhất với nhu cầu của họ.
Khung chính sách hỗ trợ tiếp cận chương trình truyền hình/video
Các dịch vụ truyền thông cũng là một công cụ giáo dục mạnh mẽ để học ngôn ngữ, hòa nhập xã hội cho những người có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, cho những người mắc chứng tự kỷ, chứng khó đọc, v.v. Khả năng tiếp cận dành cho tất cả mọi người, cụ thể bao gồm: Người khuyết tật, người lớn tuổi - khuyết tật liên quan và những người bị khuyết tật về khả năng học tập, hoặc những người sống ở nơi có ngôn ngữ khác với ngôn ngữ của họ. Mỗi quốc gia ngày càng quan tâm đến việc đưa ra các luật và quy định để triển khai các dịch vụ hỗ trợ tiếp cận. Làm thế nào để mở rộng quy mô các dịch vụ 100% là một thách thức, vì các vấn đề khó giải quyết như chi phí sản xuất, quy trình làm việc, công nghệ hoặc phân phối thực tế. Dưới đây là chỉ số đánh giá Quyền tiếp cận Kỹ thuật số DARE 2017-2018 (Digital Accessibility Rights Evaluation - DARE) về tiến bộ toàn cầu của các quốc gia thành viên CRPD, theo khả năng tiếp cận CNTT-TT của các lĩnh vực:
Hình 1: Chỉ số tiếp cận kỹ thuật số DARE 2017 - 2018
Để giúp người khuyết tật vượt qua những trở ngại và thách thức liên quan đến việc xem các chương trình TV và video, một số công nghệ hỗ trợ được sử dụng trong thực tiễn quốc tế.
Theo truyền thống, các công nghệ hỗ trợ này bao gồm:
- Mô tả âm thanh: Một bản âm thanh để hỗ trợ những người khiếm thị không thể theo dõi nội dung hình ảnh.
- Phụ đề: Bản phụ đề theo thời gian thực của lời nói, hiệu ứng âm thanh, tín hiệu âm nhạc và thông tin âm thanh có liên quan khác trong các sự kiện trực tiếp hoặc được ghi trước. Phụ đề âm thanh là phụ đề được đọc to và thể hiện dưới dạng lời nói và cũng có thể được gọi là “phụ đề âm thanh” hoặc “phụ đề nói” trong trường hợp cuộc hội thoại bằng tiếng nước ngoài. Nó cũng có thể được sử dụng để chỉ định nội dung âm thanh của tác phẩm hoặc phân cảnh nghe nhìn bằng bất kỳ ngôn ngữ nào cùng với hành động. Phụ đề được đọc to bởi con người hoặc máy tính cụ thể giúp chuyển văn bản thành lời nói.
- Ngôn ngữ ký hiệu: Một ngôn ngữ tự nhiên thay vì dựa vào âm thanh được truyền tải một cách rõ ràng, sử dụng các ký hiệu được thực hiện bằng cách di chuyển bàn tay kết hợp với các biểu hiện trên khuôn mặt và các tư thế của cơ thể để truyền đạt ý nghĩa nội dung cần thể hiện.
Một tập hợp các hướng dẫn chung về tiêu chuẩn hóa, lập kế hoạch, phát triển, thiết kế và phân phối tất cả các dạng thiết bị/phần mềm viễn thông và các dịch vụ viễn thông liên quan để bảo đảm khả năng tiếp cận của các thiết bị đó cho nhóm người cao tuổi bị khuyết tật do tuổi tác và những người bị khuyết tật vĩnh viễn hoặc tạm thời, đã được chấp nhận ở cấp độ quốc tế:
- Mỗi khi nội dung đa phương tiện được hỗ trợ, nên cho phép các nhà cung cấp thông tin cung cấp văn bản hoặc các lựa chọn thay thế khác cho thông tin phi văn bản nếu khả thi về mặt kỹ thuật.
- Tránh quá nhiều dòng trên màn hình và thông tin quá chi tiết.
- Thông tin trực quan phải dễ hiểu theo các cách cảm quan khác nhau.
- Kích thước, kiểu chữ, khoảng cách ký tự, khoảng cách dòng và màu sắc của văn bản phải được điều chỉnh để dễ sử dụng.
Khả năng tiếp cận các chương trình TV và video đã trở thành trọng tâm trong chương trình chính sách xã hội của các Quốc gia Thành viên. Ví dụ, Liên bang Nga đã thông qua luật liên bang đảm bảo khả năng truy cập của các chương trình truyền hình và video trong điện ảnh. Luật quy định hai yêu cầu cơ bản:
- Phim truyện dài tập quốc gia được sản xuất với sự hỗ trợ tài chính của chính phủ sẽ được xây dựng và phân phối với phụ đề bắt buộc và mô tả âm thanh.
- Rạp chiếu phim và những nơi công cộng khác cần bảo đảm phục vụ nhóm khách hàng là người khuyết tật.
Hiện nay một số công nghệ mới hỗ trợ cho người khuyết tật cũng đang được quan tâm và phát triển
Video có mô tả âm thanh (Audio Description - AD) hiện đang trở nên phổ biến trên toàn cầu. Đối với người dùng bị khiếm khuyết về thị giác, AD cấp quyền truy cập vào thông tin hình ảnh xuất hiện trên màn hình. Trong khoảng trống tự nhiên giữa các đoạn hội thoại, AD giải thích những gì đang xảy ra trên màn hình, chi tiết từ ngoại hình, cử chỉ, đến nét mặt của các nhân vật.
Ngày nay, mô tả âm thanh được sử dụng rộng rãi như một công nghệ hỗ trợ cho khả năng truy cập TV và video ở Belarus, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Liên bang Nga, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác.
Phụ đề được sử dụng để tăng khả năng tiếp cận các chương trình TV và video cho những người bị khiếm thính. Phụ đề không hiển thị trên màn hình theo mặc định mà cần phải được kích hoạt khi xem chương trình TV hoặc video được gọi là phụ đề đóng. Ngược lại, phụ đề được tích hợp vào chương trình và không thể tắt là phụ đề mở. Phụ đề/mô tả và quảng cáo đang trở thành một phần không thể thiếu của chính sách hỗ trợ tiếp cận TV và video cho người khuyết tật hoặc khiếm thính ở cấp quốc gia.
Căn cứ vào Chương trình Nhà nước giai đoạn 2011-2020 mang tên “Môi trường dễ tiếp cận”, Liên bang Nga thực hiện các biện pháp phát triển hệ sinh thái phụ đề cho các chương trình truyền hình trên các kênh ghép đầu tiên. Các hướng dẫn và yêu cầu kỹ thuật chung được cung cấp trong Tiêu chuẩn Quốc gia “Phụ đề chi tiết dành cho người khiếm thính. Yêu cầu kỹ thuật chung ”.
Tiêu chuẩn này xác định các tiêu chí mà phụ đề phải đáp ứng, đó là độ chính xác, tính nhất quán của văn phong, tính dễ hiểu, tính dễ đọc và tính bao hàm, cũng như các yêu cầu đối với văn bản được hiển thị (kích thước và màu sắc của chữ cái, vị trí của chữ cái trên màn hình, v.v. ) và các phương pháp làm cho nội dung âm thanh có thể đọc được. Phụ lục của tiêu chuẩn bao gồm các ví dụ về cách tạo phụ đề có thể truy cập được phù hợp với các yêu cầu và hướng dẫn. Hơn nữa, những người khuyết tật về thính giác ở Liên bang Nga được cung cấp TV hỗ trợ các chương trình truyền hình và truyền hình có phụ đề đóng nếu điều này được đưa vào chương trình phục hồi chức năng của họ.
Vào năm 2018, một đạo luật đã được ký quy định rằng tổng thời lượng các chương trình có phụ đề ở Liên bang Nga được tăng lên 5% tổng thời lượng phát sóng. Yêu cầu này nằm trong trong các yêu cầu cấp phép kênh và áp dụng cho các chương trình tin tức, phim và giải trí.
IPTV (tiếng Anh viết tắt của Internet Protocol Television, có nghĩa: Truyền hình giao thức Internet) là một hệ thống dịch vụ truyền hình kỹ thuật số được phát đi nhờ vào giao thức Internet thông qua một hạ tầng mạng, mà hạ tầng mạng này có thể bao gồm việc truyền dữ liệu thông qua kết nối băng thông rộng.
IPTV có thể cung cấp cho người khuyết tật những lợi ích sau:
- Về nguyên tắc, nó có thể được tiếp cận ở bất cứ đâu trên thế giới, vì nó dựa trên giao thức Internet và có các tiêu chuẩn quốc tế.
- Cung cấp giao diện dễ dàng cho người khuyết tật và những người có nhu cầu cụ thể có nhu cầu truy cập nội dung đa phương tiện mà không cần hướng dẫn, đào tạo đặc biệt.
- Có sẵn trên các thiết bị đầu cuối IPTV trên thị trường và có khả năng cung cấp các tính năng trợ năng mà không cần bất kỳ thiết bị đặc biệt nào.
Chính sách hướng tới khả năng truy cập Internet
Trong kỷ nguyên kỹ thuật số ngày nay, vai trò và lợi ích của Internet mang lại trong cuộc sống hàng ngày là điều không thể phủ nhận. Người khuyết tật có thể được hưởng lợi nhiều hơn nhờ Internet, là phương tiện để họ tham gia tích cực vào đời sống xã hội, kinh tế và văn hóa một cách bình đẳng. Công nghệ trợ giúp giúp người khuyết tật được hưởng lợi đầy đủ từ những lợi thế của Internet.
Theo World Wide Web Consortium (WC3) - tổ chức tiêu chuẩn quốc tế chính cho World Wide Web, khả năng truy cập web có nghĩa là các trang web, công cụ và công nghệ được thiết kế và phát triển để người khuyết tật có thể sử dụng chúng. Để hỗ trợ phát triển và phổ biến khả năng truy cập web, W3C đã thành lập Sáng kiến hỗ trợ truy cập web (Web Accessibility Initiative-WAI) phát triển các tiêu chuẩn và tài liệu hỗ trợ để giúp hiểu và thực hiện khả năng tiếp cận.
Trang web của WAI cung cấp thông tin về:
- Khả năng truy cập web nói chung;
- Các thành phần thiết yếu của khả năng truy cập web;
- Nguyên tắc tiếp cận;
- Cách người khuyết tật sử dụng web;
- Khả năng truy cập cho nhu cầu của người cao tuổi sử dụng web;
- Nội dung của “khả năng tiếp cận”, “khả năng sử dụng” và “sự bao gồm”.
Các chính sách và chiến lược mua sắm công CNTT có thể tiếp cận được
Mua sắm công đóng một vai trò quan trọng trong việc mở rộng khả năng tiếp cận CNTT-TT. Các quốc gia khác nhau áp dụng các chính sách và chiến lược khác nhau về vấn đề này.
Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một loạt chính sách để bảo vệ quyền tiếp cận thông tin của người khuyết tật. Các chính sách này đưa ra các yêu cầu về khả năng tiếp cận và khuyến khích các tập đoàn CNTT phát triển các sản phẩm CNTT có thể tiếp cận cho người khuyết tật.
WeChat và QQ của Tencent Technologies là hai công cụ nhắn tin giao tiếp tức thời (Instant messaging - IM) được người khiếm thị ở Trung Quốc sử dụng nhiều nhất, đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của họ.
- Nhóm WeChat của Tencent kết hợp khả năng tiếp cận vào quy trình nghiên cứu và phát triển hàng ngày của họ để cập nhật sản phẩm. Dựa trên kết quả thử nghiệm từ nhóm nghiên cứu khả năng tiếp cận của bên thứ ba, nhóm nghiên cứu và phát triển của sản phẩm liên tục tối ưu hóa các tính năng của sản phẩm cho khả năng tiếp cận để đáp ứng nhu cầu của người khiếm thị, cho phép họ sử dụng công cụ IM này có thể truy cập được qua màn hình người đọc. Bằng cách tận dụng nhiều kênh như hình ảnh, văn bản và video, công cụ IM có thể truy cập này giúp người khiếm thị hòa nhập vào xã hội dễ dàng hơn.
- Nhóm QQ của Tencent đã thúc đẩy việc tối ưu hóa khả năng tiếp cận của các sản phẩm từ năm 2009 và những cải tiến đáng kể đã được thực hiện về khả năng thích ứng chuyên sâu của trình đọc màn hình, với việc cung cấp nhiều tính năng như biểu tượng cảm xúc trợ năng, nhận dạng ký tự quang học (Optical Character Recognition - OCR) và mô tả bằng giọng nói của hình ảnh. Nhóm nghiên cứu nhằm mục đích cung cấp cho người khiếm thị trải nghiệm xã hội trực tuyến tốt hơn, mang lại cho họ những lợi ích của sự phát triển công nghệ và từ đó hòa nhập họ vào xã hội tốt hơn.
Cũng tại Trung Quốc, Alibaba thành lập một nhóm chuyên trách độc lập để hỗ trợ việc tối ưu hóa khả năng tiếp cận hiện tại và tương lai của các sản phẩm ứng dụng khác nhau của Alibaba. Trong ứng dụng mua sắm trực tuyến Taobao, nó cho phép người dùng khiếm thị vận hành ứng dụng thông qua phần mềm đọc màn hình. Họ chọn từ nhóm sản phẩm tương tự như người dùng thông thường, sử dụng công nghệ OCR để nhận dạng hình ảnh giới thiệu, kiểm tra các bài đánh giá trước đây và đặt câu hỏi cho người mua cũ. Sau khi xác nhận quyết định mua sắm, họ chỉ định địa chỉ nhận hàng và thanh toán trực tuyến, sau đó họ chỉ cần đợi chuyển phát nhanh gói hàng có chứa hàng hóa đã chọn.
Hình 2: Các giải pháp chính sách hỗ trợ người khuyết tật, người có nhu cầu đặc biệt tiếp cận dịch vụ viễn thông, CNTT
Kết luận
Có thể nói, khả năng tiếp cận mang lại cơ hội tuyệt vời để làm việc, hướng tới hòa nhập xã hội và trao quyền cho con người. Việc triển khai kịp thời khả năng tiếp cận CNTT-TT là yếu tố quan trọng đối với tất cả mọi người, đặc biệt là Người khuyết tật. Tại Việt Nam, để bảo đảm cho người khuyết tật thực hiện quyền bình đẳng và tham gia cộng đồng xã hội, chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật tiếp cận thông tin. Trong đó, Nghị định nêu rõ các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và chú trọng vào người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận thông tin, từ đó mở ra những cơ hội học tập, làm việc và cải thiện đáng kể cuộc sống của người khuyết tất, giúp họ hòa nhập nhanh chóng với sự phát triển của xã hội và công nghệ ngày nay. Do đó các quốc gia, chính phủ cần ưu tiên và đẩy nhanh các hoạt động hướng tới việc triển khai khả năng tiếp cận viễn thông/CNTT-TT, đồng thời tham khảo, học tập các khung chính sách, bài học kinh nghiệm từ các chính phủ, các quốc gia trên thế giới bảo đảm rằng tất cả công dân, bao gồm cả những người khuyết tật, có thể tiếp cận và hưởng lợi từ Chính phủ điện tử, các sản phẩm và dịch vụ số công cộng khác. Đồng thời cần chú trọng phát triển các chương trình và chiến lược quốc gia về giáo dục, đào tạo cho người khuyết tật và những người có nhu cầu cụ thể khác trong việc sử dụng viễn thông/CNTT-TT, từ đó tạo lập một xã hội bình đẳng và công bằng.
Nguyễn Phương Nhung
Tài liệu tham khảo
[1] Access to telecommunication/ICT services by persons with disabilities and other persons with specific needs (ITU Publications International Telecommunication Union, Development Sector Study Period 2018-2021).