Đồng thời, cung cấp đầy đủ thông tin, dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3,4 trên diện rộng, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, tạo nền tảng phát triển Chính quyền điện tử tỉnh Thanh Hóa phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ngày càng nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Cụ thể, tỉnh chú trọng xây dựng và ban hành kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh đảm bảo phù hợp với Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Mặt khác, tỉnh còn đầu tư triển khai xây dựng hạ tầng đảm bảo kết nối và chia sẻ liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, các Bộ ngành Trung ương và các địa phương. Năm 2016, toàn tỉnh phấn đấu đạt tỉ lệ 92% cán bộ công chức cấp tỉnh, cấp huyện có máy tính để làm việc; 95% cán bộ, công chức được cung cấp hộp thư điện tử và thường xuyên sử dụng trong công việc; 48,5% các cơ quan nhà nước cấp xã được triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc và hệ thống thư tín điện tử; 90% văn bản trình UBND tỉnh và 75% văn bản được trao đổi giữa các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện (trừ văn bản mật) dưới dạng điện tử (bao gồm cả các văn bản gửi song song cùng văn bản giấy); 85% văn bản điện tử trao đổi của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã có ứng dụng chữ ký số chuyên dùng đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin trên môi trường mạng;
Đối với ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục rà soát, nâng cấp phần mềm Một cửa điện tử liên thông cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đảm bảo tích hợp trên nền tảng chung liên thông qua trục kết nối của tỉnh đến trục kết nối quốc gia; phấn đấu đến hết năm 2016, 67% các sở, ban, ngành cấp tỉnh và 100% UBND cấp huyện được triển khai hệ thống “Một cửa điện tử liên thông” để cung cấp dịch vụ hành chính công mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp; đảm bảo cung cấp 40% các dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ở mức độ 3 và 3,5% ở mức độ 4; Nâng cấp và hoàn thiện cổng thông tin điện tử của tỉnh để cung cấp các dịch vụ hành chính công được cung cấp mức độ 3 và 4. Cổng thông tin điện tử của tỉnh và 100% trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, tỉnh đặc biệt quan tâm tới công tác đảm bảo an toàn thông tin và bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ứng dụng CNTT. Cụ thể, tỉnh tiếp tục nâng cấp Trung tâm An ninh mạng và An toàn dữ liệu, Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh để phát triển và hoàn thiện hệ thống bảo mật, an ninh mạng, an toàn thông tin trong hệ thống các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đồng thời bổ sung các thiết bị an ninh mạng, thiết bị định tuyến cho các cơ quan, đơn vị để đưa Mạng Truyền số liệu chuyên dùng vào sử dụng và đảm bảo an toàn cho mạng máy tính nội bộ của các đơn vị hoạt động tốt. Mặt khác, tỉnh còn triển khai tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ứng dụng CNTT cho 50% cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cấp xã; triển khai đào tạo kiến thức về an toàn, an ninh thông tin cho 100% cán bộ chuyên trách CNTT của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Đinh Thị Thanh Vân