Về công tác chỉ đạo điều hành: Tỉnh đã ban hành nghị quyết về xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số; thông qua Đề án Xây dựng chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020-2025; nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Chính quyền diện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 và các văn bản chỉ đạo điều hành khác.
Về hạ tầng kỹ thuật:
Tính đến nay, 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn Tỉnh đã có mạng Internet và hệ thống mạng nội bộ (LAN). Tỷ lệ cán bộ, công chức (CBCC) tại cơ quan nhà nước cấp tỉnh được trang bị máy tính đạt 100%; tỷ lệ CBCC tại UBND cấp huyện trang bị máy tính đạt 100%; tỷ lệ CBCC tại UBND cấp xã trang bị máy tính đạt 98%.
Tỉnh tiếp tục sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng và Nhà nước để đảm bảo hoạt động của Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến Tỉnh phục vụ công tác chỉ đạo và điều hành và vận hành các hệ thống dùng chung của Tỉnh.
Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh đang hoạt động rất hiệu quả là nền móng cơ sở hạ tầng cho Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh, nền tảng tích hợp đảm bảo kết nối được với các thành phần của Đô thị thông minh; tạo ra công cụ nhằm cung cấp thông tin trực quan về các vấn đề liên quan để hỗ trợ cho các cơ quan chức năng, chính quyền đô thị trong hoạt động quản lý, kiểm soát và cung ứng dịch vụ; ứng dụng công nghệ thông tin để cho phép người lãnh đạo, cán bộ có thể nắm bắt thông tin hiện trường, trực tiếp chỉ đạo các đơn vị; hình thành cơ sở dữ liệu tích hợp tiến đến một cơ sở dữ liệu mở.
Trung tâm tích hợp dữ liệu của Tỉnh hoạt động thông suốt 24/24h phục vụ cho các phần mềm dùng chung, các hệ thống của Tỉnh như: Dịch vụ web, cơ sở dữ liệu (quản lý văn bản, dịch vụ công trực tuyến), Trang thông tin điện tử của các đơn vị và Cổng thông tin điện tử của Tỉnh và của Tỉnh ủy.
100% các sở, ban, ngành tỉnh; UBND huyện, thị xã, thành phố đã có Cổng/Trang Thông tin điện tử.
Về các hệ thống nền tảng
Đã triển khai Trục LGSP cho Tỉnh và đã kết nối 10 dịch vụ với NGSP của Chính phủ (Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch, Hệ thống cấp phiếu Lý lịch tư pháp trực tuyến, Liên thông khai sinh và cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi, cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký Doanh nghiệp, Hệ thống hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trực tuyến toàn quốc (PayGov), Danh mục điện tử dùng chung, Cấp mã số cho các đơn vị có quan hệ với ngân sách, cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản Quy phạm pháp luật, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, Hệ thống VNPOST thực hiện Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg).
Hệ thống xác thực (SSO) đã kết nối các ứng dụng dùng chung: Hệ thống Thư điện tử, Cổng Dịch vụ công trực tuyến, Hệ thống thông tin một cửa điện tử, Hệ thống Quản lý văn bản, Hệ thống Trang thông tin điện tử và một số dịch vụ trong triển khai thí điểm đô thị thông minh: App HauGiang, Hệ thống Báo cáo kinh tế - xã hội...
Về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ:
+ Phần mềm Quản lý văn bản cho tất cả các sở, ngành tỉnh; UBND huyện, thị xã, thành phố; UBND xã, phường, thị trấn với 372 đơn vị sử dụng. Số lượng người sử dụng: 4.000 tài khoản. 100 % đơn vị sử dụng hệ thống đã liên thông với Trục liên thông văn bản Quốc gia đảm bảo việc gửi, nhận văn bản điện tử thông suốt từ Trung ương đến địa phương.
Hệ thống tích hợp chữ ký số nên tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo, điều hành và xử lý văn bản theo quy định. Các đơn vị đã khai thác có hiệu quả các tính năng của phần mềm như ký số trực truyến, tìm kiếm, tiếp nhận xử lý văn bản đến, tạo lập, phát hành văn bản đi, gửi nhận văn bản liên thông với Văn phòng Chính phủ…, giúp việc tra cứu, khai thác văn bản được thuận lợi, nhanh chóng, rút ngắn thời gian xử lý công việc hàng ngày của các cơ quan, góp phần cải cách hành chính.
+ Triển khai HauGiang App (phản ánh hiện trường, đặt lịch khám chữa bệnh, giám sát môi trường…) các dịch vụ về y tế thông minh và giáo dục thông minh. Ứng dụng di động duy nhất trong Tỉnh cho phép người dân phản ánh hiện trường về Trung tâm điều hành, cho phép đăng ký dịch vụ công trực tuyến, đặt lịch khám bệnh, xem giá cả nông sản và giao dịch mua bán,…
+ Hệ thống Báo cáo kinh tế - xã hội đã được triển khai. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, quy trình nghiệp vụ và các tiện ích, thuật toán dự báo các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Tỉnh.
+ Chữ ký số chuyên dùng đã được tích hợp vào hệ thống phần mềm Quản lý văn bản tại các cơ quan, đơn vị và được triển khai phục vụ thực hiện trong ứng dụng quản lý văn bản, khai báo thuế, bảo hiểm xã hội và ngành thuế. Việc triển khai sử dụng chữ ký số chuyên dùng trong nhiều ứng dụng giúp vừa tiết kiệm, vừa phát huy hiệu quả sử dụng và đảm bảo an toàn thông tin.
+ Hệ thống Thư điện tử tỉnh đã cấp được 9.800 tài khoản, trên 80% cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trao đổi công việc. Đây cũng là hệ thống xác thực tập trung (SSO - Single Sign On và Single Sign Out) trong Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Hậu Giang.
+ Phần mềm Quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong Tỉnh đã triển khai cho 707 cơ quan, đơn vị sử dụng, cụ thể:
Đối với sở, ban, ngành tỉnh: Có 24 đơn vị và 77 đơn vị trực thuộc.
Đối với cấp huyện: Có 08 đơn vị huyện, thị xã, thành phố và 107 phòng, ban chuyên môn thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố.
Đối với cấp xã: Có 75 xã, phường, thị trấn.
Đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục: Có 23 trường Trung học phổ thông và 296 đơn vị trường Trung học cơ sở, Tiểu học, Mẫu giáo và Mầm Non.
Đối với đơn vị sự nghiệp Y tế: Có 93 trung tâm và trạm y tế.
Hiện tại hồ sơ được cập nhật trên phần mềm Quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức là 15.946 hồ sơ.
Số lượng hồ sơ hoàn chỉnh khoảng 7.000 hồ sơ, số hồ sơ còn lại các đơn vị đang cập nhật một số trường thông tin như: Nhân thân (lý lịch), bảo hiểm xã hội,…
+ Hệ thống họp trực tuyến đã được triển khai sử dụng ổn định, hiệu quả từ UBND tỉnh đến UBND cấp huyện, góp phần phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí cho tổ chức các cuộc họp, hội nghị, đặc biệt phục vục tốt triển khai Nghị quyết của Trung ương đến các cấp cơ sở.
Về Ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp
- Cổng Thông tin điện tử Tỉnh đã được xây dựng mới và đưa vào vận hành chính thức từ ngày 15/7/2020, gồm 31 cổng thành phần của các sở, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố và 5 cổng, trang độc lập của các đơn vị. Cổng được cập nhật thường xuyên, nội dung thông tin luôn bám sát định hướng tuyên truyền của Đảng và Nhà nước và theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP. Các văn bản chỉ đạo, điều hành của trung ương và địa phương, các hoạt động, sự kiện của của Tỉnh, của ngành cũng được đăng tải kịp thời và chính xác, thể hiện được vai trò cung cấp thông tin chính thống của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; đồng thời, từng bước đẩy mạnh quá trình minh bạch thông tin, phục vụ cho công tác quản lý của cơ quan và nhu cầu khai thác thông tin của tổ chức và cá nhân.
- Cổng Dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống Một cửa điện tử
Triển khai tại 18 đơn vị cấp Tỉnh, 8 đơn vị cấp huyện và 75 đơn vị cấp xã. Hệ thống là đầu mối tập trung ở cấp tỉnh, kết nối liên thông tới cả 3 cấp chính quyền để theo dõi, cập nhật, thống kê, tổng hợp thông tin về tình hình, kết quả giải quyết hồ sơ TTHC của tất cả các sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và chia sẻ dữ liệu theo hướng dẫn.
Cổng đã cập nhật 1.933 thủ tục hành chính thuộc danh mục thủ tục hành chính của các đơn vị trong Tỉnh. Trong đó, cung cấp 1.532 dịch vụ mức độ 2, 91 mức độ 3 và 310 mức độ 4. Hệ thống đã liên thông và cập nhật các thủ tục hành chính lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đã thực hiện việc đồng bộ số liệu thống kê xử lý hồ sơ cho Cổng dịch vụ công quốc gia; tích hợp, dùng chung hệ thống xác thực (SSO) của Cổng Dịch vụ công quốc gia; tích hợp và công khai trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Tỉnh Bộ câu hỏi/trả lời về những vấn đề thường gặp trong quá trình giải quyết TTHC; Tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 14 thủ tục mức độ 3, 4. Tỉnh đã chuẩn hóa các quy trình thủ tục còn lại sẵn sàng cho việc tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Mai Cường