Về công tác chỉ đạo điều hành và xây dựng cơ chế, chính sách: Tham mưu ban hành Nghị quyết về xây dựng chính quyền điện tử và phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh long An giai đoạn 2020-2025 và xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết; Ban hành kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động cơ quan nhà nước tỉnh Long An năm 2020 và nhiều kế hoạch cụ thể khác.
Tiến độ triển khai các dự án ứng dụng CNTT: Tập trung triển khai Dự án “Xây dựng hạ tầng CNTT hướng tới Chính quyền điện tử tỉnh Long An”. Đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả 14/15 gói thầu; dự án “đánh giá an toàn thông tin và áp dụng tiêu chuẩn ISO 27001:2013” đã chọn được nhà thầu và sẽ hoàn thành vào cuối năm nay; Các dự án khác phục vụ cho hiện thực hóa chính quyền điện tử cũng đang được các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ theo kế hoạch.
Về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin:
100% sở ngành, huyện, xã triển khai đồng bộ mạng truyền số liệu chuyên dùng để triển khai các ứng dụng CNTT dùng chung của tỉnh và duy trì kết nối internet phục vụ công việc; 100% sở ngành và các huyện triển khai mạng nội bộ và thiết bị tường lửa. Trên 97% cán bộ, công chức, viên chức các cấp được trang bị máy tính phục vụ công tác.
Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh được nâng cấp đảm bảo theo quy chuẩn. Công tác quản trị vận hành, giám sát luôn được quan tâm, đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định thông suốt.
Hệ thống Hội nghị truyền hình trưc tiếp từ tỉnh đến huyện hoạt động ổn định, phục vụ tốt công tác chỉ đạo điều hành. Nhiều huyện đã đầu tư hội nghị trực tuyến đến xã.
Về ứng dụng công nghệ thông tin:
Xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu: Đã hoàn thành Bộ phần mềm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) phục vụ chia sẻ, kết nối các hệ thống ứng dụng CNTT, cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong tỉnh và tỉnh với các bộ ngành; Đã kết nối hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh với hệ thống của Chính phủ; Cổng DVCTT của tỉnh với Cổng DVCTT quốc gia…
Ứng dụng trong nội bộ cơ quan nhà nước:
Phần mềm quản lý văn bản và điều hành: Hoàn thành triển khai nâng cấp phần mềm Quản lý văn bản và điều hành cho 100% cơ quan nhà nước từ tỉnh đến xã (với trên 8.900 tài khoản đã được cấp), đảm bảo gửi nhận liên thông 4 cấp từ trung ương đến địa phương qua Trục liên thông văn bản quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ. Đã rà soát bổ sung danh sách mã định danh của các đơn vị tham gia trao đổi văn bản điện tử. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các CQNN đạt tỷ lệ 95% (99.476/104.886 văn bản đi).
Về sử dụng chữ ký số chuyên dùng: nâng cấp chức năng ký số văn bản điện tử đảm bảo quy định. Có 2.892 chứng thư số của Chính phủ được cấp (gồm 645 CTS cơ quan, 2.247 CTS cá nhân). 100% UBND các cấp, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện được cấp chứng thư số. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử có ký số cấp tỉnh, huyện đạt 95% (99.781/104.886 văn bản đi). Riêng cấp xã đạt 78% (52.169/66.549 văn bản đi).
Phần mềm một cửa điện tử: đã được triển khai tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, 18 sở ngành, 100% UBND huyện, xã phục vụ tiếp nhận, luân chuyển, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Duy trì cung cấp thông tin phục vụ tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ bằng nhiều hình thức như: tra cứu trên cổng DVCTT, điện thoại, tin nhắn, zalo. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn công bố trên hệ thống 6 tháng đầu năm đạt 99%, chỉ tiêu là trên 98%.
Sử dụng thư điên tử: đã cấp 4.848 tài khoản thư điện tử @long an.gov.vn cho các cơ quan và CBCCVC trên địa bàn tỉnh (1.494 hộp thư đơn vị và 3.354 hộp thư cá nhân). Trong đó, 100% sở ngành và UBND các cấp có hộp thư và trên 95% CBCC cấp tỉnh, huyện có hộp thư công việc.
Các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp:
Dịch vụ công trực tuyến: Đã cung cấp 100% DVCTT mức độ 2; 737 DVCTT mức độ 3 (đạt 41%) và 331 DVCTT mức độ 4 (đạt 18%) trên cổng DVCTT của tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm có 9.602 hồ sơ nộp qua mạng (cả hồ sơ DVCTT do bộ, ngành triển khai). Trong đó, mức 3 có 5.080 hồ sơ; mức 4 có 4.522 hồ sơ. Triển khai tích hợp các DVCTT của tỉnh với cổng DVC Quốc gia được 9 DVCTT mức độ 3,4.
Cổng, trang thông tin điện tử: Cổng thông tin điện tử của tỉnh và trang thông tin điện tử của 18 sở, ngành, 15 UBND cấp huyện tiếp tục vận hành ổn định trên hạ tầng thuê của Tập đoàn Viettel.
Phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành: Ngành Y tế: các giải pháp phần mềm quản lý bệnh viện được triển khai cho các bệnh viên, trung tâm y tế phục vụ cho công tác khám chữa bệnh và quản lý dữ liệu ngành; Ngành giáo dục: đã triển khai các phần mềm hệ thống quản lý thông tin kiểm định chất lượng giáo dục tiểu học cho sở, các phòng Giáo dục và các trường tiểu học trong toàn tỉnh; Các phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác cũng được xây dựng, khai thác như phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức; quản lý đất đai, doanh nghiệp…
Đảm bảo an toàn thông tin mạng
Ban hành và triển khai kế hoạch đảm bảo an toàn thông tin mạng trong cơ quan nhà nước năm 2020.
Đến nay, đã đánh giá an toàn thông tin cho hệ thống máy tính của 02/10 đơn vị. Hoàn thành triển khai đồng bộ phần mềm phòng, chống mã độc bảo vệ cho 1400 máy chủ, máy trạm, kết nối chia sẻ thông tin mã độc về trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.
Nhân lực công nghệ thông tin
16/19 (84%) sở ngành, 14/15 (93%) cấp huyện có cán bộ chuyên trách về CNTT đạt trình độ từ trung cấp trở lên. Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành (phiên bản nâng cấp) cho CBCCVC trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, cử cán bộ tham gia khóa đào tạo 100 chuyên gia về Chính phủ điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Như vậy trong 6 tháng đầu năm 2020, công tác triển khai xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Long An đã được các sở ngành, địa phương thực hiện có nhiều chuyển biến tích cực. Nổi bật là: Tham mưu ban hành Nghị quyết về xây dựng chính quyền điện tử và phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh long An giai đoạn 2020-2025 và kế hoạch để cụ thể hóa Nghị quyết. Đảm bảo tiến độ triển khai các chương trình, dự án. Trung tâm dữ liệu tỉnh được nâng cấp đảm bảo quy chuẩn của Bộ TTTT. Xây dựng hoàn thành Bộ phần mềm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP). Hoàn thành nâng cấp phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, đảm bảo kết nối liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia. Triển khai đồng bộ phần mềm phòng, chống mã độc bảo vệ cho máy chủ, máy trạm giai đoạn 1.
Bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như:
Nhiều máy tính trang bị cho CBCCVC, đặc biệt là cấp xã đã đầu tư nhiều năm, chưa được nâng cấp, thay thế nên không đáp ứng cho nhiệm vụ về ứng dụng CNTT và công tác đảm bảo ATTT. Qua khảo sát hiện có đến 59% máy tính có cấu hình rất thấp không đáp ứng triển khai ứng dụng CNTT, 34% máy tính có cấu hình trung bình và chỉ 7% máy tính có cấu hình tốt.
Nhiều chỉ tiêu thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP chưa đạt yêu cầu đề ra. Nhận thức và khả năng ứng dụng các dịch vụ của người dân còn hạn chế. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến rất thấp, cụ thể: mức độ 4 chưa đạt 30%; 86% DVCTT mức độ 3, 4 đã triển khai nhưng chưa phát sinh hồ sơ trực tuyến. Công tác tập huấn, tuyên truyền phổ biến sử dụng DVCTT của tỉnh tuy có tập trung nhưng chưa tạo được thói quen sử dụng cho người dùng.
Nhiều phần mềm ứng dụng và cơ sở dữ liệu của các ngành còn rời rạc, chưa chia sẻ, kết nối được với nhau trong nội tỉnh và giữa tỉnh với Bộ ngành. Không tận dụng được dữ liệu đã có, gây khó khăn, mất nhiều thời gian cho cán bộ, công chức trong quá trình tác nghiệp. Chưa thuận lợi cho người sử dụng đăng ký dịch vụ công trực tuyến. Một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được triển khai nhưng chưa đảm bảo cập nhật đầy đủ thông tin, dữ liệu. Một số cơ sở dữ liệu còn phân tán ở địa phương, đơn vị và chưa cập nhật đầy đủ. Một số phần mềm chuyên ngành chưa được triển khai.
Nguồn nhân lực CNTT trong cơ quan nhà nước còn thiếu và yếu (đặc biệt là ở cấp huyện, cấp xã) nên chưa làm tốt vai trò tham mưu trong chỉ đạo và hỗ trợ người sử dụng tại cơ quan, đơn vị.
Để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020, tỉnh Long An đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho 6 tháng cuối năm với các nhiệm vụ trọng tâm như sau:
1. Ban hành Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Long An 2.0. Xây dựng ban hành Kiến trúc ICT đô thị thông minh của tỉnh. Xây dựng ban hành hướng dẫn thực hiện quy trình đầu tư ứng dụng CNTT theo các văn bản quy phạm pháp luật mới.
2. Triển khai thủ tục xây dựng kho cơ sở dữ liệu dùng chung cấp tỉnh và kết nối các hệ thống thông tin của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin của các bộ, ngành thông qua LGSP của tỉnh và NGSP của bộ, ngành. Ưu tiên kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống một cửa điện tử, hệ thống phục vụ bưu chính công ích và một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành của bộ, ngành đã hoàn thiện.
3. Tập trung xây dựng Chương trình chuyển đổi số tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
4. Triển khai các nhiệm vụ tại kế hoạch thực hiện Nghị quyết về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.
5. Triển khai thực hiện nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; nâng cấp phần mềm một cửa điện tử đáp ứng yêu cầu kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đảm bảo đạt 30% trong năm 2020.
6. Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ tại HĐND, UBND tỉnh, cấp huyện; hoàn thành thủ tục thuê Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh.
7. Xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành an toàn thông tin của tỉnh. Mở rộng triển khai đồng bộ giải pháp phần mềm phòng, chống mã độc cho máy chủ, máy trạm trong các cơ quan nhà nước.
8. Đẩy mạnh tuyên truyền ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến cho CBCC, người dân và doanh nghiệp. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng, nhận thức về an toàn thông tin cho cán bộ lãnh đạo quản lý và cán bộ phụ trách CNTT.
Nguyễn Hạnh