Đang xử lý.....

Quảng Trị: Báo cáo kết quả đánh giá xếp hạng mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước năm 2013  

Năm 2013 là năm đầu tiên Ban chỉ đạo Công nghệ thông tin tỉnh Quảng Trị thực hiện việc thu thập số liệu, phân tích, đánh giá và đưa ra báo cáo kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Thứ Ba, 08/07/2014 659
|

Theo đó, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin được đánh giá, xếp hạng trên cơ sở khai báo của các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh và đối chiếu với số liệu theo dõi của Sở Thông tin và Truyền thông trong năm để đánh giá, xếp hạng.

Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước tỉnh Quảng Trị được tổ chức đánh giá, xếp hạng theo hai nhóm đối tượng chính (Nhóm sở, ban, ngành và Nhóm huyện, thị xã, thành phố) và dựa theo 4 tiêu chí, bao gồm: Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; Hạ tầng nhân lực công nghệ thông tin; Ứng dụng công nghệ thông tin; Môi trường tổ chức – chính sách. Nhìn chung, tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc triển khai ứng dụng CNTT chưa được đầu tư đồng đều, chủ yếu được tập trung vào việc phát triển hạ tầng kỹ thuật mà chưa chú trọng nhiều đến việc triển khai phần mềm ứng dụng, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin chuyên sâu và việc ban hành các chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong thời gian tới.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo CNTT, trong năm 2013, Sở Thông tin và Truyền thông xếp thứ nhất trong bảng xếp hạng dành cho nhóm sở, ban, ngành; đừng đầu Nhóm huyện, thị xã, thành phố là thành phố Đông Hà. Tuy đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng tình hình phát triển và ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Mặc dù 100% các sở, ban, ngành có đầu tư, mua sắm, nâng cấp các thiết bị mạng như Switch, Modem hay Router, song chỉ 15% các sở, ban, ngành có đầu tư triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn cho hệ thống như hệ thống chống sét, hệ thống tường lửa, hệ thống báo và chữa cháy. Một khó khăn lớn nữa là việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các ứng dụng thương mại đã bẻ khóa bởi việc triển khai phần mềm có bản quyền tại các đơn vị chiếm tỉ lệ rất thấp, bình quân chỉ đạt 12,25% và bình quân tỉ lệ phần mềm mã nguồn mở được triển khai tại các đơn vị chỉ đạt 20,25%. Đồng thời, việc ban hành các chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước rất ít được lãnh đạo các đơn vị quan tâm     và ngân sách bố trí cho việc triển khai kế hoạch còn thấp nên tình hình triển khai ứng dụng CNTT tại các cơ sở còn gặp nhiều hạn chế.