Đang xử lý.....

Đô thị thông minh - Người dân và đại dịch Covid-19  

Trong thế kỷ qua, trái đất đã trải qua một giai đoạn chuyển đổi cấu trúc nhanh chóng và đáng kể. Sự dịch chuyển dân số về các đô thị diễn ra ngày càng lớn. Trong những năm gần đây, Tổ chức Liên Hợp Quốc đã đặt tên cho thế kỷ 21 là “thế kỷ đô thị”. Tuy nhiên, sự dịch chuyển này đã tạo ra nhiều thách thức lớn, mới mẻ cho môi trường đô thị. Đó có thể là những mối đe dọa đến từ sự đình trệ hoặc khủng hoảng hay từ những bất lợi đến từ mật độ dân số, xây dựng của đô thị dẫn đến sự xáo trộn về mặt xã hội và gây ra những vấn đề nghiêm trọng trong quản lý tăng trưởng, đối phó - kiểm soát thiên tai, dịch bệnh.
Thứ Sáu, 17/12/2021 865
|

Xuất phát từ cuối năm 2019, thảm họa Covid-19 đã trở thành một thách thức toàn cầu mà trọng tâm ở tại các đô thị, nó cũng đột ngột tạo ra nhận thức mới về những nguy cơ sức khỏe có thể xảy ra ở các đô thị, đặc biệt là ở những khu dân cư đông đúc và những khu dân cư nghèo. Chiến lược đô thị thông minh của nhiều đô thị trên thế giới đã được triển khai, trong đó sử dụng công nghệ ICT để kiểm soát, dự báo và cung cấp các kênh thông tin giao tiếp trực tuyến bên trong và bên ngoài đã góp phần quan trọng ngăn ngừa lây lan của dịch bệnh, giúp công tác phối hợp giữa các bên liên quan trong hệ thống đô thị được vận hành thông suốt. Xét về tổng quan, các đô thị thông minh đã chứng minh sự năng động và khả năng ứng phó, thích nghi tốt hơn với các đô thị truyền thống.

Thông qua tham khảo, lược dịch một số tài liệu có liên quan, bài viết này đưa ra một số vấn đề liên quan giữa đô thị thông minh – người dân và đại dịch Covid-19 hiện nay.

Phát triển đô thị trong thời kỳ mới

Đô thị hóa là một xu hướng đa dạng trên toàn thế giới. Ở phía Bắc bán cầu, quá trình đô thị hóa hoàn toàn khác so với phía Nam bán cầu, nơi mà đang phải đối diện với các vấn đề về bất bình đẳng, nghèo đói, sức khỏe và thất nghiệp nhiều hơn. Chất lượng cuộc sống có một quy mô đa chiều, đa cấp độ và là một vấn đề phức tạp với vô số đặc điểm (khách quan và chủ quan) trong một hệ thống đô thị đa dạng.

Quá trình chuyển đổi đô thị theo hướng thông minh, bền vững có thể hỗ trợ cung cấp môi trường - không gian cho một cuộc sống có chất lượng cao, có khả năng ứng phó với các mối đe dọa mới trong tương lai. Sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 đã có tác động to lớn đến hệ thống đô thị các địa phương và các quốc gia, đồng thời nó là phép thử, thách thức nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội khác nhau, từ đó đặt ra những yêu cầu mới về năng lực quản trị đô thị. Đại dịch đã làm thay đổi đáng kể quan điểm về cuộc sống đô thị như: hoạt động thể chất con người, giãn cách xã hội, làm việc tại nhà, hệ thống y tế và các vấn đề phức tạp về chính sách.v.v. Điều này đặt ra một vấn đề cốt lõi: liệu đại dịch Covid 19 hiện nay có tạo ra một bước đột phá lịch sử trong xu hướng đô thị hóa kéo dài hàng thế kỷ không? Làm thế nào để có thể điều chỉnh, xây dựng và đồng thời quản lý các động lực của đô thị ở tất cả các cấp độ, quy mô gắn liền với quá trình chuyển đổi thông minh, để đối phó - ứng phó một cách thông minh với các mối đe dọa hiện tại và tương lai? Nhận thức, thái độ và hành vi của người dân trong những thời kỳ này như thế nào?

Đô thị thông minh trong đại dịch Covid-19

Nếu quan niệm các thành phố là “ngôi nhà của con người” thì ngôi nhà phải luôn được duy trì vận hành tốt hơn, thích ứng nhanh với mọi hoàn cảnh. Trong thập kỷ qua, thuật ngữ đô thị thông minh đã trở nên phổ biến rộng rãi đối với các nhà kinh tế đô thị, các nhà quy hoạch và hoạch định chính sách. Trong nhiều năm, đặc biệt hai năm của đại dịch Covid-19 vừa qua, các đô thị thông minh đã kêu gọi và huy động khá tốt tất cả các nguồn lực tri thức và công nghệ số sẵn có để đạt được kỳ vọng tạo ra giá trị tăng trưởng về kinh tế - xã hội. Các lợi ích kinh tế - xã hội nói chung từ chính sách, công nghệ đô thị thông minh được tạo ra bao gồm:

Chuyển đổi môi trường và sức khỏe từ góc độ kinh tế, xã hội, văn hóa, nông nghiệp và công nghệ: sự thay đổi trong chuỗi cung ứng nông sản - thực phẩm, sự gia tăng của các hình thức canh tác nông nghiệp đô thị mới, sự xuất hiện của nền kinh tế dựa trên sinh học, thiết kế các chiến lược dinh dưỡng mới, … sẽ thay đổi cơ bản cảnh quan nông thôn - đô thị truyền thống.

• Chuyển đổi tài nguyên và năng lượng: công nghệ vật liệu mới, đô thị xanh sạch không rác thải, sử dụng công nghệ ICT để quản lý không gian công cộng thông minh (di chuyển thông minh, quản lý đèn đường theo nhu cầu, hệ thống đèn giao thông thông minh…), tạo ra các hình thức mới về quy hoạch sử dụng đất đô thị, quản lý cơ sở vật chất,…

• Chuyển đổi không gian và nhân khẩu - xã hội, các hình thức chăm sóc mới góp phần hạn chế, giải quyết các vấn đề đô thị như: tình trạng lây lan dịch bệnh - quá tải của hệ thống chăm sóc sức khỏe; căng thẳng về sắc tộc, tôn giáo; bất ổn chính trị; sự gia tăng tình trạng độc thân, quá trình già hóa dân số …

• Chuyển đổi văn hóa và cộng đồng để đáp ứng công tác phòng chống dịch bệnh trong thời kỳ mới và nhu cầu liên quan đến bản sắc văn hóa, giảm các mối đe dọa về nạn phân biệt đối xử trong cộng đồng, khống chế sự gia tăng của các “khu tội phạm” đô thị…

Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố tích cực đô thị thông minh đã phát huy ở nhiều thành phố, các kỳ vọng khác của đô thị thông minh chưa mang lại hiệu quả như mong muốn . Thành phố Chicago được gọi là thành phố thông minh, trong thời kỳ đại dịch đã sử dụng dữ liệu điện thoại di động ẩn danh để phân tích các hình thức đi lại và theo dõi xem người dân có thực hiện đúng những quy định giãn cách phòng dịch hay không, tuy nhiên những vấn đề lớn hơn mà Chicago phải đối mặt như: liệu nó có vượt trội về an toàn đô thị hay bất bình đẳng về sắc tộc, tôn giáo, thu nhập…là những vấn đề còn bỏ ngỏ. Athens là một thành phố thông minh khác, nhưng liệu có thể giải quyết các vấn đề tắc nghẽn và ô nhiễm không khí? Làm thế nào mà một thành phố như Bắc Kinh, nơi có thể kiểm soát việc di chuyển của người dân, lại bị tê liệt khi phải đối phó với sương mù và khói trong mùa hè? Khả năng ứng phó của hệ thống y tế đô thị trong đại dịch Covid 19?… Rõ ràng, có một khoảng cách đáng kể giữa kỳ vọng và hiệu suất thực tế. Đặc biệt khi đánh giá những vấn đề này trong phạm vi khả năng sử dụng công nghệ số như:

• Phân tích dữ liệu đô thị: nền tảng hoặc kho dữ liệu đô thị, giám sát phương tiện truyền thông xã hội, kho dữ liệu mở, dữ liệu lớn;

• Kỹ thuật quản lý thông tin tiên tiến: kỹ thuật trực quan, hệ thống vệ tinh, cảm biến, bảng điều khiển đô thị thông minh, công nghệ sự kiện 3D, phân tích hình thái;

• Quản lý không gian công cộng: các quy hoạch tương tác vùng lân cận, công nghệ GIS, ứng dụng BIM, phân tích tiềm năng đô thị, thiết kế các vùng an toàn và lành mạnh với môi trường, mô hình MCA đa tác nhân..;

• Quy trình an toàn trực tuyến: giám sát camera tại không gian công cộng, quản lý dữ liệu nâng cao như một công cụ phòng ngừa tội phạm, cân bằng thông minh giữa các biện pháp an toàn và bảo vệ quyền riêng tư, quản lý thảm họa đô thị.

• Các ứng dụng công nghệ xã hội: trí tuệ nhân tạo, hình ảnh đô thị, hình ảnh thành phố, robot đô thị trong lĩnh vực chăm sóc, hậu cần và các ứng dụng blockchain.

• Các hình thức dân chủ điện tử mới: sự tham gia sáng tạo của người dân, quy trình mua sắm điện tử, hệ thống cảnh báo sớm, bảng điều khiển cho các hoạt động bảo trì.

Tên thực tế, câu chuyện thành công của các đô thị thông minh còn khá hạn chế. Công nghệ đô thị thông minh có giúp đô thị - người dân ứng phó tốt hơn trong thời kỳ đại dịch? Đó là điều gây ra nhiều tranh cãi, đặc biệt trong thời đại với nhiều biến thể của đại dịch Covid-19 hiện nay. Mặc dù tiềm năng to lớn của “văn phòng tại gia - làm việc từ xa – họp trực tuyến” đã được chứng minh, nhưng vẫn vấp phải những rào cản xuất phát từ tư duy, thói quen cố hữu của con người. Một ví dụ điển hình cho vấn đề này, ứng dụng thông minh Bluzone (PC-Covid) cung cấp nhiều tính năng để chủ sở hữu thiết bị có thể tìm hiểu, xác định khả năng tiếp xúc của bản thân với người bị nhiễm virut corona, nhưng việc sử dụng trên thực tế và tác động tích cực của nó trong cuộc chiến chống lại Covid-19 là vẫn còn nhiều nghi ngại.

Hình ảnh Ứng dụng PC Covid

Bên cạnh đó, có nhiều cách để thiết kế và sử dụng hộ chiếu Vacxin điện tử giúp người dùng có thể đi du lịch tự do với những rủi ro có thể chấp nhận được. Tuy nhiên vẫn tồn tại những rào cản về nhận thức, hành chính, công nghệ, quyền con người... cũng như cho đến nay, người ta vẫn chưa chứng minh được liệu các đô thị số thông minh có tỷ lệ lây nhiễm thấp virus hơn các đô thị “tiêu chuẩn” hay không.

Đô thị thông minh lấy người dân làm trung tâm tăng cường khả năng ứng phó và phục hồi sau thảm họa

Mặc dù có sự không đồng nhất lớn giữa nhu cầu của người dân trong bất kỳ cấu trúc đô thị phức tạp nào, hệ thống đa tác nhân phức tạp này cũng chứa đựng sự đa dạng trong lĩnh vực chính trị, kinh tế xã hội. Đô thị thông minh với cư dân thông minh nói chung là những thực thể chung sống trong một không gian phức tạp, năng động và đầy tương tác, mà trong đó nó cung cấp một hỗn hợp liên tục các hứa hẹn, cơ hội, giải pháp thay thế và lựa chọn về kinh tế xã hội vô hạn cho người dân. Đặt yếu tố “lấy người dân làm trung tâm” được đặt lên hàng đầu, các đô thị thông minh có cơ hội tốt hơn, tận dụng - tiếp cận được nhiều nguồn lực hơn để hoàn thành các mục tiêu của mình. Việc thực hiện các sáng kiến ​​thành phố thông minh với sự tham gia của “người dùng cuối” và “người đồng sản xuất”, chú trọng đến các nhu cầu và giá trị cụ thể, biến công nghệ số không phải là mục tiêu, mà trở thành một yếu tố thúc đẩy để cung cấp, phân tích thông tin thông minh, hỗ trợ ra quyết định thông minh để tối đa hóa mục tiêu xây dựng thành phố hạnh phúc và bền vững.

Phục vụ nhu cầu của công dân, ứng phó linh hoạt với các thảm họa - thiên tai, điều cần thiết phải xây dựng được cơ chế, cầu nối mạnh mẽ giữa các chính sách, chiến lược, sự tham gia và trao quyền của các bên liên quan để thúc đẩy các hoạt động phát triển bền vững. Đưa người dân và các nhóm xã hội khác nhau tham gia vào hệ sinh thái đô thị thông minh có thể giúp vận hành hệ thống hỗ trợ chính sách từ dưới lên trên, tạo ra sự đồng thuận để thực hiện thành công các sáng kiến ​​thành phố thông minh. Quan điểm cốt lõi của hệ sinh thái thành phố thông minh được hỗ trợ bởi công nghệ ICT là những tác nhân chính trong quá trình chuyển đổi xã hội thông minh theo hướng một xã hội và nền kinh tế có khả năng phục hồi, ứng phó tốt với mọi tình huống thảm họa hiện tại và tương lai.

Với định hướng linh hoạt liên ngành của hệ thống quản trị địa phương được kết hợp với sự tham gia và cam kết của người dân sẽ tạo thành một yếu tố thống nhất, là công cụ để theo dõi mức độ sẵn sàng của người dân, nhanh chóng nhận diện và xác định các nguy cơ cũng như các khả năng phục hồi trong quá trình quản trị đô thị.

Lời kết

Trong lịch sử loài người đã từng xảy ra rất nhiều các thảm họa như thiên tai, chiến tranh hay dịch bệnh (tương tự như Covid-19), nhưng các thành phố đã minh chứng khả năng tự phục hồi, thích ứng và tiến hóa trong mọi hoàn cảnh. Đô thị thông minh - Quản trị thông minh – Công nghệ thông minh lấy “người dân làm trung tâm”, tăng cường trao quyền cho người dân và các bên liên quan sẽ tạo ra một tập hợp các khả năng thích ứng linh hoạt - phục hồi thông minh trước đại dịch Covid 19 hiện nay và các thảm họa khác tương tự trong tương lai.

                                                                       Lê Việt Hưng

                                                                     

Tài liệu tham khảo

https://www.apn-gcr.org/publication/contributions-of-smart-city-solutions-and-technologies-to-resilience-against-the-covid-19-pandemic-a-literature-review/

https://pccovid.gov.vn/

https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0264275118304025

https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/13511610.2020.1785277?journalCode=ciej20