Việc đánh giá, xếp hạng mức độ chính quyền số của các cơ quan nhà nước tỉnh Sơn La để nhìn rõ hiện trạng thực hiện chuyển đổi số hàng năm tại các cơ quan nhà nước, giúp lãnh đạo cơ quan, lãnh đạo tỉnh nhìn nhận được sự tiến bộ của các cơ quan, tỉnh mình trong quá trình chuyển đổi số.
Chỉ rõ các điểm mạnh cần phát huy, những điểm yếu cần khắc phục và cung cấp thông tin hỗ trợ cho các cơ quan nhà nước thực hiện các giải pháp phù hợp nhằm hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra tại kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh.
Một số những nội dung quy định cụ thể của Bộ chỉ số đánh giá gồm:
- Nội dung bộ Chỉ số đánh giá Chính quyền số của các cơ quan nhà nước cấp tỉnh gồm các chỉ số chính như sau:
Chỉ số đánh giá về Hạ tầng và nền tảng số
Chỉ số đánh giá về Hoạt động chính quyền số
Chỉ số đánh giá về An toàn, an ninh mạng
Chỉ số đánh giá về Đào tạo và phát triển nguồn lực chính quyền số
Chỉ số đánh giá về kiến tạo thể chế
- Nội dung Bộ chỉ số đánh giá Chính quyền số của các cơ quan nhà nước cấp huyện gồm các chỉ số chính như sau:
Chỉ số đánh giá về Hạ tầng và nền tảng số
Chỉ số đánh giá về Hoạt động chính quyền số
Chỉ số đánh giá về An toàn, an ninh mạng
Chỉ số đánh giá về Đào tạo và phát triển nguồn lực chính quyền số
Chỉ số đánh giá về kiến tạo thể chế
Về trình tự, thời gian, phương pháp đánh giá và công bố kết quả được quy định cụ thể:
- Tự đánh giá của các cơ quan, đơn vị:
+ Hàng năm, các cơ quan, đơn vị căn cứ vào tình hình thực tế triển khai tại đơn vị, báo cáo kết quả triển khai Chính quyền số theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông, gửi kết quả về Sở Thông tin Và Truyền thông trước ngày 25 tháng 10.
+ Số liệu báo cáo, tự đánh giá của các cơ quan nhà nước theo từng tiêu chí sẽ được các cơ quan, đơn vị nhập vào phần mềm và tự động tính toán điểm số tương ứng với mỗi kỳ báo cáo, nhập số liệu.
+ Cơ quan, đơn vị nào báo cáo chậm (sau 5 ngày kể từ ngày 25 tháng 10 hàng năm) hoặc không có báo cáo thì xem như không được đánh giá, xếp hạng và phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh do không thực hiện nghiêm túc Quy định này.
- Căn cứ kết quả báo cáo, tự đánh giá của các cơ quan, đơn vị, Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện thẩm thẩm, xác mình số liệu trên cơ sở:
+ Số liệu cung cấp của các cơ quan, đơn vị theo mẫu Phụ lục tại Điều 4 của Quy định này.
+ Đối chiếu, kiểm tra tính hợp lệ của thông tin, số liệu có liên quan từ các cơ quan chuyên môn cung cấp.
+ Kết quả khảo sát thực tế nếu có
- Phương pháp đánh giá, xếp hạng:
+ Việc đánh giá chính quyền số của các cơ quan nhà nước được thực hiện bằng cách cho điểm đối với các chỉ số, hạng mục tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 4 Quy định này. Điểm đánh giá sau đó sẽ được sử dụng để xếp hạng mức độ chính quyền số của từng cơ quan.
+ Việc xếp hạng mức độ chính quyền số của các cơ quan nhà nước được thực hiện căn cứ vào điểm đánh giá ứng dụng của từng cơ quan để xếp hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp và xác định mức độ tốt, khá, trung bình và yếu.
Các mức Tốt, Khá, Trung bình và Yếu được xác định như sau: mức Tốt: là đơn vị có tổng điểm đạt từ 85 điểm trở lên; mức Khá: là đơn vị có tổng điểm đạt từ 70 điểm đến 85 điểm trở lên; mức Trung bình: là đơn vị có tổng điểm đạt từ 50 điểm đến dưới 70 điểm; mức Yếu: là đơn vị có tổng điểm dưới 50 điểm.
Thực hiện xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT theo 2 nhóm cơ quan bao gồm: Xếp hạng mức độ chính quyền số của các cơ quan nhà nước cấp tỉnh; Xếp hạng mức độ chính quyền số của các cơ quan nhà nước cấp huyện.
- Công bố kết quả đánh giá, xếp hạng:
Sau khi có kết quả thẩm định, xác minh, Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp số liệu, đánh giá, xếp hạng mức độ Chính quyền số của các cơ quan nhà nước, trình Chủ tịch UBND tỉnh ký, ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ Chính quyền số của các cơ quan nhà nước tỉnh vào tháng 12 của năm đánh giá.
Bộ chỉ số đánh giá Chính quyền số của các cơ quan nhà nước cấp tỉnh:
Bộ chỉ số quy định hệ thống các chỉ số và thang điểm đánh giá từng chỉ số để thực hiện đánh giá và xếp hạng mức độ Chính quyền số trong các cơ quan nhà nước cấp tỉnh.
Bộ chỉ số được đánh giá theo thang điểm 100, gồm 05 chỉ số chính, 27 chỉ số thành phần, như sau:
+ Chỉ số đánh giá về Hạ tầng và nền tảng số (gồm 3 chỉ số thành phần): 6 điểm
+ Chỉ số đánh giá về Hoạt động chính quyền số (gồm 16 chỉ số thành phần): 77 điểm
+ Chỉ số đánh giá về An toàn, an ninh mạng (gồm 3 chỉ số thành phần): 8 điểm
+ Chỉ số đánh giá về Đào tạo và phát triển nguồn lực chính quyền số (gồm 3 chỉ số thành phần): 5 điểm
+ Chỉ số đánh giá về kiến tạo thể chế (gồm 2 chỉ số thành phần): 4 điểm
Bộ chỉ số đánh giá Chính quyền số của các cơ quan nhà nước cấp huyện:
- Bộ chỉ số quy định hệ thống các chỉ số và thang điểm đánh giá từng chỉ số để thực hiện đánh giá và xếp hạng mức độ Chính quyền số trong các cơ quan nhà nước cấp huyện.
- Bộ chỉ số được đánh giá theo thang điểm 100, gồm 05 chỉ số chính, 29 chỉ số thành phần, như sau:
+ Chỉ số đánh giá về Hạ tầng và nền tảng số (gồm 4 chỉ số thành phần): 5 điểm
+ Chỉ số đánh giá về Hoạt động chính quyền số (gồm 16 chỉ số thành phần): 77 điểm
+ Chỉ số đánh giá về An toàn, an ninh mạng (gồm 3 chỉ số thành phần): 8 điểm
+ Chỉ số đánh giá về Đào tạo và phát triển nguồn lực chính quyền số (gồm 3 chỉ số thành phần): 5 điểm
+ Chỉ số đánh giá về kiến tạo thể chế (gồm 3 chỉ số thành phần): 5 điểm
Bên cạnh đó, trách nhiệm của các cơ quan đơn vị cũng được quy định cụ thể:
- Các cơ quan, đơn vị:
Thực hiện báo cáo tự đánh giá kết quả thực hiện chính quyền số của đơn vị một cách đầy đủ, chính xác và kịp thời theo đúng quy định này.
Cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu kiểm chứng theo yêu cầu; tạo điều kiện để Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định, xác minh số liệu do cơ quan, đơn vị cung cấp.
Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ chính quyền số của các cơ quan, đơn vị mình.
- Sở Thông tin và Truyền thông:
Chủ trì tổng hợp, thẩm định, xác minh báo cáo đánh giá mức độ chính quyền số của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh định kỳ hàng năm; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện Quy định này.
Hàng năm xây dựng kế hoạch kèm theo dự toán kinh phí cho việc thực hiện xác định chỉ số, đánh giá chính quyền số, chuyển đổi số bao gồm: Nghiên cứu rà soát, cập nhật Bộ chỉ số chính quyền số, chuyển đổi số cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh; hiệu chỉnh, nâng cấp và duy trì Hệ thống thông tin hỗ trợ thu thập và tính toán các chỉ số chính quyền số, chuyển đổi số để phục vụ cho việc đánh giá, xếp hạng, cập nhật số liệu; tổ chức điều tra, khảo sát thu thập mthông tin, số liệu từ các nguồn; tổ chức hoạt động của tổ công tác chuyên môn để thẩm định, đánh giá, xác định chỉ số chính quyền số, chuyển đổi số của tỉnh.
Xây dựng, hiệu chỉnh, trình bổ sung, sửa đổi các chỉ số về chính quyền số, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu của từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Sở Nội vụ:
Đưa kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ chính quyền số theo Quy định này vào nội dung xác định trách nhiệm trong thực thi công vụ của người đứng đầu và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ; chấm điểm chỉ số cải cách hành chính; bình xét thi đua - khen thưởng hàng năm của các cơ quan, đơn vị.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
Xuân Cường