Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020 – tỉnh tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và ứng dụng hiệu quả hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước gắn kết chặt chẽ với chương trình cải cách hành chính, tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động. Đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin, dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3,4 trên diện rộng, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, tạo nền tảng phát triển Chính quyền điện tử tỉnh Thanh Hóa phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Cụ thể, tỉnh tập trung xây dựng và ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh đảm bảo phù hợp với Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành; triển khai xây dựng hạ tầng đảm bảo kết nối và chia sẻ liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương.
Đối với ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước, tỉnh tiếp tục duy trì sử dụng, nâng cấp hệ thống các phần mềm như Quản lý văn bản và hồ sơ công việc, phần mềm theo dõi thực hiện nhiệm vụ, phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, thư điện tử công vụ, phần mềm một cửa điện tử và một số phần mềm ứng dụng khác nhằm đảm bảo 100% cán bộ công chức cấp tỉnh, cấp huyện có máy tính để làm việc; 100% cán bộ, công chức được cung cấp hộp thư điện tử và thường xuyên sử dụng trong công việc; 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện được triển khai hệ thống “Một cửa điện tử liên thông” để cung cấp dịch vụ hành chính công mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp; 100% các cơ quan nhà nước các cấp được triển khai phần mềm quản lý văn bản, hệ thống thư tín điện tử và hồ sơ công việc; 100% văn bản trình UBND tỉnh và 80% văn bản trao đổi giữa các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện (trừ văn bản mật) dưới dạng điện tử (bao gồm cả các văn bản gửi kèm văn bản giấy); 100% văn bản điện tử trao đổi giữa các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã có ứng dụng chữ ký số chuyên dùng đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin trên môi trường mạng.
Nâng cấp và hoàn thiện Cổng thông tin điện tử của tỉnh để cung cấp các dịch vụ hành chính công mức độ 3,4. Phấn đấu đến hết năm 2017, đảm bảo cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến các cấp ở mức độ 3 và 5% ở mức độ 4; đến năm 2020, hoàn thiện triển khai nhân rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lên mức độ 4 đảm bảo tỷ lệ 30% số dịch vụ công trực tuyến các cấp.
Bên cạnh đó, tỉnh còn chú trọng công tác triển khai tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ứng dụng CNTT cho 100% cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cấp xã; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ cho hoạt động chuyên môn của các cơ quan quản lý nhà nước và phục vụ dịch vụ hành chính công đến người dân và doanh nghiệp.
Để hoàn thành mục tiêu Kế hoạch đề ra, tỉnh Thanh Hóa chú trọng triển khai thực hiện 05 nội dung chính: (1) Đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật; (2) Ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước; (3) Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp; (4) Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; (5) Nguồn nhân lực cho ứng dụng CNTT