Đầu tiên là Chính phủ tích hợp, bao gồm việc tích hợp thông tin và điều hành giữa các cơ quan nhà nước với nhau, hướng tới mục tiêu thiết lập dịch vụ chia sẻ hiệu quả theo một quan điểm duy nhất đó là chính phủ của công dân. Khía cạnh này nhấn mạnh đến vai trò điều phối trung tâm. Khía cạnh thứ hai là điều hành thông minh, sử dụng ICT và các công nghệ liên quan, thông qua Big Data và Internet vạn vật để hỗ trợ công việc cho công chức. Khía cạnh thứ ba là lấy người dân làm trung tâm của việc cung cấp dịch vụ, nhằm mục đích cung cấp các dịch vụ dựa trên nhu cầu của từng công dân. Khía cạnh thứ tư là thúc đẩy chuyển đổi, trong đó tập trung vào thay đổi tổ chức thông qua nhiều khía cạnh, bao gồm: nguồn nhân lực, quy trình làm việc, công nghệ và cả luật pháp. Mỗi khía cạnh này đều có chiến lược phát triển cụ thể và được thực hiện bởi EGA. Có thể nói chính phủ Thái Lan có tầm nhìn để đạt các cấp độ cao hơn cho phúc lợi của người dân và khả năng cạnh tranh kinh doanh thông qua chính phủ điện tử, cụ thể như sau:
1. Phát triển năng lực để hỗ trợ các dịch vụ chính phủ tốt hơn
Để hỗ trợ các cải cách cụ thể, EGA đang hỗ trợ phát triển các hệ thống công nghệ dữ liệu nhằm cải thiện khả năng truy cập và tích hợp dữ liệu hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước. Điều này bao gồm việc tích hợp dữ liệu giữa các ứng dụng nhằm hỗ trợ cho các vấn đề lớn như giải quyết các vấn đề về buôn người, đánh bắt cá bất hợp pháp, tiếp cận với các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Những nỗ lực kể trên bao gồm nhiều nhiệm vụ, chẳng hạn như phát triển một hệ thống tập trung với việc xác minh và xác thực các giao thức kết nối giữa các cơ quan nhà nước, tích hợp các dữ liệu điều hành doanh nghiệp của cơ quan chính phủ và cá nhân người dân, cung cấp nền tảng dữ liệu mở tập trung cho người dân để cung cấp thông tin truy cập hiệu quả thông qua hệ thống phản hồi, chủ động đáp ứng nhu cầu của công dân. Những nỗ lực này được coi là nền tảng và tiêu chuẩn cho các ứng dụng khác để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
EGA cũng đang phát triển các chương trình đào tạo để nâng cao kiến thức về số hóa cho các nhân viên khu vực công. Điều này sẽ cho phép các nhân viên khu vực công giải quyết các vấn đề phức tạp hơn như vấn nạn buôn bán người bằng cách phân tích dự báo và sử dụng dữ liệu lớn. Ngoài ra, EGA cũng hướng đến cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ công và tăng sự hài lòng của người dân đối với các chương trình của chính phủ.
2. Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân
Hiện nay, trước bối cảnh kinh tế xã hội và văn hóa của Thái Lan, việc thực hiện thành công chính phủ điện tử cho quốc gia đòi hỏi phải xem xét cẩn trọng từ mọi khía cạnh xã hội. Chất lượng cuộc sống (bao gồm cả phúc lợi của người dân) là mối quan tâm chính đối với các thế hệ chính phủ của Thái Lan, kể cả chính phủ quân sự hiện tại. Chiến lược thứ hai của EGA tập trung mạnh mẽ vào việc phát triển xã hội thông qua việc tạo ra các dịch vụ chủ động như Kiosk thông minh của chính phủ, cung cấp cổng dịch vụ công một cửa đối với các hoạt động kinh doanh, các kênh thông tin của Chính phủ được cung cấp dễ dàng cho mọi người dân để truy cập các thông tin hữu ích khi thực hiện giao dịch với các dịch vụ công.
3. Nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp
Chính phủ Thái Lan nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện khả năng cạnh tranh kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay cũng như tầm quan trọng của khởi nghiệp - chính phủ Thái Lan coi đây là những yếu tố chính góp phần vào khả năng cạnh tranh tổng thể của quốc gia trong quá trình toàn cầu hóa. Chiến lược thứ ba của chính phủ số có vô số những trọng tâm; ví dụ, khả năng tìm kiếm thị trường cao hơn cho người nông dân Thái Lan để sản phẩm của họ có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu của cả thị trường trong nước và quốc tế, từ đó làm tăng mức sống của họ, v.v…
Chiến lược này nhằm mục đích cải thiện môi trường kinh doanh thông qua một hệ thống cấp phép kinh doanh được tích hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp của Thái Lan. Trong lịch sử, các chính sách ở Thái Lan là gánh nặng, cản trở khả năng cạnh tranh, và mục tiêu cho chính phủ số trong bối cảnh cạnh tranh kinh doanh là giải quyết các vấn đề này thông qua các kênh điện tử; ví dụ: nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu sẽ được cung cấp nền tảng dịch vụ một cửa để liên kết dữ liệu nhằm giảm chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp trong thương mại quốc tế. Mục tiêu xa hơn là tăng cường khả năng cạnh tranh của không chỉ các doanh nghiệp lớn, mà cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua hỗ trợ tích hợp và chủ động như tích hợp hệ thống thuế nơi dữ liệu thuế có thể dễ dàng truy cập và tích hợp trên nền tảng dịch vụ, do đó giảm công việc trên giấy tờ, chi phí lao động và dự phòng trong lĩnh vực này. Tất cả điều này đang được tạo điều kiện thuận lợi nhờ cơ sở hạ tầng của chính phủ được cải thiện, trong đó EGA đóng vai trò dẫn dắt chủ chốt.
4. Tăng cường an toàn cho khu vực công và an ninh quốc gia
Một mối quan tâm lớn đối với khu vực công là an ninh và trật tự quốc gia, đặc biệt chính phủ quân sự coi chính phủ số như một công cụ quan trọng. Cụ thể, đối với Thái Lan các vấn đề lâu dài về vấn nạn buôn người và nhập cư không có giấy tờ đã đưa việc quản lý biên giới vào tâm điểm để cải thiện. Việc ứng dụng công nghệ thông tin như hệ thống quản lý biên giới tự động nhằm thu thập dữ liệu về những người quá cảnh qua biên giới Thái Lan, sau đó đưa vào mạng tích hợp dữ liệu của dịch vụ công. Bên cạnh đó, thảm họa thiên nhiên và quản lý khủng hoảng là mối quan tâm khác xung quanh vấn đề an ninh trật tư và cách tiếp cận của chính phủ số là phát triển một hệ thống quản lý được mô phỏng dựa trên kịch bản và thực tiễn về tích hợp quản lý khủng hoảng. Vai trò của Bộ Kinh tế số, cũng như EGA là rất quan trọng trong các vấn đề cung cấp sự chỉ đạo cho việc tích hợp cơ sở hạ tầng, dữ liệu và các nỗ lực số hóa của chính phủ Thái Lan.
5. Những thách thức trong thực hiện cam kết
Trong khi các cam kết và nhu cầu đối với chính phủ điện tử ở Thái Lan đều lớn, một số thách thức là rõ ràng. Chuyển đổi chính phủ điện tử không chỉ liên quan đến công nghệ mà nó còn đòi hỏi cả sự tương tác của nó với người dân và các tổ chức, việc này làm nảy sinh những thách thức về lãnh đạo, quản trị và chính sách dưới đây:
5.1. Những thách thức về quản trị: Lãnh đạo, văn hóa tổ chức và năng lực của nhân viên
Thật khó để vượt qua những thách thức về hành chính đối với chính phủ điện tử bao gồm sự lãnh đạo kém hiệu quả, nhân viên không đủ năng lực và văn hóa của tổ chức có thể phản đối chuyển đổi số. Ở Thái Lan, rất ít Giám đốc Thông tin có kiến thức về quản lý thông tin, kỹ thuật hoặc dữ liệu và nhiều người trong số đó đã làm việc ở các vị trí và các cơ quan khác nhau trong sự nghiệp. Ngoài ra những khuyến khích hoặc phần thưởng dành cho các nhà quản lý và lãnh đạo để thực hiện cam kết đối với các dự án chuyển đổi công nghệ thông tin còn hạn chế, mặc dù tầm quan trọng của chúng là đáng kể và đòi hỏi nhiều sự nỗ lực.
Việc thiếu kinh nghiệm và kỹ năng về công nghệ thông tin và số hóa trong các công chức nhà nước của Thái Lan cũng được Văn phòng Ủy ban dịch vụ dân sự xác định là mối quan tâm. Việc tuyển dụng công chức mới của Thái Lan vẫn được thực hiện theo cách khá truyền thống, thông qua một kỳ thi bình thường mà không ưu tiên những người thành thạo ICT, do đó khi môi trường làm việc đòi hỏi các công chức nhà nước phải tiếp xúc với ICT trong công việc hàng ngày dẫn đến có nhiều hạn chế. Các tổ chức ở Thái Lan ưu tiên tuân thủ các thói quen hành chính hơn là việc áp dụng quy trình được tin học hóa có khả năng hỗ trợ trong công việc tốt hơn. Để giải quyết vấn đề này, EGA và Văn phòng Ủy ban dịch vụ dân sự đã bắt đầu một chương trình đào tạo mới, quy mô lớn nhằm tăng cường năng lực và kỹ năng số của các công chức nhà nước trên toàn quốc. Khóa đào tạo này cũng đưa ICT vào thực tiễn điều hành hàng ngày của chính phủ trong tương lai, nhằm triển khai Chính phủ điện tử 4.0 trên toàn khu vực công.
5.2. Thách thức lập pháp: Quy tắc và quy định
Thái Lan hiện đang có sự chưa rõ ràng trong khuôn khổ pháp lý cho chính phủ điện tử. Sự thiếu rõ ràng hiện đang tồn tại liên quan đến các cơ quan nhà nước, ví dụ: các trường hợp mà thông tin có thể được thu thập và chia sẻ. Những sự chưa rõ ràng này làm cho các cơ quan nhà nước không sẵn sàng chia sẻ thông tin và dữ liệu trong khu vực công. Ngay cả những thay đổi nhỏ trong các thủ tục hành chính cũng được cho là liên quan đến rào cản pháp lý đòi hỏi phải sửa đổi luật định, điều này dẫn đến cản trở đáng kể các cải cách áp dụng phương pháp số hóa.
Mặc dù chính phủ quân sự hiện tại ủng hộ mạnh mẽ cho Chính phủ điện tử 4.0 nhưng vẫn tồn tại những mối quan ngại rằng các thế hệ chính phủ trong tương lai có thể có các ưu tiên và lợi ích chính trị khác. Ví dụ, các thế hệ chính phủ Thái Lan trong những thập kỷ trước đây đã tập trung nhiều hơn vào các chính sách tái phân phối phúc lợi cho người nghèo so với các chính sách cung cấp định hướng phát triển như chuyển đổi chính phủ điện tử. Sự không chặt chẽ về chính sách như vậy dẫn đến sự e ngại hoặc không thực hiện những kế hoạch hay chương trình hành động trung hạn mà chươn trình chính phủ điện tử đề ra trong bộ máy cán bộ công chức.
5.3. Thách thức về công nghệ: Cơ sở hạ tầng và khả năng tương tác
Mặc dù đã có sự cải thiện đáng kể về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Thái Lan trong một thập kỷ qua, nhưng những hạn chế trong tích hợp hệ thống vẫn còn tồn tại đáng kể giữa các cơ quan nhà nước. Khả năng tương tác giữa các cơ quan nhà nước vẫn còn là một thách thức quan trọng mặc dù Khung tương thích Chính phủ điện tử Thái Lan đã được phát triển từ năm 2006. Bản chất của việc quản lý dữ liệu yếu kém ở Thái Lan đã gây ra những khó khăn trong việc truy cập, sử dụng dữ liệu và kết quả là một chính phủ bị phân tán dẫn đến chưa đạt được các mục tiêu đã đề ra. Gần đây, EGA đã thiết lập một cơ sở dữ liệu chính phủ nhằm tích hợp cho dữ liệu khu vực công để có thể truy cập trực tuyến dễ dàng hơn (www.data.go.th và www.govspending.go.th). Tuy nhiên, nỗ lực này chỉ là một phần vì dữ liệu vẫn còn hạn chế và không thể tùy chỉnh cho người dùng trong cơ quan nhà nước. Những thách thức về cơ sở hạ tầng vẫn còn tồn tại đáng kể đối với Thái Lan trong cả phần cứng, phần mềm và khả năng tương tác.
5.4. Thách thức về hiệu suất: Giám sát và đánh giá
Hiện tại, không có cam kết chắc chắn nào về lợi ích mang lại của chính phủ điện tử trong khi những vấn đề về chi phí và trách nhiệm triển khai thì rõ ràng hơn. Do đó, các cơ quan công quyền không sẵn sàng để cấp phát, hoặc tái phân bổ lại các nguồn lực cho các dự án chính phủ điện tử và đặc biệt là khi các lợi ích có thể được thực hiện bên ngoài của tổ chức đó. Ngoài ra, nhiều cơ quan nhà nước của Thái Lan vẫn chưa thống kê dữ liệu của họ, do đó việc sắp xếp, chia sẻ dữ liệu trở nên khó khăn. Kết quả là còn mất nhiều chi phí để tiếp tục cải cách chính phủ điện tử, bao gồm cả việc học cách sử dụng và tích hợp dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước với nhau. Do đó, việc giám sát và đánh giá hiệu suất của việc chuyển đổi ICT vẫn là một thách thức trong quá trình chuyển đổi số trong khu vực công của Thái Lan. Những điều nêu trên được phản ánh trong một cuộc khảo sát về sự sẵn sàng số hóa, các nhân viên khu vực công đánh giá cơ sở hạ tầng công nghệ và tích hợp dữ liệu tổ chức của họ chỉ ở mức 67/100 ở cấp quốc gia, và chỉ có 32/100 ở cấp tỉnh (theo EGA công bố năm 2017).
Thêm vào đó là những thách thức xung quanh việc bảo vệ quyền riêng tư, bảo mật của các hệ thống chính phủ điện tử trong khu vực công của Thái Lan và thiếu các biện pháp kiểm soát an ninh thích hợp. Tính bảo mật và quyền riêng tư của thông tin chưa được các bộ, ngành của Thái Lan quan tâm đúng mức. Một cơ quan thuộc Bộ Kinh tế và Xã hội số chuyên đối phó với các sự cố bảo mật hệ thống trên máy tính trong cộng đồng Internet của Thái Lan cũng được thành lập nhưng đơn vị này thiếu các công nghệ tin cậy để giải quyết hiệu quả các mối nguy cơ về quyền riêng tư và an ninh. Hacker tấn công vẫn là một vấn đề lớn thêm vào những thách thức trong chuyển đổi chính phủ điện tử.
5.5. Thách thức xã hội: Phân chia kỹ thuật số
Mục tiêu chính sách chính của chuyển đổi chính phủ điện tử là cung cấp quyền truy cập tốt hơn cho công dân trong việc tiếp cận thông tin của chính phủ, chẳng hạn như trong các chương trình phúc lợi và chính sách đầu tư xã hội. Điều này cũng mở ra khả năng cho chính phủ Thái Lan đáp ứng nhanh hơn với nhu cầu của của người dân. Tuy nhiên, sự chênh lệch về kỹ năng số giữa nông thôn - thành thị tồn tại những thách thức để thực hiện mục tiêu này. Một cuộc khảo sát quốc gia năm 2016 cho thấy, trong khi hơn 70% dân số thủ đô Bangkok sử dụng điện thoại thông minh, ở vùng nông thôn chỉ có 39% người dân sử dụng điện thoại thông minh (theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Thái Lan năm 2016).
Nguyên nhân chính của khoảng cách thành thị và nông thôn là bất bình đẳng về thu nhập và sự tiếp cận với các dịch vụ Internet tốc độ cao. Cơ sở hạ tầng viễn thông hiện tại ở Thái Lan không cung cấp Internet tốc độ cao đầy đủ và giá cả phải chăng cho các hộ gia đình ở các vùng nông thôn nghèo. Để xử lý vấn đề này, chính phủ Thái Lan đã chỉ đạo Tổ chức Viễn thông Thái Lan (một trong hai doanh nghiệp viễn thông quốc gia) xây dựng một mạng lưới băng rộng toàn quốc cho trên 30.000 làng ở nông thôn. Dự án này tăng tiêu chuẩn tốc độ băng thông rộng tối thiểu và phù hợp với kế hoạch tổng thể 5 năm của Thái Lan về phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước.
6. Kết luận
Tại Thái Lan, các cơ quan trung ương có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành và thực hiện các chiến lược chính phủ điện tử. Thái Lan đã thông qua nhiều khung chính sách phát triển chính phủ điện tử kể từ những năm 1990 và chính phủ quân sự hiện nay đang triển khai một chính phủ điện tử 4.0. Các cơ quan trung ương từ lâu đã đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo, điều hành cho các chiến lược và tầm nhìn chuyển đổi số, nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phúc lợi của công dân và hiệu quả của khu vực công.
Những vấn đề nêu trên cho thấy tầm quan trọng và hạn chế của các chiến lược phụ thuộc nhiều vào các cơ quan đầu não trung ương. Sự lãnh đạo của các cơ quan trung ương là cần thiết để đạt được phối kết hợp theo chiều dọc và chiều ngang trong các sáng kiến của chính phủ điện tử. Bộ Kinh tế và Xã hội số và EGA đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định và thực thi chính sách. Tuy nhiên, kế hoạch chính phủ điện tử 4.0 hiện tại của Thái Lan đang phải đối mặt với nhiều thách thức như thiếu sự rõ ràng về mặt pháp lý và các vấn đề kỹ thuật liên quan đến khả năng tương tác và sự chênh lệch về kỹ năng số giữa thành thị và nông thôn. Bất chấp sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính phủ quân sự hiện tại, các cơ quan này vẫn có những thách thức như không đủ thẩm quyền và pháp lý để thúc đẩy sự thay đổi ở các bộ, ngành khác. Dường như cần có thêm các cơ chế mạnh mẽ hơn để tổ chức và triển khai cải cách chính phủ điện tử ở Thái Lan như các biện pháp tăng cường kiểm soát. Lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo bộ, ngành và các chuyên gia của Thái Lan lại một lần nữa thảo luận về cách thức cụ thể nhằm đạt được kết quả từ các chiến lược ICT như đã đề cập ở trên, để giải quyết các vấn đề phúc lợi của người dân và nâng cao năng lực cạnh tranh kinh doanh.
Lê Tiến Dũng
Tài liệu tham khảo:
- Funilkul, S., Chutimaskul, W., & Chongsuphajaisiddhi, V. (2011). E-Government Information Quality: A Case Study of Thai- land. In Andersen K.N., Francesconi E., Grönlund Å., van Engers T.M. (eds). Electronic Government and the Information Systems Perspective. EGOVIS 2011, Toulouse, France, August 29–September 2, 2011. Proceedings (pp. 227-234).
- Ministry of Science and Technology. (2011). Executive Summary: Thailand Information and Communication Technology Policy Framework (2011–2020). Bangkok: Ministry of Information and Communication Technology.
- National Statistical Office of Thailand. (2016). The 2016 Household survey on the Use of Information and Communication technology. Bangkok: Ministry of Information and Communication Technology.
- Sukasame, N. (2004). The Development of e-Service in Thai Government. BU Academic Review. 3(1): 17-24.
- Thuvasethakul, C., & Koanantakool, T. (2002). National ICT Policy in Thailand. Africa-Asia Workshop: Promoting Co- opration in information and communications technologies development. Retrieved February 10, 2018, from http://www. nectec.or.th/users/htk/publish/20020302-National-ICT-Policy-11-ppt.pdf.
- Tortermvasana, K. (2016). TELEPHONE ORGANIZATION OF THAILAND will go it alone on village broadband network. Retrieved April 10, 2018, from https://www.bangkokpost.com/tech/local-news/935173/tot-will-go-it-alone-on- village-broadband-network.
- Varavithya, W., & Esichaikul, V. (2003). The Development of Electronic Government: A Case Study of Thailand. In Traun- müller R. (eds). Electronic Government: EGOV 2003. Lecture Notes in Computer Science, Vol. 2739. Springer, Berlin, Heidelberg.
- Haorangsri, A. (2009). Thailand’s Experiences on National Plans and Progress Towards Building Information Society. Expert Group Meeting on Regional Cooperation Towards Building Information Society in Asia and the Pacific, 20–22 July 2009, Bangkok, Thailand.