Đang xử lý.....

Phú Thọ: Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước và đảm bảo an toàn thông tin mạng giai đoạn 2016-2020  

Giai đoạn 2011-2015, tình hình ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước tỉnh Phú Thọ đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng nhìn chung, hạ tầng CNTT của tỉnh chưa hoàn thiện, chưa kết nối mạng diện rộng của tỉnh, mạng nội bộ của cơ quan, đơn vị chủ yếu còn kết nối ngang hàng và thiếu các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng.
Thứ Ba, 03/05/2016 1006
|

Mặt khác, trang thiết bị tin học tại một số cơ quan, đơn vị đã xuống cấp chưa được thay thế, nâng cấp kịp thời; Trung tâm dữ liệu số của tỉnh chưa đạt chuẩn Quốc gia, chưa đảm bảo là đầu mối kỹ thuật để triển khai, kết nối các hệ thống thông tin của tỉnh. Việc ứng dụng CNTT tại một số cơ quan đơn vị còn hạn chế, sự kết nối, liên thông của các hệ thống thông tin giữa các cơ quan, đơn vị còn ít chưa khai thác hiệu quả các hệ thống thông tin đã có; Nguồn nhân lực CNTT của tỉnh còn hạn chế, thiếu các chuyên gia có chuyên môn cao tư vấn các giải pháp đột phá để phát triển CNTT trên địa bàn.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do việc bố trí kinh phí triển khai hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT còn chậm dẫn đến việc đầu tư còn kéo dài, nhiều hạng mục quan trọng chưa được triển khai; Một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đầy đủ đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo về ứng dụng và phát triển CNTT, thói quen làm việc trên bàn giấy còn phổ biến. Bên cạnh đó, trình độ của cán bộ chuyên trách còn hạn chế trong công tác tham mưu, phối hợp triển khai các chương trình, dự án; Chưa sử dụng tiêu chí ứng dụng CNTT để đánh giá mức độ hoàn thành công việc, đánh giá thi đua, khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân. Do đó, chưa tạo được động lực để khuyến khích CBCC học tập, nâng cao trình độ; cơ quan, đơn vị tổ chức ứng dụng CNTT tăng hiệu suất công việc.

Nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế còn tồn tại trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh Phú Thọ đã đề ra một số mục tiêu cụ thể trong kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước và đảm bảo an toàn thông tin mạng giai đoạn 2016-2020. Theo đó, trong 5 năm tới, tỉnh chú trọng công tác xây dựng, nâng cấp các hệ thống thông tin của tỉnh đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu tin học hóa công tác quản lý nhà nước thực hiện nhiệm vụ nâng cao năng lực quản lý và điều hành của cơ quan chính quyền các cấp trong tỉnh hướng tới Chính quyền điện tử. Đến cuối năm 2020 tỉnh đảm bảo tỷ lệ CBCC cấp sở, ngành và UBND huyện được trang bị máy tính làm việc đạt 100%, cấp xã đạt 80%; 100% các cơ quan có hệ thống mạng nội bộ đạt chuẩn, kết nối mạng diện rộng của tỉnh trên cơ sở mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng và Nhà nước, được quản trị tại trung tâm tích hợp dữ liệu số của tỉnh; 90% các văn bản điện tử của tỉnh được chuyển nhận qua mạng song song với gửi nhận văn bản thông thường; Kết nối liên thông hệ thống gửi nhận văn bản điện tử từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã; 100% các cơ quan, đơn vị các cấp sử dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản có tích hợp chữ ký số để gửi nhận văn bản; 100% cơ quan hành chính nhà nước có Trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ.

Mặt khác, tỉnh tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan, đơn vị ở mức 3, mức 4 nhất là ở các lĩnh vực liên quan nhiều đến người dân và doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ công dân và hiệu lực quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Cụ thể. Phấn đấu trong giai đoạn 2016-2020 toàn tỉnh cung cấp 100% dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 2, 70% các dịch vụ hành chính công trực tuyến quan trọng ở mức độ 3,4. Đồng thời ứng dụng và phát triển CNTT đồng bộ, thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực; đề cao vai trò công tác quản lý, lãnh đạo; đảm bảo an toàn thông tin mạng và đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện các nhiệm vụ CNTT. Cụ thể, 100% các hệ thống thông tin trọng yếu của tỉnh được trang bị các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng; 100% cán bộ chuyên trách CNTT các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cáp huyện được đào tạo về quản trị mạng. 

 

Trần Thị Hưng Bình, Cục Tin học hóa