Đang xử lý.....

Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Hưng Yên năm 2018  

Ngày 21/12/2017, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành văn bản số 399/KH-UBND về việc Ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tỉnh Hưng Yên năm 2018...
Thứ Tư, 17/01/2018 19297
|

Mục tiêu tổng quát cho ứng dụng công nghệ thông tin năm 2018 của tỉnh Hưng Yên là đẩy mạnh đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền điện tử tỉnh Hưng Yên nhằm:

- Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước nhằm tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động, tiết kiệm ngân sách nhà nước.

- Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và một số dịch vụ công trực tuyến cơ bản mức độ 4 có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp, làm minh bạch trong giải quyết hồ sơ hành chính góp phần nâng cao chỉ số môi trường cạnh tranh cấp tỉnh.

- Phát triển, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.

- Thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết của Chính phủ, Kế hoạch hành động của tỉnh về Chính phủ điện tử.

Theo đó các mục tiêu cụ thể, như sau:

- Về Xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin: Xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tại các cấp, các ngành tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử đồng bộ, kết nối, liên thông, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; Xây dựng cơ bản hoàn thiện Trung tâm tích hợp dữ liệu và đảm bảo kết nối liên thông các hệ thống công nghệ thông tin tỉnh Hưng Yên; 100% cán bộ, công chức tại các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và 85% cán bộ, công chức cấp xã được trang bị máy tính phục vụ xử lý công việc.

- Về Ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước: đạt 100% các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp xã đến cấp tỉnh sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành trong xử lý công việc; 100% văn bản đến, đi (trừ văn bản mật) của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố được cập nhật, xử lý trên phần mềm quản lý văn bản điều hành; 60% văn bản không mật trình UBND tỉnh và 80% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử có chữ ký số.

- Về Cung cấp thông tin, dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp: đạt 100% Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước tỉnh Hưng Yên cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ; 100% các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp xã đến cấp tỉnh sử dụng phần mềm một cửa điện tử liên thông từ cấp xã đến cấp tỉnh; Đến hết năm 2018, 45% dịch vụ công phổ biến được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 và 15% dịch vụ công quan trọng được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp được cung cấp trên hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh.

Để hoàn thành những mục tiêu trên, UBND tỉnh Hưng Yên đã đưa ra những nhiệm vụ chủ yếu để thực hiện trong năm 2018 là:

1. Xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin: Tiếp tục nâng cấp, đầu tư đồng bộ hệ thống trang thiết bị công nghệ thông tin, mạng LAN hoạt động ổn định, kết nối Internet băng rộng cho tất cả các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật đáp ứng triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu và đảm bảo kết nối các hệ thống thông tin của tỉnh tại Sở Thông tin và Truyền thông; Nâng cao chất lượng, mở rộng băng thông mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực tế và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; Tiếp tục duy trì và vận hành ổn định hệ thống giao ban trực tuyến từ UBND tỉnh đến UBND các huyện, thành phố đảm bảo các điều kiện về kỹ thuật phục vụ cuộc họp trực tuyến trên môi trường mạng; Đầu tư trang thiết bị an toàn, bảo mật thông tin, dữ liệu cho hạ tầng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước các cấp, triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho các hệ thống thông tin trọng yếu; Xây dựng hệ thống quản lý thiết bị tập trung, giám sát an toàn, an ninh thông tin tại các cơ quan, đơn vị.

2. Phát triển và hoàn thiện các ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan nhà nước: Triển khai hoàn thiện và liên thông hệ thống quản lý văn bản và điều hành giữa các cơ quan, đơn vị trên toàn tỉnh và kết nối, liên thông với Văn phòng Chính phủ; Tiếp tục khai thác sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh trong xử lý công việc theo hướng hiệu quả; Tăng cường sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số chuyên dùng; Tích cực triển khai, nâng cao hiệu quả các hệ thống thông tin; Xây dựng, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đảm bảo đồng bộ, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương.

3. Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp: Nâng cấp, tích hợp các dịch vụ, các hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp của cơ quan nhà nước trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố thực hiện cập nhật thông tin thường xuyên, đầy đủ trên cổng thông tin điện tử theo các quy định tại Nghị định 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ; Ứng dụng phần mềm một cửa điện tử hiệu quả, toàn diện tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; Xây dựng Cổng/Trang thông tin điện tử cho UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh để cung cấp hoạt động điều hành, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp; Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực và hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

4. Công tác đào tạo, nâng cao nhận thức về công nghệ thông tin: Tăng cường đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về công nghệ thông tin cho lãnh đạo, cán bộ công chức; Tổ chức đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ chuyên trách về công nghệ nghệ thông; Đào tạo, nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức các cấp theo chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các hội nghị, hội thảo và các hình thức khác nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp.

5. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin: Thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ theo kế hoạch về Ứng phó sự cố đảm bảo an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; Tổ chức rà soát, cập nhật, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách và hoàn thiện hành lang pháp lý về an toàn thông tin mạng.

Để thực hiện kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước của tỉnh Hưng Yên, UBND tỉnh đã giao cho Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được giao trong Kế hoạch 399/KH-UBND.

 

Trần Thị Duyên