Đang xử lý.....

Hưng Yên: Báo cáo kết quả ứng dụng Công nghệ thông tin năm 2016  

Năm 2016, công tác ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã đạt được một số thành tựu đáng chú ý. Bên cạnh việc phê duyệt, ban hành một số văn bản chỉ đạo, điều hành, văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển ứng dụng CNTT
Thứ Năm, 03/11/2016 1223
|

 Tỉnh còn đầu tư xây dựng cơ bản đồng bộ hạ tầng kỹ thuật CNTT tại các cơ quan, đơn vị và địa phương nhằm đảm bảo điều kiện để triển khai và sử dụng các ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền. Các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh, công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cũng được đầu tư, phát triển tạo nền tảng phát triển Chính quyền điện tử tỉnh. Mặt khác, các HTTT phục vụ công tác quản lý, điều hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp tiếp tục phát huy, sử dụng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước; Từng bước nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, viên chức trong việc ứng dụng CNTT, sử dụng văn bản điện tử, an toàn thông tin  và thay đổi phương thức hoạt động của các cơ quan, đơn vị - chuyển từ làm việc dựa trên văn bản giấy sang môi trường mạng dựa trên văn bản điện tử.

Song song với những thành tựu đạt được, việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Tại một số cơ quan, đơn vị - công tác ban hành văn bản chỉ đạo, văn bản pháp quy tạo hành lang pháp lý cho triển khai ứng dụng CNTT chưa được lãnh đạo quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Ứng dụng CNTT chưa bám sát các yêu cầu cải cách hành chính; Chưa khai thác tốt hạ tầng và ứng dụng CNTT hiện có; tỷ lệ cán bộ ,công chức sử dụng thư điện tử công vụ, HTTT dùng chung của tỉnh còn thấp – chưa tương xứng với tiềm năng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng như yêu cầu của công việc; Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức còn ngại thay đổi thói quen làm việc, chưa tích cực ứng dụng CNTT để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công việc. Đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT tại các đơn vị còn yếu về chuyên môn chưa đáp ứng được công việc, chưa chủ động tham mưu cho lãnh đạo trong việc ứng dụng CNTT tại đơn vị; Hoạt động cung cấp thông tin trên cổng thông tin điện tử của một số đơn vị chưa được thường xuyên và kịp thời. Một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 triển khai cho các ngành thực hiện nhưng kết quả sử dụng chưa cao, do đó dẫn đến người dân và doanh nghiệp chưa quan tâm, sử dụng nhiều, chưa thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên địa bàn tỉnh; Đầu tư hạ tầng và ứng dụng CNTT còn hạn chế, thiếu đồng bộ so với yêu cầu đặt ra để phát triển Chính quyền điện tử của tỉnh; nguồn kinh phí để nâng cấp, duy trì hoạt động của Trung tâm dữ liệu tỉnh, hệ thống quản lý văn bản điều hành của tỉnh còn hạn hẹp, chưa thường xuyên; Chưa có chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao về CNTT và chính sách ưu đãi đối với cán bộ, công chức chuyên trách CNTT tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Với mục đích nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong các CQNN trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới – tỉnh Hưng Yên đề xuất UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong việc ứng dụng CNTT; Tăng cường sử dụng và trao đổi văn bản điện tử trong hoạt động quản lý điều hành trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; Ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, quy định trong lĩnh vực CNTT, tạo môi trường hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển hạ tầng và ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh; Ưu tiên bố trí ngân sách tỉnh cho các nhiệm vụ ứng dụng CNTT theo kế hoạch ứng dụng CNTT hàng năm và theo giai đoạn đã được phê duyệt. Tăng cường thuê dịch vụ để triển khai ứng dụng CNTT cho phù hợp với đặc thù của công nghệ, duy trì hoạt động ổn định, tiết kiệm kinh phí; Triển khai chương trình, kế hoạch nâng cao nhận thức, năng lực và hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sử dụng hiệu quả dịch vụ công.

Đối với Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉnh đề xuất Bộ tiếp tục hỗ trợ ngân sách Trung ương cho các địa phương còn khó khăn về ứng dụng và phát triển CNTT, xây dựng Chính quyền điện tử đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và phát triển hạ tầng CNTT; Hỗ trợ địa phương thực hiện kết nối, liên thông các HTTT từ Trung ương tới địa phương theo mô hình Khung Chính phủ điện tử Việt Nam; Tăng cường đào tạo chuyên sâu CNTT cho cán bộ chuyên trách về CNTT các tỉnh, thành phố, nhất là đào tạo về an toàn, bảo mật thông tin. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về an toàn, an ninh thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị. Tham mưu đề xuất Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi, thu hút chuyên gia giỏi về CNTT phục vụ trong CQNN.

Trần Thị Hưng Bình, Cục Tin học hóa