Dự và chỉ đạo Hội nghị có Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, ông Nguyễn Thanh Bình – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, cán bộ TT&TT các tỉnh khu vực phía Nam.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh: Chính phủ điện tử là xu thế tất yếu, là mô hình phổ biến của nhiều quốc gia, ở đó, hoạt động cũng như việc quản lý của các cơ quan nhà nước sẽ được nâng cao và minh bạch, việc phục vụ nhân dân và doanh nghiệp, các cá nhân và tổ chức sẽ được nhanh hơn và tốt hơn.
Ngày 26/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1819 về Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 – 2020, trong đó quy định rõ vai trò, trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương trong xây dựng, triển khai kiến trúc Chính phủ điện tử. Do vậy, các địa phương phải sẵn sàng về công nghệ lẫn nhân lực để triển khai ứng dụng vào thực tiễn.
Đại diện Bộ TT&TT cũng thông tin thêm: mục đích xây dựng Chính phủ điện tử là nhằm tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng thông tin, cơ sở hạ tầng thông tin; tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư, đảm bảo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ, tiết kiệm chi phí, thời gian của cơ quan nhà nước; nâng cao tính linh hoạt trong điều hành và quản lý.
Cần khắc phục việc một số địa phương chỉ thực hiện hình thức, mới dừng lại ở mức hiện diện cho có chứ chưa có tương tác, chưa thực sự phát sinh giao dịch và chuyển đổi thông tin giải quyết thủ tục giữa cơ quan nhà nước và nhân dân trên môi trường internet.
Hội nghị tập huấn đã giới thiệu đến các đại biểu Chương trình khung Chính phủ điện tử của Trung ương và chính quyền điện tử cấp tỉnh. Ở Chương trình khung chính quyền điện tử cấp tỉnh sẽ tích hợp nhiều dịch vụ công, các ứng dụng và chia sẻ dữ liệu dùng chung, các văn bản chỉ đạo, phục vụ điều hành, quản lý.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: Tuy phải đối mặt với những khó khăn chung của đất nước nhưng trong giai đoạn 2011-2015 tỉnh An Giang đã mạnh dạn đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý nhà nước; công tác cải cách hành chính và phục vụ nhân dân, để góp phần vào sự thành công xây dựng chính quyền điện tử ở tỉnh An Giang nói riêng và chính quyền điện tử Việt Nam nói chung. Chúng ta phải luôn nhận thức rằng CNTT là hạ tầng của “ Hạ tầng”, đồng thời là một hạ tầng thiết yếu cần ưu tiên đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020.
Do đó những kết quả đạt được trên lĩnh vực thông tin và truyền thông trong những năm qua, không chỉ thể hiện sự phát triển ngày càng lớn mạnh, một bước đi tiên phong mang tính đột phá của ngành mà còn có hiệu ứng tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong tỉnh, góp phần khai thác tối ưu nguồn lực của tỉnh, phục vụ công tác quản lý nhà nước, công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Phó chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, lãnh đạo tỉnh sẽ luôn đồng hành, luôn tạo điều kiện về mọi mặt để ngành thông tin và truyền thông tỉnh phát triển một cách tốt nhất, đồng bộ, bền vững và hiện đại./.