Tham dự phiên họp có các thành viên Hội đồng Giám đốc CNTT của cơ quan nhà nước 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực miền Bắc, Lãnh đạo các đơn vị liên quan đến công nghệ thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng - Chủ tịch Hội đồng điều khiển, chỉ đạo cuộc họp
Phiên họp đã tập trung thảo luận các nội dung:
1. Bàn về Hướng dẫn triển khai thuê dịch vụ CNTT theo Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ
Đại diện Vụ Công nghệ thông tin - Bộ TTTT báo cáo tình hình triển khai, định hướng và đề xuất giải pháp tháo gỡ việc thuê dịch vụ CNTT theo Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg. Theo đó, trong thời gian qua, mặc dù vẫn có những khó khăn, vướng mắc khi triển khai Quyết định 80/2014/QĐ-TTg, nhưng một số Bộ, ngành, địa phương cũng đã quyết liệt triển khai việc thuê dịch vụ CNTT đối với một số hoạt động, dịch vụ CNTT, cụ thể như: Phần mềm quản lý và điều hành văn bản điện tử; Hệ thống thông tin giám định Bảo hiểm Y tế.
Tuy nhiên, nguồn kinh phí bố trí cho hoạt động ứng dụng CNTT nói chung cũng như cho hoạt động thuê dịch vụ CNTT từ nguồn ngân sách Trung ương lẫn địa phương còn hạn chế, nhất là việc lập dự toán, định giá, dự toán thuê dịch vụ CNTT, xác định dịch vụ nào nên thuê… nên ảnh hướng đến quá trình triển khai dịch vụ.
2. Về sử dụng chữ ký số trong cơ quan nhà nước
Lãnh đạo Sở TTTT các tỉnh Bắc Kạn, Quảng Ninh đã trình bày tham luận về việc triển khai chữ ký số của tỉnh và nêu ra những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại mong muốn các thành viên cùng tháo gỡ là: Quy định cụ thể về lưu trữ văn bản được ký số hoàn toàn (đơn vị ký số, lãnh đạo ký số, thể thức văn bản ký số); Xác thực chéo giữa chứng thư số chuyên dùng và chứng thư số công cộng; Xây dựng hệ thống chứng thực số riêng (SubCA) cho tỉnh; Quy định cụ thể hơn về tính pháp lý của chữ ký số trong giao dịch điện tử.
Tại cuộc họp, đại diện Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia và Ban Cơ yếu Trung ương đã giải thích một số nội dung và ghi nhận những nội dung còn tồn tại để nghiên cứu giải quyết.
3. Lựa chọn mô hình cung cấp các dịch vụ hành chính công ở mức độ 3, 4
Lãnh đạo Sở TT&TT tỉnh Thanh Hóa trình bày tham luận về lựa chọn mô hình cung cấp các dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh và đưa ra một số đề xuất kiến nghị với Chính phủ và Bộ TTTT là: (i) Đôn đốc, hướng dẫn các Bộ/ngành liên quan xây dựng và triển khai sớm các CSDL quốc gia để tạo thuận lợi cho việc triển khai cung cấp DVCTT mức độ cao; (ii) Công bố danh mục các sản phẩm phần mềm, các doanh nghiệp có thể đáp ứng cung cấp DVCTT mức độ 3, 4; các định mức thuê phần mềm… để các địa phương triển khai thuê ngoài dịch vụ thuận lợi; (iii) Hỗ trợ các tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối thu, chi tài chính để tăng cường hiệu quả đầu tư cung cấp DVCTT.
4. Về triển khai “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc mã định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành”
Cục Tin học hóa - Bộ TTTT giới thiệu các nội dung và việc triển khai “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc mã định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành” (Quy chuẩn số 102:2016/BTTTT). Theo đó, dự kiến trong tháng 7/2016, Bộ TTTT sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức lớp tập huấn về thực hiện Quy chuẩn; tháng 8/2016, Cục Tin học hóa sẽ xây dựng hướng dẫn về việc tiếp nhận, đăng ký công bố hợp quy, thực hiện quản lý, hướng dẫn và kiểm tra việc công bố hợp quy của Quy chuẩn.
5. Giải pháp kết nối thông tin của VNPost với các địa phương để phục vụ cho chuyển phát kết quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Đại diện Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) đã trình bày giải pháp và kiến nghị: các tỉnh tạo điều kiện và cho phép Bưu điện Việt Nam được phép kết nối về CNTT với các hệ thống CNTT của các UBND để cung cấp dịch vụ chuyển phát cho người dân theo các cấp độ dịch vụ công trực tuyến được quy định tại Nghị định 43/2011/NĐ-CP. VNPost cũng mong muốn được phối hợp với các Bộ/Ngành/UBND để xây dựng giải pháp tổng thể trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
6. Thảo luận về tiêu chí đánh giá chính quyền điện tử cấp xã/phường, quận/huyện
Lãnh đạo Sở TTTT tỉnh Hà Tĩnh đã có báo cáo tham luận trong đó đề xuất Hội đồng xem xét và cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá Chính quyền điện tử cấp xã/phường, cấp quận/huyện dựa trên 2 nhóm tiêu chí: (i) Nhóm tiêu chí chủ quan: Đánh giá theo 4 giai đoạn của Chính quyền điện tử (theo 1178/BTTTT-THH ngày 21/4/2015 của Bộ TTTT); (ii) Nhóm tiêu chí khách quan: Đánh giá sự phản hồi từ người dân và doanh nghiệp trên cơ sở thụ hưởng kết quả của Chính quyền điện tử và thực tế hoạt động của Chính quyền điện tử trên môi trường mạng.
Đại diện Cục Tin học hóa cũng đã giới thiệu một Bộ tiêu chí do Cục nghiên cứu và đề xuất phối hợp với Sở TTTT tỉnh Hà Tĩnh thử nghiệm đánh giá cho các huyện, xã, sau đó sẽ hoàn thiện để các tỉnh có thể áp dụng.
Thành viên Hội đồng tham gia phát biểu, thảo luận
Kết thúc phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đã kết luận và chỉ đạo việc giải quyết từng nội dung như sau:
1. Đánh giá cao những ý kiến, tham luận của các đại biểu, đặc biệt là các ý kiến liên quan đến việc thuê dịch vụ CNTT, làm cho phiên họp được hiệu quả.
2. Đề nghị các thành viên Hội đồng đẩy mạnh việc trao đổi, làm việc qua môi trường mạng, qua Website của Hội đồng.
3. Về nội dung thuê dịch vụ CNTT Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: đề nghị Vụ CNTT tổng hợp ý kiến các thành viên, xây dựng báo cáo tổng hợp các vấn đề liên quan đến việc thực hiện Quyết định 80 để báo cáo Chính phủ (chú ý: gửi xin ý kiến các thành viên Hội đồng trước khi báo cáo Chính phủ).
4. Về nội dung CKS: đề nghị Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia và Ban Cơ yếu Chính phủ sớm nghiên cứu xây dựng hướng dẫn cho các tỉnh về xác thực chéo; đánh giá nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định 26/2007/NĐ-CP; Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia sang làm việc trực tiếp với Bộ Nội vụ về thể thức ký số trong văn bản điện tử.
5. Về Mô hình triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4: Khi có điều kiện sẽ tham quan mô hình của Thanh Hóa, các tỉnh có thể tham khảo mô hình Thanh Hóa, nghiên cứu đưa ra mô hình hiệu quả cho tỉnh mình.
6. Về triển khai Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc mã định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành: Đề nghị Cục Tin học hóa phối hợp với Vụ Khoa học và Công nghệ và Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sớm tổ chức lớp tập huấn Quy chuẩ cho các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp.
8. Về giải pháp kết nối thông tin của VNPost: Các tỉnh xem xét phối hợp với VNPost triển khai giải pháp chuyển kết quả DVCTT qua bưu điện khi có điều kiện.
9. Về xây dựng tiêu chí đánh giá chính quyền điện tử cấp xã/phường, quận/huyện: giao Cục Tin học hóa nghiên cứu xây dựng tiêu chí, quy trình đánh giá; phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh triển khai đánh giá thử nghiệm, sau đó xem xét đề xuất triển khai nhân rộng (có thể xây dựng thành Thông tư quy định về việc này).
Lê Quốc Hưng - Cục Tin học hóa