Trong những năm qua, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan nhà nước trực thuộc tỉnh tiếp tục được nâng cấp theo hướng đầu tư tập trung, đồng bộ, từng bước kết nối hệ thống mạng WAN giữa các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thành phố; qua đó hệ thống đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu về ứng dụng CNTT của cán bộ, công chức.
Tuy nhiên, kết quả điều tra thực tế cho thấy – hầu hết hệ thống mạng LAN đã triển khai tại các cơ quan nhà nước đều được đầu tư và trang bị trong quá trình thực hiện Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005, do vậy nhiều hệ thống máy chủ, switch, UPS… đã tương đối cũ, một số đã bị hỏng, cấu hình không đảm bảo cho các ứng dụng triển khai trong giai đoạn hiện nay nhưng chưa được đầu tư thay thế do nguồn kinh phí hạn hẹp.
Mặt khác, hệ thống máy chủ và các thiết bị chuyên dụng chưa được quan tâm nâng cấp thường xuyên và các phần mềm quản lý hệ thống, các trang thiết bị bảo mật chưa được đầu tư đúng mức nên tại nhiều thời điểm – công tác ứng dụng CNTT ở nhiều đơn vị bị gián đoạn, tính chịu lỗi của các hệ thống đang được vận hành tại Trung tâm Hạ tầng thông tin chưa đảm bảo yêu cầu.
Với mục đích đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ cải cách hành chính; thời gian qua, lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện và thành phố luôn chú trọng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Thông qua các khóa đào tạo, trình độ CNTT của đội ngũ CBCC trên địa bàn tỉnh đã từng bước được chuẩn hóa, đa số CBCC đã được trang bị các kỹ năng cần thiết về CNTT để giải quyết công việc. Mặc dù vậy, việc xây dựng kế hoạch và triển khai ứng dụng CNTT trong CQNN vẫn còn gặp khó khăn do một số cơ quan chưa có cán bộ chuyên trách về CNTT, hoặc có cán bộ nhưng phải làm công tác kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, đội ngũ chuyên trách về CNTT phân bố không đồng đều và trình độ chuyên môn còn hạn chế.
Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại và đạt được những thành tựu mới trong năm 2012, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 2109/QĐ-CTUBND ngày 19/9/2011 phê duyệt kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước. Theo đó, mục tiêu chính là đảm bảo 100% CBCC từ cấp tỉnh đến cấp huyện sử dụng thư điện tử công vụ trong giao dịch công tác; 60% các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND cấp huyện và thành phố triển khai sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành qua mạng; trong năm 2012, các cơ quan nhà nước được trang bị các thiết bị CNTT cần thiết để đảm bảo việc triển khai hệ thống văn phòng điện tử.
Với mục đích phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, UBND tỉnh cũng đề cao việc nâng cấp Cổng thông tin điện tử, tích hợp các trang thông tin điện tử của các đơn vị trực thuộc, tạo ra một kênh thông tin tổng hợp nhiều lĩnh vực trên toàn tỉnh; 100% các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện và thành phố có trang thông tin điện tử với đầy đủ các thông tin, đồng thời cung cấp tất cả các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 2. Mặt khác, tập trung đào tạo nguồn nhân lực CNTT cho các cơ quan nhà nước trong tỉnh nhằm đảm bảo 100% các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện và thành phố có cán bộ chuyên trách CNTT; 80% cán bộ chuyên trách CNTT tại các cơ quan nhà nước được đào tạo chuyên sâu nhằm đáp ứng tốt quá trình triển khai ứng dụng và khai thác CNTT, góp phần hình thành được đội ngũ chuyên gia và chuyên viên CNTT có trình độ công nghệ cao trong các cơ quan quản lý nhà nước.
Nội dung thực hiện và các giải pháp triển khai cũng được đề cập trong bản kế hoạch này.