Đang xử lý.....

Quảng Bình: Kế hoạch Ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2015  

Chủ Nhật, 03/05/2015 572
|

Theo đó, trong năm 2015, tỉnh triển khai xây dựng mô hình điểm công sở điện tử, đầu tư nâng cấp một cửa điện tử, nâng cấp và nhân rộng phần mềm  QLVB&ĐH, triển khai phần mềm quản lý nhân sự, báo cáo trực tuyến. Đồng thời, tổ chức lưu trữ và hosting cơ sở dữ liệu, phần mềm của các cơ quan nhà nước tại Trung tâm dữ liệu điện tử của tỉnh; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Cổng thông tin điện tử tỉnh, hệ thống thư điện tử công vụ, quản lý nhân sự, quản lý hộ tịch, một cửa điện tử… nhằm đạt mục tiêu      100% các văn bản quy phạm pháp luật do tỉnh ban hành, 100% thông tin chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh được đưa lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; 60% văn bản, tài liệu được trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện hoàn toàn dưới dạng văn bản điện tử; 80% cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử công vụ của tỉnh trong công việc hàng ngày; 70% chi cục, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan nhà nước cấp tỉnh; 50% cơ quan cấp huyện; 30% xã, phường, thị trấn triển khai nhân rộng hệ thống QLVB&ĐH; 100% cơ quan cấp tỉnh, UBND cấp huyện có cổng/trang thông tin điện tử được tích hợp trên cổng thông tin điện tử của tỉnh; 20% UBND cấp xã có trang thông tin điện tử.

Đối với Hạ tầng kỹ thuật, tỉnh chú trọng nâng cấp hạ tầng CNTT cho các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện hiện đại, đồng bộ, thống nhất trong toàn tỉnh phục vụ cho việc xây dựng chính quyền điện tử. Mặt khác xây dựng mạng diện rộng WAN của cơ quan nhà nước trên cơ sở Mạng TSLCD, nâng cấp và mở rộng hệ thống giao ban trực tuyến, nghiên cứu xây dựng hạ tầng chứng thực điện tử, mở rộng Trung tâm dữ liệu điện tử của tỉnh…nhằm đảm bảo 10% cuộc họp trực tuyến từ tỉnh đến huyện; 100% cuộc họp trực tuyến từ tỉnh đến Trung ương được thông suốt. Mở rộng phát triển hệ thống Giao ban trực tuyến tới các cơ quan trong khối Đảng; 50% cơ quan, đơn vị triển khai ứng dụng các phần mềm dùng chung; Báo cáo trực tuyến, số hóa tài liệu; 100% cơ quan, đơn vị ứng dụng phần mềm kế toán tài chính và các phần mềm chuyên ngành nội bộ khác; 30% cơ quan, đơn vị triển khai chứng thực điện tử và chữ ký số trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ ; 100% UBND cấp huyện, 50% sở, ban, ngành, 30% xã, phường triển khai phần mềm một cửa điện tử liên thông.

Ngoài ra, trong năm 2015, tỉnh còn xây dựng, triển khai, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trên mạng, đặc biệt là các dịch vụ cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy phép xây dựng, giải quyết lao động việc làm, khiếu nại tố cáo; nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý hộ khẩu, đưa hệ thống quản lý hộ tịch vào ứng dụng. Đặc biệt, tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT trong các cơ quan nhà nước qua các lớp đào tạo quản trị mạng chuyên sâu, nâng cao kỹ năng quản trị hệ thống…; đào tạo cán bộ, công chức, viên chức sử dụng thành thạo các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh và xây dựng chính sách đãi ngộ nhằm thu hút các nhân tài về CNTT.        

 

Trần Thị Hưng Bình, Cục Tin học hóa