Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã có báo cáo thực trạng hoạt động, làm việc của Trung tâm và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, như sau:
- Về Trung tâm Phục vụ hành chính công:
Mặc dù mới thành lập và chính thức hoạt động từ ngày 12/6/2019, Trung tâm đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả bước đầu. Các trang thiết bị, phần mềm ứng dụng được đầu tư lắp đặt, cung cấp những phương tiện hiện đại, tiên ích để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Việc giải quyết hồ sơ TTHC tại trung tâm đã cơ bản thực hiện đảm bảo theo quy định. Từ khi trung tâm đi vào hoath động và triển khai hệ thống phần mềm theo dõi việc tiếp nhận, luân chuyển, giải quyết, trả kết quả giải quyết hồ sơ TTHC, các Sở, ban, ngành đã quan tâm hơn đến công tác giải quyết TTHC của cơ quan, đơn vị mình; số lượng hồ sơ trễ hẹn rất ít. Đội ngũ công chức, viên chức của các Sở, ban, ngành và nhân viên Bưu điện tỉnh làm việc tại Trung tâm nhìn chung có thái độ tích cực, tinh thần phục vụ nhân dân tốt, đảm bảo hiệu quả hoạt động.
Qua hơn 2 năm hoạt động của Trung tâm cho thấy tính minh bạch, hiệu quả nhất định, tạo sự chuyển biến trong quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các TTHC. Giảm thời gian và công sức trong việc tìm hiểu TTHC, theo dõi tình trạng giải quyết hồ sơ TTHC của cơ quan nhà nước. Bước đầu, trung tâm đã tạo hình ảnh, ấn tượng tốt, gần gũi, thân thiện khi cá nhân, tổ chức đến thực hiện các TTHC tại trung tâm theo phương châm “Hiệu quả hoạt động là sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp”.
- Đối với Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả:
Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đã được đẩy mạnh và có nhiều chuyển biến tích cực; cơ chế một cửa, một cửa liên thông được thực hiện, phát huy hiệu quả; nâng cao chất lượng giải quyết TTHC nhằm giải quyết công việc cho người dân nhanh chóng, hiệu quả, chất lượng, giảm số lần đi lại; việc nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC được thực hiện tại một đầu mối. Bên cạnh đó đã góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc thực thi công vụ.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh đã hướng dân, tiếp nhận, chuyển, xử lý hồ sơ và trả kết quả đảm bảo theo đúng quy định. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc công khai, niêm yết các TTHC, phí, lệ phí, biểu mẫu thuộc các lĩnh vực tại bản niêm yết để công dân, tổ chức thuận lợi ghi chép, tham khảo, đồng thời thực hiện tốt việc quản lý hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính trên phần mềm một cửa điện tử đúng thời hạn quy định. Phối hợp với bộ phận tiếp nhận và giao trả kết quả cấp xã trong thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ khi người dân nộp hồ sơ tại UBND cấp xã.
Việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết TTHC đã được thực hiện đúng theo quy trình nội bộ đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt nên chất lượng giải quyết hồ sơ TTHC ngày càng nâng lên, đa số hồ sơ đều giải quyết đúng và trước hẹn; đối với việc giải quyết hồ sơ trễ hện phải được thực hiện thư xin lỗi, thông báo cam kết thời hạn trả kết quả và đánh giá xếp loại công chức hàng tháng,… Từ đó, đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, tạo niềm tin đối với người dân và doanh nghiệp khi thực hiện TTHC tại địa phương.
Bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như:
- Về nhân sự: Hầu hết nhân sự tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả đều kiêm nhiệm, một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn thiếu nhân sự thực hiện nhiệm vụ nên việc cử cán bộ, công chức đến làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả còn rất nhiều khó khăn và một số chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo quy định.
- Việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC: Mô hình thí điểm giải cho Bưu điện thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết một số TTHC tại trung tâm đã đạt được yêu cầu, có hiệu quả…, số lượng TTHC được triển khai mức độ 3, mức độ 4 chiếm tỷ lệ rất cao. Tuy nhiên, số lượng hồ sơ tiếp nhận, trả kết quả trực tuyến chưa cao, do người dân có thói quen đến trực tiếp cơ quan hành chính nhà nước để giải quyết TTHC. Bên cạnh đó, trình độ công nghệ thông tin và điều kiện tiếp cận các thiết bị, máy móc hiện đại của người dân còn hạn chế…
- Về trang thiết bị, cơ sở vật chất: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, chưa đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại theo quy định. Diện tích phòng làm việc chưa đảm bảo, chưa chuyên nghiệp. Một số công chức, viên chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả vẫn chưa đủ trình độ năng lục, tiêu chuẩn, chưa chuyên nghiệp.
- Về chế độ hỗ trợ cho công chức, viên chức các Sở, ban, ngành:
+Tại khoản 5, Điều 13 về thực hiện tổ chức tiếp nhận hồ sơ, giải quyết, trả kết quả tại Bộ phận một cửa quy định tỷ lệ % hồ sơ được tiếp nhận, xem xét, thẩm định, phê duyệt ở cấp huyện tối thiểu 50%, cấp xã phải đạt 100%. Tuy nhiên, yêu cầu này chỉ phù hợp với các thủ tục đơn giản như chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm mới thực hiện được tất cả các khâu từ tiếp nhận, xem xét, thẩm định, phê duyệt hồ sơ ở Bộ phận một cửa…
+ Thông tư hướng dẫn nội dung đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, là công cụ cấn thiết để ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, tổ chức doanh nghiệp. Tuy nhiên chủ thể tham gia, đối tượng và phạm vi đánh giá rất rộng, liên quan đến trang thiết bị, cơ sở vật chất để tổ chức đánh giá tại Bộ phận Một cửa các cấp, do vậy cần được Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thêm về nội dung này.
+ Theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 01/2018/TT-VPCP của văn phòng Chính phủ thì các Bộ, ngành công bố nhóm TTHC liên thông thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý. Tuy nhiên, kể từ ngày 06/01/2019 đến nay, nhiều bộ, ngành vẫn chưa có công bố hoặc chủ trì công bố nhóm TTHC liên thông.
- Nội dung TTHC trên Cổng dịch vụ công Quốc gia về TTHC chưa được cập nhật kịp thời theo Quyết định công bố sửa đổi, bổ sung TTHC ở một số lĩnh vực dẫn đến khó khăn trong việc cập nhật, công khai TTHC tại đơn vị tiếp nhận, giải quyết TTHC.
- Về việc công bố TTHC và thực hiện cơ chế một cửa liên thông của một số bộ, ngành Trung ương: Hiện nay, căn cứ pháp lý của nhiều TTHC đã hết hiệu lực thi hành và được thay thế bằng các văn bản quy phạm luật khác đã có hiệu lực thi hành, nhưng các bộ, ngành Trung ương chậm công bố sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, dẫn đến khó khăn cho các địa phương trong công tác xây dựng quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, nhiều thủ tục hành chính do bộ, ngành Trung ương công bố không đảm bảo đầy đủ các yếu tố cấu thành của TTHC như không quy định thời gian giải quyết, không rõ chủ thể thực hiện (bảo trợ xã hội, người có công, nội vụ, tư pháp, giáo dục…).
Xuân Cường