Về công tác chỉ đạo điều hành
Để triển khai Nghị định số 45/2020/NĐ-CP UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Kế hoạch thực hiện nhằm xác định cụ thể các nội dung, nhiệm vụ, sản phẩm công việc, thời hạn phải hoàn thành đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương và được cụ thể hoá thành 20 nhóm nhiệm vụ. Tập trung chính vào các nội dung: (1) Công tác phổ biến, quán triệt, thông tin, tuyên truyền; (2) Triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính để phục vụ cho việc thực hiện giao dịch thủ tục hành chính trực tuyến; (3) Triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ; (4) Hoàn thiện tính năng, chức năng kỹ thuật của Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử; và (5) Số hóa kết quả giải quyết TTHC đang còn hiệu lực thi hành. Qua một thời gian triển khai thực tế, các nội dung công việc trên đã đạt được một số kết quả bước đầu như sau:
- Công tác phổ biến, quán triệt, thông tin, tuyên truyền
Đã phổ biến, quán triệt, thông tin, tuyên truyền cho toàn bộ công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị các quy định về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử theo quy định.
Để tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức hiểu và sử dung các chức năng liên quan của Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Đến hiện tại, tỉnh Tây Ninh đã hoàn thành 100% việc tạo tài khoản cho cán bộ, công chức, viên chức trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
- Triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính
UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành văn bản về việc triển khai dịch vụ công chứng thực bản sao điện tử trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Theo đó, tỉnh đã giao ngành Tư pháp chủ trì tập huấn nghiệp vụ cho công chức ngành Tư pháp cấp huyện, cấp xã đáp ứng đúng quy trình theo đúng hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Giao ngành Thông tin Truyền thông tham mưu UBND tỉnh rà soát lại tất cả thiết bị ký số, đảm bảo 100% CBCC có thiết bị và sử dụng được vào hệ thống liên quan.
Tỉnh Tây Ninh đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác chứng thực điện tử. Theo đó, đã triển khai nội dung quy định tại Điều 10 Nghị định số 45/2020/NĐ-CP và giới thiệu quy trình nghiệp vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính và kiểm tra tính chính xác của thành phần hồ sơ là bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính cho lãnh đạo Phòng Tư pháp cấp huyện, công chức tư pháp làm công tác chứng thực của Phòng Tư pháp và UBND cấp xã.
Để đảm bảo việc thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 45/2020/NĐ-CP, ngành Tư pháp đã ban hành Công văn số 2255/STP-HC&BTTP hướng dẫn Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bàn chính. Đồng thời, đề nghị phổ biến, quán triệt việc thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 45/2020/NĐ-CP tại địa phương.
Tỉnh đã thực hiện phân quyền xử lý cho các đơn vị thực hiện chứng thực điện tử trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (hoàn thành ngày 17/8/2020).
- Triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ
Hiện tỉnh đã thực hiện rà soát, đánh giá về nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, nhu cầu sử dụng để phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ trong việc triển khai phân cấp, ủy quyền một số dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ theo quy định tại Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính phủ; đã và đang thực hiện cấp và sử dụng chữ ký số chuyên dùng đáp ứng các yêu cầu trong quá trình giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. Tính đến cuối năm 2020, tổng số chứng thư số đã cấp trong các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn tỉnh là 3.139 chứng thư số.
- Hoàn thiện tính năng, chức năng kỹ thuật của Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử
Tỉnh đã cho đánh giá, rà soát và hoàn thiện các chức năng, tính năng kỹ thuật của Cổng Dịch vụ công, Hệ thống một cửa điện tử tập trung của tỉnh theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Xây dựng hoàn thiện và triển khai hướng dẫn việc thực hiện chức năng cung cấp văn bản giấy được chuyển đổi từ kết quả giải quyết TTHC điện tử trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tập trung của tỉnh theo quy định.
Cổng Dịch vụ công tỉnh Tây Ninh đã thực hiện tích hợp, dùng chung một số tính năng có sẵn của Cổng Dịch vụ Công Quốc gia mà không thực hiện xây dựng riêng nhằm khai thác, đồng bộ các cơ sở dữ liệu liên quan người dân, doanh nghiệp.
Đối với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân. Do chưa có hướng dẫn chi tiết (hạ tầng lưu trữ, kết nối, chia sẽ dữ liệu, quản lý dữ liệu…) việc triển khai kho dữ liệu nên tỉnh không xây dựng thêm kho quản lý dữ liệu điện tử riêng.
Đối với Hệ thống Một cửa điện tử tập trung của tỉnh, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan bố trí kinh phí triển khai, hoàn thiện các tính năng để kết nối chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công Quốc gia đảm bảo an toàn an ninh thông tin, nhất là các thủ tục liên quan dữ liệu công dân và chứng thực kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử.
- Số hóa kết quả giải quyết TTHC
UBND tỉnh Tây Ninh đã giao các đơn vị tiến hành đánh giá tình hình thực trạng và xây dựng Kế hoạch số hóa kết quả giải quyết TTHC từ văn bản giấy (còn hiệu lực, thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị mình) sang dữ liệu điện tử để xây dựng, hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh phục vụ cho công tác giải quyết TTHC trên môi trường điện tử theo quy định tại Điều 25 và khoản 3 Điều 27 Nghị định số 45/2020/NĐ-CP; hoàn thành trước ngày 31/12/2025, theo lộ trình cụ thể như sau:
Giai đoạn 1 (Từ tháng 09/2020 - tháng 12/2020): Tiến hành rà soát, phân loại, kiểm đếm số lượng văn bản giấy cần được số hóa; thực hiện thí điểm công tác số hóa tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương; đánh giá, rút kinh nghiệm để làm cơ sở hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Giai đoạn 2 (Từ tháng 01/2021 đến tháng 12/2021): Số hóa, cập nhật dữ liệu văn bản được hình thành từ năm 2016 – 2021.
Giai đoạn 3 (Từ tháng 01/2022 đến tháng 12/2022): Số hóa, cập nhật dữ liệu văn bản được hình thành từ năm 2006 – 2016.
Giai đoạn 4 (Từ tháng 01/2023 đến tháng 6/2024): Số hóa, cập nhật dữ liệu văn bản được hình thành từ năm 1996 – 2006.
Giai đoạn 5 (Từ tháng 7/2024 đến tháng 12/2025): Số hóa, cập nhật dữ liệu văn bản được hình thành từ năm 1996 trở về trước.
Việc xây dựng kế hoạch số hóa phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi cơ quan, đơn vị; khuyến khích việc hoàn thành sớm hơn lộ trình được xác định tại Kế hoạch này; đảm bảo hoàn thành dứt điểm công tác số hóa trên địa bàn toàn tỉnh trước ngày 31/12/2025.
Đến nay, tỉnh vẫn chưa thực hiện đựợc nội dung này do chưa có hướng dẫn chi tiết về mặt kỹ thuật, pháp lý của bộ, ngành Trung ương.
Ngoài các kết quả đã đạt được, hiện tỉnh Tây Ninh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như:
Việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử là một nội dung mới, khó. Do đó, cả người dân và đội ngũ CBCCVC còn chưa kịp thời tiếp cận sâu, rộng, chi tiết.
Bộ Tư pháp chưa tổ chức tập huấn để hướng dẫn nghiệp vụ cho ngành Tư pháp về chứng thực bản sao điện tử nên tỉnh cũng còn lúng túng trong quá trình triển khai.
Hiện điều kiện trang thiết bị để triển khai thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính (hạ tầng mạng, chứng thư số, máy quét văn bản, máy in…) tại các cơ quan thực hiện chứng thực cũng còn rất hạn chế.
Việc thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch gặp khó khăn do nhiều sổ hộ tịch đã cũ, rách, nét chữ không rõ, nội dung ghi trong sổ hộ tịch còn thiếu...
Để đạt được những kết quả tốt hơn tron thời gian tới, UBND tỉnh Tây Ninh xác định những nhiệm vụ cụ thể cần triển khai gồm:
Bố trí nguồn lực, bổ sung các trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin cho trung tâm tích hợp dữ liệu theo hướng thuê dịch vụ lưu trữ. Bổ sung trang thiết bị thiết yếu (máy tính, máy in, máy quét...) phục vụ việc triển khai Nghị định số 45/2020/NĐ-CP.
Hiệu chỉnh Cổng dịch vụ công tỉnh, Hệ thống một cửa diện tử tập trung của tỉnh, kết nối với các cơ sở dũ liệu chuyên ngành thông qu trục liên thông quốc gia NGSP và trục liên thông của tỉnh LGSP để triển khai hiệu quả Nghị định 45/2020/NĐ-CP.
Tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thục hiện có hiệu quả 45/2020/NĐ-CP.
Đưa vào chấm điểm chỉ số CCHC các sở, các huyện 2 nội dung chứng thực điện tử và số hóa kết quả giải quyết TTHC.
Tập huấn lại cho cả tỉnh sau khi được Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương hướng dẫn chuyên môn cụ thể.
Chủ động học tập kinh nghiệm tại các địa phương khác trong cả nước đã làm tốt Nghị định 45/2020/NĐ-CP.
Chọn đơn vị để triển khai thí điểm, rút kinh nghiệm trước khi triển khai đồng loạt toàn tỉnh.
Mai Xuân Cường