Theo đó Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tỉnh Bắc Kạn năm 2018 đã đặt ra những mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin năm 2018, như sau:
- Tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng viễn thông, chất lượng đường truyền kết nối băng thông rộng đến các xã, phường, thị trấn.
- 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng.
- 100% các cơ quan, đơn vị có mạng LAN hoạt động hiệu quả, kết nối hình thành mạng WAN của tỉnh nhằm kết nối liên thông và sử dụng chung cơ sở dữ liệu các hệ thống thông tin của tỉnh.
- Cập nhật, duy trì và từng bước triển khai các nội dung Kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh phiên bản 1.0.
- Tiếp tục đầu tư nguồn lực triển khai Dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước hướng tới chính quyền điện tử tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015-2020.
- Tiếp tục nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến.
- 100% các cơ quan nhà nước, đoàn thể các cấp của tỉnh tiếp tục được cấp và sử dụng chứng thư số chuyên dùng.
- 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước các cấp được gửi nhận bản điện tử có xác thực bằng chữ ký số chuyên dùng thông qua hệ thống TDOffice.
- 100% cán bộ, công chức, viên chức chỉ sử dụng địa chỉ thư điện tử công vụ trong trao đổi công việc.
- 100% các đơn vị sử dụng tốt hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc, phần mềm “Một cửa”, “Một cửa liên thông” và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.
- 100% các trang/cổng thông tin điện tử hoạt động hiệu quả, tuân thủ đúng các quy định hiện hành.
- 100% các sở, ban, ngành, huyện, thành phố lập hoặc kiện toàn Ban chỉ đạo về ứng dụng công nghệ thông tin hoặc cử lãnh đạo trực tiếp phụ trách công nghệ thông tin.
- 100% cán bộ phụ trách về công nghệ thông tin của các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao năng lực tham mưu.
- Tăng cường rà soát, đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin của tỉnh, xây dựng hệ thống phương án ứng cứu sự cố của tỉnh.
- Đảm bảo chất lượng hệ thống wifi công cộng tại 28 điểm phát sóng.
Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh Bắc Kạn cũng đặt ra các nhiệm vụ:
1. Ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước: Tăng cường trao đổi văn bản điện tử được sử dụng chữ ký số chuyên dùng; Ứng dụng hiệu quả các hệ thống thông tin đã triển khai; Đầu tư, ứng dụng một số phần mềm quản lý cán bộ, phần mềm hỗ trợ quản lý điều hành.
2. Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp: Đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; Cổng thông tin điện tử của tỉnh đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin chung về kinh tế, xã hội của tỉnh; Cung cấp đầy đủ thông tin và dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp; Các trang/cổng thông tin điện tử các sở, ban, ngành, huyện, thành phố tuân thủ quy định của Luật công nghệ thông tin và Nghị định 43/2011/NĐ-CP; Duy trì, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống phần mềm “Một cửa”, “Một cửa liên thông” và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn chi tiết đến người dân, doanh nghiệp; Tiếp tục truyên truyền, nâng cao ý thức tự đảm bảo an toàn thông tin khi truy cập, sử dụng máy tính, mạng máy tính; Triển khai và đảm bảo chất lượng hệ thống phát sóng wifi.
3. Xây dựng, hoàn thiện các Hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành tạo nền tảng phát triển Chính quyền điện tử: Tiếp tục duy trì, đảm bảo ổn định hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, phần mềm Một cửa, Một cửa liên thông và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao; Tiếp tục triển khai xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu về dân cư của tỉnh; Tiếp tục triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai huyện Na Rì và thành phố Bắc Kạn.
4. Phát triển nguồn nhân lực: Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ về đạt chuẩn kỹ năng nhân lực công nghệ thông tin cho đội ngũ chuyên trách và cán bộ công chức, viên chức; Tăng cường đào tạo bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn.
5. Phát triển hạ tầng kỹ thuật: Triển khai xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung của tỉnh; Thực hiện kết nối liên thông 4 cấp phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc; Tiếp tục triển khai đồng bộ việc cung cấp chữ ký số chuyên dùng; Đảm bảo chất lượng hoạt động của các hệ thống thông tin đã triển khai; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống mạng LAN, kết nối đường truyền số liệu chuyên dùng cho tất cả các sở, ban, ngành, địa phương; Mở rộng, nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu đã đề ra, như sau:
1. Giải pháp môi trường pháp lý: Ban hành các chính sách, văn bản tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng công nghệ thông tin; Tăng cường chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực thi hành các văn bản; Xây dựng các văn bản liên quan quy định về triển khai xây dựng Chính quyền điện tử.
2. Giải pháp tài chính: Ủy ban nhân dân tỉnh sử dụng nguồn ngân sách hàng năm của tỉnh và nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương để triển khai các dự án đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ thông tin; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình, dự án ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn; Các sở, ban, ngành chủ động trích nguồn ngân sách chi thường xuyên hàng năm của đơn vị để đầu tư hợp lý cho hoạt động bảo trì, nâng cấp hạ tầng; Khuyến khích các đơn vị tăng cường việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin đối với các dịch vụ phù hợp.
3. Giải pháp gắn kết chặt chẽ ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính: Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Nội vụ được giao nhiệm vụ tham mưu thực hiện Chương trình phối hợp giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Nội vụ; Thực hiện chuẩn hóa quy trình, thủ tục hành chính; Tiếp tục củng cố hệ thống chỉ tiêu về hiện đại hóa hành chính trong kế hoạch cải cách hành chính hàng năm; Gắn vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương về kết quả đánh giá chỉ số cải cách hành chính.
4. Giải pháp đảm bảo an toàn thông tin: Triển khai thực hiện việc đánh giá đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ đối với các hệ thống thông tin; Thực hiện việc kiểm tra đánh giá định kỳ, đột xuất về công tác đảm bảo an toàn thông tin; Xây dựng và triển khai kế hoạch ứng phó sự cố đảm bảo an toàn thông tin mạng cấp tỉnh; Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện giám sát an toàn thông tin theo quy định tại Thông tư 31/2017/TT-BTTTT ngày 15/11/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông; Bảo trì, bảo dưỡng, mua sắm, gia hạn kịp thời bản quyền phần mềm cơ sở hạ tầng thông tin của Trung tâm tích hợp dữ liệu; Tổ chức hoạt động của Đội ứng cứu sự cố mạng, máy tính của tỉnh.
5. Giải pháp tổ chức: Phát huy vai trò của Ban chỉ đạo công nghệ thông tin tỉnh; Sở Thông tin và Truyền thông là đầu mối tham mưu cho UBND tỉnh; Thường xuyên đánh giá, kiểm tra và nhắc nhở về mức độ ứng dụng hiệu quả các hệ thống công nghệ thông tin của các đơn vị, địa phương.
Trần Thị Duyên