Về tình hình, kết quả thực hiện:
- Đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia:
Đến nay, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã tích hợp đăng nhập một lần với tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Thanh tra Chính phủ, Ủy ban dân tộc có đặc thù riêng về cung cấp dịch vụ công), Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và 63/63 địa phương trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, Cổng Dịch vụ công Quốc gia cũng đã kết nối, tích hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bưu điện Việt Nam, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, các nhà cung cấp định danh để đa dạng hóa hình thức đăng ký tài khoản đảm bảo thuận lợi, an toàn, an ninh thông tin cho người dân, doanh nghiệp.
- Về công khai, minh bạch thông tin thủ tục hành chính, dịch vụ công:
+ Chuẩn hóa, công khai thủ tục hành chính
Các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện chuẩn hóa, công bố, công khai dữ liệu thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Đến nay, số lượng thủ tục hành chính của cả nước là 6.798 thủ tục hành chính, trong đó có 58,1% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành; 23% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền địa phương và 18,9% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan quản lý ngành dọc đóng tại địa phương (ví dụ như: Thuế, Công an,…). So với trước khi Cổng Dịch vụ công Quốc gia đi vào vận hành, việc chuẩn hóa giúp cắt giảm, bãi bỏ 702 thủ tục hành chính hết hiệu lực, trùng lặp.
Đã xây dựng, chuẩn hóa, cập nhật hơn 10.000 câu hỏi và trả lời các vướng mắc thường gặp trong giải quyết thủ tục hành chính.
+ Cung cấp thông tin thủ tục hành chính, dịch vụ công
Đến 24/12/2020, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã phục vụ hơn 99 triệu lượt truy cập của người dân, doanh nghiệp để tìm hiểu thông tin, dịch vụ, tăng gấp hơn 4,7 lần so với tháng 3/2020.
+ Theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện thủ tục hành chính
Đã có 84 bộ, ngành, cơ quan, địa phương tích hợp, đồng bộ trạng thái hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, trong đó có 19 bộ, cơ quan ngang bộ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và 63/63 địa phương. Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã đồng bộ trạng thái hơn 27,2 triệu hồ sơ, tăng gấp hơn 8 lần so với tháng 3/2020, giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng tra cứu, theo dõi, giám sát, đánh giá quá trình thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công của bộ, ngành, cơ quan, địa phương. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt nội dung này như: Bộ Tài chính; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Bộ Công Thương; Bộ Tư pháp; Thái Nguyên; TP. Cần Thơ; Khánh Hòa; Thừa Thiên Huế; An Giang; Bình Định; Hưng Yên; Bắc Ninh; Bình Phước; Đồng Tháp; Đắk Lắk; Ninh Bình; Quảng Ninh; Sóc Trăng; Tiền Giang, Yên Bái,…
- Tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia:
+ Số lượng dịch vụ công trực tuyến:
Từ 8 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp tại thời điểm khai trương (ngày 09 tháng 12 năm 2019), đến nay, số thủ tục hành chính đã được các bộ, ngành, địa phương tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia là 2.700, đạt 39% so với tổng số thủ tục hành chính của cả nước. Đồng thời, để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch cũng được Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Văn phòng Chính phủ kịp thời tái cấu trúc quy trình, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Bên cạnh đó, ngày 21 tháng 12 năm 2020, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã hoàn thành kết nối, tích hợp với Tòa án nhân dân tối cao để cung cấp các tiện ích, dịch vụ công trực tuyến của ngành Tòa án trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia như: Tra cứu bản án, quyết định của Tòa án; Nộp đơn khởi kiện; Đăng ký nhận các thông báo, văn bản tố tụng; Đăng ký cấp bản sao, tài liệu trong hồ sơ vụ án,…
+ Tiếp nhận, cung cấp các dịch vụ tiện ích và xử lý hồ sơ trực tuyến
Đã có hơn một triệu trường hợp thực hiện các dịch vụ tiện ích trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia như: Tra cứu theo dõi quá trình giải quyết hồ sơ; Đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính,…
Đã có hơn 719 nghìn hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tăng gấp 51 lần so với tháng 3/2020. Trung bình mỗi ngày làm việc, Cổng Dịch vụ công Quốc gia tiếp nhận, xử lý 2,6 nghìn hồ sơ trực tuyến, trong đó các tháng trở lại đây tiếp nhận, xử lý từ 5 đến 9 nghìn hồ sơ trực tuyến mỗi ngày làm việc. Trong đó, có nhiều dịch vụ công trực tuyến thiết yếu đã được người dân, doanh nghiệp tin tưởng, sử dụng bởi tính thuận lợi, đơn giản và chất lượng phục vụ đáp ứng đúng yêu cầu của dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
- Tích hợp, cung cấp thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia:
Hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công Quốc gia được chính thức đưa vào vận hành từ tháng 03/2020. Hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công Quốc gia có chức năng hỗ trợ kết nối giữa cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ công (thông qua Cổng Dịch vụ công, Hệ thống một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh) và các ngân hàng, trung gian thanh toán để ngân hàng, trung gian thanh toán cung ứng các dịch vụ thanh toán cho các nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công.
Sau hơn 9 tháng triển khai, hiện nay, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã có 54/63 địa phương (85,6%), 14 bộ, ngành, cơ quan (67,7%) hoàn thành kết nối với hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công Quốc gia và đang tiếp tục triển khai với các bộ, ngành, địa phương khác.
Hiện nay, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã cung cấp các nhóm dịch vụ thanh toán trực tuyến gồm: (1) Phí, lệ phí dịch vụ hành chính công; (2) Thuế cá nhân, doanh nghiệp; (3) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người dân và tổ chức sử dụng lao động; (4) Nộp phạt xử lý vi phạm hành chính; (5) Thanh toán tiền điện; (6) Thanh toán tạm ứng án phí.
- Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp:
Đã tiếp nhận, xử lý hơn 9,6 nghìn phản ánh, kiến nghị trên Hệ thống phản ánh, kiến nghị của Cổng Dịch vụ công Quốc gia, trong đó có hơn 6,2 nghìn phản ánh, kiến nghị của người dân và 3,4 nghìn phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp.
Đã tiếp nhận và giải đáp hỗ trợ hơn 44 nghìn cuộc gọi của người dân, doanh nghiệp tới Tổng đài 18001096, trong đó chủ yếu các giải đáp liên quan đến hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
- Đảm bảo hạ tầng kỹ thuật:
Kết nối với Hệ thống chứng thư số chuyên dùng của Ban Cơ yếu Chính phủ để thực hiện định danh, xác thực cho cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước để tăng cường mức độ bảo mật và đảm bảo việc quản lý tập trung, thống nhất, có sự phân cấp theo thẩm quyền trong các cơ quan, cán bộ, công chức khi vận hành các hệ thống công nghệ thông tin do Văn phòng Chính phủ xây dựng; đồng thời, cũng tạo điều kiện cho người sử dụng các hệ thống chỉ cần một tài khoản có thể thực hiện nhiều hệ thống theo phân quyền, tránh một người phải nhớ nhiều tài khoản, mật khẩu.
Đã hoàn thành phân hệ quản trị Cổng Dịch vụ công Quốc gia để thực hiện quản trị, giám sát việc vận hành Cổng Dịch vụ công Quốc gia; hỗ trợ kiểm thử việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ tra soát, đối chiếu dữ liệu cho các cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ công và ngân hàng, trung gian thanh toán.
Đã thiết lập, tổ chức hoạt động của gần 150 nhóm kỹ thuật làm việc trực tuyến thường xuyên để kết nối, tích hợp, kiểm thử, hỗ trợ quản lý, vận hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương.
Nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 gồm:
Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong đó Cổng Dịch vụ công Quốc gia là một kênh giao tiếp điện tử quan trọng kết nối giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước, là điểm để người dân, doanh nghiệp tương tác với Chính 10 phủ trên môi trường điện tử, tạo cơ sở hình thành doanh nghiệp điện tử, công dân điện tử. Cụ thể như sau:
1. Tập trung triển khai có hiệu quả việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo đúng quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP và Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ. Trong đó, tập trung triển khai các nhiệm vụ cụ thể sau:
- Tiếp tục tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp thêm tối thiểu 20% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
- Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ và tổ chức triển khai thực hiện danh mục dịch vụ công trực tuyến ưu tiên tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (trong đó tập trung nhóm dịch vụ công liên quan đến quản lý giấy tờ công dân, hộ tịch, cư trú, an sinh xã hội, đất đai, xây dựng, môi trường,…) để làm cơ sở phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, thực hiện đổi mới các thức thực hiện theo hướng tập trung, có sự liên thông chia sẻ dữ liệu của nhiều cơ quan, đơn vị để đảm bảo việc thực hiện thuận lợi, giảm chồng chéo, lãng phí.
- Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng phục vụ với dịch vụ thanh toán trực tuyến; đảm bảo 100% bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc tích hợp và triển khai cung cấp thanh toán trực tuyến phí, lệ phí trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia với ít nhất 50% số lượng thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính; mở rộng các nhóm dịch vụ thanh toán trực tuyến, nhất là các dịch vụ thanh toán thiết yếu liên quan đến thuế nội địa, xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý, viện phí, học phí; nâng tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia tối thiểu 25% trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công.
- Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, cải tiến nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công; phấn đấu 30% số xã cung cấp dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính làm cơ sở số hóa hồ sơ và đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ đầy đủ kết quả xử lý hồ sơ thủ tục hành chính; 100% hồ sơ của hệ thống một cửa điện tử của bộ, ngành, địa phương được đồng bộ trạng thái phục vụ việc theo dõi, giám sát, đánh giá.
- Tổ chức thực hiện đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính làm cơ sở nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính, cán bộ, công chức theo đúng quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý cán bộ, công chức không thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến, nhất là các dịch vụ công đã được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
- Tiếp tục đẩy mạnh chuẩn hóa, cập nhật, công khai thủ tục hành chính kịp thời, chính xác, đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận, tìm hiểu thông tin, trong đó nghiên cứu bổ sung các hướng dẫn điền mẫu đơn, tờ khai bằng các biểu mẫu điền thông tin cụ thể; biên dịch một số thủ tục hành chính ra tiếng nước ngoài để phục vụ cho đối tượng người nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài; hỗ trợ hướng dẫn thủ tục hành chính theo quy trình nhóm thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp có thể tìm hiểu, giải quyết triệt để nhu cầu công việc của mình.
- Thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, không để tình trạng chậm, quá hạn xử lý, hạn chế tình trạng phản ánh kéo dài.
2. Tiếp tục hoàn thiện các chức năng của Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo hướng lấy người dùng làm trung tâm, trong đó tập trung cải thiện trải nghiệm người dùng; xây dựng, hoàn thiện hệ thống đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công; triển khai các ứng dụng trên appmobile; triển khai các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong xử lý công việc, hỗ trợ người dân,…
3. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp về lợi ích và các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến được cung cấp trên Cổng Dich vụ công Quốc gia theo hướng đa dạng hóa phương thức truyền thông, có chọn lọc đối tượng theo từng dịch vụ, kết hợp với truyền thông nội bộ, tạo niềm tin, thúc đẩy việc chung tay tham gia thực hiện của người dân, doanh nghiệp.
4. Ban Cơ yếu Chính phủ, Cục Bưu điện Trung ương, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan bảo đảm các yêu cầu về hạ tầng, kỹ thuật, an toàn, an ninh thông tin trong quá trình quản lý, vận hành Cổng Dịch vụ công Quốc gia thông suốt, hiệu quả.
Nguyễn Hạnh