Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bản tỉnh Ninh Bình, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và cải cách hành chính, tăng cường mức độ, phạm vi cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên hệ thống Cổng dịch vụ công (Một cửa điện tử) của tỉnh nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn; làm cho hoạt động của cơ quan nhà nước được minh bạch hiệu quả hơn, ngày 07/8/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 1038/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 09/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2017.
Theo đó, tỉnh Ninh Bình đặt ra các yêu cầu: Cung cấp đầy đủ các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4 theo quy định tại Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 09/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Đảm bảo triển khai cung cấp 100% các dịch vụ hành chính công của các Sở ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các phường, xã, thị trấn từ mức độ 2 trở lên và sử dụng chung trên hệ thống Cổng dịch vụ công của tỉnh tại một địa chỉ duy nhất (motcua.ninhbinh.gov.vn) để phục vụ người dân và doanh nghiệp; Bảo đảm khả năng tích hợp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo kiến trúc thống nhất; Thực hiện việc tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ qua Cổng thông tin điện tử của tỉnh; Tập trung chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình chỉ đạo tiếp tục thực hiện cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trong năm 2016 chưa triển khai thực hiện và triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong năm 2017 là 269 dịch vụ, trong đó: cấp tỉnh – 235 dịch vụ công; cấp huyện, thành phố - 32 dịch vụ công và cấp xã phường – 02 dịch vụ công (theo số liệu báo cáo của tỉnh Ninh Bình).
Để triển khai kế hoạch thực hiện Quyết định số 846/QĐ-TTg về cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2017, tỉnh Ninh Bình đã đưa ra các giải pháp thực hiện:
Giải pháp hành chính: Xây dựng và ban hành các quy định về thực hiện và vận hành khai thác, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; Ban hành các quy định gắn mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến với việc đánh giá công tác cải cách hành chính; Ban hành Quy định về tiêu chí đánh giá xếp loại đối với các sở, ban, ngành và địa phương; Tổ chức các buổi hội thảo, đào tạo, tập huấn và tuyên truyền việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến.
Giải pháp kỹ thuật, công nghệ: Hoàn thành việc triển khai Hệ thống Cổng dịch vụ công (Một cửa điện tử) cho các cơ quan, đơn vị đồng thời tích hợp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh; Đảm bảo liên kết, tích hợp thông tin với Cổng thông tin điện tử tỉnh Ninh Bình; Xây dựng hệ thống tra cứu, thống kê, báo cáo dữ liệu tập trung về tình hình xử lý của các cơ quan hành chính nhà nước.
Giải pháp nhân lực: Tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho tất cả cán bộ, công chức về tầm quan trọng và ý nghĩa chiến lược của việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính quyền điện tử trong cải cách hành chính; Đào tạo chính quy, chuyên nghiệp đội ngũ chuyên gia công nghệ thông tin; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, nghiệp vụ quản lý công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách công nghệ thông tin.
Giải pháp nâng cao nhận thức, khuyến khích tổ chức, cá nhân tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến: Thông qua các cơ quan thông tin, báo, đài trên địa bàn tỉnh; Các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá đến người dân và cộng đồng xã hội; Tổ chức các buổi tuyên truyền ngoại khóa về việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến.
Toàn văn Quyết định số 1038/QĐ-UBND ngày 07/8/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình xem tại đây.
Trần Thị Duyên