Đang xử lý.....

Chuyển đổi hệ thống thông tin lên đám mây  

Chuyển đổi ứng dụng để hoạt động trên đám mây là một quá trình rất phức tạp đòi hỏi nhiều kỹ năng,nhiều bước. Bài viết này sẽ thảo luận làm thế nào để chuyển đổi ứng dụng lên đám mây và ứng dụng đối với các hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước ra sao.
Thứ Hai, 21/07/2014 8194
|

Giải pháp chuyển đổi ứng dụng sang điện toán đám mây

Chuyển đổi sang môi trường điện toán đám mây thường được xem xét trên hai vấn đề chuyển đổi cơ sở hạ tầng hiện tại sang điện toán đám mây và chuyển đổi ứng dụng đang vận hàng sang môi trường điện toán đám mây.

Trong phần này chúng ta sẽ xem xét cách thức, phương pháp chuyển đổi ứng dụng của các địa phương khi sử dụng hạ tầng điện toán đám mây được cung cấp bởi trung tâm dữ liệu.

Thông thường, quá trình chuyển đổi sang môi trường điện toán đám mây được thực thi trong một giai đoạn. Đây là một quá trình khó khăn và không rõ ràng về các hạng mục công việc cần phải xử lý. Việc chuyển đổi không mang tính chất cố định đối với mọi phần mềm và không bài bản mang tính học thuật, chủ yếu mang tính kinh nghiệm của cá nhân. Kinh nghiệm của một số chuyên gia về quá trình chuyển đổi sang điện toán đám mây qua mô hình bảy bước bao gồm:

- Đánh giá;

- Cách ly các ràng buộc

- Ánh xạ các thông điệp và môi trường

- Tái kiến trúc và thực thi các chức năng bị mất

- Tăng cường các chức năng đám mây và các đặc trưng

- Kiểm tra chuyển đổi

- Lặp lại quá trình và tối ưu hóa.

Mô hình thực hiện việc chuyển đổi sang môi trường điện toán đám mây được thực hiện như sau:


 

Bước 1: Đánh giá

Giai đoạn đánh giá thực hiện rà soát toàn bộ hiện trạng ứng dụng hiện đang sử dụng tại cơ quan đơn vị. Đánh giá khả năng chuyển sang mô hình điện toán đám mây, những lợi ích và rủi ro để đi đến quyết định cuối cùng. Trong giai đoạn này cũng đánh giá cả chi phí, so sánh giữa hai mô hình sử dụng. Cụ thể thực hiện những công việc sau:

Đánh giá lợi ích khi chuyển sang mô hình điện toán đám mây, những ưu nhược điểm, tính toán lợi ích mang lại.

Xác định chi phí chuyển đổi hệ thống từ cũ sang mới.

Tính chi phí định kỳ duy trì dịch vụ

Phân tách cơ sở dữ liệu hiện có.

Đánh giá chuyển đổi cơ sở dữ liệu

Phân tích chuyển đổi chức năng của hệ thống hiện có.

Bước 2: Cách ly

Sau khi đã thực hiện đánh giá và quyết định sử dụng điện toán đám mây. Bước tiếp theo là cách ly hệ thống cần chuyển đổi. Tại bước này thực hiện cách ly các ràng buộc hệ thống với môi trường hiện có. Cụ thể cần thực hiện một số công việc sau;

Cách ly môi trường (runtime environement): Hệ thống được cách ly với môi trường vận hành hiện tại để xác định mức độ ảnh hưởng và ràng buộc với môi trường.

Xem xét cơ chế bản quyền hiện có của hệ thống.

Xác định ràng buộc của hệ thống với thư viện được cung cấp bởi môi trường hiện tại.

Xác định ràng buộc ứng dụng giữa các ứng dụng và môi trường.

 định thời gian trễ và hiện tượng thắt cổ chai trong trường hợp hệ thống bị cách ly với môi trường và các hệ thống

Xác định khả năng thắt cổ chai về hiệu năng.

Xác định sự ràng buộc kiến trúc, mô hình ứng dụng với kiến trúc hệ thống tổng thể.

Bước 3: Ánh xạ

Ánh xạ là giai đoạn thực hiện tìm kiếm các chức năng, đặc trưng của môi trường trong đám mây tương ứng với các chức năng, đặc trưng trong môi trường hiện tại đảm bảo cung cấp đầy đủ sự hỗ trợ cho hệ thống khi làm việc trong môi trường mới. Cụ thể các công việc sau cần thực hiện:

Sắp xếp toàn bộ các đặc tính, ràng buộc trong quá trình cách ly mà hệ thống đòi hỏi thực hiện.

Ánh xạ môi trường vận hành từ môi trường cũ sang môi trường đám mây.

Ánh xạ các thư viện ràng buộc được hệ thống sử dụng từ môi trường cũ sang các thư viện cung cấp các chức năng tương đương trên đám mây.

Bước 4: Giai đoạn tái cấu trúc

Giai đoạn này thực hiện các công việc đánh giá tổng thể về quá trình cách ly và ánh xạ, xem xét sự chuyển đổi môi trường đã đảm bảo cho việc chuyển đổi hay chưa. Đôi khi việc chuyển đổi làm thay đổi cấu trúc và tính tối ưu của hệ thống. Vì vậy, giai đoạn này cần thực hiện việc tái cấu trúc, xem xét đánh giá điều chỉnh kiến trúc để phù hợp hơn với môi trường mới đồng thời cũng điều chỉnh các tính năng, chức năng trong trường hợp không thể ánh xạ được đặc tính trong giai đoạn trước.

Xác định các các chức năng không được hỗ trợ và khả năng cung cấp của dịch vụ điện toán đám mây để lên kế hoạch cụ thể.

Xác định các trường hợp sử dụng mới phát sinh khi chuyển sang môi trường điện toán đám mây mà điện toán đám mây có thể cung cấp.

Đánh giá tìm phương án giải quyết.

Thiết kế lại mô hình triển khai cho hệ thống mới.

Bước 5: Giai đoạn tăng cường

Giai đoạn tăng cường nhằm tận dụng các lợi ích của điện toán đám mây và đưa vào tính năng sản phẩm.

Tận dụng tối đa các lợi ích của điện toán đám mây hỗ trợ

Xác định tối ưu về giá thành triển khai

Thiết lập cơ chế tự động đáp ứng theo nhu cầu

Khai thác hệ thống lưu trữ, băng thông, bảo mật được cung cấp bởi điện toán đám mây.

Bước 6: Giai đoạn kiểm tra

Giai đoạn kiểm tra thiết kế đã được thực hiện trong giai đoạn trước bao gồm các hạng mục công việc:

Tăng cường kiểm tra (Test case) và kiểm tra tự động hóa.

Kiểm tra và thẩm định lại thiết kế ban đầu đảm bảo thiết kế lại không phá vỡ và mâu thuẫn với thiết kế ban đầu.

Kiểm tra lại chiến lược chuyển đổi từ môi trường cũ sang môi trường điện toán đám mây

Kiểm tra lại các chức năng bổ sung mới trên cơ sở điện toán đám mây.

Kiểm tra năng lực vận hành hệ thống trong môi trường mới

Bước 7: Giai đoạn tối ưu hóa

Tối ưu hóa là giai đoạn cuối cùng của quá trình chuyển đổi một hệ thống sang vận hành trên điện toán đám mây. Giai đoạn này đảm bảo mọi chức năng vận hành tốt, các tính năng gia tăng hoạt động phù hợp với các chức năng khác và hệ thống đã tận dụng tối đa ưu thế của đám mây. Cụ thể

Tối ưu các công việc thực hiện trong các bước trước.

Tối ưu hệ thống để tương thích với chuẩn và phương án quản lý của đám mây

Đúc rút giá trị lợi ích và kinh nghiệp chuyển đổi để thực hiện cho các hệ thống tương tự.

Xây dựng các phương án tăng cường khai thác dịch vụ điện toán đám mây trong tương lai.

Bảy bước trên được thực hiện đối với một phần mềm hiện đang được sử dụng và đáp ứng được yêu cầu cần chuyển đổi lên đám mây để vận hành. Không phải mọi phần mềm đều có thể chuyển đổi hoặc có nhu cầu chuyển đổi.

Chuyển ứng dụng của cơ quan nhà nước lên điện toán đám mây

Trong phần trên chúng ta đã xem xét chi tiết giải pháp cụ thể để chuyển đổi một phần mềm cụ thể sang vận hành trên môi trường điện toán đám mây. Tuy nhiên không phải mọi phần mềm đều có thể chuyển sang vận hành trên môi trường đám mây mà phần mềm phải đáp ứng một số yêu cầu đặc trưng của điện toán đám mây như ta đã xem xét trong phần khái niệm điện toán đám mây dưới cách nhìn kỹ thuật công nghệ. Điển hình là ứng dụng phải được xây dựng sử dụng các công nghệ web và hỗ trợ nhiều người sử dụng và có sự phân tách quản lý người dùng phù hợp. Cụ thể các phần mềm phù hợp ta đã xem xét trong các phần trên. Trong phần này ta sẽ xem xét xem xét các ứng dụng có thể chuyển đổi sang môi trường điện toán đám mây hiện đang sử dụng trong các cơ quan nhà nước hiện nay:

Hiện nay trong các cơ quan nhà nước sử dụng các phần mềm phục vụ quản lý điều hành và các nghiệp vụ chuyên ngành. Nói chung, về tổng thể các phần mềm ứng dụng trong cơ quan nhà nước được phân thành hai trường hợp như sau:

- Hai hoặc nhiều cơ quan sử dụng chung một phần mềm do một đơn vị sản xuất.

- Các cơ quan sử dụng các phần mềm khác nhau có tính năng tương tự nhau.

Việc triển khai ứng dụng điện toán đám mây cần phải có giải pháp xử lý cả hai trường hợp này.

a. Các đơn vị sử dụng chung một sản phẩm phần mềm

Đối với trường hợp này, trường hợp việc chuyển đổi sang điện toán đám mây đơn giản hơn nếu phần mềm đáp ứng tốt cho việc sử dụng chung cho các cơ quan nhà nước. Trong trường hợp này cần xem xét khả năng chấp nhận nhiều người sử dụng đồng thời khi số người sử dụng được gộp bởi các cơ quan tổ chức khác nhau và khả năng tái cấu trúc phục phụ phân tách môi trường làm việc cho các cơ quan khác nhau.

b. Các cơ quan sử dụng các phần mềm khác nhau có tính năng tương tự nhau.

Đối với hiện trạng này, giải pháp cần thực hiện là phải lựa chọn một trong các phần mềm đang sử dụng làm phần mềm sử dụng chung cho các đơn vị. Tuy nhiên việc lựa chọn phần mềm nào và cách thức chuyển đổi sử dụng phần mềm phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau và nằm ngoài phạm vi thảo luận trong đề tài này.

Trong cả hai trường hợp trên, một yêu cầu trong quá trình thực hiện việc chuyển đổi là hạn chế tối đa thời gian gián đoạn của hệ thống trong quá trình chuyển đổi, và hạn chế các thay đổi về chức năng của hệ thống làm ảnh hưởng tới mục đích sử dụng của hệ thống trong quy trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức.

 

Nguyễn Trọng Khánh (Cục Tin học hóa)