Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhận định: Việc phát triển và ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước đã có những “kết quả đáng mừng” và “được triển khai mạnh mẽ”. 90% cán bộ công chức được trang bị máy tính phục vụ công việc hàng ngày. 100% cơ quan nhà nước được trang bị hệ thống văn bản quản lý điều hành, thư điện tử. Tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đều có Cổng Thông tin điện tử, hầu hết các cổng này đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 2, một số đã cung cấp dịch vụ công ở mức độ 3 và mức độ 4.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ ra bốn tồn tại cần phải khắc phục trong tiến trình phát triển và ứng dụng CNTT. Ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước vẫn mang tính nội bộ, “thiếu tính kết nối, chia sẻ thông tin trên diện rộng”. Dịch vụ công trực tuyến cung cấp cho người dân ở mức độ cao còn chưa nhiều, trong trường hợp được cung cấp ở mức độ 3 hoặc 4 thì vẫn còn nhiều tồn tại, gây cản trở cho việc tiếp cận dễ dàng với dịch vụ công trực tuyến của người dân. Việc xây dựng hệ thống thông tin quy mô lớn, cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử còn chậm. Đặc biệt là việc “đầu tư cho CNTT” còn “chưa đồng bộ”, có sự “chồng chéo” giữa các Bộ, ngành và địa phương.
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình bày về khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 1, Đề cương Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ; Áp dụng tiêu chuẩn CNTT trong Kiến trúc Chính phủ điện tử; An toàn thông tin trong Kiến trúc Chính phủ điện tử. Ngoài ra, còn có bài tham luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, triển khai mô hình, kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ.
Việc xây dựng được một khung kiến trúc chung cho CPĐT là nhu cầu rất cấp thiết để khắc phục triệt để 4 tồn tại nêu trên. Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh: Việc xây dựng khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, khung kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ, ngành, địa phương là “rất cấp thiết”.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, Bộ TT&TT đã ban hành văn bản số 1178 ngày 21/4/2015 về khung kiến trúc CPĐT Việt Nam phiên bản 1 và trước đó đã ban hành văn bản số 2384 ngày 28/7/2015 hướng dẫn mẫu đề cương xây dựng khung kiến trúc Chính phủ điện tử. Mới đây nhất, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết về Chính phủ điện tử.
Trong cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ chiều qua xung quanh việc ban hành Nghị quyết số 36a của Chính phủ về CPĐT, Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà cũng chia sẻ đây là lần đầu tiên Chính phủ ban hành một Nghị quyết về Chính phủ điện tử, với kỳ vọng nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước; đáp ứng, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; thúc đẩy cải cách hành chính; tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Ba mục tiêu chủ yếu để xây dựng CPĐT là: Liên thông văn bản điện tử từ Chính phủ đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; 100% dịch vụ công được cung cấp qua mạng điện tử; Xây dựng Cổng dịch vụ công Quốc gia tại một địa chỉ duy nhất trên mạng điện tử.
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2016, tất cả các dịch vụ công phải được cung cấp ở mức độ 3, mức độ 4.
Bùi Thu Hằng, Phòng Kế hoạch, Cục Tin học hóa