Việc đánh giá mức độ Chính quyền điện tử của cơ quan nhà nước tỉnh Quảng Ninh năm 2019 được thực hiện tại 230 đơn vị với: 30 sở, ban, ngành và 14 huyện, thị xã, thành phố và 186 xã, phường, thị trấn.
Mức độ Chính quyền điện tử của các đơn vị được đánh giá từ ngày 30/10/2018 đến ngày 30/10/2019, dựa trên các nhóm tiêu chí:
Nhóm tiêu chí đối với cấp sở, ban, ngành: (Đây là nhóm tiêu chí do UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành):
(1) Hạ tầng kỹ thuật CNTT - 20 điểm;
(2) Ứng dụng và Đầu tư - 60 điểm;
(3) Nhân lực cho Ứng dụng CNTT - 20 điểm
Tổng số điểm đánh giá: 100 điểm
Nhóm tiêu chí đối với cấp huyện:
(1) Điều kiện sẵn sàng Chính quyền điện tử cấp huyện - 50 điểm;
(2) Kết quả Chính quyền điện tử đạt được - 100 điểm;
(3) Các tiêu chí do UBND tỉnh quy định - 20 điểm;
Tổng số điểm đánh giá: 170 điểm
Trong đó nhóm tiêu chí (1) và (2) là các tiêu chí do Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) ban hành.
Nhóm tiêu chí đối với cấp xã
(1) Điều kiện sẵn sàng Chính quyền điện tử - 30 điểm;
(2) Kết quả Chính quyền điện tử đạt được - 60 điểm;
(3) Các tiêu chí do UBND tỉnh quy định - 10 điểm;
Tổng số điểm đánh giá: 100 điểm
Trong đó nhóm tiêu chí (1) và (2) là các tiêu chí do Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) ban hành.
Phương pháp đánh giá dựa trên: Đánh giá qua số liệu báo cáo, tự đánh giá của các cơ quan, đơn vị, địa phương; Đánh giá trực tiếp trên các hệ thống dùng chung của tỉnh; Tổ đánh giá thực hiện làm việc nhóm.
Theo đó kết quả đánh giá mức độ chính quyền điện tử tại các cơ quan nhà nước tỉnh Quảng Ninh năm 2019 gồm:
1. Kết quả đánh giá mức độ Chính quyền điện tử của các sở, ban, ngành:
Kết quả đánh giá năm 2019 cho thấy các sở, ban, ngành đã đạt mức khá (73,83 điểm), cao hơn 5 điểm so với năm 2018. Đây là mức độ trung bình Chính quyền điện tử cao nhất từ trước tới nay, điều này cho thấy hầu hết các đơn vị đã quan tâm đến nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử và đẩy mạnh ứng dụng Chính quyền điện tử vào thực thi công vụ, để xây dựng được nền hành chính hiện đại, minh bạch.
Xếp thứ nhất là Trung tâm Phục vụ hành chính công đạt 92/100 điểm, đây là đơn vị cấp sở điển hình về ứng dụng và khai thác có hiệu quả Hệ thống Chính quyền điện tử. Xếp thứ 2 là Sở Thông tin và Truyền thông đạt 91/100 điểm, xếp thứ 3 là Sở Tài chính đạt 89/100 điểm.
Xếp thứ 29/30 là Ban quản lý vườn quốc gia Bái Tử Long với 58/100 điểm. Đơn vị có điểm thấp nhất là Ban An toàn Giao thông (đạt 55/100 điểm, năm 2018 đạt 27 điểm) đã đạt được trên 50% yêu cầu theo bộ tiêu chí. Đây là đơn vị có mức độ Chính quyền điện tử thấp nhưng so với năm 2018 Ban An toàn giao thông cùng với Ban quản lý vườn quốc gia Bái Tử Long là 02 đơn vị có bước tiến vượt bậc về mức độ Chính quyền điện tử, tăng gần 100% số điểm so với năm 2018. Điều này đã góp phần thu hẹp khoảng cách giữa đơn vị cao nhất (92 điểm) và thấp nhất (55 điểm) là 37 điểm (năm 2018 chênh lệch là 56,7 điểm).
Các đơn vị sự nghiệp có kết quả thấp nguyên nhân vì: Không nằm trong phạm vi đầu tư của Đề án xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh, nên không được đầu tư đồng bộ các hệ thống công nghệ thông tin và đây là những đơn vị không có cán bộ chuyên trách về CNTT, vì vậy việc ứng dụng nội bộ còn hạn chế; Hệ thống phần mềm dùng chung thuộc Hệ thống Chính quyền điện tử của tỉnh mới được triển khai đến các đơn vị sự nghiệp từ tháng 6/2018. Do vậy các đơn vị này chưa có nhiều thời gian để tìm hiểu và khai thác các tính năng nâng cao của hệ thống; Chưa chú trọng đúng mức đến việc đầu tư và ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc.
2. Kết quả đánh giá mức độ Chính quyền điện tử của 14 địa phương cấp huyện:
Năm 2019 kết quả đánh giá của tỉnh Quảng Ninh tương đối khả quan, có kết quả trung bình cao hơn năm 2018 là 10 điểm (tăng gần 10%). 100% các địa phương đều đạt mức độ khá trở lên, có 03 địa phương đạt mức tốt (trên 80 điểm – tăng 01 đơn vị so với năm 2018), có 11 đơn vị đạt mức khá (từ 65 đến 80 điểm – tăng 02 đơn vị so với năm 2018) và không còn địa phương nào đạt kết quả ở mức trung bình (năm 2018 có 04 địa phương đạt mức độ trung bình – điểm đạt dưới 60 điểm). Đây là kết quả mức độ Chính quyền điện tử cao nhất từ trước tới nay.
Điểm trung bình năm 2019 đạt được 128/170 điểm, đạt 75% so với yêu cầu của Bộ tiêu chí, điểm trung bình cao hơn 7 điểm so với điểm trung bình năm 2018 (tăng 5%). Kết quả này phản ánh đúng hiện trạng xây dựng và ứng dụng Chính quyền điện tử tại các địa phương, việc xây dựng Chính quyền điện tử đã được các đơn vị quan tâm triển khai, thực hiện nên kết quả đạt được ở mức khá và số điểm đã tiệm cận đến mức tốt.
Năm 2019 đơn vị xếp thứ nhất mức độ Chính quyền điện tử cấp huyện là UBND thành phố Uông Bí đạt 153,92/170 điểm, xếp thứ 2 là UBND thị xã Đông Triều đạt 148,92/170 điểm, xếp thứ 3 là UBND thành phố Cẩm Phả đạt 138,43/170 điểm; Xếp cuối là UBND huyện Bình Liêu đạt 115,95/170 điểm. Độ lệch điểm giữa đơn vị cao nhất và thấp nhất là 38 điểm (năm 2018 khoảng cách là 40 điểm), điều này cho thấy mức độ Chính quyền điện tử giữa đơn vị đứng đầu và đơn vị xếp cuối vẫn còn khoảng cách tương đối lớn dù các địa phương được đầu tư như nhau về cơ sở vật chất và phần mềm dùng chung. Trong năm 2019 có 03 đơn vị là UBND huyện Vân Đồn, Ba Chẽ, Bình Liêu có bước tiến lớn về mức độ Chính quyền điện tử cấp huyện, tăng gần 20% điểm so với năm 2018.
3. Kết quả đánh giá mức độ Chính quyền điện tử cấp xã năm 2019 của các địa phương:
Năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện việc đánh giá Mức độ Chính quyền điện tử đến 100% đơn vị cấp xã. Mức độ được đánh giá dựa trên 2 nhóm tiêu chí theo quy định của Bộ TTTT và UBND tỉnh Quảng Ninh quy định thêm các tiêu chí về nâng cao như: Điều kiện sẵn sàng Chính quyền điện tử - 30 điểm; Kết quả Chính quyền điện tử đạt – 60 điểm; Các tiêu chí do UBND tỉnh quy định – 10 điểm.
Kế quả xếp hạng Mức độ chính quyền điện tử cấp xã của năm 2019 có bước tiến vượt bậc so với kết quả đánh giá thí điểm 90 xã năm 2018, cụ thể:
Xếp thứ nhất là thành phố Uông Bí đạt điểm trung bình 83,61 điểm, xếp thứ 2 là thị xã Quảng Yên đạt 63,64 điểm, xếp thứ 3 là thành phố Cẩm Phả đạt 62,32 điểm, xếp cuối là thành phố Hạ Long đạt điểm trung bình là 50,18 điểm.
Mức độ Chính quyền điện tử của các đơn vị cấp xã đạt mức tiệm cận mức độ khá, đạt điểm trung bình 59 điểm, tăng gần 43% so với năm 2018:
Đạt điểm cao nhất là phường Nam Khê – thành phố Uông bí đạt 87,22/100 điểm.
Số đơn vị đạt “Mức độ tốt” có điểm từ 80 (thang điểm 100) trở lên: 09 đơn vị chiếm 5% (toàn bộ là các phường của thành phố Uông Bí).
Số đơn vị đạt “Mức độ khá” có điểm từ 65 đến dưới 80 điểm: có 23 đơn vị, chiếm 12%.
Số đơn vị đạt “Mức độ trung bình” có điểm từ 50 đến dưới 65 điểm: có 141 đơn vị, chiếm 76%.
Số đơn vị đạt “Mức độ dưới trung bình” có điểm dưới 50: có 12 đơn vị, chiếm 7%.
Như vậy trong năm 2019 công tác ứng dụng CNTT để xây dựng Chính quyền điện tử, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành và các địa phương tiếp tục được quan tâm triển khai. Mức độ ứng dụng Hệ thống Chính quyền điện tử tại các cơ quan tăng so với năm 2018: Về cơ sở hạ tầng phục vụ ứng dụng CNTT tại các đơn vị đã đáp ứng được yêu cầu cho ứng dụng CNTT phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử; Các ứng dụng nội bộ đã được 100% các đơn vị đưa vào sử dụng và khai thác có hiệu quả; Các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp được quan tâm, trên 80% thủ tục hành chính đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại hạn chế như:
Trình độ về CNTT của cán bộ cấp xã còn nhiều hạn chế, do đó cơ bản các đơn vị cấp xã chưa phát huy hết hiệu quả của Hệ thống Chính quyền điện tử.
Việc cập nhật thông tin trên cổng thành phần của các huyện, thị xã, thành phố chưa được quan tâm, nhiều chuyên mục không có thông tin công khai cho người dân như quy hoạch, môi trường…
Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 chưa đạt tỷ lệ 40% theo chỉ thị của UBND tỉnh.
Tỉnh chưa xây dựng được các biểu mẫu báo cáo chung thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Để xây dựng, đầu tư và khai thác có hiệu quả Hệ thống Chính quyền điện tử tại các sở, ban, ngành và địa phương, trong thời gian tới tỉnh Quảng Ninh tập trung triển khai các nội dung cụ thể:
Bám sát các chỉ tiêu do Bộ TTTT, tỉnh Quảng Ninh quy định và Báo cáo đánh giá Chính quyền điện tử năm 2019 để nhận diện rõ các điểm mạnh, điểm còn hạn chế để đề ra các giải pháp khắc phục hạn chế, thực hiện được các chỉ tiêu chưa hoàn thành.
Thủ trưởng các đơn vị phải là người đi đầu, chủ động trong việc xây dựng, khai thác, sử dụng có hiệu quả Hệ thống Chính quyền điện tử tại các cơ quan, đơn vị.
UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để tiếp nhận quyền quản trị các cổng thông tin thành phần cho các xã, phường, thị trấn và cử cán bộ tham gia tập huấn kỹ năng về CNTT, cập nhật tin bài lên cổng thông tin thành phần cho cán bộ cấp xã.
Nguyễn Hạnh