Đang xử lý.....

Kiểm tra tình hình cung cấp DVC trực tuyến tại tỉnh Hưng Yên: Cần đẩy mạnh hướng dẫn, tuyên truyền người dân, doanh nghiệp sử dụng DVC trực tuyến  

Ngày 09/8/2018, trong Chương trình làm việc của Ban Điều hành triển khai công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước tại tỉnh Hưng Yên, Cục Tin học hóa – Cơ quan thường trực Ban Điều hành đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hưng Yên kiểm tra tình hình ứng dụng CNTT, cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại UBND huyện Văn Lâm và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên...
Thứ Sáu, 24/08/2018 2086
|

Tham dự Đoàn Kiểm tra có đại diện Lãnh đạo Cục Tin học hóa – Ông Nguyễn Phú Tiến – Phó Cục trưởng; đại diện Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hưng Yên – Ông Bùi Văn Sỹ - Giám đốc Sở.

Kết quả kiểm tra cho thấy tại UBND huyện Văn Lâm và Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên đều đã triển khai ứng dụng CNTT cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. UBND huyện Văn Lâm đã cung cấp 136/364 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, Ban quản lý các khu công nghiệp đã cung cấp 233/454 thủ tục hành chính lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, trong đó 227 dịch vụ thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu (thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O). Để phát huy hiệu quả hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đem lại sự tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp các cơ quan cung cấp dịch vụ đã triển khai các giải pháp truyền thông tới người dân và doanh nghiệp như thông tin, tuyên truyền trên Đài truyền thanh huyện, lồng ghép tổ chức giới thiệu, hướng dẫn cho doanh nghiệp tại các hội nghị phổ biến, truyền thông cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng các dịch vụ công trực tuyến vẫn còn rất hạn chế. Cụ thể, tại UBND huyện Văn Lâm, trong 7 tháng đầu năm 2018, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thực hiện tiếp nhận 1513 hồ sơ, tuy nhiên, chỉ có 09 hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến, trong đó 100% hồ sơ của các doanh nghiệp. Tại Ban quản lý các khu công nghiệp hầu hết các hồ sơ thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa đều được tiếp nhận, giải quyết trên môi trường trực tuyến.

Qua công tác kiểm tra, trao đổi với đại diện Lãnh đạo, cán bộ giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan trên, cho rằng nguyên nhân số lượng hồ sơ trực tuyến phát sinh ít là do người dân, doanh nghiệp chưa có thói quen sử dụng dịch vụ trên môi trường điện tử, vẫn có tâm lý yên tâm khi nộp trực tiếp. Đối với các doanh nghiệp, trụ sở chủ yếu nằm trong khuôn viên khu công nghiệp, khu đô thị nên việc đi lại thuận tiện, do đó, đa phần thích nộp hồ sơ trực tiếp hơn.

Tuy nhiên, qua kiểm tra cũng nhận thấy rằng, nhiều dịch vụ công trực tuyến được cung cấp mức độ 3 nhưng thực tế các dịch vụ đó có rất ít nhu cầu sử dụng (có một số dịch vụ cả năm chỉ phát sinh khoảng chục hồ sơ), nên để người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến là khó khăn. Có những dịch vụ vẫn mang lại hiệu quả cao như dịch vụ cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa, do có nhu cầu thường xuyên hơn.

Kết thúc các buổi kiểm tra thực tế, lãnh đạo Cục Tin học hóa và Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông đều có kiến nghị các cơ quan cần đẩy mạnh hướng dẫn, tuyên truyền người dân, doanh nghiệp về sử dụng DVC trực tuyến và thống nhất trong thời gian tới Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh các giải pháp để nâng cao hiệu quả cung cấp DVC trực tuyến.

Nguyễn Thanh Thảo