Xếp hạng mức độ sẵn sàng ứng dụng CNTT của tỉnh so với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạt mức trung bình. Một trong những hạn chế lớn nhất đó là công tác thông tin, tuyên truyền chưa được thực hiện thường xuyên, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội đối với việc ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ tốt cho nhân dân. Mặt khác, đội ngũ cán bộ công chức làm công tác CNTT trong CQNN tỉnh chưa đảm bảo về chất lượng lẫn số lượng, công tác đào tạo đội ngũ lãnh đạo CNTT chưa được thực hiện; Chương trình phát triển nguồn nhân lực CNTT tỉnh Long An đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 chưa được triển khai.
Bên cạnh đó, một số cơ quan chưa nghiêm túc khai thác, sử dụng các ứng dụng CNTT đã triển khai nên hiệu quả mang lại không cao. Thông tin tình trạng giải quyết hồ sơ hành chính của một số cơ quan trên hệ thống một cửa điện tử không đúng với thực tế, khiến cho việc cung cấp thông tin tình trạng giải quyết hồ sơ hành chính đến tổ chức, cá nhân chưa kịp thời và thiếu chính xác, làm ảnh hướng đến hình ảnh, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Một số phần mềm dùng chung như Quản lý khiếu nại tố cáo, Quản lý CBCC-VC chưa thực sự phát huy được hiệu quả, dữ liệu chưa được cập nhật đầy đủ, chưa sẵn sàng để khai thác phục vụ cho công tác quản lý, tác nghiệp. Tỷ lệ CBCC-VC được cấp và sử dụng thường xuyên thư điện tử của tỉnh còn rất thấp (dưới 65%), chưa đảm bảo yêu cầu đặt ra. Tình trạng sử dụng thư điên tử bên ngoài trong trao đổi công việc vẫn diễn ra dẫn đến mất an toàn thông tin. Thông tin trên Cổng TTĐT của tỉnh và Trang TTĐT của các cơ quan (đặc biệt là thông tin tiếng nước ngoài) chưa phong phú, không được cập nhật thường xuyên. Cung cấp DVCTT mức độ 3,4 phục vụ người dân và doanh nghiệp còn thấp, chưa triển khai được DVCTT trên mạng thông tin di động. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng tại nhiều cơ quan chưa triệt để (sao lưu dữ liệu dự phòng không thường xuyên; không có kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng định kỳ cho hệ thống; nhiều máy tính chưa được cài đặt phần mềm quét virus; nhiều máy tính đã quá cũ không cài đặt được hệ điều hành có bản quyền…). Hạ tầng CNTT cấp xã chưa đảm bảo. Công tác báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư dự án ứng dụng CNTT còn nhiều hạn chế, phần lớn các cơ quan chưa quan tâm, chủ động thực hiện.
Nhằm khắc phục những hạn chế còn tồn tại để nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, giai đoạn mới 2016-2020, tỉnh tập trung triển khai thực hiện các kế hoạch đã đề ra, phấn đấu 100% CBCC được trang bị máy tính, kết nối mạng nội bộ, Internet phục vụ công việc; 100% CBCC tham gia và sử dụng thường xuyên thư điện tử và phần mềm Quản lý văn bản và điều hành; 100% văn bản trình UBND tỉnh, bộ, ngành Trung ương và 80% văn bản trao đổi giữa các CQNN dưới dạng điện tử; Trên 30% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3, 3% đến 5% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4, 100% thủ tục hành chính của tỉnh được cung cấp trực tuyến ở mức độ 2; cung cấp thông tin, tình trạng giải quyết hồ sơ hành chính của tất cả sở, ngành, UBND các cấp đến với người dân. Đồng thời tăng cường triển khai sử dụng chữ ký số. 100% hệ thống thông tin trọng điểm của tỉnh được triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn, thông tin; 100% sở, ngành, UBND cấp huyện trang bị phần mềm diệt virus, hệ điều hành, phần mềm ứng dụng văn phòng có bản quyền cho trên 80% máy tính có cấu hình đảm bảo; 100% sở, ngành, UBND cấp huyện có ít nhất 01 cán bộ chuyên trách CNTT. 100% cán bộ chuyên trách về CNTT đạt trình độ kỹ sư CNTT trở lên.
Để hoàn thành những mục tiêu trên, tỉnh tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực CNTT trong CQNN trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với quy định của Trung ương và thực tế của tỉnh. Ngoài việc xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử, nâng cấp hoàn chỉnh Trung tâm Tích hợp dữ liệu và xây dựng Trung tâm thông tin địa lý - Tỉnh còn tiếp tục xây dựng mở rộng, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật tại các cơ quan, đơn vị và các hệ thống thông tin trọng điểm; Khai thác, sử dụng có hiệu quả các phần mềm ứng dụng CNTT đã đầu tư; Triển khai cung cấp DVCTT theo lộ trình cung cấp DVCTT của tỉnh đến năm 2020 và Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN tỉnh. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2018, tỉnh tập trung thực hiện theo Kế hoạch hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP; xây dựng, nâng cấp các hệ thống thông tin quản lý và tác nghiệp chuyên ngành, các cơ sở dữ liệu trọng điểm; nâng cấp, xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hệ thống ứng dụng CNTT trên các lĩnh vực, đặc biệt là y tế và giáo dục; Ứng dụng CNTT trong áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; đưa chỉ tiêu ứng dụng, phát triển CNTT và tiêu chí xét thi đua – khen thưởng thành tích hoàn thành tốt nhiệm vụ của tập thể, cá nhân. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin số và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cũng được tỉnh đặc biệt chú trọng triển khai thực hiện.
Trần Thị Hưng Bình, Cục Tin học hóa