- Công tác chỉ đạo, ban hành văn bản: Nhằm thúc đẩy các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, dự án xây dựng Chính quyền điện tử và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã ban hành Bộ tiêu chí và phương pháp đánh giá mức độ Chính quyền điện tử cơ quan nhà nước tỉnh Phú Thọ (Quyết định số 1609/QĐ-UBND ngày 05/7/2018). Ngoài ra tỉnh còn ban hành một số văn bản nhằm đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
- Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp:
Hệ thống một cửa điện tử tích hợp Cổng dịch vụ công trực tuyến được triển khai đồng bộ, thống nhất cho các cơ quan nhà nước. Ứng dụng đã cung cấp trực tuyến 100% các thủ tục hành chính công mức độ 2, 846 thủ tục hành chính công mức độ 3, 06 thủ tục hành chính công mức độ 4. Phần mềm đáp ứng đầy đủ các tính năng, chức năng, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định, hệ thống hoạt động ổn định góp phần giải quyết các hồ sơ thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp trong các lĩnh vực thông qua việc tiếp nhận, xử lý, trả kết quả, công khai quá trình giải quyết các thủ tục hành chính, cho phép người dân và doanh ngiệp có thể tra cứu tiến độ giải quyết thông qua mạng internet, qua tin nhắn điện thoại… Năm 2018 hệ thống đã tiếp nhận 32.052 hồ sơ và thực hiện giải quyết 30.938 hồ sơ, đạt tỷ lệ 96,52% hồ sơ giải quyết trước hạn và đúng hạn.
Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Phú Thọ đã đi vào hoạt động năm 2018 là đầu mối tập trung để thực hiện việc tiếp nhận, hướng dẫn, giám sát, đôn đốc, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp qua hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến. Việc giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được quản lý tập trung, thống nhất, giải quyết kịp thời, nhanh chóng, thuận tiện, đúng pháp luật, công bằng, bình đẳng, khách quan, minh bạch và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền. Năm 2018 trung tâm phục vụ hành chính công đã tiếp nhận 4.892 hồ sơ và thực hiện giải quyết 3.323 hồ sơ, đạt tỷ lệ 82% hồ sơ được giải quyết trước hạn và đúng hạn.
Ngoài việc triển khai sử dụng hệ thống một cửa điện tử tích hợp cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, ứng dụng hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh. Một số sở, ban, ngành triển khai sử dụng hệ thống một cửa điện tử theo ngành dọc, thực hiện tiếp nhận và xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đến tháng 12/2018 có 100% các Sở, ban, ngành, 08 Ủy ban nhân dân huyện, thành thị đã triển khai sử dụng hệ thống một cửa điện tử.
- 100% các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành thị có Cổng/Trang thông tin điện tử đáp ứng yêu cầu tại Nghị định 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ. Trên cổng/trang thông tin các cơ quan, đơn vị cung cấp đầy đủ thông tin về bộ thủ tục hành chính của đơn vị; liên kết hệ thống phần mềm một cửa điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tìm kiếm, tra cứu, theo dõi quá trình xử lý, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ: Phần mềm quản lý văn bản và điều hành được triển khai liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã, trên 90% cán bộ công chức đã được cấp hộp thư điện tử công vụ, tỷ lệ văn bản điện tử trao đổi nội bộ trong cơ quan đạt trên 68%, tỷ lệ văn bản điện tử trao đổi ra bên ngoài đạt 58%, tỷ lệ văn bản không mật do Ủy ban nhân dân tỉnh phát hành dưới dạng điện tử đạt 100%; Trong năm 2018, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ cấp 942 chữ ký số cho tập thể, cá nhân trong các cơ quan nhà nước của tỉnh; Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được tổ chức thường xuyên phục vụ tốt các cuộc họp trong các cơ quan nhà nước của tỉnh, các cuộc họp của tỉnh với Trung ương.
- Triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu: Trong năm 2018 đã có một số đơn vị triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu ngành như: Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ sở dữ liệu Môi trường, Sở Lao động thương binh và Xã hội hoàn thiện cơ sở dữ liệu về người có công, Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin và truyền thông…
- Hạ tầng công nghệ thông tin: Tỷ lệ cán bộ công chức cấp sở, huyện được trang bị máy tính phục vụ công tác đạt 98%; cấp xã, phường, thị trấn đạt 70%, 100% các cơ quan, đơn vị có kết nối internet tốc độ cao phục vụ công tác trong đó có 15 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện có mạng nội bộ kết nối theo mô hình máy chủ/máy trạm; Trung tâm hành chính công đi vào hoạt động, hệ thống mạng và trang thiết bị tin học đáp ứng yêu cầu của hoạt động Trung tâm hành chính công trong việc tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp; Mạng diện rộng kết nối các cơ quan cấp tỉnh và huyện trên cơ sở mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước; Trung tâm tích hợp dữ liệu số được nâng cấp đảm bảo cho phép triển khai các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh.
- Nguồn nhân lực: Năm 2018 tổ chức 19 lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ công nghệ thông tin với hơn 1500 học viên là cán bộ lãnh đạo các phòng ban chuyên môn của các đơn vị trên địa bàn tỉnh; trên 98% cán bộ công chức trong các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh sử dụng thành thạo máy tính phục vụ cho công tác, 100% các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành thị và các cơ quan nhà nước ngành dọc trên địa bàn đã bố trí cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin, hàng năm được tập huấn kiến thức về công nghệ thông tin.
- Đầu tư cho xây dựng Chính quyền điện tử: Ủy ban nhân dân đã đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương 02 dự án hạ tầng công nghệ thông tin, 05 dự án ứng dụng công nghệ thông tin, 01 dự án đào tạo công nghệ thông tin và 02 dự án đảm bảo an toàn thông tin.
Bên cạnh các kết quả đạt được, việc triển khai và ứng dụng công nghệ thông tin tại tỉnh Phú Thọ còn một số tồn tại khó khăn như:
Hiệu quả mang lại của các hệ thống công nghệ thông tin đã triển khai chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu thực tế đặt ra, tiến độ triển khai một số nội dung, dự án quan trọng còn chậm, các hệ thống thông tin được xây dựng còn thiếu tính đồng bộ, chưa có sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu; Công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại một số cơ quan đơn vị chưa tuân thủ theo các yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu kết nối liên thông chia sẻ dữ liệu theo Khung kiến trúc Chính quyền điện tử.
Nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị chưa đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin có trình độ chuyên môn chưa cao, thiếu kỹ năng về quản lý nhà nước, phối hợp, tổ chức thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ quan, đơn vị
Công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng ở các cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức.
Nguyên nhân còn một số tồn tại trên là do lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đến việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin hướng tới xây dựng thành công Chính quyền điện tử các cấp; Nguồn kinh phí cho thực hiện các nhiệm vụ, dự án công nghệ thông tin chưa đáp ứng nhu cầu thực tế triển khai, thiếu cơ chế để huy động các nguồn lực hỗ trợ; Các cơ quan, đơn vị chưa quan tâm phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung; Trình độ công nghệ thông tin của các cán bộ công chức mới đáp ứng ở mức cơ bản, một số cán bộ chuyên trách CNTT ở các đơn vị vẫn còn kiêm nhiệm dẫn đến hạn chế trong tham mưu, phối hợp triển khai ứng dụng công nghệ thông tin.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ cũng kiến nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông một số vấn đề như: Hoàn thiện ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực công nghệ thông tin tạo hành lang pháp lý nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước và đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử; Phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu ban hành văn bản pháp luật về giao dịch điện tử như: quy định về lưu trữ văn bản điện tử, giá trị pháp lý của số hóa văn bản… nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính; Phối hợp với tỉnh Phú Thọ trong triển khai các nhiệm vụ, dự án xây dựng Chính quyền điện tử.
Như vậy trong năm 2018 tỉnh Phú Thọ đã nghiêm túc thực hiện kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà nước, hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đã đặt ra.
Căn cứ kết quả ứng dụng công nghệ thông tin và đảm bảo an toàn thông tin mạng đã đạt được năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016-2020 theo đúng lộ trình đã đề ra, đảm bảo triển khai có hiệu quả, chất lượng các mục tiêu, nhiệm vụ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Trần Thị Duyên