Đang xử lý.....

Đánh giá kết quả triển khai hiện đại hóa hành chính theo kế hoạch cải cách hành chính của Chính phủ tại tỉnh Vĩnh Long năm 2018  

Thực hiện Quyết định số 184/QĐ-BCĐCCHC ngày 04/5/2018 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2018 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) cải cách hành chính của Chính phủ
Thứ Năm, 27/12/2018 2358
|

Thực hiện Quyết định số 184/QĐ-BCĐCCHC ngày 04/5/2018 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2018 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông được Chính phủ phân công nhiệm vụ kiểm tra cải cách hành chính (lĩnh vực hiện đại hóa hành chính theo phạm vi quản lý nhà nước của Bộ) với nội dung kiểm tra cụ thể gồm: kiểm tra tình hình, kết quả triển khai Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 8 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính 2011-2020, Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020 (đối với lĩnh vực hiện đại hóa hành chính). Trong đó, trọng tâm là Ứng dụng công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử, cung ứng dịch vụ công trực tuyến.

        Ngày 06/11/2018, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Đoàn kiểm tra công tác cải cách hành chính tại tỉnh Vĩnh Long do Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng - Thành viên BCĐ Cải cách hành chính của Chính phủ, Trưởng BCĐ Cải cách hành chính của Bộ làm trưởng đoàn, cùng chuyên viên, lãnh đạo các đơn vị Văn phòng Bộ, Cục Tin học hóa, Cục An toàn thông tin, Vụ Cải cách hành chính- Bộ Nội vụ, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ.

Căn cứ kết quả làm việc của Đoàn kiểm tra với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Vĩnh Long ngày 06/11/2018, công tác triển khai cải cách hành chính năm 2018 của tỉnh Vĩnh Long đạt được các kết quả như sau:

Đánh giá chung:

Công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), nền hành chính hiện đại của tỉnh Vĩnh Long được Lãnh đạo UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo. Hoạt động ứng dụng CNTT của tỉnh ngày càng có chiều sâu và đem lại hiệu quả tích cực;

Công tác xây dựng chính sách, văn bản pháp luật về ứng dụng CNTT xây dựng CQĐT kịp thời, bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Kết quả cụ thể:

Về công tác xây dựng, triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông:

UBND tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện tốt việc xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT 5 năm, hàng năm và xây dựng, ban hành Kiến trúc CQĐT của thành phố theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông;

UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các quy chế, quy định về khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin CQĐT của tỉnh; quy định về bảo đảm an toàn thông tin; sử dụng chữ ký số; ứng dụng CNTT với cải cách hành chính;

Kết quả thực hiện Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020: tỉnh Vĩnh Long đã hoàn thành 06/11 nhiệm vụ; các nhiệm vụ khác đều đang triển khai.

Về cung cấp thông tin, công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến:

          Tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng Cổng dịch vụ công (DVC) trực tuyến tại địa chỉ: http://dichvucong.vinhlong.gov.vn – đây là địa chỉ thống nhất, người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện DVC trực tuyến;

          Cung cấp DVC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4: tính đến hết 10/2018, tỉnh Vĩnh Long đã cung cấp 497 DVC trực tuyến mức độ 3 và 29 DVC trực tuyến mức độ 4. Cổng DVC được tích hợp, liên thông với hệ thống một cửa điện tử cấp huyện và 10 xã/phường đang thực hiện thí điểm;

          Đã thực hiện cung cấp DVC, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ bưu chính công ích; tỷ lệ TTHC được tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính công ích là 18%, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính đạt khoảng 20% tổng số hồ sơ được tiếp nhận;

          Để nâng cao hiệu quả cung cấp DVC trực tuyến, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai công tác thông tin tuyên truyền theo kế hoạch hàng năm để tuyên truyền việc sử dụng DVC trực tuyến, đồng thời tổ chức cuộc thi tìm hiểu ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong đó các đối tượng tham gia là cán bộ, công chức các cơ quan nhà nước, các cán bộ, viên chức tại các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng và các giáo viên các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và một số hình thức khác thông qua hội nông dân, tỉnh Đoàn,... đây là cách tuyên truyền hiệu quả, có chiều sâu, phục vụ cho việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ CQĐT trong tương lai.

  Về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều hành, quản lý của cơ quan nhà nước:

Hầu hết các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã triển khai sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc. Công tác chỉ đạo, điều hành xử lý hồ sơ văn bản đều được thực hiện trên môi trường điện tử góp phần giảm thời gian, tiết kiệm chi phí văn phòng, giấy tờ;

Kết quả 80% văn bản đi/đến được chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng (không dùng văn bản giấy);

Tỉnh đã triển khai sử dụng chữ ký số đến hầu hết các cơ quan, đơn vị, bao gồm cả các xã/phường.

Về triển khai một số hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu:

          Tỉnh đã triển khai một số hệ thống thông tin (HTTT), cơ sở dữ liệu (CSDL) phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và hoạt động chuyên môn của tỉnh (bao gồm 06 hệ thống, phần mềm ứng dụng dùng chung; 03 CSDL chuyên ngành: CSDL đất đai, quản lý bệnh viện, sàn giao dịch điện tử);

Tĩnh đã phối hợp, triển khai nhiều HTTT, CSDL do các Bộ, ngành triển khai tại địa phương (CSDL đăng ký xe, HTTT đăng ký kinh doanh quốc gia; HTTT lý lịch tư pháp, Hệ thống quản lý cán bộ công chức, CSDL công chứng,..).

Về hạ tầng kỹ thuật:

Tỉnh đã xây dựng hệ thống mạng WAN, kết nối với hệ thống mạng LAN của các huyện. Mạng WAN đã triển khai tới hầu hết các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã;

Trung tâm dữ liệu của tỉnh được xây dựng, vận hành ổn định, bảo đảm an toàn thông tin và kết nối với Mạng Truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng và nhà nước.

Về công tác bảo đảm an toàn thông tin:

Tỉnh Vĩnh Long đã thành lập Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng để bảo đảm công tác an toàn thông tin trong tình hình mới.

Một số tồn tại, hạn chế:

Ngoài các kết quả nêu trên, hoạt động ứng dụng CNTT xây dựng CQĐT, hiện đại hóa nền hành chính tỉnh Vĩnh Long còn một số hạn chế sau:

Số lượng hồ sơ DVC trực tuyến phát sinh còn ít (497 DVC trực tuyến mức độ 3 mới phát sinh 69 hồ sơ trực tuyến so với tổng số hơn 16 nghìn hồ sơ phát sinh thực tế);

Các đơn vị cấp huyện đã triển khai hệ thống giải quyết TTHC, tuy nhiên, hầu hết các đơn vị chưa thống nhất thực hiện hồ sơ TTHC qua hệ thống phần mềm; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn chưa cao (đạt gần 70%);

Tỉnh đã triển khai nhiều HTTT, CSDL. Tuy nhiên, hầu hết là tồn tại độc lập, chưa có sự kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu. Kiến trúc CQĐT của tỉnh đã được xây dựng, ban hành, tuy nhiên, việc áp dụng, triển khai chưa có kết quả cụ thể;

Hạ tầng CNTT tại nhiều nơi chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT;

Nhân lực chuyên trách CNTT tại nhiều đơn vị còn kiêm nhiệm, thường xuyên được phân công làm các nhiệm vụ khác nên không tập trung chuyên trách.

Để hoạt động ứng dụng CNTT xây dựng CQĐT hiệu quả, Đoàn kiểm tra có một số đề xuất, kiến nghị cụ thể:

1. Triển khai áp dụng Kiến trúc CQĐT tỉnh Vĩnh Long  đã được xây dựng trong việc đề xuất, triển khai các HTTT, CSDL của thành phố để bảo đảm thực hiện kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu. Thực hiện cập nhật phù hợp với các phiên bản cập nhật Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam để nâng cao hiệu quả triển khai ứng dụng CNTT xây dựng CQĐT;

2. Việc triển khai cung cấp DVC trực tuyến cần hướng tới tính hiệu quả, bảo đảm thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp, các HTTT, phần mềm cung cấp DVC trực tuyến cần được liên thông, chia sẻ dữ liệu; sử dụng biểu mẫu điện tử phù hợp theo quy định tại Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT về việc cung cấp DVC trực tuyến và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với Trang/Cổng Thông tin điện tử của cơ quan nhà nước;

3. Sớm xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của Tỉnh theo Kiến trúc CQĐT để bảo đảm kết nối, chia sẻ giữa các HTTT, CSDL trong Tỉnh với Bộ, ngành Trung ương theo Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam;

4. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn khai thác sử dụng các dịch vụ CPĐT do cơ quan nhà nước cung cấp, thu hút sự tham gia của người dân, doanh nghiệp vào các dịch vụ CPĐT;

5. Thực hiện kết nối hệ thống cung cấp DVC trực tuyến của Tỉnh với hệ thống tiếp nhận, trả kết quả TTHC của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thông qua Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương (NGSP) theo Thông tư số 17/2017/TT-BTTTT ngày 23/6/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc quy định một số nội dung và biện pháp thi hành Quyết định số 45/2016-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích;

6. Thực hiện gắn kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính và ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả cung cấp DVC trực tuyến và cải tiến quy trình, thủ tục hành chính;

7. Lãnh đạo tỉnh quan tâm, đầu tư nâng cấp trang thiết bị kỹ thuật, thiết bị đảm bảo an toàn thông tin, phần mềm hệ thống,… thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ về việc bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng;

8. Thực hiện các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Nghị định số 61/2017/NĐ-CP ngày 23/04/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước./.

Tài liệu tham khảo:

Báo cáo tình hình ứng dụng CNTT năm 2018 của UBND tỉnh Vĩnh Long.

 

Phan Thúy Trinh