Theo đó, trong năm năm tiếp theo, tỉnh chú trọng xây dựng môi trường pháp lý nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan nhà nước tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2020 gắn với quá trình cải cách hành chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, giúp cho người dân và doanh nghiệp làm việc với các cơ quan, đơn vị nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm và hiệu quả.
Đồng thời cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cơ bản ở mức độ 3 và mức độ 4, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, dựa trên nhiều phương tiện khác nhau. Ứng dụng CNTT để giảm thời gian, số lần trong một năm người dân và doanh nghiệp phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước để thực hiện các thủ tục hành chính; Ứng dụng hiệu quả CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động;
Đặc biệt, tỉnh xác định việc phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành là nhiệm vụ cốt lõi nhằm tạo nền tảng phát triển Chính quyền điện tử, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành trên địa bàn tỉnh, tạo lập môi trường chia sẻ thông tin qua mạng rộng khắp giữa các cơ quan trên cơ sở Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh được phê duyệt.
Cụ thể, đến năm 2020, tỉnh phấn đấu đạt 100% văn bản không mật trình UBND tỉnh dưới dạng điện tử (bao gồm cả các văn bản trình song song cùng văn bản giấy); 80% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử; 50% cuộc họp giữa cấp tỉnh với cấp huyện, cấp huyện với cấp xã được tổ chức theo hình thức trực tuyến; Tăng cường ứng dụng triển khai chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước, từng bước thay thế phương pháp trao đổi văn bản truyền thống bằng phương pháp trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng.
Đối với ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, ngoài việc cung cấp đầy đủ thông tin trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên Trang/Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước – tỉnh dự kiến đạt 30% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến tại mức độ 4; 95% hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp được nộp qua mạng; 90% số doanh nghiệp thực hiện nộp thuế qua mạng; 90% cơ quan, tổ chức thực hiện giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia Bảo hiểm xã hội; ứng dụng công nghệ thông tin để giảm số giờ thực hiện thủ tục Bảo hiểm xã hội, đạt mức trung bình khá của cả nước; Tỷ lệ cấp đăng ký doanh nghiệp qua mạng đạt 20%; Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đầu tư qua mạng đạt 10%; 100% UBND cấp huyện, 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh tham gia giải quyết thủ tục hành chính được trang bị hệ thống một cửa điện tử, đảm bảo tính liên thông.
Mặt khác, tỉnh đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cấp, tạo nền tảng phát triển Chính quyền điện tử đồng bộ, kết nối, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; Đẩy nhanh tiến độ triển khai, đưa vào sử dụng hiệu quả các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành tạo nền tảng phát triển Chính quyền điện tử; Nâng cao trình độ về an toàn và an ninh thông tin cho lực lượng phụ trách CNTT các cấp, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng tại Trung tâm tích hợp dữ liệu.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ chuyên trách CNTT, CBCCVC tại các sở, ban, ngành, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; đào tạo, tập huấn về Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử, Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh liên kết hợp tác trong phát triển nguồn nhân lực CNTT, thu hút các nhà khoa học, chuyên gia CNTT về làm việc, hợp tác đào tạo trong tỉnh; tạo điều kiện để một số chuyên gia về CNTT, cán bộ lãnh đạo, quản lý tham gia nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm ở các nước có trình độ tiên tiến về CNTT.
Trần Thị Hưng Bình, Cục Tin học hóa