Đang xử lý.....

Diễn đàn ASEAN CIO (ASEAN CIO Forum)  

Thứ Hai, 22/10/2012 9749
|

Diễn đàn ASEAN CIO thực tế không phải là một tổ chức. Diễn đàn chỉ là một hoạt động trong các sáng kiến thuộc Kế hoạch tổng thể Công nghệ thông tin và Truyền thông của ASEAN giai đoạn 2011 – 2015 (ASEAN ICT Master Plan 2015). Diễn đàn ASEAN CIO được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 4/2012 tại Thái Lan. Sự kiện này có sự tham gia đông đủ của đại diện Lãnh đạo công nghệ thông tin của các quốc gia Đông Nam Á để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức, quản lý và điều hành ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính phủ điện tử của các chính phủ thành viên. Các nước thành viên tham dự Diễn đàn đều nhất trí sẽ tiếp tục duy trì tổ chức tạo thành một sự kiện thường niên. Hiện tại, một website dành riêng cho sự kiện này đã được thiết lập và đưa vào hoạt động tại địa chỉ http://www.aseancioforum.com. Toàn bộ thông tin về Diễn đàn bao gồm cả các tài liệu trình bày tại Diễn đàn đã được đăng tải công khai cho người sử dụng.

Xem xét khả năng tham gia của Việt Nam

Trong những năm gần đây, lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành cũng như trong công tác chuyên môn ở các cơ quan nhà nước đã từng bước đổi mới, trở thành động lực thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động, cụ thể:

Đã hình thành thói quen và nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc, rút ngắn khoảng cách, thời gian và nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan nhà nước đối với người dân và doanh nghiệp;

Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin bao gồm: mạng truyền số liệu trên quy mô quốc gia, mạng máy tính trong nội bộ các cơ quan nhà nước đã được cải thiện đáng kể để đáp ứng việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản trong các cơ quan nhà nước và tạo cơ sở cho việc nâng cấp, mở rộng phục vụ cho các ứng dụng công nghệ thông tin trong tương lai;

Một số ứng dụng cơ bản trong nội bộ cơ quan nhà nước đã được triển khai, phát huy hiệu quả rõ rệt, tiêu biểu như sử dụng thư điện tử và các phần mềm phục vụ công tác trao đổi văn bản, quản lý điều hành, tài chính - kế toán; tổ chức các cuộc họp trên môi trường mạng;

Một số ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp đã bắt đầu phát huy được hiệu quả, bước đầu tạo lòng tin, thói quen của nhân dân trong việc tìm kiếm thông tin và dịch vụ của cơ quan nhà nước thông qua công nghệ thông tin.

Ngày 27/8/2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015 tại Quyết định số 1605/QĐ-TTg. Theo đó, mục tiêu đến năm 2015 là xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin, tạo nền tảng phát triển CPĐT; ứng dụng CNTT rộng rãi trong nội bộ cơ quan nhà nước; cung cấp các dịch vụ công trực tuyến sâu rộng phục vụ người dân và doanh nghiệp; hướng tới làm cho hoạt động của cơ quan nhà nước minh bạch hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Đây là chương trình rất quan trọng, mang tính định hướng cho sự phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin của cả giai đoạn 2011-2015.

Tiếp đó, ngày 22/9/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”. Đề án được xây dựng theo quan điểm coi công nghệ thông tin và truyền thông là động lực quan trọng góp phần bảo đảm sự tăng trưởng và phát triển bền vững của đất nước, nâng cao tính minh bạch trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Tăng tốc phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam trên cơ sở đảm bảo tính kế thừa, tận dụng những kết quả, thành tựu đã có, phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông song cần có những đột phá trong phát triển với những mục tiêu cao hơn, tốc độ nhanh hơn.

Xem xét bối cảnh trong nước về tổ chức các CIO trong cơ quan nhà nước, ngày 03/8/2011, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 1235/QĐ-BTTTT về việc thành lập Hội đồng Giám đốc công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước với thành viên là lãnh đạo các cơ quan chuyên trách công nghệ thông tin các Bộ, cơ quan ngang Bộ và một số các cơ quan nhà nước khác ở Trung ương. Tiếp sau đó, ngày 24/11/2011, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định số 1972/QĐ-BTTTT về việc thành lập Hội đồng Giám đốc công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với thành viên là Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn cho Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xây dựng các chủ trương, chính sách ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các văn bản hướng dẫn về xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, quản lý, chia sẻ tài nguyên, dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, cụ thể:

Tư vấn xây dựng chính sách, văn bản hướng dẫn về quản lý đầu tư, lựa chọn công nghệ cho việc xây dựng các hệ thống thông tin trong các cơ quan nhà nước, nhằm đảm bảo các hệ thống được triển khai đồng bộ với các chương trình, kế hoạch quốc gia, đảm bảo các hệ thống thông tin hoạt động hiệu quả, liên thông, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp;

Xem xét, đánh giá, lựa chọn các mô hình, giải pháp hệ thống thông tin điển hình trong các cơ quan nhà nước để tư vấn triển khai nhân rộng;

Tư vấn xây dựng chính sách, tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn, an ninh cho hệ thống công nghệ thông tin;

Tư vấn xây dựng chính sách, quy định về việc bảo vệ thông tin các nhân;

Tư vấn việc sử dụng tối ưu các nguồn lực và các nguồn đầu tư của Chính phủ cho các dự án công nghệ thông tin; tư vấn xây dựng các thước đo đánh giá hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước.

Như vậy, hệ thống tổ chức CIO các cơ quan nhà nước đã được hình thành tại Việt Nam, việc tham gia của Việt Nam vào các tổ chức, hiệp hội quốc tế về công nghệ thông tin và truyền thông là rất cần thiết nhằm tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin cũng như kinh nghiệm triển khai thực tế. Đồng thời tạo ra các cơ hội mới cho Việt Nam để tận dụng nguồn lực của quốc tế trong việc triển khai thực hiện chương trình, đề án.

Xem xét việc tham gia của Việt Nam vào các tổ chức quốc tế về CIO như đã trình bày tại phần trên, hiện nay, theo giới thiệu của Học viện quốc tế các CIO (IAC), Việt Nam cũng đã có đại diện tham gia vào tổ chức này. Qua tìm hiểu kỹ hơn về sự tham gia của Việt Nam, đại diện tham gia hiện tại là Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Học viện tham gia vào liên minh IAC với vai trò là Phân viện CIO quốc tế tại Việt Nam (IAC Viet Nam) và sẽ có được các lợi ích trong các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và tư vấn phát triển CIO và các lĩnh vực liên quan cho các doanh nghiệp và chính phủ Việt Nam. IAC Việt Nam có thể là cơ hội, điều kiện để gắn kết, hợp tác giữa 04 khối đơn vị tại Việt Nam, gồm: (1). Cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương (trực tiếp các nhà lãnh đạo CNTT), (2). Cơ quan quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và truyền thông), (3). Các cơ sở đào tạo và nghiên cứu trong nước và (4). Các doanh nghiệp tại Việt Nam phục vụ mục tiêu phát triển ngành Thông tin & Truyền thông của Việt Nam. Như vậy, sự tham gia của Việt Nam ở tổ chức này mới chỉ do một đơn vị thuộc doanh nghiệp tham gia với mục đích liên kết, đào tạo, phát triển năng lực, kỹ năng cho CIO ở trong nước, chưa có sự tham gia chính thức từ phía các cơ quan nhà nước. Tìm hiểu kỹ về các hoạt động của IAC cũng cho thấy tổ chức này thiên về công tác phát triển và đào tạo CIO, đối tượng và thành viên liên kết thường là các tổ chức đào tạo, có rấ ít các cơ quan nhà nước tham gia.

Đối với Hội đồng quốc tế về công nghệ thông tin trong quản lý chính phủ (ICA), một tổ chức quốc tế mà hầu hết các đại diện quốc gia tham gia đều là những CIO của chính phủ hoặc đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước về công nghệ thông tin. Tìm hiểu và nghiên cứu về mục đích, cũng như cơ chế hoạt động của ICA cho thấy, việc Việt Nam trở thành thành viên của ICA sẽ tạo điều kiện mở rộng, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác song phương, đa phương với 24 nước thành viên thuộc ICA hiện tại, rộng hơn nữa là quan hệ với những thành viên thuộc ICA trong tương lai. Tham gia ICA, Việt Nam sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ và hiệu quả trong việc tìm kiếm các dự án, tăng cường trao đổi nghiên cứu khoa học, học tập kinh nghiệm về xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển và quản lý nhà nước, tiếp cận với những ứng dụng tiên tiến nhất và những giải pháp chính phủ điện tử mới nhất trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin. Chính những lợi ích này sẽ giúp Việt Nam đổi mới và hiện đại hóa, đưa nền công nghệ thông tin của Việt Nam lên một tầm cao mới, bắt kịp với thời đại, nâng cao vị trí của Việt Nam trong các xếp hạng về công nghệ thông tin và chính phủ điện tử.

 

Đinh Hoàng Long, Cục Ứng dụng CNTT