Đang xử lý.....

Quảng Nam: Kết quả ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính quyền điện tử năm 2020  

Thực hiện Kế hoạch về kế hoạch Ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và Kế hoạch công tác cải cách hành chính, năm 2020 tỉnh Quảng Nam đã đạt được kết quả như sau:
Thứ Hai, 21/06/2021 197
|

Về Hạ tầng kỹ thuật

Hạ tầng mạng viễn thông của tỉnh đã phủ rộng từ tỉnh đến các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn, bảo đảm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước; đáp ứng nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) của người dân, doanh nghiệp. Hạ tầng kỹ thuật CNTT, hệ thống nền tảng của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh hiện nay đã cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới đó là xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử gắn với Chương trình Chuyển đổi số của tỉnh, cụ thể:

Hạ tầng thiết bị: 100% cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến xã đã thiết lập mạng LAN để kết nối các máy tính trong nội bộ cơ quan, đơn vị phục vụ ứng dụng các phần mềm chuyên ngành, các hệ thống thông tin của tỉnh qua đường truyền Internet cáp quang băng thông rộng; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức có máy tính sử dụng tại cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện đạt 100%, tại cấp xã đạt khoảng 85%.

Hệ thống mạng WAN: hiện nay, tất cả các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã kết nối vào mạng diện rộng của tỉnh (WAN) (bao gồm 40 Sở, Ban, ngành và 18 huyện, thị xã, thành phố; tốc độ đường truyền trung bình 20Mbps/đơn vị). Chưa triển khai kết nối mạng WAN đến cấp xã.

Hệ thống Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh: vận hành ổn định, thông suốt, đáp ứng yêu cầu về triển khai các hệ thống thông tin, CSDL dùng chung của tỉnh.

Hệ thống Hội nghị truyền hình: bao gồm 36 điểm cầu, bao gồm điểm cầu Văn phòng Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Văn phòng HĐND và UBND 18 huyện, thị xã, thành phố và Văn phòng 18 huyện, thị, thành ủy.

Trong năm 2020, Sở đã phối hợp với Trung tâm internet Việt Nam (VNNIC) xây dựng giải pháp chuyển đổi Ipv6 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và hướng dẫn tổ chức triển khai công tác chuyển đổi IpV6 tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, hệ thống mạng WAN và các hệ thống ứng dụng của tỉnh.

Về Ứng dụng CNTT

Cổng thông tin điện tử tỉnh và Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố thường xuyên được cập nhật và cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định.

Đã tổ chức nâng cấp, hoàn thiện, liên thông bốn cấp hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp Qoffice và đã triển khai phần mềm tất cả các cơ quan, đơn vị trên toàn tỉnh với số lượng user là 27.500, tổng số văn bản điện tử gửi nhận qua hệ thống là hơn 5.800.000 văn bản đi, đến. Đảm bảo kết nối liên thông 4 cấp từ trung ương đến cấp xã, thông qua Trục tích hợp dữ liệu của tỉnh; Kết nối với các hệ thống bên ngoài, cho phép quản lý, chia sẻ file tập trung, cảnh báo, nhắc việc, tích hợp phần mềm giám sát nhiệm vụ, công việc và cung cấp phiên bản ứng dụng cài đặt trên điện thoại di động. Đã thực hiện tích hợp chữ ký số chuyên dùng vào phần mềm Qoffice phục vụ cho việc ký số văn bản điện tử. Việc gửi nhận văn bản điện tử đã giúp tiết kiệm rất lớn chi phí giấy tờ, thời gian gửi nhận văn bản điện tử giữa các đơn vị, việc trao đổi văn bản được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện, góp phần thực hiện số hóa hồ sơ tài liệu của cơ quan nhà nước.

Triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước: đến nay, đã cấp hơn 1.500 chứng thư số cho các cơ quan, đơn vị và cá nhân trên địa bàn tỉnh (trong đó có 487 chứng thư số tổ chức, 905 chứng thư số cá nhân), riêng năm 2020, cấp mới thêm 200 chứng thư số chuyên dùng. Tỷ lệ chung, đã cấp chứng thư cho 100% các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện; 70% UBND cấp xã, đáp ứng yêu cầu về sử dụng chứng thư số chuyên dùng của các cơ quan đơn vị để thực hiện việc gửi nhận văn bản điện tử và các giao dịch trực tuyến khác.

Triển khai hệ thống email công vụ: đã triển khai sử dụng email công vụ quangnam.gov.vn để thực hiện trao đổi dữ liệu trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, đến nay đã tạo lập hộp thư cho tất cả các sở, ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị khối Đảng trên địa bàn tỉnh, với tổng cộng khoảng 30.000 tài khoản.

Tổ chức triển khai vận hành hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến đảm bảo hoạt động ổn định, thông suốt, tiếp tục đẩy mạnh cung cấp DVC trực tuyến mức độ 3,4 trên địa bàn tỉnh. Đối với hệ thống một cửa, hiện nay, tất cả các Sở, ngành, 18/18 huyện, thị xã, thành phố, 190/241 xã, phường đã triển khai sử dụng phần mềm một cửa điện tử (so với năm 2019, tăng 6 huyện, 130 xã sử dụng phần mềm). Đã triển khai hướng dẫn các đơn vị rà soát, đề xuất triển khai DVC trực tuyến mức độ 3,4, đến nay đã cấu hình và cung cấp 792 DVC mức 3,4, bao gồm 539 DVCTT mức 3 (tỷ lệ 30%); 253 DVCTT mức 4 (tỷ lệ 14%). Hệ thống đã triển khai kết nối với hệ thống thanh toán trực tuyến của Chính phủ, tích hợp DVC trực tuyến với Cổng DVC Quốc gia, kết nối với các CSDL của các bộ, ngành Trung ương. Trong năm 2020, hệ thống DVC trực tuyến của tỉnh đã tiếp nhận xử lý 14.862 hồ sơ trực tuyến (trong đó gồm: 5.806 hồ sơ mức độ 3 và 9.056 hồ sơ mức độ 4), tăng 30% so với năm 2019. Đã tích hợp hơn 120 dịch vụ công trực tuyến của tỉnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP): đã được triển khai, phục vụ chia sẻ các dịch vụ, dữ liệu dùng chung và kết nối các ứng dụng dùng chung của tỉnh, kết nối với các hệ thống thông tin, CSDL của Trung ương. Các dịch vụ dùng chung như xác thực (SSO), dịch vụ dữ liệu, trục liên thông văn bản điện tử, ...

Triển khai thử nghiệm Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh: hiện nay các sở, ban, ngành của tỉnh đã thực hiện chuẩn hóa, cấu hình biểu mẫu báo cáo trên hệ thống, chuẩn bị triển khai báo cáo số liệu qua hệ thống thông tin báo cáo.

Về Phát triển dịch vụ đô thị thông minh, chuyển đổi số

Trong năm 2020, đã triển khai thử nghiệm Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh, Ban hành Quy chế quản lý, vận hành và sử dụng Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh Quảng Nam (IOC Quảng Nam). Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh (IOC) với 11 phân hệ tích hợp, gồm: giám sát, điều hành Kinh tế-Xã hội; giám sát hiệu quả hoạt động của Chính quyền; giám sát, điều hành lĩnh vực Giáo dục, Y tế; dịch vụ giám sát thông tin trên môi trường mạng; dịch vụ phản ánh hiện trường, phản ánh kiến nghị người dân; giám sát giao thông và an ninh trật tự của đô thị; giám sát tàu thuyền.

Triển khai hệ thống thông tin phản ánh hiện trường: đã ban hành Quy chế thí điểm triển khai hệ thống thông tin phản ánh hiện trường Quảng Nam trực tuyến, trên cơ sở đó, tổ chức hướng dẫn các ngành, địa phương phối hợp, tiếp nhận xử lý thông tin phản ánh của người dân; tuyên truyền ứng dụng phản ánh hiện trường “Quảng Nam trực tuyến“ trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, tải về cài đặt.

Việc phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu là do các doanh nghiệp cung cấp cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh theo hình thức cung cấp dịch vụ. Trong đó, nổi bật là: Về y tế: Phần mềm quản lý khám chữa bệnh, Bệnh án điện tử, Nhắn tin nhắc tiêm chủng; về du lịch: Cổng thông tin điện tử du lịch, wifi marketing; về giáo dục: Sổ liên lạc điện tử, đào tạo trực tuyến, soạn giáo án điện tử và một số dịch vụ trong các lĩnh vực như Nông nghiệp, giao thông…

Về An toàn thông tin

Năm 2020 đã trang bị phần mềm bản quyền diệt virus cho cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; các đơn vị thường xuyên rà soát và cập nhật các bản vá lỗi đối với Hệ thống sử dụng Hệ điều hành windows; cập nhật phiên bản mới nhất của chương trình diệt virus để phát hiện và xử lý các mã thực thi do tin tặc tấn công vào hệ thống; trang bị các hệ thống phòng chống tấn công mạng như IPS/IDS, Firewall… theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và triển khai xây dựng hệ thống giám sát thông tin tập trung đảm bảo an toàn, an ninh thông tin (SOC).

Thường xuyên tổ chức kiểm tra tình hình đảm bảo an toàn, an ninh thông tin của hệ thống máy chủ dùng chung của tỉnh; xử lý tình huống mất an toàn thông tin (ATTT) khi bị tin tặc tấn công; phối hợp, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và tổ chức ứng cứu các sự cố máy tính, mạng Internet trên địa bàn tỉnh khi có sự cố xảy ra; tham gia thành viên Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia.

Cử cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin tham dự các lớp diễn tập đảm bảo an toàn thông tin mạng; lớp đào tạo, tập huấn chuyên sâu về an toàn thông tin mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.

Triển khai hệ thống giám sát an toàn thông tin (SOC) đối với hệ thống DC của tỉnh, như triển khai cài đặt hệ thống, thiết bị giám sát, ghi nhận, phân tích các sự kiện an toàn thông tin, đưa ra các cảnh báo nguy cơ mất an toàn thông tin, các hành vi tấn công, truy cập trái phép và hướng xử lý, khắc phục nhằm đảm bảo an toàn thông tin..

Để chỉ đạo về công tác ứng dụng công nghệ thông tin, UBND tỉnh cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành; xây dựng và ban hành các Quyết định, Kế hoạch để tổ chức triển khai trên địa bàn tỉnh.

Như vậy, đạt kết quả nói trên một phần được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh nên nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử, hiện đại hóa nền hành chính đã đạt một số thành công bước đầu, góp phần đẩy mạnh ứng dụng CNTT, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và cải cách hành chính, làm cho hoạt động của cơ quan nhà nước được công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho công dân và tổ chức trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã có nhiều chuyển biến tích cực về mặt nhận thức, đổi mới tư duy, quan điểm về mặt hành động, đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh trong thời gian qua.

Ngoài ra các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh (QOffice, một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến, Email công vụ, …) được triển khai rộng khắp đến 100% các cơ quan, đơn vị, kết nối liên thông 3 cấp và kết nối với các hệ thống của Trung ương. Bước đầu hình thành nền tảng Chính quyền điện tử đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.

Việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân, doanh nghiệp ngày càng được nâng cao về chất lượng và hiệu quả, số hồ sơ trực tuyến phát sinh ngày càng tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc giải quyết thủ tục hành chính.

Bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như:

Hạ tầng CNTT dùng chung của tỉnh và của các đơn vị còn hạn chế, chưa đồng bộ, một số hệ thống chưa đáp ứng được yêu cầu như hệ thống mạng WAN, Hội nghị truyền hình, Trung tâm tích hợp dữ liệu. Công tác an toàn thông tin chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức; hạ tầng, thiết bị đảm bảo ATTT còn thiếu, chưa đáp ứng các yêu cầu theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước còn chưa đồng bộ, rời rạc nên hiệu quả chưa cao, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu dùng chung cho người dân và doanh nghiệp, hệ thống ứng dụng chuyên ngành chưa kết nối để trao đổi dữ liệu và liên thông nghiệp vụ, chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung.

Việc triển khai sử dụng các hệ thống phần mềm dùng chung ở cấp xã, phường còn hạn chế, chưa đồng bộ, hiệu quả, vẫn còn một số xã, một số bộ phận chưa khai thác sử dụng các phần mềm dùng chung, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc và tiến độ triển khai Chính quyền điện tử của tỉnh.

Đội ngũ làm CNTT tại các cơ quan, đơn vị thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; chưa có chính sách đãi ngộ cho những người làm về CNTT và chính sách thu hút đối với những người có trình độ, chất lượng cao đào tạo chuyên ngành CNTT về làm việc cho tỉnh.

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực CNTT, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử và phục vụ cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Quảng Nam đã xây dựng Phương hướng nhiệm vụ 2021, cụ thể:

Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về Đề án Phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025 và Quyết định của UBND tỉnh về Phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng Công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025”

Tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số; Triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch Chuyển đổi số của UBND tỉnh và theo Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tổ chức triển khai xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử 2.0 và hướng dẫn triển khai thực hiện.

Hướng dẫn triển khai đô thị thông minh tại một số địa phương Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Núi Thành. Hoàn thiện và đưa vào vận hành hiệu quả Trung tâm IOC Quảng Nam.

Mở rộng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến: nâng cấp thiết bị Hội nghị truyền hình theo tiêu chuẩn HD tại phòng họp của 18 Văn phòng UBND huyện, thị xã, thành phố; nâng cấp hệ thống MCU trung tâm để có thể mở rộng kết nối đến tất cả các phòng họp trực tuyến đến cấp xã; đầu tư trang thiết bị đầu cuối cho các điểm cầu tại UBND các xã, phường, thị trấn.

Quy hoạch, tái cấu trúc hệ thống mạng diện rộng của tỉnh (WAN) đảm bảo tuân thủ các mô hình kết nối theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông (kết nối internet và kết nối với mạng Truyền số liệu chuyên dùng cấp 1). Đầu tư thiết bị, mở rộng hạ tầng mạng WAN/Truyền số liệu chuyên dùng kết nối đến cấp xã/phường.

Về an toàn thông tin: tiếp tục triển khai thuê dịch vụ giám sát an toàn thông tin (SOC) đối với hệ thống DC của tỉnh. Tổ chức rà soát, đánh giá bảo mật đối với các hệ thống thông tin của tỉnh; triển khai hệ thống phòng chống mã độc tập trung và kết nối, chia sẻ thông tin mã độc đối với Cục An toàn thông tin. Tổ chức diễn tập xử lý sự cố bảo mật, đảm bảo an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh.

Hoàn thiện nền tảng tích hợp, trao đổi, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh LGSP, kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong nội bộ Quảng Nam và kết nối với các nền tảng khác của Quốc gia tuân thủ theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử.

Lập kế hoạch, xác định nhu cầu và các điều kiện cần thiết để sẵn sàng khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đáp ứng yêu cầu phục vụ đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân theo Đề án 896 và các Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính đã ban hành.

Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 17/3/2019 của Chính phủ: kết nối và khai thác dữ liệu từ CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh, nâng cao tỷ lệ DVC trực tuyến mức độ 3,4, tỷ lệ hồ sơ xử lý qua môi trường mạng các cấp trên địa bàn tỉnh.

Triển khai sử dụng có hiệu quả, đồng bộ, đảm bảo kết nối đến 100% cấp xã sử dụng các phần mềm dùng chung của tỉnh: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc (Qoffice), hệ thống một cửa điện tử, Cổng DVC của tỉnh, hệ thống email công vụ, hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh.

Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp, đảm bảo các chỉ tiêu về tỷ lệ DVC trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến theo mục tiêu đề ra.

Tổ chức triển khai các hoạt động chuyển đổi IPv4 sang IPv6 cho hệ thống công nghệ thông tin, Internet của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh: tổ chức Hội thảo tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chuyển đổi Ipv6.

Kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng CNTT phục vụ CCHC tại các ngành, địa phương; tham mưu đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin năm 2021 của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Tham mưu UBND tỉnh ban hành Bộ Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Hạnh