Đang xử lý.....

Các Tổ chức quốc tế về Lãnh đạo công nghệ thông tin và đề xuất đối với Việt Nam (tiếp theo)  

Học viện quốc tế về Lãnh đạo công nghệ thông tin (International Academy of CIO – IAC)
Thứ Sáu, 19/10/2012 10417
|

Học viện Quốc tế về CIO (IAC) được thành lập năm 2006 tại Nhật Bản bởi các quốc gia đồng sáng lập bao gồm Nhật Bản, Mỹ, Indonesia, Philippines, Thụy Sĩ và Thái Lan. Cho đến nay, số lượng thành viên bao gồm Trung Quốc, Campuchia, Hà Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc, Lào, Hồng Kông, Ma Cao, Peru, Singapore, Nam Phi, Đài Loan, Anh, Việt Nam, Ý, Nga,… Sứ mệnh của Học viện bao gồm: thiết lập nên một tiêu chuẩn về CIO; hỗ trợ trong việc trao đổi thông tin, sáng kiến giữa các thành viên của Học viện, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia của doanh nghiệp và chính phủ có quan tâm đến các vấn đề về CIO; thúc đẩy sự phát triển các mô hình điển hình trong CIO phục vụ cho chính phủ điện tử.

Các hoạt động của IAC bao gồm: tổ chức các hội nghị, hội thảo, hội nghị chuyên đề; tổ chức các nghiên cứu, khảo sát mang tính học thuật; phát hành các xuất bản phẩm; hợp tác với các học viện để trao đổi tài nguyên và thực hiện các dự án nghiên cứu chung; tao cơ hội phát triển các tài năng trẻ có sự tham gia tích cực trong lĩnh vực CIO.

Một số các hoạt động cụ thể:

Mạng lưới đào tạo CIO: mạng lưới đào tạo CIO Châu Á được tổ chức vào năm 2007 và là một trong những sáng kiến đầu tiên của IAC. Mạng lưới này được tổ chức với mục đích đưa ra sự chuẩn hóa trong nghiên cứu CIO và các khóa đào tạo CIO cho khu vực Đông Nam Á. Hai tổ chức đi đầu trong mạng lưới đào tạo CIO là Đại học George Mason của Mỹ và Đại học Waseda của Nhật Bản. Cho đến nay, mạng lưới đào tạo CIO đã được mở rộng bao gồm Đại học Peking của Trung Quốc, Đại học De Lasalle của Philippines, Học viện Công nghệ Lausanne của Thụy Sỹ, Học viện Công nghệ Bandung của Indonesia, Đại học Yuan Ze của Đài Loan, Đại học Saint Petersburg của Nga, Đại học ESAN của Peru, Đại học Thammasat của Thái Lan. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của mạng lưới này là xây dựng nên Đại học quốc tế CIO của IAC và mạng lưới trung tâm đào tạo.

Chương trình công nhận nghiên cứu CIO: trong cuộc họp thường niên lần thứ 4 vào năm 2009, IAC đã tạo nên bước ngoặt cho việc phát triển cộng đồng CIO đó là việc thiết lập các Trung tâm đào tạo CIO quốc tế và Chương trình công nhận toàn cầu (Global Accreditation Program) để tạo thành Trung tâm công nhận toàn cầu (Global Accreditation Center – GAC). Trung tâm GAC của IAC hướng đến việc thúc đẩy và tăng cường phát triển chất lượng của CIO và Lãnh đạo điều hành công nghệ thông tin (Excecutive IT Leadership) trong các nước đang phát triển thông qua mạng lưới hợp tác với các trường đại học, các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước và các tổ chức phi chính phủ. Trung tâm công nhận toàn cầu này phát triển các tiêu chí đánh giá chất lượng của CIO.

Để củng cố hơn nữa trong việc đưa ra tiêu chuẩn cho các CIO, IAC đã ký Biên bản ghi nhớ với Đại học Liên hợp quốc (United Nations University) về việc thành lập một Trung tâm tài nguyên toàn cầu (Global Resource Center – GRC). Trung tâm này sẽ hỗ trợ năng lực cho Trung tâm công nhận toàn cầu cho các quốc gia đang quan tâm đến việc hình thành và xây dựng CIO. GRC được coi như một bộ phận của GAC.

Đánh giá, xếp hạng chính phủ điện tử thế giới kết hợp với Đại học Waseda (Waseda – IAC World e-Government Ranking: Xếp hạng chính phủ điện tử toàn cầu của Đại học Waseda được thực hiện lần đầu tiên vào năm 2005 bởi một nhóm nghiên cứu của Đại học Waseda. Phương pháp thực hiện bao gồm thu thập số liệu và thông tin của các tổ chức được khảo sát từ các tổ chức quốc tế như ITU, APEC, OECD,… và tổ chức các hội thảo, diễn đào quốc tế về chính phủ điện tử. Các dữ liệu, thông tin thu thập sẽ được phân tích dựa trên một tập hợp các tiêu chí và tham số. Các tiêu chí và tham số này được điều chỉnh hàng năm phù hợp với hiện trạng và xu hướng phát triển.

Với sứ mệnh và hoạt động như trên, IAC tin tưởng sẽ có khả năng phục vụ cộng đồng CIO trong nỗ lực phát triển công nghệ thông tin và chính phủ điện tử ở cả khu vực công và khu vực tư.

 

(còn tiếp)

 

 

Đinh Hoàng Long, Cục Ứng dụng CNTT