Đang xử lý.....

Ngân hàng Nhà nước: Tình hình ứng dụng Công nghệ thông tin năm 2016  

Theo đánh giá chung, trong năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng CNTT làm nền tảng cho việc hiện đại hóa các hoạt động ngân hàng.
Thứ Tư, 28/12/2016 831
|

Công nghệ thông tin và Truyền thông đã được ứng dụng vào hầu hết các hoạt động, nghiệp vụ của NHNN với các mức độ khác nhau, góp phần từng bước nâng cao năng lực quản lý nhà nước của NHNN trên lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, thực thi hiệu quả chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối và thanh tra - giám sát hoạt động ngân hàng…, từng bước xây dựng NHTW hiện đại, tạo nền tảng và từng bước phát triển CPĐT. Về cơ bản, các dự án CNTT được đưa vào triển khai đúng tiến độ và đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ. Một số gói thầu/cấu phần phần mềm của các dự án đang được tiến hành chỉnh sửa, kiểm thử để có thể triển khai và nghiệm thu trong các tháng còn lại của năm 2016 và đầu năm 2017.

Tuy nhiên, tình hình ứng dụng CNTT trong năm qua của NHNN còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Một trong những hạn chế lớn nhất là công tác xây dựng, chỉnh sửa và hoàn thiện các văn bản pháp lý cho các mặt hoạt động ngân hàng chưa theo kịp với những đòi hỏi của ứng dụng và phát triển CNTT. Một số quy trình xử lý nghiệp vụ ngân hàng được xây dựng chưa gắn với yêu cầu ứng dụng CNTT hoặc chưa phù hợp với phương thức tự động hóa nên rất khó khăn cho việc ứng dụng công nghệ mới, làm chậm lại quá trình hiện đại hóa ngân hàng. Mặt khác, các văn bản, quy định nghiệp vụ liên tục thay đổi dẫn đến các hệ thống phần mềm liên quan phải thực hiện chỉnh sửa, bổ sung, nâng cấp trong thời gian ngắn để kịp thời đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ. Đối với các hệ thống phần mềm lớn được NHNN thực hiện thông qua mua sắm phần mềm đóng gói và tùy chỉnh, muốn thực hiện chỉnh sửa, bổ sung, nâng cấp phần mềm cũng phải thực hiện thông qua đấu thầu, mất nhiều thời gian và nhà thầu trúng thầu có thể không phải nhà thầu xây dựng, triển khai phần mềm ban đầu. Đồng thời, phương thức tổ chức trao đổi văn bản, điều hành còn tồn tại nhiều khác biệt, đặc thù đối với từng đơn vị; Trình độ và khả năng sử dụng thiết bị tin học còn chưa đồng đều. Nhiều cán bộ vẫn khó khăn trong tiếp cận, sử dụng trang thiết bị tin học bởi thói quen sử dụng, làm việc trên văn bản giấy, ngại thay đổi.

Hiện nay, tại NHNN, tỉ lệ các TTHC tương đương dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 còn thấp so với tổng số các TTHC được giải quyết tại NHNN (15/284). Nhằm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp, NHNN cần tiếp tục nâng cấp tối thiểu hơn 200 dịch vụ công lên mức độ 3,4 để đạt được mục tiêu dự kiến năm 2020 NHNN sẽ nâng cấp 80% TTHC công từ mức độ 2 lên mức độ 3,4. Một hạn chế không nhỏ nữa là  do giới hạn về tài nguyên dung lượng lưu trữ nên dung lượng thực tế cung cấp cho người dùng còn hạn chế (trung bình 500MB/người).

Theo Kế hoạch ứng dụng CNTT của NHNN Việt Nam giai đoạn 2011-2015 được Thống đốc NHNN phê duyệt, năm 2016 NHNN đã và đang triển khai 03 dự án CNTT trong Kế hoạch – tuy nhiên việc tiến hành các dự án bị chậm tiến độ so với Kế hoạch. Một phần do quy trình thủ tục đầu tư dự án CNTT theo Nghị định số 102/2009/NĐ-CP phức tạp và kéo dài, không đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh của CNTT. Mặt khác do thời gian thẩm định, phê duyệt dự án, dự toán còn bị vượt quá thời gian quy định; các văn bản chế độ còn chưa phù hợp với quy chuẩn quốc tế.

Đặc biệt, NHNN hiện đang rất thiếu hụt về cán bộ đủ năng lực chuyên sâu để tham mưu các chiến lược dài hạn cũng như kế hoạch 5 năm và hàng năm cho ứng dụng CNTT của ngành Ngân hàng cũng như cán bộ có chuyên môn cao về quản lý kiến trúc CNTT để đảm bảo thiết kế, giám sát các dự án CNTTvà tại NHNN; Số lượng cán bộ kỹ thuật còn thiếu vừa kiêm nhiệm công tác nghiên cứu vừa trực tiếp quản lý, giám sát và vận hành hệ thống nên thiếu tính chuyên môn hóa.

Bên cạnh đó, vấn đề an ninh thông tin mạng tại Việt Nam nói chung và trong ngành Ngân hàng nói riêng trong thời gian qua và đặc biệt gần đây diễn biến hết sức phức tạp. Tội phạm mạng có tổ chức với mục tiêu tấn công không chỉ là tài chính mà còn có mục đích chính trị hết sức rõ ràng. Điều đó, đòi hỏi ngành Ngân hàng đã và sẽ phải tiếp tục đầu tư thêm nhiều nguồn lực để đảm bảo an ninh thông tin mạng. Trong khi đó, cán bộ chuyên trách làm công tác an ninh thông tin của Cục CNTH hiện nay có 11 người, vừa phải nghiên cứu triển khai thực hiện các giải pháp về an ninh thông tin cho NHNN, vừa phải tham mưu cho Thống đốc NHNN trong việc ban hành các VBQPPL, các văn bản hướng dẫn và trực tiếp kiểm tra, giám sát hoạt động an toàn thông tin của các TCTD. Do nguồn lực thiếu nên chất lượng, hiệu quả của công tác an ninh bảo mật này còn nhiều hạn chế. 

Trần Thị Hưng Bình, TTHTQT