Hoàn thành các chỉ tiêu về tỷ lệ, số lượng dịch vụ công trực tuyến tại Nghị quyết số 17/NQ-CP; Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20/4/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng Chính quyền điện tử, Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ về xây dựng Chính quyền điện tử, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển Chính quyền số và hướng tới thực hiện thành công các mục tiêu về Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã được xác định tại Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20/4/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh Ninh Bình.
Theo đó mục tiêu cụ thể là:
100% dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành; ủy ban nhân dân (UBND) các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có đủ điều kiện theo quy định được áp dụng dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh đáp ứng yêu cầu được tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia.
100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 sau khi công bố áp dụng được chuẩn hóa, đồng bộ quy trình nội bộ và quy trình điện tử; chuẩn hóa các biểu mẫu, e-form; chuẩn hóa mã thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công và hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh và đồng bộ trạng thái hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thực hiện thanh toán phí, lệ phí (nếu có) trực tuyến bằng nhiều phương tiện khác nhau khi sử dụng các dịch vụ công đã được cung cấp.
Để đảm bảo thực hiện mục tiêu đã đề ra, những nhiệm vụ cụ thể cũng được UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo:
Thành lập Tổ công tác, Tổ giúp việc xây dựng và triển khai Kế hoạch cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4, hoàn thành trước ngày 15/5/2021.
Rà soát, thống kê, cung cấp danh sách đảm bảo 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 và danh sách dịch vụ công không đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021, giải trình rõ nguyên nhân không đủ điều kiện, hoàn thành trước ngày 30/5/2021. Công bố danh mục dịch vụ công áp dụng trực tuyến mức độ 4 của tỉnh, hoàn thành trước ngày 25/6/2021.
Rà soát, thống kê, cung cấp danh sách 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đủ các điều kiện theo quy định để tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, hoàn thành trước ngày 15/6/2021.
Rà soát, công bố sửa đổi, bổ sung Danh mục thủ tục hành chính được tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn toàn tỉnh, hoàn thành trước ngày 15/6/2021.
Xem xét, đề nghị đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính công ích ban hành sửa đổi giảm mức giá dịch vụ hiện đang áp dụng, hoàn thành trước ngày 15/6/2021.
Rà soát, chuẩn hóa, đồng bộ quy trình nội bộ, quy trình điện tử; các biểu mẫu, e-Form trên Cổng dịch vụ công và hệ thống Một cửa của tỉnh đối với các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 mới được công bố bổ sung, hoàn thành trước ngày 15/7/2021.
Rà soát, kiểm tra việc kết nối, tích hợp Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia, các hệ thống thanh toán đáp ứng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc, định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối Cổng Dịch vụ công quốc gia với Cổng Dịch vụ công, hệ thống thông tin Một của điện tử cấp bộ và các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành tại Thông tư số 18/2019/TT-BTTTT ngày 25/12/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông, hoàn thành trước ngày 30/8/2021.
Tích hợp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia, hoàn thành trước ngày 15/9/2021.
Triển khai thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công và hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh; đẩy mạnh triển khai thanh toán không tiền mặt tại Trung tâm phục vụ hành chính công, Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã, hoàn thành trước ngày 15/9/2021.
Tổ chức lễ công bố hoàn thành cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến có đủ điều kiện ở mức độ 4 và tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đáp ứng yêu cầu với Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2021, hoàn thành trước ngày 30/9/2021.
Thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân ủng hộ và tham gia các dịch vụ công trực tuyến (thường xuyên).
Bên cạnh đó UBND tỉnh Ninh Bình cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị:
Sở Thông tin và Truyền thông:
Chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh; các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong kế hoạch.
Hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị xây dựng quy trình điện tử đảm bảo các quy trình giải quyết thủ tục hành chính được chuẩn hóa để có thể cung cấp thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Tổng hợp danh sách các dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021 và danh sách các dịch vụ công không đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thường xuyên nâng cấp, đảm bảo Cổng dịch vụ công và hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh đáp ứng các yêu cầu về chức năng, kỹ thuật, vận hành thông suốt.
Chủ trì, phối hợp với Viễn thông Ninh Bình hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện cấu hình quy trình điện tử đối với các thủ tục hành chính cung cấp mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh sau khi các cơ quan, đơn vị hoàn chỉnh quy trình nội bộ.
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan ký hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán và tích hợp vào Cổng dịch vụ công, hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh.
Nghiên cứu các giải pháp để thúc đẩy sử dụng dịch vụ bưu chính công ích trong việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh:
Phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ của kế hoạch này.
Hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị rà soát, cắt giảm các bước thực hiện, thời gian trong quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính; chuẩn hoá quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính.
Viễn thông Ninh Bình:
Chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan và đơn vị có liên quan để nâng cấp và hoàn thiện Cổng dịch vụ công và hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh.
Đảm bảo nguồn lực để phối hợp, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4 trên Cổng dịch vụ công và hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh.
Chủ động phối hợp các cơ quan có liên quan rà soát, kiểm tra việc tích hợp nền tảng thanh toán toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công Quốc gia cho các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công và hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh.
Phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Ngoại thương Chi nhánh Ninh Bình để triển khai thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và triển khai các giải pháp không tiền mặt tại Bộ phận Một cửa của các cơ quan, đơn vị.
Thực hiện rà soát, nâng cấp Cổng dịch vụ công và hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và theo các quy định của Trung ương.
Nâng cấp ứng dụng Cổng dịch vụ công và hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh trên nền tảng 02 hệ điều hành thông dụng Android và iOS sử dụng trên các thiết bị di động thông minh.
Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
Thực hiện rà soát, đăng ký mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021 theo từng tháng; cung cấp danh sách các dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 và danh sách dịch vụ công không đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021 (giải thích rõ nguyên nhân không đủ điều kiện) báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện tại đơn vị.
Rà soát, thống kê, cung cấp danh sách 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đủ các điều kiện theo quy định để tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Cử 01 Lãnh đạo cơ quan tham gia Tổ công tác của tỉnh và 02 công chức, viên chức tham gia Tổ giúp việc triển khai Kế hoạch cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021 theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông.
Có trách nhiệm quán triệt, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của cơ quan, đơn vị; chủ động bố trí trang thiết bị, nguồn nhân lực, xây dựng các quy định, quy chế cần thiết đáp ứng việc cung cấp, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Vietcombank Ninh Bình, Viễn thông Ninh Bình để triển khai thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và triển khai các giải pháp không tiền mặt tại Bộ phận Một cửa của các cơ quan, đơn vị.
Nguyễn Thị Mỹ Hạnh