Theo quy định của Luật Công công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia là tập hợp thông tin của một hoặc một số lĩnh vực kinh tế - xã hội được xây dựng, cập nhật và duy trì đáp ứng yêu cầu truy nhập và sử dụng thông tin của các ngành kinh tế và phục vụ lợi ích công cộng; tổ chức, cá nhân có quyền truy nhập và sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Các tổ chức, cá nhân có thể kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của mình vào cơ sở dữ liệu quốc gia để truy nhập, trao đổi và chia sẻ dữ liệu. Vậy hiện trạng các cơ sở dữ liệu quốc gia hiện nay như thế nào; cần làm gì để các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu sẵn sàng kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia bảo đảm sự tương thích, thông suốt và an toàn trong quá trình chia sẻ, trao đổi thông tin. Để giải quyết các vấn đề này, bài viết đưa ra một số nội dung sau:
Hiện trạng các cơ sở dữ liệu quốc gia
Ngày 22/5/2015, tại Quyết định số 714/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử gồm 06 cơ sở dữ liệu quốc gia: Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư; Cơ sở dữ liệu Đất đai quốc gia; Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp; Cơ sở dữ liệu quốc gia về Thống kê tổng hợp về dân số; Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính; Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm.
Hiện trạng triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia trên như sau:
Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư: Dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư đã được phê duyệt; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc thông điệp dữ liệu công dân trao đổi với Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư đã được ban hành. Các quy định pháp lý đối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư tương đối đầy đủ và rõ ràng. Luật Căn cước công dân đã quy định cụ thể 15 thông tin về công dân được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư. Ngày 31/12/2015 tại Nghị định số 137/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân, Chính phủ cũng đã quy định cụ thể về nguồn thông tin, yêu cầu, thứ tự thu thập, cập nhật thông tin về công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư; trách nhiệm thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư; kết nối, chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hình thức, thẩm quyền cho phép và thủ tục khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư.
Cơ sở dữ liệu Đất đai quốc gia: Tại Quyết định số 1975/QĐ-TTg ngày 30/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án "Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai". Đến nay, Dự án đã hoàn thành giai đoạn I và có 132 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc 37/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang vận hành, khai thác. Về quy định pháp lý, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự thảo Nghị định trình Chính phủ về xây dựng, quản lý và khai thác hệ thống thông tin đất đai trong đó đề cập nội dung về Cơ sở dữ liệu Đất đai quốc gia.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp: Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp đã được triển khai từ năm 2010 và đang được vận hành để phục vụ xử lý nghiệp vụ đăng ký doanh nghiệp trên toàn quốc. Về quy định pháp lý đối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp, Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp mới quy định chung Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp là tập hợp dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc; thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và tình trạng pháp lý của doanh nghiệp lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp có giá trị pháp lý là thông tin gốc về doanh nghiệp mà chưa quy định cụ thể về phạm vi dữ liệu, trường dữ liệu, đối tượng kết nối, mục đích kết nối, thủ tục và quy trình kết nối...
Cơ sở dữ liệu quốc gia về Thống kê tổng hợp về dân số: Nghị định về thu thập thông tin liên quan đến dân cư đang được xây dựng nhằm tăng sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan, tránh thu thập nhiều lần cùng một nội dung thông tin.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính: Đề án Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính và Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đã được phê duyệt.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm: Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm cũng đang được quan tâm xây dựng.
Ngoài các cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử tại Quyết định số 714/QĐ-TTg, còn phải kể đến một số cơ sở dữ liệu quốc gia khác như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ, Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính...
Kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia
Để tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có thể truy nhập và sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia thì cơ quan chủ quản các cơ sở dữ liệu quốc gia này phải ban hành nội dung, cấu trúc và kiểu thông tin của dữ liệu, phương thức truy nhập dữ liệu để các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu kết nối, khai thác sử dụng. Mặt khác, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phải sẵn sàng kết nối đến các cơ sở dữ liệu quốc gia khi các cơ sở dữ liệu quốc gia đi vào vận hành. Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phải thiết kế theo hướng có khả năng tiếp nhận và xử lý thông điệp dữ liệu tuân thủ cấu trúc dữ liệu trao đổi của cơ sở dữ liệu quốc gia; thiết kế chức năng kết nối, khai thác dữ liệu theo các yêu cầu kỹ thuật của cơ sở dữ liệu quốc gia để bảo đảm tính sẵn sàng khi kết nối. Do vậy, để đáp ứng được yêu cầu trên, cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu quốc gia phải quy định chi tiết nội dung tài liệu kỹ thuật phục vụ kết nối của cơ sở dữ liệu quốc gia và ban hành trước khi dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia được nghiệm thu và đưa vào vận hành. Tài liệu kỹ thuật sau khi ban hành phải được công bố rộng rãi cho các cơ quan, đơn vị có nhu cầu để áp dụng cho các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành, địa phương mình. Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khi xây dựng phải tuân thủ tài liệu kỹ thuật phục vụ kết nối của cơ sở dữ liệu quốc gia đã ban hành để bảo đảm khả năng tương thích về dữ liệu và khả năng sẵn sàng kết nối, trao đổi, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia.
Theo quy định tại Thông tư số 13/2017/TT-BTTTT ngày 23/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định các yêu cầu kỹ thuật về kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia, tài liệu kỹ thuật phục vụ kết nối của cơ sở dữ liệu quốc gia bao gồm tài liệu kỹ thuật phục vụ kết nối khai thác và tài liệu kỹ thuật phục vụ kết nối cập nhật.
Tài liệu kỹ thuật phục vụ kết nối khai thác bao gồm các nội dung sau:
- Mô tả thông số kỹ thuật về địa chỉ, giao diện kết nối; các dịch vụ
cung cấp dữ liệu; các hàm giao tiếp giữa các hệ thống; công nghệ mã hóa,
an toàn, bảo mật và công nghệ, kỹ thuật khác;
- Mô tả khả năng đáp ứng yêu cầu về kết nối; trình tự tiếp nhận và kết nối về mặt kỹ thuật; khả năng cung cấp dữ liệu cho các hệ thống thông tin khai thác tối thiểu theo yêu cầu sau:
+ Cung cấp dữ liệu theo phạm vi: Cung cấp dữ liệu đơn lẻ phục vụ sử dụng trực tiếp cho các hệ thống thông tin; cung cấp dữ liệu theo gói phục vụ các hệ thống thông tin lưu trữ và sử dụng;
+ Cung cấp dữ liệu theo thời gian cập nhật: Cung cấp dữ liệu đầy đủ theo yêu cầu không phụ thuộc vào thời điểm cập nhật dữ liệu; cung cấp dữ liệu đã thay đổi từ thời điểm được chỉ định cho tới thời điểm yêu cầu cung cấp dữ liệu;
+ Cung cấp dữ liệu theo đặc điểm lịch sử của dữ liệu: Cung cấp dữ liệu có giá trị tại thời điểm yêu cầu (mặc định, khi không được chỉ định đặc tính thời gian của dữ liệu); cung cấp dữ liệu có giá trị tại thời điểm được chỉ định (trong
trường hợp cơ sở dữ liệu quốc gia có lưu trữ dữ liệu lịch sử);
+ Cung cấp dữ liệu chủ động/thụ động: Cung cấp dữ liệu thụ động khi có yêu cầu khai thác từ các hệ thống thông tin; chủ động thông báo hoặc cung cấp dữ liệu cho các hệ thống thông tin theo yêu cầu đăng ký trước;
+ Tần suất cung cấp dữ liệu của cơ sở dữ liệu quốc gia đối với hệ thống thông tin kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia: Cung cấp dữ liệu trực tuyến ngay sau khi được yêu cầu; cung cấp dữ liệu theo định kỳ trong trường hợp dữ liệu lớn và không có sẵn.
- Cấu trúc dữ liệu trao đổi;
- Dữ liệu đặc tả: thể hiện các thông tin mô tả về tập dữ liệu được trao đổi như thời gian, đơn vị thu thập; thời gian, đơn vị phê duyệt dữ liệu; phạm vi
dữ liệu và các thông tin mô tả khác của dữ liệu hoặc tập dữ liệu được thu thập, cập nhật;
- Thông tin về thu thập dữ liệu: thể hiện cách thức, tình huống khi
thu thập dữ liệu từ thực tế bảo đảm dữ liệu được hiểu thống nhất về ý nghĩa thông tin;
- Chất lượng, độ chính xác dữ liệu (nếu có): thể hiện mức độ chính xác khi dữ liệu được thu thập có tính chất gần đúng khi đo đạc hoặc phụ thuộc vào độ chính xác của thiết bị đo;
- Thông tin về trình diễn dữ liệu (nếu có): thể hiện cách thức, yêu cầu khi trình diễn dữ liệu trên máy tính, trên bản in hoặc các thiết bị, phương tiện khác để bảo đảm dữ liệu phản ánh đúng thông tin đã thu thập trong trường hợp
dữ liệu cần yêu cầu trình diễn;
- Các nội dung kỹ thuật cần thiết khác theo đặc thù của từng cơ sở
dữ liệu quốc gia (nếu có).
Tài liệu kỹ thuật phục vụ kết nối cập nhật ngoài các nội dung trên còn bao gồm quy định về các điều kiện duy trì dữ liệu bao gồm việc thay đổi, hủy bỏ dữ liệu; về chia sẻ thông tin số giữa các cơ quan nhà nước.
Nếu các tài liệu kỹ thuật này không được xây dựng, ban hành trước để tạo cơ sở cho các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuẩn bị sẵn sàng ngay tại thời điểm thực hiện dự án xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thì việc giải quyết sau này sẽ tốn nhiều nguồn lực. Hơn nữa, quá trình kết nối sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đang hoạt động.
Kết luận
Việc triển khai xây dựng, ban hành tài liệu kỹ thuật phục vụ kết nối của các cơ sở dữ liệu quốc gia là rất cần thiết để bảo đảm các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu sẵn sàng kết nối đến các cơ sở dữ liệu quốc gia trước khi đưa vào vận hành. Bên cạnh đó, khả năng kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đã vận hành trước khi các tài liệu kỹ thuật phục vụ kết nối của cơ sở dữ liệu quốc gia được ban hành cũng cần được các cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu quốc gia; chủ quản hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm, giải quyết trong thời gian tới.
Tài liệu tham khảo
[1] Luật Công nghệ thông tin ngày 29/6/2006;
[2] Quyết định số 1699/QĐ-TTg ngày 20/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính;
[3] Nghị định số 11/2014/NĐ-CP ngày 18/02/2014 của Chính phủ về hoạt động thông tin khoa học và công nghệ;
[4] Luật Căn cước công dân ngày 20/11/2014;
[5] Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử;
[6] Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ về Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật;
[7] Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp;
[8] Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân;
[9] Nghị định số 20/2016/NĐ-CP ngày 30/3/2016 của Chính phủ quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính;
[10] Thông tư số 13/2016/TT-BTP ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định quy trình cung cấp, tiếp nhận, cập nhật thông tin và khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính;
[11] Thông tư số 13/2017/TT-BTTTT ngày 23/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định các yêu cầu kỹ thuật về kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia;
[12] Thông tư số 10/2017/TT-BKHCN ngày 28/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng, duy trì và phát triển Cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ.
Phạm Văn Thịnh