Kế hoạch cung cấp dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên mức độ 4 với mục tiêu chung:
Hoàn thành các chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025.
Cung cấp đầy đủ 100% các dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh ở mức độ 4 (đối với các thủ tục đủ điều kiện).
Nâng tỷ lệ tích hợp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh lên Cổng Dịch vụ công quốc gia tăng thêm 20% so với năm 2020; tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công đạt 25%; tỷ lệ TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 50%; 100% kết quả xử lý hồ sơ TTHC được đồng bộ đầy đủ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; 100% hồ sơ của hệ thống một cửa điện tử của tỉnh được đồng bộ trạng thái trên Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ việc theo dõi, giám sát, đánh giá.
Theo đó, mục tiêu cụ thể gồm:
Hoàn thiện Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đáp ứng việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh; đáp ứng quy định về tiêu chí chức năng, tính năng kỹ thuật.
Đảm bảo 100% thủ tục hành chính có biểu mẫu eform nhằm hỗ trợ công dân, doanh nghiệp điền dữ liệu trực tiếp thông tin.
Bổ sung nhiều phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán phí, lệ phí (nếu có) trực tuyến, khi sử dụng dịch vụ công của tỉnh.
Hỗ trợ, hướng dẫn, tuyên truyền, phổ cập kỹ năng để người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến nhằm nâng cao số lượng hồ sơ xử lý trực tuyến của mỗi dịch vụ công.
Ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên mức độ 4 của các cơ quan nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021.
Bên cạnh các mục tiêu cơ bản, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đưa ra các nhiệm vụ thực hiện, cụ thể:
1. Thống nhất các biểu mẫu, thành phần hồ sơ trong quy trình điện tử giải quyết hồ sơ TTHC; hoàn thiện việc xây dựng, ban hành quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong xử lý hồ sơ TTHC.
2. Hoàn thiện biểu mẫu e-Form: trong đó “20% thông tin của người dân được tự động nhập vào biểu mẫu trực tuyến” quy định tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ. Hoàn thiện đầy đủ các chức năng của e-form, đảm bảo cung cấp công cụ ký số, đồng bộ với Cổng dịch vụ công tỉnh; dữ liệu chỉ phải nhập 01 lần đối với nguồn dữ liệu đầu vào, được cập nhật, khai thác ở Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để phục vụ nhu cầu chuyển đổi số của các ngành.
3. Xác thực thông tin công dân từ CSDL Quốc gia về Dân cư: triển khai kết nối với CSDL quốc gia về dân cư thông qua Trục tích hợp, chia sẻ dữ liệu toàn quốc và của địa phương (NGSP-LGSP).
4. Danh mục các hạng mục rà soát TTHC đủ điều kiện triển khai; đơn vị thực hiện và mốc thời gian hoàn thành cụ thể như sau:
- Ban hành Kế hoạch triển khai cung cấp 100% DVC trực tuyến mức độ 4 năm 2021 của tỉnh Thừa Thiên Huế, do Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện (tháng 8)
- Bổ sung nhiệm vụ của Ban chỉ đạo và tổ giúp việc xây dựng Chính quyền điện tử, Chuyển đổi số và đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế, do Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện (tháng 8)
- Rà soát danh mục TTHC/DVC trực tuyến chưa đủ điều kiện lên mức độ 4 để nâng cao tỷ lệ DVC mức độ 4, do các Sở, ban, ngành tỉnh thực hiện (tháng 9)
- Báo cáo kết quả rà soát DVC mức độ 4 do Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện (tháng 9)
- Ban hành Quyết định phê duyệt danh mục DVC mức độ 4 năm 2021 (đủ điều kiện), do Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện ( trước 30 tháng 9)
- Tích hợp các dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của tỉnh, do Văn phòng UBND tỉnh thực hiện (tháng 11)
- Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch, do Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện (trước 15 tháng 12 năm 2021)
Để đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị:
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh:
Tăng cường việc giám sát, kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến, nhất là các dịch vụ công đã được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia;
Duy trì tài khoản quản trị, theo dõi, giám sát các cơ quan, đơn vị trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ một cửa, kiến nghị, phản ảnh, từ Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Sở Thông tin và Truyền thông
Chủ trì, phối hợp các cơ quan và đơn vị có liên quan để nâng cấp và hoàn thiện Hệ thống thông tin một cửa điện tử và Cổng Dịch vụ công của tỉnh phục vụ tiếp nhận, giải quyết TTHC, cung cấp công cụ đáp ứng triển khai dịch vụ công trực tuyến đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chức năng theo quy định. Đồng thời thường xuyên cập nhật, nâng cấp Cổng Dịch vụ công tỉnh đảm bảo khả năng thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp sử dụng; đảm bảo an toàn thông tin của hệ thống và đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt. Hoàn thành xây dựng Quy chế hoạt động Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh.
Thực hiện rà soát, nâng cấp Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và theo các quy định của Trung ương.
Chủ trì, phối hợp với các sở ngành, địa phương tiếp tục duy trì và đảm bảo các chỉ tiêu về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đồng bộ kết quả xử lý hồ sơ, kết nối, tích hợp sử dụng hệ thống thanh toán trực tuyến, cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Chủ trì, phối hợp các sở ngành, địa phương thực hiện tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo từng giai đoạn; tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đủ điều kiện để tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Chủ trì triển khai tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến và các chức năng, tiện ích khác trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, trong đó cần lưu ý thực hiện tốt cả công tác truyền thông nội bộ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh để tạo hiệu ứng lan tỏa trong triển khai thực hiện.
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành hướng dẫn các bước thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, tham mưu xây dựng mẫu quy trình nội bộ, để thiết lập quy trình điện tử giải quyết thủ tục hành chính trên phần mềm Hệ thống xử lý một cửa tập trung tỉnh Thừa Thiên Huế thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh.
Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh:
Trên cơ sở các thủ tục hành chính các sở, ban, ngành được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 năm 2021 của tỉnh thuộc phạm vi chức năng quản lý, thẩm quyền giải quyết. Phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh trong việc tích hợp dịch vụ công mức độ 4 từ Cổng Dịch vụ công tỉnh lên Cổng Dịch vụ công quốc gia khi có yêu cầu.
UBND các huyện, thị xã, thành phố:
Trên cơ sở danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của UBND cấp huyện (bao gồm các TTHC của UBND cấp xã) chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành thường xuyên chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND cấp huyện thực hiện việc tái cấu trúc quy trình các dịch vụ công đủ điều kiện, tích hợp, cung cấp kịp thời trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 năm 2021 của tỉnh thuộc phạm vi chức năng quản lý, thẩm quyền giải quyết.
Nguyễn Hạnh