Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã triển khai kế hoạch đưa 100% dịch vụ công lên mức độ 4, đến nay đã cập nhật, tích hợp 100% TTHC mức 2 độ 4 lên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh như sau:
Tổng thủ tục hành chính trên toàn tỉnh gồm: 1832 TTHC. Trong đó:
Cấp tỉnh có: 1428 TTHC (1418 TTHC mức độ 4, 10 TTHC mức độ 3 của Thanh tra tỉnh yêu cầu không đưa lên mức độ 4).
Cấp huyện, thành phố: 257 TTHC mức độ 4.
Cấp xã, phường, thị trấn: 147 TTHC mức độ 3. Kế hoạch tháng 7/2021 hoàn thành 147 TTHC lên mức độ 4.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đưa ra một số giải pháp để thực hiện bao gồm:
- Các TTHC có đối tượng sử dụng là các tổ chức, cơ quan nhà nước
Thay đổi thói quen của công dân trong việc sử dụng dịch vụ công thông qua tiếp nhận hồ sơ trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh/Bộ phận Một cửa đối với các TTHC có đối tượng sử dụng là các tổ chức, cơ quan nhà nước, phải thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến (trừ khi hồ sơ đó có khối lượng lớn không ký số hoặc quét được thành file *.pdf gửi qua mạng) và sử dụng dịch vụ Bưu chính công ích (viết tắt là BCCI) trong việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC.
- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức
Yêu cầu tất cả cán bộ công chức phải hiểu, có khả năng hỗ trợ người dân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện tìm hiểu thông tin về thực hiện thủ tục hành chính, nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, sử dụng dịch vụ BCCI và theo dõi tình trạng xử lý hồ sơ.
- Ưu tiên đối với hồ sơ được thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4
Yêu cầu tất cả các đơn vị, địa phương thực hiện thủ tục hành chính phải có chính sách ưu tiên đối với các hồ sơ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để tạo sự khác biệt với nộp hồ sơ trực tiếp, tạo động lực cho người dân thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến nhiều hơn.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin
Tiếp tục tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt cung cấp đa dạng các kênh giao tiếp, giúp cho người daonh và doanh nghiệp lựa chọn hình thức xử lý dịch vụ công phù hợp nhất, từng bước tiến tới xác định internet sẽ là kênh cung cấp dịch vụ chính cho công dân và đồng thời hỗ trợ, nâng cao khả năng sử dụng máy tính, điểm truy cập internet công cộng miễn phí để người dân tiếp cận dịch vụ.
- Tuyên truyền, phổ biến đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp:
Tuyên truyền người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã được các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai phục vụ; tăng cường kết hợp thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ BCCI để tăng khả năng phục vụ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Kết hợp các hình thức truyền thống với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tuyên truyền nhằm phù hợp với xu hướng tiếp cận thông tin trong cộng đồng hiện nay.
- Tăng cường khảo sát, đánh giá sự hài lòng
Tăng cường công tác khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với thái độ, chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên theo dõi, phải có các giải pháp cải thiện sự hài lòng và khắc phục hồ sơ trễ hạn.
Nâng cấp hệ thống Dịch vụ công trực tuyến và Một cửa điện tử của tỉnh
Thực hiện rà soát, nâng cấp hệ thống Dịch vụ công trực tuyến và Một cửa điện tử của tỉnh để đáp ứng được các yêu cầu triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu:
- Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố:
Chủ động rà soát các thủ tục hành chính của đơn vị mình để thực hiện tích hợp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Báo cáo và giải trình đối với các thủ tục hành chính mà đơn vị đề nghị không thực hiện triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Chỉ đạo Bộ phận Một cửa của đơn vị mình chủ động tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và ưu tiên xử lý hồ sơ được thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, sử dụng dịch vụ BCCI để gửi hồ sơ và nhận kết quả.
Phối hợp chặt chẽ với Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông trong quá trình thực hiện để đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ, bảo đảm khả năng kết nối, tích hợp Cổng Dịch vụ công của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và các hệ thống thông tin liên quan trong quá trình xây dựng các phần mềm cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức và kịp thời phản ánh khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện về Văn phòng UBND tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xử lý sớm.
- Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh
Theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị: Cập nhật dữ liệu TTHC trên Cổng dịch vụ công và thực hiện tích hợp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Tăng cường công tác kiểm tra về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp, các đơn vị sự nghiệp công lập.
Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan thực hiện rà soát lại các thủ tục hành chính mà các đơn vị chưa đề xuất để đề xuất thực hiện cung cấp dịch công trực tuyến mức độ 4 để tìm giải pháp cho việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho các thủ tục này.
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong việc theo dõi, đôn đốc và tổng hợp báo cáo kết quả triển khai thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
- Sở Thông tin và Truyền thông
Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các giải pháp tổ chức thực hiện tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, sử dụng dịch vụ BCCI và cách tra cứu trạng thái giải quyết hồ sơ TTHC
Xây dựng kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng và hệ thống công nghệ thông tin của tỉnh phục vụ cho việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4
Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, sáng kiến, cách làm mới nhằm thực hiện có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Tiếp tục triển khai xác định và công bố mức độ xếp hạng ứng dụng CNTT hàng năm của các sở, ngành; UBND các huyện, thành phố.
Tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin, cán bộ, công chức thực hiện việc triển khai, duy trì, vận hành dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu của các cơ quan nhà nước khi triển khai, duy trì, vận hành dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
- Sở Nội vụ
Tham mưu UBND tỉnh gắn kết quả thực hiện ứng dụng CNTT, đặc biệt là việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của các cơ quan, đơn vị với việc đánh giá, khen thưởng người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và bình xét khen thưởng cơ quan, đơn vị hàng năm trừ các đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ đặc thù.
Nguyễn Thị Mỹ Hạnh