Đang xử lý.....

Sóc Trăng: Các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử 6 tháng cuối năm 2020  

Thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025. Tính đến hết quý II năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã đạt được những kết quả cụ thể như sau:
Chủ Nhật, 20/09/2020 961
|

- Về xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về ứng dụng, phát triển CNTT: UBND tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng và ban hành một số văn bản chỉ đạo việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử (CQĐT) tỉnh; Triển khai các Văn bản về xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử nhằm đảm bảo các cơ chế, chính sách cho việc ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng nền tảng công nghệ, phát triển CQĐT tỉnh phù hợp với Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam:  

Đã phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Sóc Trăng, phiên bản 1.0; tiếp tục thực hiện cập nhật Khung kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh nhằm đảm bảo, phù hợp theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0.

Hệ thống phần mềm quản lý văn bản chỉ đạo điều hành đã kết nối với Trục liên thông văn bản Quốc gia, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp từ Trung ương đến cấp xã.

Triển khai hoàn tất hệ thống Một cửa điện tử cho 100% các Sở, ban ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn. Tất cả các hệ thống này được đồng bộ, 3 liên thông lên Cổng dịch vụ công của tỉnh (địa chỉ truy cập: dichvucong.soctrang.gov.vn) kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Đến quý II/2020, toàn tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết đúng hạn trên Cổng dịch vụ công của tỉnh (237.630/238.539 hồ sơ) đạt tỷ lệ 99.61%, số hồ sơ tiếp nhận và xử lý trực tuyến 4.810/27.873 đạt tỷ lệ 17.25%, trong đó đã đồng bộ trạng thái 49.423 hồ sơ, thủ tục hành chính đã giải quyết với Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Triển khai Dự án Xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2019 – 2020, tỉnh đã thực hiện hoàn thiện hạ tầng Công nghệ thông tin (CNTT) của Trung tâm tích hợp dữ liệu (THDL) tỉnh nâng cao năng lực xử lý, bảo đảm vận hành ổn định, an toàn, an ninh của các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung đang được vận hành tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh và đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh tỉnh.

Ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý chuyên ngành (Giáo dục, Lao động, Thuế...) đã được quan tâm đầu tư, sử dụng hiệu quả, phục vụ tốt công tác quản lý chuyên ngành, cải cách hành chính.

- Xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng CNTT với Cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc phục vụ người dân và doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số quốc gia hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Tỉnh đã thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công và xây dựng hoàn thiện Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh theo hướng tập trung, thống nhất để tiếp nhận, công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn. Triển khai, ứng dụng Zalo để thực hiện tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ TTHC (tra cứu mã hồ sơ, quét mã QR code qua Zalo…), cung cấp thông tin chỉ đạo điều hành, các thông tin về kinh tế - xã hội nhanh chóng, hiệu quả.

Triển khai thử nghiệm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử tại huyện Châu Thành đảm bảo kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên nền tảng LGSP của Chính quyền điện tử tỉnh.

Đã xây dựng cơ sở dữ liệu báo cáo cấp tỉnh đảm bảo kết nối vào nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp quốc gia (NGSP) để liên thông với hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ.

Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh đã hoàn thành nâng cấp, chuẩn hóa tuân thủ theo khung Kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh.

Thực hiện chuẩn hóa quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) nhằm cung cấp, bổ sung các chức năng cho hệ thống Cổng dịch vụ công của tỉnh và Một cửa điện tử tỉnh. Đã triển khai kết nối, tích hợp giải pháp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia với Cổng dịch vụ công của tỉnh. Đồng thời phối hợp với các đơn vị tích hợp giải pháp thanh toán trực tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia giải quyết hồ sơ TTHC trên Cổng dịch vụ công.

Phối hợp với đơn vị cung cấp phần mềm Quản lý văn bản và điều hành triển khai cung cấp giao diện trên thiết bị di động cho hệ thống Quản lý văn bản và điều hành tỉnh.

 - Xây dựng Chính phủ điện tử bảo đảm gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân.

Thực hiện trang bị Module ký số trên web cho các hệ thống thông tin của tỉnh nhằm hỗ trợ và tăng cường ứng dụng chữ ký số cho các cơ quan, đơn vị trong hoạt động trao đổi thông tin.

Triển khai giải pháp phòng chống, mã độc quản trị tập trung, chia sẻ thông tin, dữ liệu mã độc Viettel EDR cho 24 máy chủ vận hành các hệ thống thông tin và hơn 2.500 máy trạm trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Thành lập Đội ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin mạng tỉnh Sóc Trăng nhằm ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng và đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin của tỉnh.

Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh thường xuyên được kiểm tra, khắc phục các lỗ hổng bảo mật; 100% máy chủ, máy trạm, thiết bị đầu cuối liên quan tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh và các hệ thống thông tin dùng chung của các cơ quan nhà nước đảm bảo hoạt động ổn định, an toàn; chủ động ngăn ngừa các cuộc tấn công từ bên ngoài, đến nay chưa xảy ra sự cố nào về an toàn an ninh thông tin.

- Bảo đảm các nguồn lực triển khai xây dựng Chính quyền điện tử

Đã thực hiện 05 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ chuyên trách/phụ trách CNTT của các cơ quan, đơn trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT, ứng phó các nguy cơ mất an toàn thông tin, phòng chống mã độc và khắc phục sự cố,

Đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh và Cổng Dịch vụ công Quốc gia thông qua các phương tiện truyền thông.

Phối hợp với Bưu điện tỉnh thực hiện cung cấp các dịch vụ bưu chính công ích nhằm hỗ trợ các cá nhân, tổ chức thực hiện giải quyết hồ sơ TTHC đặc biệt là các cá nhân, tổ chức trên địa bàn các xã trong việc thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4.

- Thiết lập cơ chế bảo đảm thực thi: Thành lập Ban chỉ đạo Chính quyền điện tử tỉnh Sóc Trăng; Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập hoặc kiện toàn Ban chỉ đạo Chính quyền điện tử trên cơ sở Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT tại địa phương.

Bên các kết quả đã đạt được, công tác về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử tỉnh Sóc Trăng vẫn còn một số khó khăn hạn chế như:

Nguồn nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin chủ yếu là kiêm nhiệm nên ảnh hưởng lớn đến công tác triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước; chưa có cơ chế, chính sách thu hút người giỏi về CNTT vào làm việc trong cơ quan nhà nước nên công tác tham mưu, đề xuất giải pháp còn nhiều hạn chế.

Việc triển khai các CSDL, nhất là các CSDL Quốc gia do các bộ, ngành trung ương thực hiện còn chậm, khả năng chia sẻ kết nối với địa phương hạn chế nên ảnh hưởng chung đến việc triển khai các nền tảng tích hợp, liên thông, đồng bộ trong triển khai Kiến trúc Chính quyền điện tử ở địa phương.

Do nhu cầu nguồn kinh phí cho ứng dụng CNTT hàng năm của địa phương khá lớn nhưng ngân sách tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu nên việc ứng dụng CNTT chưa mang tính đồng bộ cao.

Các thủ tục hành chính (TTHC) chưa thật sự được cải cách theo hướng thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc sử dụng DVCTT.

Các CSDL dùng chung chưa được triển khai đầy đủ, chưa khai thác triệt để, chia sẻ, liên thông, nên người dân và doanh nghiệp phải cung cấp lại thông tin nhiều lần cho cơ quan nhà nước trong thực hiện TTHC.

Khả năng ứng dụng CNTT của người dân trong việc khai thác sử dụng các dịch vụ trên môi trường mạng còn hạn chế nhất là người dân tại các xã vùng sâu, vùng xa.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã đề ra mục tiêu là: Hoàn thiện Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh kết nối với Nền tảng, tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) theo Kiến trúc Chính quyền điện tử phiên bản 2.0; Xây dựng Trung tâm xử lý, điều hành tập trung đa nhiệm phục vụ Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Sóc Trăng; Triển khai các biện pháp, giải pháp nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các hệ thống thông tin của tỉnh.

Cùng với đó các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cụ thể bao gồm:

Cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0); Thực hiện gắn kết, đồng bộ giữa ứng dụng CNTT với công tác CCHC.

Tiếp tục triển khai thực hiện dự án Xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2019 – 2020 theo khung Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Sóc Trăng, phiên bản 1.0 đã được phê duyệt và nâng cấp đáp ứng theo khung Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0. Trong đó, tập trung hoàn thiện Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh kết nối với Nền tảng, tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP).

Tiếp nhận và xây dựng hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc nhằm rút ngắn thời gian họp, giảm giấy tờ hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành.

Mua sắm thiết bị phục vụ Trung tâm giám sát an toàn thông tin tỉnh Sóc Trăng (SOC), giai đoạn 1.

Chuẩn hóa Cổng dịch vụ công, hệ thống Một cửa điện tử phù hợp với Kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh phiên bản 2.0, nâng cao tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC mức độ 3, 4. Đồng thời, đảm bảo liên thông, chia sẽ dữ liệu thông suốt với Cổng dịch công quốc gia và các hệ thống thông tin khác theo Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh.

Triển khai phần mềm nền tảng dịch vụ Đô thị thông minh theo Khung tham chiếu Đô thị thông minh, đồng thời đảm bảo tương thích với Kiến trúc Chính quyền điện tử phiên bản 2.0.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Trung tâm THDL tỉnh nhằm nâng cao năng lực xử lý, đảm bảo an toàn an ninh thông tin phục vụ xây dựng thành công Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh.

Đảm bảo nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch về CNTT, an toàn thông tin.

Tiếp tục tuyên truyền, đẩy mạnh việc thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.

Tổ chức đào tạo, tập huấn cho các cán bộ, công chức, viên chức về Chính quyền điện tử, khai thác sử dụng các hệ thống thông tin, làm việc trên môi trường mạng. Kiện toàn Ban Chỉ đạo Chính quyền điện tử tỉnh Sóc Trăng theo hướng bổ sung nhiệm vụ Xây dựng Đô thị thông minh và Chuyển đổi số.

Nguyễn Hạnh