Đang xử lý.....

Thừa Thiên Huế: Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2017  

Ngày 12/12/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2017.
Thứ Ba, 27/12/2016 759
|

Theo đó, trong năm tới, tỉnh tập trung triển khai hoàn chỉnh mô hình Chính quyền điện tử tỉnh và hình thành các mô hình công sở điện tử từ cấp tỉnh đến cấp xã; Triển khai có hiệu quả mô hình Cổng dịch vụ công tỉnh Thừa Thiên Huế và phát triển dịch vụ công trực tuyến phục vụ cho công dân, tổ chức từ cấp tỉnh đến cấp xã, hình thành cơ bản mô hình Thành phố thông minh trong 3 lĩnh vực: Y tế; Giáo dục; Du lịch.

Cụ thể, đối với ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước – tỉnh đầu tư nâng cao hoàn chỉnh hạ tầng tập trung tại Trung tâm Thông tin dữ liệu điện tử đủ năng lực để vận hành hệ thống ứng dụng trong cơ quan nhà nước tỉnh. Mặt khác đưa vào vận hành hệ thống Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Trong đó ưu tiên giải pháp quản lý Internet tập trung trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; Chuẩn hóa, tích hợp đồng nhất các ứng dụng dùng chung trong cơ quan nhà nước. Đặc biệt, tỉnh có kế hoạch xây dựng mô hình chuẩn công sở điện tử từ cấp tỉnh đến cấp xã theo các mô hình cơ quan hành chính khác nhau; 100% cơ quan nhà nước sử dụng hệ thống điều hành tác nghiệp và các hệ thống dùng chung; 100% văn bản (không mật) trong các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện được liên thông, luân chuyển trên môi trường mạng; 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện áp dụng chữ ký số trong văn bản điện tử; 80% cơ quan nhà nước áp dụng CSDL hệ thống thông tin địa lý GIS Huế vào công tác quản lý chuyên ngành; Xây dựng và triển khai mô hình thành phố thông minh trên 3 lĩnh vực: Y tế, Giáo dục, Du lịch.

Đối với ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp: Cung cấp đầy đủ thông tin trên Cổng/Trang thông tin điện tử của tất cả cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước. Phấn đấu đến hết năm 2017, tỉ lệ cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt 100%; 50% thủ tục hành chính được triển khai ở mức độ 4; 100% hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp được nộp qua mạng; 98% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế qua mạng; 100% cơ quan, tổ chức thực hiện giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia Bảo hiểm xã hội; 10% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, 10% số lượng các gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng; 98% doanh nghiệp đăng ký kinh doanh qua mạng; 100% hồ sơ cấp giấy chứng nhận đầu tư qua mạng. 

Trong bối cảnh an ninh thông tin mạng tại Việt Nam nói chung và trong từng ban, ngành nói riêng và đặc biệt gần đây diễn biến hết sức phức tạp – tỉnh đã đặt mục tiêu xây dựng ban hành các văn bản quản lý về an toàn thông tin, nghiên cứu các sản phẩm dịch vụ an toàn thông tin để đưa vào khai thác vận hành nhằm tăng cường năng lực của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện công tác đảm bảo an toàn thông tin có chất lượng cao. Đồng thời xây dựng và triển khai Kế hoạch bảo đảm an toàn thông tin của tỉnh năm 2017, tập trung vào khả năng  phát hiện, cảnh báo sớm các nguy cơ mất an toàn thông tin, thích ứng linh hoạt, giảm thiểu rủi ro và giảm nhẹ hậu quả của các cuộc tấn công, nâng cao năng lực mạng lưới điều phối ứng cứu sự cố về an toàn thông tin, nhanh chóng khôi phục trở lại trạng thái bình thường của hệ thống khi xẩy ra sự cố. Bên cạnh đó còn tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin tại Trung tâm thông tin dữ liệu điện tử, coi đây là giải pháp quan trọng để từng bước nâng cao năng lực bảo đảm an toàn thông tin. Tỉnh còn phối hợp với việc đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện, diễn tập, phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc góp phần nâng cao chất lượng đào tạo kỹ sư, cử nhân tại các cơ sở đào tạo thông qua các hoạt động thực tập, hướng nghiệp cho sinh viên chuyên ngành an toàn thông tin; Triển khai tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong xã hội về vai trò và tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn thông tin.

 

Trần Thị Hưng Bình, TTHTQT