Đang xử lý.....

Nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông  

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 17/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thứ Tư, 22/02/2017 875
|
Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về báo chí; xuất bản, in, phát hành; bưu chính; viễn thông; tần số vô tuyến điện; công nghệ thông tin, điện tử; phát thanh và truyền hình, thông tin điện tử, thông tấn, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở và quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
 
Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể.
 
Trong đó, về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ hướng dẫn, tổ chức và kiểm tra thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, cơ chế, chính sách, các quy định về ứng dụng công nghệ thông tin; quy chế quản lý đầu tư, đánh giá hiệu quả đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn nhà nước; hỗ trợ doanh nghiệp và cộng đồng ứng dụng công nghệ thông tin.
 
Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về Chính phủ điện tử; xây dựng, duy trì, cập nhật, tổ chức thực hiện Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; hướng dẫn xây dựng, thẩm định đề án, dự án ứng dụng công nghệ thông tin, dự án, đề án xây dựng Chính phủ điện tử theo thẩm quyền, kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh; hướng dẫn xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ thông tin các cấp.
 
Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống thông tin đầu mối kết nối, hỗ trợ truy nhập thuận tiện các cơ sở dữ liệu quốc gia; hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến cơ sở dữ liệu quốc gia; ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện các quy định về kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; công bố theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ công bố danh mục thông tin, dữ liệu chia sẻ, dùng chung.
 
Đồng thời, tổ chức xây dựng, quản lý và vận hành hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin, hạ tầng khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam và các hệ thống thông tin, dữ liệu dùng chung do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; hướng dẫn các địa phương triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển, cung cấp các dịch vụ thành phố thông minh.
 
Về an toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ quản lý về an toàn thông tin; bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin, các hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; phòng, chống thư rác; bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên mạng; tổ chức thực hiện chức năng quản lý, điều phối các hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trên toàn quốc; chủ trì điều phối ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia, theo quy định của pháp luật.
 
Quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm và dịch vụ an toàn thông tin; tổ chức kiểm định, đánh giá, cấp chứng nhận về an toàn thông tin; cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, tạm đình chỉ, đình chỉ, thu hồi giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng trừ sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự; xây dựng và tổ chức vận hành các hệ thống đảm bảo an toàn thông tin; thẩm định về an toàn thông tin mạng trong hồ sơ thiết kế hệ thống thông tin, cấp độ an toàn hệ thống thông tin; quản lý công tác giám sát an toàn thông tin theo quy định của pháp luật.
 
Quy định về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số theo thẩm quyền; chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ trong việc quản lý các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số; tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia theo quy định của pháp luật; phối hợp với Bộ Công an bảo đảm an ninh, an toàn các công trình trọng điểm liên quan đến an ninh quốc gia trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin.
 
Cơ cấu tổ chức
 
Bộ Thông tin và Truyền thông có 28 đơn vị gồm: 1- Vụ Bưu chính; 2- Vụ Công nghệ thông tin; 3- Vụ Khoa học và Công nghệ; 4- Vụ Kế hoạch - Tài chính; 5- Vụ Quản lý doanh nghiệp; 6- Vụ Hợp tác quốc tế; 7- Vụ Pháp chế; 8- Vụ Thi đua - Khen thưởng; 9- Vụ Tổ chức cán bộ; 10- Thanh tra Bộ; 11- Văn phòng Bộ; 12- Cục Báo chí; 13- Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; 14- Cục Xuất bản, In và Phát hành; 15- Cục Thông tin cơ sở; 16- Cục Thông tin đối ngoại; 17- Cục Viễn thông; 18- Cục Tần số vô tuyến điện; 19- Cục Tin học hóa; 20- Cục An toàn thông tin; 21- Cục Bưu điện Trung ương; 22- Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông; 23- Trung tâm Thông tin; 24- Báo Bưu điện Việt Nam; 25- Báo điện tử Vietnamnet; 26- Tạp chí Thông tin và Truyền thông; 27- Học viện Công nghệ bưu chính, viễn thông; 28- Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông.
 
Các đơn vị quy định từ (1) đến (21) nêu trên là các tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các đơn vị quy định từ  (22) đến (28) nêu trên là các tổ chức sự nghiệp thuộc bộ. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức các đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật./.

 

Theo mic.gov.vn